Giao thoa kiến trúc – giao thoa văn hóa, kiểm soát phát triển kiến trúc Hà Nội hội nhập
Giao thoa kiến trúc và các biểu hiện
Trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, có những giai đoạn Việt Nam bị phụ thuộc hay bị xâm chiếm. Các nước xâm lăng đều muốn áp đặt không chỉ về chính trị mà cả về văn hoá, nghệ thuật để đồng hoá và làm mất đi bản sắc của dân tộc Việt Nam, nhất là tại các khu vực đông dân cư và ở đô thị mang tính chất đầu não, trung tâm – thủ đô của đất nước.
Từ thời phong kiến thì một số cấu trúc thành lũy với kiểu dạng thức Vauban châu Âu hay một số chùa chiền ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa phía Bắc, Chăm miền Trung hay Khơ Me của Nam Bộ là biểu hiện của sự giao thoa kiến trúc với các nước.
Đặc biệt, từ khi thực dân Pháp xâm chiếm, phát triển các đô thị lớn thì việc áp đặt kiến trúc phương Tây không chỉ ở công trình kiến trúc riêng lẻ mà từ tổng thể quy hoạch. Ví như Hà Nội với mục tiêu xây dựng thành thủ phủ của Đông Dương thì ngay năm 1897, sau khi trở thành kiến trúc sư trưởng Hà Nội, kiến trúc sư Henri Vildieu bắt đầu quy hoạch lại theo phong cách quy hoạch đô thị phương Tây bằng việc xây dựng khu vực hành chính với hàng loạt trụ sở hành chính của Đông Dương và Bắc Kỳ, đưa nhà tù vào trung tâm khu dân cư, tương tự kiểu quy hoạch của nhiều thành phố Pháp thời đó. Năm 1924, Ernest Hébrard thực hiện kế hoạch đô thị hóa Hà Nội lần 1 trong đó quy hoạch lại khu vực hành chính vào trung tâm Hà Nội (khu Ba Đình hiện nay, phát triển các đường nhánh từ đại lộ có sẵn; Quy hoạch xung quanh khu vực hồ phía Tây Thành phố một không gian xanh như ở Paris. Kiến trúc sư trưởng Louis-Georges Pineau kế nhiệm Hébrand trong vai trò đưa ra kế hoạch đô thị hóa Hà Nội lần 2 với quy mô nhỏ hơn gồm kè bờ hồ Gươm; Xây dựng quảng trường Ernest-Hébrard (1937). Năm 1943, kế hoạch đô thị hóa cuối cùng với Hà Nội được Henri Cerutti, kiến trúc sư trưởng Thành phố đề xuất trong đó có phát triển tuyến đường sắt và thành phố về phía Nam; Xây dựng khu phố-vườn; Quy hoạch và nắn thẳng hệ thống đường nhánh…
Từng thể loại công trình kiến trúc cũng bị áp đặt theo phong cách châu Âu: công trình công cộng, tôn giáo (nhà thờ với các vòm Gothic, cửa sổ kính màu và các hoạ tiết trang trí theo phong cách tân cổ điển hoặc chiết trung, trang trí gờ phào, hoa văn cầu kì) đến cả các công trình nhà ở dạng biệt thự cũng mang phong cách kiến trúc, gợi nhớ hình ảnh địa phương quê hương ở Pháp của các chủ nhân biệt thự (kiến trúc bắc Pháp vùng Normandie với mái có độ dốc lớp, đáp ứng tuyết không bám trên mái nhà, vùng Địa Trung Hải với công trình mái bằng, ban công, sân thượng rộng làm nơi hóng gió biển, hay tầng mái bao phủ bởi mái mansard dốc với ngói Ardoise ghi xám, tầng hầm nhằm cách ẩm, cách nhiệt cho phần thân nhà.
Khu phố cổ cũng được mở rộng giao thông, mặt nhà theo kiểu dạng thức của người Hoa, người châu Âu Hà Lan đến buôn bán (bổ sung chi tiết kiến trúc nhà hàng phố dạng cửa hiệu với dạng thức châu Âu như phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay, có diềm mái tường chắn mái hoa văn trên phố Hàng Buồm, Mã Mây…).
Phải cho đến khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (sau này trở thành Tổng thống Pháp 1931-1932) có quyết định ngừng áp đặt kiến trúc châu Âu vào Việt Nam, xuất hiện một trào lưu mới, sau này gọi là kiến trúc Đông Dương mới được xây dựng bài bản, dần phổ biến, đem lại những kiến trúc phù hợp, thích ứng với khí hậu, tạo nên những công trình có giá trị cho đến tận ngày hôm nay như Đại học Dược, Viện Vệ sinh dịch tễ, Bảo tàng Lịch sử, trụ sở Bộ Ngoại giao… với hệ thống mái chồng diêm, hành lang rộng, cửa chớp, công trình trong tổng thể khuôn viên cây xanh.
Kiến trúc giao thông, đặc biệt là cầu Long Biên cũng được nghiên cứu áp dụng công nghệ, vật liệu thép tương ứng giai đoạn xây dựng của tháp Eiffel (Paris), trở thành một trong những cây cầu hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ.
Mặc dù về cơ bản, công trình kiến trúc phong cách Đông Dương thời kì này vẫn có cấu trúc không gian và tổ chức mặt bằng, tỷ xích không gian lớn theo phong cách châu Âu nhưng có thể nói, cho đến tận ngày nay thì đây là thời kỳ mà đô thị Hà Nội được xây dựng bài bản theo đúng quy hoạch với cấp độ, quy mô, phạm vi lớn nhất và đã tạo nên một Hà Nội hài hoà, thống nhất trong ngôn ngữ tổng thể chung, mang dáng dấp đô thị châu Âu theo kiểu “thành phố vườn”, trở thành di sản đô thị giá trị, thậm chí để lại trong tiềm thức, chuyển thành tư duy suy nghĩ của không chỉ người dân mà cả nhà quản lý khi vẫn muốn tiếp tục sao chép hình ảnh của chúng trong xây dựng nhà ở tư nhân cũng như trụ sở, công trình công cộng.
Kiểm soát phát triển kiến trúc Hà Nội thời hội nhập
Giao thoa kiến trúc là tất yếu trong sự giao lưu, hội nhập cùng phát triển trong thế giới phẳng, xu thế toàn cầu hóa. Ngày nay, môi trường thông tin đa chiều nhanh nhạy cũng giúp cho kiến trúc mỗi quốc gia hội nhập, dần tiệm cận với xu thế, phong cách kiến trúc chung của thế giới với mục tiêu kiến trúc phát triển bền vững, kiến trúc xanh. Tuy nhiên, nếu không đủ trình độ để kiểm soát sự phát triển thì kiến trúc bản địa sẽ bị lệ thuộc và mất đi đặc tính bản địa. Và hòa nhập sẽ đồng nghĩa hòa tan.
Nhìn lại những gì đã qua nếu giao thoa theo đúng nghĩa, chúng ta có được sản phẩm kiến trúc tốt và bản sắc. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với tính chất đi đầu, dẫn dắt ở hai đầu cầu đất nước nếu không định hướng kiểm soát tốt kiến trúc sẽ trở thành “tấm gương xấu” cho các đô thị cả nước dẫm bước theo. Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã có được công trình kiến trúc Bitexco được xếp top 5 công trình đẹp trên thế giới. Còn Hà Nội là nơi nhận diện bản sắc văn hoá của cả Việt Nam thì đến nay lại chưa phát huy được tính tiêu biểu, tính đại diện và cấp độ Thủ đô trong quản lý, kiểm soát phát triển kiến trúc.
Qua các nguyên nhân tác động đã nêu, để kiểm soát phát triển kiến trúc lành mạnh, bền vững đảm bảo sự hội nhập, giao thoa cần có tầm nhìn dài hạn và những bước đi ngắn nhưng chuẩn chỉ trong tầm nhìn đó. Cụ thể, xin được trao đổi:
– Quy hoạch đô thị với những bước thiết kế đô thị và định hình phong cách, xác định các khu vực tương ứng với phong cách đó; Hà Nội đã có các quy hoạch phân khu nhưng các quy định kèm theo không đủ chuẩn, rõ để chính quyền kiểm soát phát triển, định hướng khu vực và kiến trúc tương ứng cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, đơn vị thiết kế thực hiện theo;
– Kế hoạch phát triển đô thị chưa được phê duyệt cho dù quy hoạch chung đã phê duyệt hơn 6 năm, theo đó phải xác định các khu vực cần triển khai ngay nhằm trở thành yếu tố hạt nhân, tạo thị, xác định các công trình chủ thể dẫn hướng mang tính định hướng kiến trúc đại cục, ví dụ như khu vực đô thị Tây hồ Tây với kiến trúc quốc tế, hiện đại; các khu vực cho tự do sáng tác như khu vực ngoại ô Thành phố, các khu Ngoại giao đoàn với các khu đất quy mô lớn, tạo khoảng cách giữa các khu đất bằng cây xanh, cảnh quan lớn cho việc sáng tạo kiến trúc đa phong cách có được không gian thụ cảm thẩm mỹ, đồng thời không ảnh hưởng lẫn nhau;
– Quy định quản lý quy hoạch kiến trúc từ cấp độ chung của Thành phố đến từng khu vực đặc thù còn chung chung, cần định lượng, tiêu chí cụ thể cho từng phong cách kiến trúc cho mỗi khu vực, nhất là đối với các khu vực có tính đặc thù như khu phố cổ, khu phố cũ, các tuyến phố đặc trưng;
– Đơn vị tư vấn: Loại bỏ tư tưởng sao chép, nhại cổ; phát huy tính sáng tạo chất lượng, tác phẩm kiến trúc mang hơi thở, đánh dấu được thời đại xây dựng;
– Kiến trúc biểu hiện văn hóa, năng lực quản lý. Vì vậy cần nâng cao trình độ quan trí, dân trí, đặc biệt là đối với cấp quận huyện được phân cấp quản lý thông qua các lớp đào tạo, tái đào tạo;
– Phổ biến thông tin tuyên truyền ở mức rộng rãi, phổ cập để mỗi tổ chức, cá nhân nắm bắt các đặc điểm của kiến trúc khu vực mình, tham gia đầu tư xây dựng phù hợp, có cơ chế khen thưởng các mẫu thiết kế xây dựng phù hợp, xử phạt ở mức mang tính răn đe đối với các công trình cố tình xây dựng sai quy định quản lý.
– Trong nghiên cứu, đào tạo cần sự thay đổi trong nhận thức của đội ngũ giảng viên, giáo trình để người làm nghề nắm chắc, làm chủ kiến trúc truyền thống, đồng thời giao lưu trong sự hội nhập chung của quốc tế, khu vực ASEAN, cập nhật thường xuyên xu hướng thế giới, đảm bảo định hướng phát triển kiến trúc tiên tiến hiện đại mà vẫn giữ và phát huy ưu điểm, bản sắc dân tộc như phương thức phát triển của kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc giai đoạn hội nhập.
Giao thoa kiến trúc cần được hiểu và thực hiện giữa Tính quốc tế (Global) + Tính bản sắc địa phương (Local) = Hội nhập (Glocal), tồn tại hài hoà liên tục trong không gian và thời gian giữa ba hướng dân tộc, dân tộc hiện đại và hiện đại từng khu vực. Hà Nội là Thủ đô và kiến trúc Hà Nội đẹp sẽ góp phần định hướng, góp phần đẩy nhanh con tàu kiến trúc Việt Nam đến bên bờ phát triển: hội nhập mà bản sắc./.
Ý kiến của bạn