Nghệ thuật quy hoạch kiến trúc của Tử Cấm Thành, Trung Quốc

Nghệ thuật quy hoạch kiến trúc của Tử Cấm Thành, Trung Quốc

Tử Cấm Thành là cung điện được sử dụng trong hai triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc là Nhà Minh và Nhà Thanh, tập hợp hoàn hảo các kỹ thuật xây dựng cổ truyền, là mẫu mực trong quy hoạch, kiến trúc cung điện cổ Trung Hoa.
08:43, 12/07/2024

Điểm nổi bật trong kiến trúc Trung Hoa cổ

Theo cuốn “ Kiến trúc Trung Quốc cổ đại ” của học giả Lưu Đôn Trinh (Một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy kiến trúc Trung Hoa cổ đại) thì nghệ thuật kiến trúc cổ quy nạp về bốn phương diện nổi bật:

Thứ nhất, nghệ thuật quy hoạch kiến trúc. Trong đó, bao gồm cả quy hoạch bình diện phẳng và cả quy hoạch chiều cao của công trình. Tổ hợp các công trình mỹ lệ như một bức thư họa.

Thứ hai, tính thống nhất của các công trình. Từ hình thể, kết cấu, trang trí đều đạt tới một chuẩn thống nhất.

Thứ ba, nội thất của công trình. Nội thất là một phần của công trình, hoặc sang trọng xa xỉ, hoặc mộc mạc đơn giản, cũng trở thành một phần quan trọng của nghệ thuật kiến trúc.

Thứ tư, sắc thái của công trình, hay việc sử dụng màu sắc trong kiến trúc. Màu sắc sử dụng trên tường, mái, cột, cửa phản ánh quan điểm của mỹ thuật cổ trong việc sử dụng màu sắc.

Nói về vẻ đẹp kiến trúc cung điện, không gì nổi bật hơn bốn khía cạnh trên. Nay lấy Tử Cấm Thành Bắc Kinh làm tiêu điểm vì lý do: Tử Cấm Thành là cung điện được sử dụng trong hai triều đại phong kiến cuối cùng của Nhà Minh và Nhà Thanh, tập hợp hoàn hảo các kỹ thuật xây dựng cổ truyền, là mẫu mực trong kiến trúc cung điện cổ Trung Hoa.

Đôi nét đặc biệt về quy hoạch

Thành Bắc Kinh cổ gồm ba vòng thành, trong đó gồm thành ngoài, Hoàng thành và Tử Cấm Thành.

Tử Cấm Thành nằm ở  trục trung tâm của Bắc Kinh. Theo trục Bắc Nam, lấy Tử Cấm Thành làm tâm hướng ra phía Nam, tới Vĩnh Định Môn cổng Nam thành Bắc Kinh là 4600 mét, phía Bắc đến tháp chuông – đồng hồ là 3000 mét, Tử Cấm Thành chiếm khoảng 1,5km trên 8km trục Bắc Nam thành Bắc Kinh.

Phía Nam Tử Cấm Thành, đi từ cửa Ngọ Môn tới được Thiên An Môn, tới Chính Dương Môn là đoạn đường dài 1500 mét.  Ngoài Tử Cấm Thành, dọc theo phía Nam, hai bên chia thành hai khu vực thờ phụng. Phía Đông là Thái Miếu, phía Tây là Xã Tắc. Ngoài hành lang nghìn bước hai bên Thiên An Môn, thiết trí các Bộ, Viện, là nơi làm việc của quan lại…

toàn cảnh tử cấm thành
Tổng thể các công trình kiến trúc uy nghiêm, lộng lẫy.

Với quy mô diện tích hơn 700.000 m2, Tử Cấm Thành được bao quanh bởi bức thành cao 10 m và hào dài 52 m. Bức thành rộng 753 m từ Đông sang Tây và dài 961 m từ Bắc xuống Nam. Thành có quy hoạch hình chữ nhật, có cổng ở phía Đông, Tây và Nam.

tường hào tử cấm thành
Thành và hào bao quanh khu phức hợp gồm những công trình kiến trúc hoành tráng, đồ sộ.

Theo KTS. Nguyễn Thành Long – Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, điều đặc biệt nhất về quy hoạch kiến trúc tại khu vực này là trước khi thế giới biết đến việc đo đạc bản đồ chính xác thì Tử Cấm Thành đã được xây dựng và định vị theo hướng Bắc Nam, chính xác đến nỗi trục trung tâm chỉ lệch 1,3 độ so với trục Bắc Nam.

Tử Cấm Thành được quy hoạch chặt chẽ, thần thái hoành tráng. Sự uy nghi, uy nghiêm, trang trọng và hài hòa về bố cục mặt phẳng, hiệu ứng và hình thức ba chiều đều là những kiệt tác kiến trúc có một không hai. Quần thể công trình này đánh dấu truyền thống văn hóa lâu đời và thể hiện những thành tựu nổi bật của Trung Hoa trong nghệ thuật kiến ​​trúc hơn 600 năm trước. KTS. Nguyễn Thành Long chia sẻ thêm.

kts nguyễn thành long
KTS. Nguyễn Thành Long – Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) chia sẻ cùng Tạp chí Kiên trúc Việt Nam.

Quần thể kiến trúc cổ vĩ đại

Các cung điện của Tử Cấm Thành là quần thể công trình kiến ​​trúc cổ lớn nhất và hoàn chỉnh nhất còn tồn tại từ trước tới nay. Cung điện được bố trí dọc theo trục trung tâm Bắc Nam, đối xứng từ trái sang phải, kéo dài từ Cổng Yongding ở phía Nam đến Tháp Trống và Tháp Chuông ở phía Bắc, chạy qua toàn bộ Tử Cấm Thành.

Các tòa nhà cổ của Tử Cấm Thành được chính Hoàng đế Minh Thành Tổ lên kế hoạch và xây dựng. Quy mô lớn, cấu trúc chặt chẽ, lối trang trí tinh xảo và vô số di tích văn hóa hiện có là những nét độc đáo trong số các tòa nhà cổ của Trung Quốc, là một quần thể cung điện nổi tiếng thế giới.

Màu sắc hoàng gia

Màu vàng là màu của Hoàng đế biểu trưng cho quyền lực tối thượng, dành riêng cho bậc quân vương được thể hiện từ y phục, giường chiếu, gạch lát sàn đến bát đũa ăn hàng ngày. Vì vậy, hầu như tất cả các mái nhà trong Tử Cấm Thành đều được lợp ngói tráng men màu vàng.

màu sắc
Màu sắc thể hiện quyền lực Hoàng đế.

Màu đỏ trong văn hóa Trung Hoa mang ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở và là màu của may mắn, vì thế tất cả cung điện và tường thành đều có màu đỏ. Tuy nhiên, màu này cũng tượng trưng cho lửa. Đó là lý do mái của thư phòng là nơi duy nhất của Tử Cấm Thành có màu đen thay vì vàng. Màu đen tượng trưng cho nước và dập tắt ngọn lửa trong trường hợp bị hỏa hoạn. Tương tự, dinh thự của các Thái tử được lợp ngói màu xanh lá cây vì màu xanh lá cây liên hệ với với gỗ, đại diện cho sự phát triển.

Yếu tố phong thủy, bố cục đối xứng

Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định vị trí của Tử Cấm Thành là phong thủy. Đó là một học thuyết có tầm ảnh hưởng trong văn hóa Trung Quốc chuyên nghiên cứu sự tác động của thiên nhiên đến vận mệnh, họa phúc của con người. Một yếu tố quan trọng khác của phong thủy là sự đối xứng. Do đó bố cục của Tử Cấm Thành hầu hết được thiết kế đối xứng. Những cung điện quan trọng nhất đều nằm trên trục Bắc – Nam ở trung tâm và các cung khác được sắp đặt đối xứng hai bên.

Cách bố trí các tòa nhà tuân theo các phong tục cổ xưa được nêu trong Kinh Lễ. Vì vậy, đền thờ tổ tiên phải nằm phía trước cung điện. Khu vực lưu trữ nằm phía trước khu phức hợp cung điện còn các dinh thự thì nằm phía sau, áp dụng cách bố trí các tòa cung điện theo nhóm dưới hình thức truyền thống của kiến trúc Trung Quốc, nhấn mạnh vào thiết kế theo mạng lưới, có trung tâm và có trục đối xứng.

Các cung điện chính của Tử Cấm Thành được phân bổ trên trục trung tâm, các toà trong cung điện đều được xây dựng theo một kích thước thống nhất.

Vật liệu xây dựng bền vững, quý hiếm

Với hệ thống kiến trúc đồ sộ, Tử Cấm Thành chính là một khu tổ hợp các công trình cổ sử dụng nhiều vật liệu xây dựng đặc biệt, bền vững và quý hiếm. Hơn 100 nghìn cây gỗ lim được vận chuyển từ phía Tây Nam, cách Bắc Kinh 1.800 km. Loại “gạch vàng” lát nền được chuyển đến từ phía Nam cách nơi cung điện 1.000 km. Hơn 80 triệu phiến đá, mỗi phiến có trọng lượng 24kg, giấy thếp tráng kim đến từ Nam Kinh.

gỗ tử cấm thành
Vật liệu gỗ và những họa tiết sơn son tiếp vàng tinh xảo.

Ở đây còn có rất nhiều những tảng đá khổng lồ, được chạm khắc hình hoa văn tỉ mỉ. Trong đó có những tảng đá nặng hơn 220 tấn, thậm chí còn có tảng hơn 330 tấn. Đá này được lấy từ một mỏ đá cách xa nơi xây Tử Cấm Thành đến 70 km. Các nhà nghiên cứu cho rằng những tảng đá khổng lồ như vậy được vận chuyển tới nơi xây dựng bằng bánh xe có nan hoa, một kỹ thuật đã được người Trung Quốc sử dụng rộng rãi từ 1.500 TCN.

rồng đá tử cấm thành
Vật liệu đá được sử dụng phổ biến tại Tử Cấm Thành.

Nổi bật trước khu vực điện Thái Hòa có phiến đá cẩm thạch khổng lồ chiều dài 16,8 m và rộng 3 m là điểm nhấn cung điện, với kiến trúc độc đáo được chạm khắc rồng phượng cầu kỳ, tinh xảo.

phiến đá tử cấm thành
Phiến đá cẩm thạch khổng lồ với kiến trúc được chạm khắc rồng phượng tinh xảo trước điện Thái Hòa.

Gần đây, các nhà khoa học kết luận rằng phiến đá nặng hàng trăm tấn này có thể được vận chuyển trên đường băng. Những kỹ sư đã cho đào hàng trăm giếng nhỏ dọc đường đi, khi đến mùa đông thì làm cho đường ngập nước, nhiệt độ thấp khiến nước trở thành một lớp băng trên mặt đất. Bằng cách này, chỉ cần một số lượng khoảng 50 công nhân đã có thể vận chuyển phiến đá khổng lồ này.

Độc đáo mái nhà các cung điện

Gờ dốc của mái nhà được trang trí bằng một hàng bức tượng nhỏ. Số lượng bức tượng thể hiện tính chất của tòa nhà – một tòa nhà nhỏ sẽ có 3 hoặc 5 bức tượng. Thái Hòa Điện là tòa nhà duy nhất được phép có tới mười bức tượng trên mái nhà. Do đó, bức tượng thứ mười trên mái nhà Thái Hòa Điện được gọi là "hàng thập" ( cũng là độc nhất trong Tử Cấm Thành).

mái nhà tử cấm thành
Hàng linh vật độc đáo trên các mái cung điện.

Được biết, thứ tự các linh vật như sau: Rồng đứng trước, là biểu tượng của bậc đế vương; Phượng hoàng đứng thứ hai, đại diện cho hòa bình trên thế giới; Thứ ba là sư tử, đại diện cho sự dũng cảm và uy nghiêm; Xếp hạng thứ tư là ngựa trời; Vị trí thứ năm là hải mã, có thể biến điềm hung thành lành; Thứ sáu là sư tử, vô cùng dũng mãnh, có thể trấn áp thiên tai, giảm bớt hung ác; Vị trí thứ bảy là cá, có thể cầu mưa, dập lửa và ngăn chặn thảm họa; Thứ tám là hachi, được cho là một con vật có tính khí ngay thẳng và hiện thân của công lý; Thứ chín là bò tót, có thể làm mưa làm gió, ngăn chặn tai họa, phòng chống hỏa hoạn; Cuối cùng là con quái thú nhỏ độc đáo có tên gọi là Hàng Thập, ngụ ý để chỉ chống sét và giải trừ tai họa.

Kiến trúc gắn liền với số 9

Không khó để bắt gặp sự hiện hữu của số 9 trong Tử Cấm Thành, đây cũng là con số chiếm vị trí quan trọng trong quan niệm về số học của người Trung Quốc. Số 9 đại diện cho cực dương và hoàng đế. Để có thể tiếp cận được với vua thì phải đi qua 9 cánh cổng.

Tử Cấm Thành cũng có 9.999 căn phòng, ít hơn một căn so với 10.000 phòng ở trên Thiên Cung – nơi mà Ngọc Hoàng Đại Đế cai quản trong truyền thuyết. Trên Đại môn (cửa chính) cũng thường gắn 81 chiếc núm đinh 9 dọc, 9 ngang.

Đặc sắc tường Cửu Long

Kiến trúc truyền thống của Trung Quốc không phải dùng cửa lớn để ngăn cách sân vườn và bên ngoài, mà là dùng cảnh tường. Tác dụng chính của cảnh tường là che khuất tầm nhìn, tránh cho người ngoài có thể nhìn thấy được những gì bên trong.

Cảnh tường của những ngôi nhà bình thường đều dùng gạch lát, nhưng Cửu Long bích (tường Cửu Long) trong Tử Cấm Thành lại được lát từ những viên gạch lưu ly. Cửu Long bích Cố Cung nằm ở Hoàng Cực môn với chiều dài 29,4m, chiều cao 3,5m, chiều dày 0,45m, được xây dựng vào năm Càn Long thứ 37.

Điểm nổi bật nhất của Cửu Long bích Cố Cung chính là chín con rồng, cũng là khởi nguồn cho cái tên Cửu Long bích. Cảnh tường của người bình thường chỉ sử dụng hình ảnh của trâu, bò, ngựa, mèo và chó, nhưng Cửu Long bích sử dụng hình ảnh của rồng – giống loài tượng trưng cho Hoàng đế.

Uy nghiêm cặp sư tử đồng

Trong Tử Cấm Thành nhiều tượng sư tử đồng mạ vàng, mỗi cặp sẽ được đặt trước các cung điện. Tuy nhiên, chỉ có cặp sư tử ở Cổng Hòa hợp Tối cao là có kích thước lớn nhất và cũng là bức tượng duy nhất không được mạ vàng. Cặp sư tử đồng này là biểu tượng của quyền lực tối cao trong Tử Cấm Thành, chúng có nhiệm vụ canh giữ hoàng cung và xua đuổi tà ma. Hình dáng to lớn, uy nghi của chúng tương xứng với cổng Hòa hợp Tối cao, khiến cho bầu không khí trở nên nghiêm trang.

sử tử đá tử cấm thành
Sư tử đực thể hiện biểu tượng của quyền lực tối cao trong Tử Cấm Thành.

Kích thước của cặp sư tử này khác nhau, chênh nhau khoảng 30cm. Sư tử đực giẫm lên quả bóng, không chỉ tượng trưng cho quyền lực mà còn thể hiện sự thống nhất đất nước. Sư tử cái chơi đùa với sư tử con, ngụ ý con cháu sum vầy, thịnh vượng.

Những lọn xoắn ốc trên đỉnh đầu sư tử đực xếp thưa, gọn gàng, miệng như đang gầm, ruy băng trước ngực được chạm khắc tinh xảo, có đeo một quả chuông, tứ chi to khỏe, một chân được đặt lên quả bóng trông rất uy nguy, mắt hướng thẳng ra phía trước, tượng trưng cho thế lực đang được kiểm soát.

sư tử tại tử cấm thành
Sư tử cái thể hiện sự sung túc, thịnh vượng.

Sư tử cái hướng ánh mắt xuống dưới, phía đàn con đang ở chân trái, sư tử con ngửa mặt lên trời, dụi đầu vào móng vuốt của sư tử mẹ, điều này rất thú vị, ngụ ý con đàn cháu đống, thịnh vượng. Sư tử đực dũng mãnh pha chút nghịch ngợm, còn sư tử cái thể hiện tình mẫu tử cao cả. Hình khối mượt mà, sống động, hoa văn chạm khắc bằng đồng tỉ mỉ chi tiết.

Bên cạnh đó, còn có 5 cặp sư tử bằng đồng mạ vàng khác trong các cung điện. Chúng được mạ vàng nguyên chất, được xếp thành từng cặp trước cổng Càn Khánh, Nam Châu, Dương Hưng, Dương Tân, cổng cung điện Trường Xuân.

Câu chuyện Kiến trúc sư Việt góp sức xây Tử Cấm Thành

Trong một bộ phim tài liệu về Tử Cấm Thành do đài truyền hình của Đức sản xuất, họ từng đề cập tới việc một kiến trúc sư người Việt Nam tham gia đóng góp công sức xây dựng nên công trình vĩ đại này. Ngoài ra, một bài báo trên tờ “Ích thế báo” do nhà sử học Trương Tú Dân viết cũng nhắc tới tên của vị kiến trúc sư này! Đó là thái giám Nguyễn An.

Nguyễn An (1381-1453), quê ở Hà Đông, (nay là Hà Đông, Hà Nội). Ông nổi tiếng là thần đồng từ nhỏ và là thiên tài về kiến trúc. Từ năm 16 tuổi, ông đã tham gia xây dựng nhiều cung điện nguy nga ở kinh thành Thăng Long thời vua Trần Thuận Tông.

Năm 1407, nhà Minh mang quân sang xâm lược nước ta với danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ", đánh bại nhà Hồ. Họ bắt nhiều người tài giỏi, ưu tú của nước ta mang về Trung Hoa, trong đó có Nguyễn An. Sau đó, Nguyễn An được chọn làm thái giám phục vụ trong cung nhà Minh.

Thời điểm đó nhà Minh đang chuẩn bị xây dựng kinh thành ở Bắc Kinh. Tài năng của Nguyễn An thu hút sự chú ý của vua Minh và ông được giao nhiệm vụ phụ trách việc xây dựng Tử Cấm Thành.

Theo các tài liệu ghi chép, Nguyễn An tham gia vào công trình này với vai trò kiến trúc sư, kiêm luôn nhà quy hoạch, quản lý dự án (theo như cách gọi của ngày nay). Công việc kéo dài từ năm 1406 đến năm 1424 thì cơ bản hoàn thành. Nguyễn An còn là tổng công trình sư phụ trách việc mở mang, trùng tu thành Bắc Kinh dưới thời Minh Anh Tông (trị vì 1435-1449 và 1457-1464).

Không phụ sự ủy thác của nhà vua, Nguyễn An hoàn thành quần thể cung điện với hai cung, ba điện, nha môn của 5 phủ 6 bộ, 9 cửa đã được tu bổ và tạo dựng. Với thành quả đạt được, Nguyễn An được vua Minh đặc biệt coi trọng, tán dương và ban thưởng hậu hĩnh. Có thể thấy, Kiến trúc sư Nguyễn An dù trải qua gian khổ phải xa quê nhưng nhờ tài năng thiên phú và tính cách tận tụy với những nhiệm vụ được giao đã khiến trí tuệ của người Việt được rạng danh xứ người.

Bài và ảnh: Việt Khoa

Pháp lý xây dựng

Nhìn ra thế giới: Làng tây, làng ta

Vì công việc, tôi thường quan tâm tới khía cạnh phát triển kinh tế của những vùng đất mình từng đặt chân tới. Gần đây, tôi chú ý tới quá trình trỗi dậy, trở thành những điểm du lịch nổi tiếng của các ngôi làng cổ trên thế giới.

Choáng ngợp không gian đô thị Thượng Hải (Trung Quốc): Quá khứ, hiện tại và tương lai

Với chủ đề “Thành phố, Công dân, Môi trường và Phát triển”, Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Đô thị Thượng Hải trình bày quá khứ, hiện tại và tương lai của Thượng Hải bằng các cách trưng bày truyền thống và hiện đại. Trung tâm chính thức mở cửa cho công chúng tham quan vào ngày 25/02/2000, nơi đây được coi là “Cửa sổ của thành phố”. Kể từ khi khai trương, hàng năm Trung tâm đã đón rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước.

6 món đồ nội thất độc đáo tại tuần lễ thiết kế Milan

Milan Design Week (tuần lễ thiết kế Milan) là sự kiện thường niên có tầm ảnh hưởng lớn lao trong lĩnh vực thiết kế nội thất, quy tụ những thương hiệu, nhân vật tầm cỡ dẫn dắt trào lưu và xu hướng phát triển của ngành thiết kế nội thất trên thế giới.

Baku sẽ có Miami của riêng mình – Dự án mới của Archpoint Bureau

(Văn bản mô tả do KTS cung cấp) Văn phòng kiến trúc Moscow Archpoint đang thiết kế hai khu phố cho thành phố nghỉ dưỡng Sea Breeze Resort & Residences do Emin Agalarov phát triển trên bờ biển cách thủ đô Azerbaijan 30km.

Công nghệ nhà kính trong kiến trúc: Xây dựng không gian xanh cho đô thị

Hiện nay các tòa nhà được làm bằng kính ngày càng phổ biến nhằm tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời một cách trực tiếp. Việc sử dụng kính cho đa số diện tích không gian đã mang dòng chảy tự nhiên từ ngoài vào trong, đem đến sự bình yên, tưới sáng cho các tòa nhà trong đô thị.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi