Kiến trúc là một bộ môn nghệ thuật, tác phẩm kiến trúc có giá trị phải có chất lượng trong sáng tạo và phù hợp với xu thế thời đại, để trong tương lai sẽ trở thành những di sản giá trị của đô thị. Kiến trúc cũng là sự biểu hiện của văn hóa và với bối cảnh giao thương để phát triển thì sự giao thoa văn hóa là điều tất yếu, dễ hiểu, không chỉ dừng ở giao thoa giữa các vùng miền mà còn với các nền văn hóa khu vực, quốc tế. Sự thay đổi về chính trị, sự chuyển đổi về kinh tế và cả sự thay thế của người có trách nhiệm quản lý dẫn đến thay đổi cả về định hướng kiến trúc, phong cách kiến trúc và tạo ra các tác phẩm, công trình kiến trúc chịu ảnh hưởng, mang hơi hướng tác động của các tác nhân đó.
Những tên phố Hàng ngày nay thể hiện được ngành nghề và mặt hàng của phường hội nghề truyền thống trước đây, làm cho bộ mặt xã hội đô thị phong phú. Tuy nhiên, thợ thủ công khi về kinh thành vẫn đem theo phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống, nếp nghĩ, những chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa từ làng quê họ sinh ra và lớn lên… làm cho văn hóa Thăng Long tỏa sáng, lung linh, phong phú và đa dạng hơn. Đồng thời cũng làm nên sự kết nối giữa các phố mà ở kinh thành và các làng nghề - nơi chốn của các nghệ nhân. Và Làng nghề - phố nghề đã trở thành nét đặc sắc của văn hóa làng nghề Hà Nội, đặc biệt ở quận Hoàn Kiếm trong trung tâm đô thị lịch sử và Khu phố Cổ là nơi đặc trưng, minh chứng rõ nét nhất.
Km0 nằm ở vị trí bưu điện của tỉnh thành, là mốc chuẩn về giờ và điểm xuất phát của các con đường tỉnh lộ. Điểm mốc Km0 thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm dù chưa có cột mốc nhưng là Km0 của quốc gia, không chỉ là chuẩn múi giờ quốc tế, điểm xuất phát của quốc lộ mà khu vực này nơi đây đang thực sự là điểm Khởi nguồn tiên phong, lan tỏa trong mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, sáng tạo nghệ thuật, tiền đề phát huy nguồn lực văn hóa làm sản phẩm phát triển kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ vào bất kể thời điểm nào của Trung tâm đô thị đặc thù này chính là nhịp đập Trái tim, hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội.
Trải qua hơn 10 thế kỷ, quận Ba Đình được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt - trung tâm hành chính, chính trị của Quốc gia, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước. Minh chứng hiện hữu của các di tích, khu vực đặc thù về chức năng, cảnh quan cũng như những giá trị văn hóa phi vật thể, là đặc điểm - giá trị đặc trưng, không thể có nơi nào so sánh và thay thế được.
Thập tam trại là tên gọi dân gian để nói về một vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long (nay bao gồm các địa danh: Thủ Lệ, Vạn Phúc, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Vĩnh Phúc, Xuân Biểu, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Giảng Võ) được vị công thần triều Lý tên Nguyễn Quý Công (Hoàng Phúc Trung hay Ông Hoàng Lệ Mật) người làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) lập công lớn và được vua ban thưởng tước lộc, song Ông đã không nhận mà tâu vua cho dân nghèo ở bản quán được vượt sông Nhị Hà sang khai hoang lập ấp ở phía tây thành Thăng Long, khai khẩn vùng đất hoang, lập 13 trại vừa là 13 ấp quân cơ để bảo vệ kinh đô, vừa là tạo nên các làng nghề, nông nghiệp trù phú, cung cấp các nhu yếu phẩm cho Kinh thành Thăng Long, như làng Ngọc Hà dệt lụa, trồng hoa, Hữu Tiệp nghề mộc, trồng hoa (Thời Pháp gọi chung với làng Ngọc Hà là Trại Hàng Hoa), Hào Nam trồng rau, Đại Yên làng thuốc.
Nếu quận Hoàn Kiếm được ví là Trái tim của Thủ đô mang hơi thở, nhịp đập mạnh mẽ ngày đêm thì quận Ba Đình lại là Khối óc của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cùng với hệ thống các di tích cấp độ khác nhau thì quần thể 3 Khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn quận Ba Đình là minh chứng sống động về vùng đất của quận duy nhất cả nước được lựa chọn là Trung tâm hành chính, chính trị, quyền lực lâu đời nhất của Việt Nam. Đặc điểm này là giá trị đặc trưng, không thể có nơi nào sánh được.