Kiến tạo cảnh quan xanh nông thôn trong hành lang xanh Hà Nội

Kiến tạo cảnh quan xanh nông thôn trong hành lang xanh Hà Nội

(Vietnamarchi) - (KTVN 250) Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ tại Hà Nội, việc tích hợp hạ tầng xanh và cảnh quan xanh vào quy hoạch đô thị đã trở thành yếu tố then chốt về mặt sinh thái, xã hội và kinh tế. Các không gian mở như công viên, mảng xanh, hồ điều tiết,… không chỉ cải thiện chất lượng sống mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các vấn đề môi trường đô thị như ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính trong đô thị. Bài báo đề xuất các mô hình phát triển bền vững cho các làng xóm trong hành lang xanh (HLX) theo QHC được phê duyệt tại quyết định 1259/QĐ-TTG ngày 29/7/2011, từ việc cải thiện chất lượng môi trường sống đến tăng cường đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
09:00, 28/05/2024

Đặt vấn đề

Đối với các thành phố đang phát triển như Hà Nội, nơi đang chứng kiến sự tăng trưởng dân số nhanh và quá trình đô thị hóa sâu rộng, vấn đề phát triển hạ tầng xanh và cảnh quan xanh trở nên cấp thiết để cải thiện chất lượng sống, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng hiện hữu và đối phó với biến đổi khí hậu.

Hạ tầng xanh không chỉ bao gồm các không gian mở như công viên và khu vui chơi mà còn bao gồm các thành phần cơ sở hạ tầng được thiết kế để hỗ trợ duy trì hoặc khôi phục các chức năng tự nhiên. Các giải pháp hạ tầng xanh như công viên, hồ điều tiết, và cây xanh,… đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý nước mưa, giảm nguy cơ ngập lụt, cải thiện chất lượng không khí và tăng cường đa dạng sinh học đô thị. Cảnh quan xanh, một phần của hạ tầng xanh, là không gian tự nhiên hoặc được thiết kế một cách có chủ ý để tích hợp các giá trị sinh thái vào môi trường đô thị. Việc phát triển các cảnh quan xanh trong đô thị không chỉ làm tăng thẩm mỹ mà còn cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo điều kiện cho sự tương tác xóm hội và thúc đẩy kinh tế thông qua du lịch và giải trí.

Tại Hà Nội, nơi sự phát triển đô thị diễn ra nhanh chóng và phức tạp, việc tích hợp hạ tầng xanh và cảnh quan xanh vào quy hoạch đô thị là bước đi thiết yếu để hướng tới một tương lai bền vững. Chính sách và quy hoạch đô thị nên tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các không gian xanh, từ đó góp phần vào mục tiêu phát triển đô thị thông minh và thích ứng, nơi mọi người dân đều có thể tiếp cận được với thiên nhiên ngay trong môi trường sống của mình.

QHC xây dựng thủ đô Hà Nội được phê duyệt theo quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ định hướng không gian xanh bao gồm Hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh đã được đưa vào cấu trúc thành phố Hà Nội. Trong đó Hành lang xanh bao gồm toàn bộ khu vực nông thôn, chiếm khoảng 70% diện tích đất tự nhiên. Hành lang xanh chạy dọc sông Đáy, sông Tích, vùng núi Ba Vì và Hương Tích, theo đường vành đai 4 vượt qua sông Hồng kết nối với khu vực xanh quanh Đền Sóc.

Không gian xanh tại Hà Nội

Có thể thấy, việc đầu tư vào hạ tầng xanh và cảnh quan xanh không những giúp Hà Nội giải quyết các vấn đề môi trường đô thị như ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính trong đô thị mà còn củng cố cam kết của thành phố đối với một tương lai bền vững, xanh và thân thiện với môi trường. Trong khuôn khổ phát triển đô thị hiện đại, việc nghiên cứu và tạo lập các mô hình phát triển làng xóm bền vững dựa trên hạ tầng xanh và cảnh quan xanh đóng một vai trò thiết yếu. Mục đích chính của nghiên cứu này là thiết kế và triển khai các giải pháp bền vững cho các làng xóm, nhằm đạt được các mục tiêu sau:

(i) Cải thiện chất lượng môi trường sống: Việc tích hợp hạ tầng xanh và cảnh quan xanh trong quy hoạch các làng xóm giúp cải thiện chất lượng không khí, quản lý nước mưa và nước thải hiệu quả hơn, đồng thời tạo ra môi trường sống trong lành và thoáng đãng cho cư dân. Các khu vực xanh cũng góp phần giảm thiểu hiện tượng nhà kính trong đô thị, từ đó nâng cao sức khỏe và đảm bảo an ninh sinh thái cho cộng đồng.

(ii) Tăng cường đa dạng sinh học: Mô hình làng xóm tích hợp hạ tầng xanh không chỉ giới hạn ở việc tạo ra không gian xanh mà còn bao gồm việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên. Điều này sẽ giúp tăng cường đa dạng sinh học và tạo ra một mạng lưới sinh thái khép kín, bền vững cho cả vùng.

(iii) Phát triển kinh tế xóm hội bền vững: Hạ tầng xanh và cảnh quan xanh không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua việc phát triển du lịch sinh thái và các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Các làng xóm có cảnh quan đẹp và môi trường trong lành sẽ thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho người dân.

(iv) Hỗ trợ sự thích ứng và phục hồi trong biến đổi khí hậu: Việc tăng cường hạ tầng xanh cũng góp phần vào khả năng thích ứng và phục hồi của cộng đồng trước các thách thức của biến đổi khí hậu. Các hệ thống xanh giúp quản lý lũ lụt, giảm thiểu hạn hán và cải thiện khả năng giữ nước, qua đó giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

(v) Phát triển kinh tế xóm hội bền vững: Hạ tầng xanh và cảnh quan xanh không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua việc phát triển du lịch sinh thái và các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Các làng xóm có cảnh quan đẹp và môi trường trong lành sẽ thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho người dân.

(vi) Tạo dựng cộng đồng chặt chẽ và gắn kết: Môi trường sống xanh và bền vững cũng góp phần thắt chặt mối quan hệ cộng đồng thông qua các không gian công cộng xanh, nơi mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu và tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng. Điều này không chỉ tăng cường sự gắn kết xóm hội mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân.

Việc nghiên cứu và phát triển các mô hình làng xóm bền vững này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn đảm bảo một tương lai xanh, bền vững cho thế hệ tiếp theo.

Đặc điểm không gian kiến trúc cảnh quan làng trong hành lang xanh

Cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan làng truyền thống

Cấu trúc của làng truyền thống không phức tạp, nhưng cũng không đơn giản, có thể chia một cách tương đối các không gian trong một làng truyền thống: (i) Không gian cư trú: khuôn viên, ngôi nhà, vườn nhà, ngõ xóm; (ii) Không gian cảnh quan tự nhiên; (iii) Tổ hợp kiến trúc cảnh quan đặc trưng; (iv) Không gian công cộng.

Sơ đồ các thành phần kiến trúc cảnh quan làng

Cấu trúc và hệ thống giao thông

Đặc điểm nổi bật về cấu trúc của các làng trong hành lang xanh có ba dạng chính: co cụm, chuỗi điểm và tuyến. Không gian đường làng, tuyến không gian liên kết ngõ xóm, công trình lịch sử, hoạt động văn hóa và sản xuất,... là đặc trưng của không gian kiến trúc cảnh quan trong làng.

Dạng co cụm mảng lớn/Dạng bố cục theo chuỗi điểm/Dạng làng theo dạng tuyến

Đặc điểm loại hình làng ngoại thành

Đường làng, ngõ xóm đa số đã đổ bê tông, đường nhựa thay cho đường đất, đường gạch,... Đường giao thông trong làng vẫn cơ bản dựa trên hệ thống giao thông truyền thống, có các dạng đặc trưng như đã phân tích: phân nhánh kiểu cành cây, dạng răng lược, dạng có đường vành đai và dạng hỗn hợp.

Mặt cắt hiện trạng đường liên xã, đường thôn xóm điển hình trong làng

Cây xanh, mặt nước

Sau khi khảo sát một số làng điển hình trong khu vực, có thể thấy ngoại trừ các làng có nghề trồng cây hoa, làng nông nghiệp,... tỉ lệ cơ cấu sử dụng đất dành cho nông nghiệp vẫn còn nhiều, các công trình nhà nghỉ chân, chòi nghỉ vẫn còn, tuy nhiên đã xuống cấp trầm trọng.

 

Cảnh quan tự nhiên, đồng ruộng, công trình trên đồng ruộng

Cảnh quan ven sông, hồ

Nhiều làng có cảnh quan đường làng chạy dài ven sông, bến nước đang dần bị thay đổi, do tác động môi trường và ý thức giữ gìn mặt nước,... Cảnh quan ven sông Đáy nhiều nơi hoang hóa và ô nhiễm nặng.

Cây xanh cổ thụ trong làng

Cây xanh trong làng là một yếu tố quan trọng tạo nên cảnh quan làng xóm, phần lớn cây xanh nằm trong các không gian đình, chùa, giếng, ao làng,... kết hợp nhau tạo nên các giá trị cảnh quan. Cây xanh đặc trưng cho cảnh quan làng xóm bao gồm cây cổ thụ, tre làng,... Lũy tre làng ngày nay tại các làng trong khu vực hành lang xanh gần như không còn, lác đác còn vài bụi cây.

Không gian ao làng

Ao làng có vị trí, kích thước phụ thuộc vào tùy địa hình làng xóm, có ao làng nằm ở trung tâm công trình công cộng, cũng có ao nằm ra vùng biên của làng. Hình thái ao xây có dạng vuông, tròn, chữ nhật, thường kè đá bờ hoặc xây gạch.

Một số hình ảnh ao làng tại các làng

Không gian khu vực giếng làng

Không gian khu vực giếng làng thường kết hợp giếng, cây xanh, công trình kiến trúc như đình, chùa, nhà ở xung quanh. Hình thức kiến trúc của giếng thường là hình tròn, bán nguyệt,... Có thể thấy không gian cảnh quan khu vực giếng làng thường kết hợp các cây cổ thụ, luôn là hình ảnh đẹp trong không gian cảnh quan làng xóm.

Một số hình ảnh giếng làng tại các làng

Cổng làng và không gian cổng làng

Có thể chia thành các dạng đặc trưng như sau: (i) Không gian cổng thoáng đãng, có cây xanh và ao hồ; (ii) Cổng làng sát cạnh các công trình xây dựng, bị lấn chiếm không gian.

Tổ hợp khu vực tín ngưỡng:

Có các thành tố tham gia gồm: đình, chùa, miếu, cây cổ thụ, ao làng... trong đó đình, chùa, miếu là công trình chủ đạo. Các thành tố không gian này được tổ hợp theo một số dạng: (i) Không gian đình, chùa được xây cách xa nhau, chỉ có công trình và cây xanh; (ii) Không gian đình, chùa được xây cách xa nhau, có cây xanh và mặt nước; (iii) Đình, chùa, ao, cây cổ thụ tạo thành một quần thể.

Không gian lưu trú

Nhà ở được xây dựng từ lâu đời, đa phần thấp tầng, gắn với không gian cây xanh và vườn liền kề. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng cao, tình trạng chia lẻ mảnh đất để xây dựng thiếu sự kiểm soát ngày càng nhiều, dẫn tới tình trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngày càng xuống cấp, hệ thống giao thông thiếu, đặc biệt là thiếu chỗ đỗ xe.

Hầu hết các khu ở hiện là các thôn xóm đều chưa được quy hoạch, kiến trúc khu vực này có thể chia làm 2 loại:

(i) Làng xóm đang bị quá trình đô thị hoá tác động mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt thôn xóm, xây dựng mật độ tương đối cao khoảng 40-50%, tầng cao trung bình 2- 3 tầng, chất lượng công trình trung bình khá;

(ii) Làng xóm chịu tác động ít hơn của quá trình đô thị hoá, còn giữ được hình thức vốn có của nhà ở truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ như nhà có sân vườn, mái ngói. Công trình cao trung bình 1-2 tầng, mật độ xây dựng thấp khoảng 30-40%, chất lượng công trình trung bình.

Tại khu vực nhà ở trong làng, một điều không tránh khỏi là một số làng xóm đang dần dần đô thị hoá với những ảnh hưởng của kiến trúc đô thị. Các công trình được xây dựng cải tạo ngày một nhiều với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, quy mô từ 2 đến 3 tầng, góp phần cải thiện điều kiện sống cho cư dân, làm thay đổi bộ mặt của kiến trúc truyền thống. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường, cấp nước, thoát nước, cấp điện đi kèm được xây dựng không đồng bộ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một điểm hạn chế khác là mật độ xây dựng sẽ ngày một tăng làm mất dần đi không gian kiến trúc làng xóm cổ truyền với nhiều cây xanh sân vườn.

Đề xuất mô hình tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các làng

Dựa trên kết quả phân tích, quá trình đề xuất mô hình tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan cho làng xóm được phát triển nhằm tối ưu hóa lợi ích của cảnh quan xanh trong việc hỗ trợ phát triển đô thị bền vững, tác giả đề xuất khả năng lựa chọn hai mô hình phù hợp với các tiêu chí trong quy hoạch chung Hà Nội năm 2011: (i) Mô hình làng du lịch – dịch vụ xanh; (ii) Mô hình làng du lịch sinh thái.

Mô hình làng du lịch sinh thái

Nguyên tắc tổ chức làng du lịch sinh thái

Mô hình làng du lịch sinh thái được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cốt lõi sau:

(i) Bảo tồn không gian làng truyền thống: Việc tổ chức không gian phải tôn trọng cấu trúc hiện có của làng, bảo tồn các kết cấu và công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, đảm bảo sự liên kết và thống nhất trong toàn làng;

(ii) Phát triển bền vững: Thiết kế mô hình sao cho không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cảnh quan kiến trúc. Các công trình mới phải hài hòa với tự nhiên, tránh gây xung đột về cảnh quan và sinh thái;

(iii) Sử dụng vật liệu và công nghệ địa phương: Khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường từ địa phương, qua đó góp phần vào việc tôn vinh văn hóa và giá trị kiến trúc đặc trưng của từng làng.

Cơ cấu chức năng của mô hình làng du lịch sinh thái

Làng du lịch sinh thái trong hành lang xanh không chỉ tái hiện các giá trị truyền thống mà còn bổ sung các chức năng mới, tạo sự đa dạng trong hoạt động và phục vụ nhiều mục đích:

(i) Chức năng kinh tế và nông nghiệp: Bao gồm các khu vực dành cho sản xuất nông nghiệp truyền thống, các xưởng thủ công, chợ làng và các hoạt động thương mại khác, giúp tăng cường khả năng kinh tế cho cư dân;

(ii) Chức năng du lịch sinh thái: Tập trung phát triển các điểm thu hút khách du lịch như cảnh quan tự nhiên, điểm văn hóa lịch sử, qua đó tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và bền vững;

(iii) Chức năng cư trú: Cung cấp các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương và du khách, từ nhà dân cư đơn thuần đến nhà dịch vụ và nhà ở tích hợp dành cho du khách;

(iv) Chức năng hành chính và cộng đồng: Xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết như ủy ban nhân dân, trường học, trạm y tế, và các trung tâm cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư và du khách;

(v) Chức năng văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật: Phát triển các cơ sở văn hóa và giáo dục như nhà văn hóa, trường học, và các cơ sở nghiên cứu để thúc đẩy giáo dục và bảo tồn văn hóa.

Mô hình làng du lịch sinh thái không chỉ là bước tiến trong việc bảo tồn và phát triển bền vững mà còn là cơ hội để làng truyền thống tái định hình, tạo ra một môi trường sống chất lượng cao, hài hòa với thiên nhiên, và là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Mô hình làng nông nghiệp - dịch vụ xanh: Định hình lại không gian sống nông thôn

Nguyên tắc tổ chức làng nông nghiệp - dịch vụ xanh

Mô hình làng nông nghiệp - dịch vụ xanh nhằm phát triển một hệ thống làng đô thị tích hợp với các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả.

Các nguyên tắc cơ bản bao gồm:

(i) Bảo tồn và phát triển: Không phá vỡ cấu trúc làng truyền thống nhưng cải tiến và phát triển chúng để phù hợp với nhu cầu hiện đại, đảm bảo sự liên kết và thống nhất các khu vực trong làng;

(ii) Phát triển đa chức năng: Hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt, nghỉ ngơi, trồng trọt, chăn nuôi và các dịch vụ nông nghiệp, đồng thời tích hợp các dịch vụ phi nông nghiệp để tạo sự đa dạng trong cơ cấu kinh tế;

(iii) Phát triển bền vững: Đảm bảo các công trình và hoạt động phát triển không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cảnh quan làng, thúc đẩy sử dụng các nguồn lực bền vững;

(iv) Tôn trọng và phát huy văn hóa địa phương: Sử dụng vật liệu xây dựng địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa thông qua kiến trúc và cảnh quan truyền thống.

Cơ cấu chức năng của mô hình làng nông nghiệp - dịch vụ xanh

Mô hình nhằm phát triển làng thành các khu vực đa chức năng, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thông thường mà còn hỗ trợ các hoạt động kinh tế và du lịch:

(i) Chức năng kinh tế: Tập trung vào các hoạt động sản xuất truyền thống và hiện đại như trồng trọt, chăn nuôi, làng nghề, cùng với việc phát triển các khu công nghiệp nhỏ, chợ làng, và các hoạt động thương mại khác;

(ii) Chức năng du lịch và dịch vụ: Phát triển các yếu tố thu hút du khách như cảnh quan tự nhiên, di sản văn hóa, trải nghiệm nông nghiệp, và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái;

(iii) Chức năng cư trú: Cung cấp loại hình nhà ở đa dạng, từ nhà ở truyền thống đến các khu nhà ở hiện đại dành cho cả cư dân địa phương và khách du lịch;

(iv) Chức năng hành chính và cộng đồng: Xây dựng các công trình phục vụ hoạt động hành chính, giáo dục, y tế, và văn hóa như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, và các trung tâm cộng đồng;

(v) Chức năng bảo tồn và giáo dục: Thúc đẩy các hoạt động giáo dục và nghiên cứu về bảo tồn sinh thái, nông nghiệp bền vững và văn hóa địa phương.

Mô hình làng nông nghiệp - dịch vụ xanh không chỉ là một cách tiếp cận mới trong quy hoạch và phát triển làng xóm mà còn là cơ hội để chuyển đổi kinh tế nông thôn, tăng cường tính bền vững và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.

Kết luận và kiến nghị

Việc phát triển hạ tầng xanh và cảnh quan xanh đã chứng minh là bước đi thiết yếu để xây dựng một Hà Nội bền vững, nơi mọi người dân có thể tiếp cận với thiên nhiên ngay trong môi trường sống của mình. Các mô hình làng du lịch - dịch vụ xanh và làng du lịch sinh thái không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn đem lại lợi ích kinh tế, thúc đẩy du lịch và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho cư dân.

Để phát huy được chức năng của hành lang xanh theo định hướng quy hoạch chung và dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả có một số kiến nghị như sau:

(i) Thúc đẩy hạ tầng xanh: Chính quyền thành phố nên tiếp tục đầu tư vào hạ tầng xanh, đặc biệt là trong các khu vực đô thị nội thành và làng xóm. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường trong các dự án phát triển mới;

(ii) Bảo tồn và phát triển cảnh quan xanh: Tăng cường bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên thông qua các chính sách quy hoạch và quản lý đất đai chặt chẽ. Phát triển các không gian công cộng xanh như công viên và khu vui chơi để nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.

(iii) Hỗ trợ phát triển kinh tế xóm hội: Hỗ trợ các hoạt động kinh tế dựa trên cảnh quan xanh như du lịch sinh thái và nông nghiệp bền vững. Phát triển các chương trình giáo dục và đào tạo để nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý cảnh quan xanh cho cộng đồng địa phương.

Các kiến nghị này nhằm đảm bảo rằng phát triển đô thị tại Hà Nội diễn ra theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, và có lợi ích cho mọi cư dân trong thành phố./.

Pháp lý xây dựng

Tài nguyên kinh tế du lịch di sản từ thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ và những gợi ý nghiên cứu tiềm năng

Giá trị tiềm năng chỉ riêng cho kinh tế du lịch di sản của tỉnh Ninh Bình tính theo công thức của Noonan-2003 tổng hợp từ 129 địa điểm nghiên cứu để tính thử: Hàng năm có từ 5-7 triệu lượt khách du lịch/năm x 42.78 USD (sẵn lòng chi trả du lịch/người) = 192 triệu đến 300 triệu USD/năm; Nếu tính biến (t) theo thời gian, chẳng hạn sau 10 năm, thì Giá trị tiềm năng du lịch di sản của Ninh Bình có thể lên tới hơn 3 tỷ USD/năm - Khoảng 75 ngàn tỷ/năm (Hà Nội hiện nay là 62.000 tỷ/năm). Nếu lựa chọn định hướng phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ - biểu tượng duy nhất ở VN thì tiềm năng chi trả du lịch của du khách có thể lên đến 12 tỷ USD/năm.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ninh Bình, tại sao không?

Trên thế giới có khá nhiều địa danh vừa là Di sản Thế giới (DSTG) lại vừa là Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO, thậm chí có khi lại còn cả Khu dự trữ Sinh quyền Thế giới (DTSQ), tất nhiên chỉ khác biệt ít nhiều về ranh giới. Có thể kể đến một số ví dụ tiêu biểu, như Ngorongoro (Tanzania) hay đảo Jeju (Hàn Quốc), vừa là DSTG, DTSQ, đồng thời cũng là CVĐCTC UNESCO. Đảo Jeju (Hàn Quốc) - thường được mệnh danh là Nữ hoàng ba vương miện - có lẽ là ví dụ điển hình nhất, với DSTG ở vùng trung tâm, mở rộng dần gần như theo kiểu đồng tâm, lần lượt được bao quanh bởi Vườn quốc gia, DTSQ và ngoài cùng, chiếm toàn bộ đảo là CVĐCTC UNESCO. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang có định hướng lớn về “Thành phố Di sản Thiên niên kỷ Hoa Lư”, kích hoạt trực tiếp ý tưởng về CVĐCTC UNESCO.

Kết nối không gian văn hóa - xã hội vùng lõi và vùng đệm danh thắng Tràng An - Hướng tới đô thị di sản vì con người

Ngày 04/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương, văn minh, hiện đại, thông mình, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới, có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản thế giới của UNESCO. Mục tiêu này cần được tiếp cận từ góc nhìn của 3 vấn đề cơ bản là: Bối cảnh của không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư xưa với phạm vi tương đương với tỉnh Ninh Bình hiện nay; Bối cảnh biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn thế giới; Xu hướng phát triển đô thị di sản đô thị sinh thái gần với phát triển du lịch bền vững.

Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho phát triển vùng di sản Tràng An, Ninh Bình theo hướng bền vững

Cần nhận diện, định dạng cụ thể các giá trị bản sắc mang tính đặc thù, nổi trội, riêng có và lợi thế tuyệt đối của vùng Tràng An, Ninh Bình coi đó là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; trên cơ sở đó đề xuất một số nhóm chính sách mang tính vượt trội, nhằm hoán chuyển các nguồn lực di sản trở thành nguồn lực để phát triển tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới. 

Xây dựng đô thị di sản Hoa Lư - Nhìn từ mục tiêu thiên niên kỷ của UNESCO

Di sản - trở thành một thương hiệu, định vị định danh và tôn vinh cao cấp nhất đối với đô thị hay một nơi chốn. Với các thành phố ở Việt Nam, nơi mà quỹ di sản, di tích dày đặc, trải dài, trải rộng trong không gian và đậm đặc tính lịch sử của thời gian thì có được tôn vinh là đô thị di sản. Vậy, để định danh được nó, cần có các tiêu chí đánh giá cụ thể. Và trên thực tế các thành phố còn “lúng túng” khi xác định các tiêu chí này dễ tạo nên những mâu thuẫn trong cách ứng xử với chính di sản của mình.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi