Đô thị toàn cầu Thành phố Hồ Chí Minh - Đặc thù và động lực

Đô thị toàn cầu Thành phố Hồ Chí Minh - Đặc thù và động lực

(Vietnamarchi) - (KTVN 255) Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt đã đặt mục tiêu xây dựng và phát triển TPHCM thành đô thị toàn cầu, là hạt nhân vùng, cực tăng trưởng cả nước. Vậy TPHCM có những đặc thù gì và sẽ dựa vào những động lực nào để vươn mình thành đô thị toàn cầu trong tương lai...?
09:00, 18/04/2025

ĐÔ THỊ TOÀN CẦU

Trong các đô thị ở Việt Nam, TPHCM có tiềm năng lớn nhất trở thành Đô thị toàn cầu. Đô thị toàn cầu bao trùm lên khái niệm đặc thù và động lực. 

Đô thị toàn cầu là đô thị có các điều kiện sau:

(1) Là 1 trung tâm kinh tế lớn của khu vực và quốc tế

TPHCM có vị thế là trung tâm vùng đô thị, có tiềm lực đạt được quy mô cần thiết của một đô thị toàn cầu. Việc phát triển thành trung tâm kinh tế vừa tạo động lực cho phát triển, vừa thu hút đầu tư.

(2) Là đô thị được phát triển có sự chung tay hợp tác tầm quốc gia và quốc tế

TPHCM hướng tới đô thị toàn cầu

TPHCM có đặc thù là thành phố của người dân nhập cư (trong và ngoài nước). TPHCM cũng là thành phố đông dân, là trung tâm vùng đang được xây dựng hạ tầng kết nối hướng tâm. Tại TPHCM ngày nay, bên cạnh khu phố Tàu Chợ Lớn, người ta có thể nhận biết sự hình thành các khu phố Nhật ở đường Lê Thánh Tôn và Thái Văn Lung, khu phố Hàn gần sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Mỹ Hưng, khu phố Tây tại đường Phạm Ngũ Lão. Nếu được quan tâm hỗ trợ về mặt kinh tế, xã hội cũng như được hướng dẫn về mặt quy hoạch kiến trúc và quản lý phù hợp, các khu giao lưu quốc tế này có thể trở thành những khu vực năng động, giàu bản sắc, là sân chơi trao đổi kinh nghiệm giao tiếp quốc tế cho giới trẻ, đồng thời là khu giao dịch văn hoá và thương mại của các doanh nghiệp Việt với các nước (có thể hoạt động 24h) trong thời kỳ toàn cầu hoá hiện nay.

Người ta nói “Lộ thông thì tài thông”, việc hạ tầng được hoàn thiện sẽ có xu hướng giãn dân, hợp tác kinh tế vùng, kết nối với cảng biển, sân bay. TPHCM có ưu thế là trung tâm vùng, đứng đầu Vùng đô thị, đặc biệt là Vùng tứ giác kinh tế (TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai - Bình Dương). Ngoài ra, Trung ương rất quan tâm đến phát triển thành phố. Đã có những đổi mới về cơ chế, quản lí như Nghị quyết 98/2023/QH15, Nghị quyết số 57/2022/QH15. Những điều này sẽ giúp TP thay máu, sẽ có động lực mới, bước đột phá phát triển mới.

Sắp tới sẽ có những dự án chưa có tiền lệ ở TPHCM: Dự án phát triển hệ thống Metro, Phát triển đô thị TOD. Đây là những dự án rất tham vọng. Nếu thành công thì chắc chắn là động lực phát triển mạnh cho TP.

Đô thị toàn cầu TPHCM có những đặc thù rất riêng không một đô thị nào có. TP cũng đang có những động lực phát triển mới, mang tính dẫn đầu, mang tính khai phá. Nếu làm tốt có thể nhân rộng ra cho cả nước.

KINH TẾ BIỂN

Trong quy hoạch TPHCM vừa được Thủ tướng phê duyệt tháng 1/2025, TPHCM định hướng trở thành đô thị phát triển kinh tế bám sông và hướng biển. Trong đó, Cần Giờ vì tuy giáp biển nhưng lại vướng khu dự trữ sinh quyển phải được bảo tồn. Đối với việc phát triển Cần Giờ, một số nguyên tắc chiến lược cần minh bạch ngay từ đầu.

Cần Giờ - Lá phổi xanh của vùng

Trước bối cảnh TPHCM được sáp nhập với Bà Rịa Vũng Tàu Bình Dương, cục diện mới này có thể giúp “TPHCM mở rộng” trở thành một tiểu vùng đô thị biển với nhiều lợi thể phát triển kinh tế biển:

(1) TPHCM mở rộng sẽ bao gồm 3 cực phát triển quan trọng:

Trong đó, cực trung tâm là nội thành TPHCM và TP Thủ Đức, với vai trò đầu não, trung tâm kinh tế tài chính, sáng tạo, và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Cực thứ 2 là về phía đô thị TP mới Bình Dương, là vùng đất cao, đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mang tính chiến lược phát triển quan trọng. 

Cực thứ 3 là về phía khu vịnh biển Gành Rái - Cần Giờ, gồm Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ với vai trò cụm cảng quốc tế có thể cạnh tranh với cụm cảng quốc tế Singapore, và chuỗi đô thị du lịch biển Vũng Tàu - đô thị sinh thái biển Cần Giờ. 

(2) Một trục hạ tầng chiến lược đa phương tiện sẽ được hình thành nằm giữa Đồng Nai và TP.HCM (mới, gồm Bình Dương - TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu), bao gồm đường bộ, đường sắt, đường cao tốc, đường thủy nối vào sân bay, cảng biển… giúp mở rất nhiều tiềm năng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế. 

(3) Việc quy hoạch hệ thống metro sẽ cần được bổ sung kết nối trực tiếp lên phía Bình Dương và về phía Bả Rịa Vũng Tàu ven biển. 

KHÔNG GIAN XANH

TPHCM đang thiếu không gian xanh mặt nước. Theo mục tiêu quy hoạch thì 10m2/người nhưng thực tế chỉ đạt 0.5m2/người. Để cải thiện, trong các dự án, sắp tới TP luôn nên có sự ưu tiên nhất định cho không gian xanh mặt nước, nhiều hơn so với quy định.

Không gian xanh của TP nên được tổ chức sao cho dù sống ở nơi nào, người dân đều có thể đến một không gian xanh (công viên, vườn hoa, bờ sông, khu bảo tồn thiên nhiên…) trong khoảng cách đi bộ tối đa 15 phút. Các không gian xanh này còn cần được kết nối liên hoàn qua hệ thống sông ngòi, hồ nước, các đại lộ xanh, các tuyến đi bộ và đường xe đạp. Sự kết nối này không những cung ứng thêm một giải pháp giao thông xanh, mà còn tạo ra những kênh dẫn gió giúp giải nhiệt cho thành phố.

Không gian ven sông - cảnh quan xanh của TP

Khi Trung tâm lịch sử được hình thành tại các đô thị, giải pháp chuyển tiếp không gian hiệu quả nhất thường là các không gian xanh đệm giữa ranh giới khu vực phố cổ và khu vực xây dựng hiện đại.

Hiện tại đang còn nhiều cơ hội phát triển không gian xanh tại ven sông, kênh rạch. Đây sẽ là những điểm đến không gian xanh công cộng tương lai của TP. Dần dần, có thể cấy thêm những công trình công cộng như bảo tàng, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, nhà hát, trung tâm triểu lãm, nhà cộng đồng… ven sông. Chỉ cần làm điều này, không gian cảnh quan của trung tâm sẽ được cải thiện rất lớn.

Những không gian xanh trung tâm nên được kết nối liên hoàn. Ví dụ như khu quảng trường Bến Thành nối với Phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhìn thẳng qua Quảng trường bên kia sông, một bên là khu vực nhà cao tầng cao nhất Thủ Thiêm, một bên là không gian xanh văn hóa gắn với di sản nhà thờ Thủ Thiêm. Quy hoạch cảnh quan cần kết nối không gian quá khứ - hiện tại - tương lai, và làm đẹp, làm mát cho đô thị.

Hiện nay kiến trúc cảnh quan chưa được quan tâm đúng mức, cũng đang không có quy định rõ ràng, không có đơn giá. Ngoài ra có sự hiểu sai là kiến trúc cảnh quan chỉ là trồng cây xanh, bố trí chỗ ngồi. Cảnh quan là 1 ngành kiến trúc riêng với các kiến trúc sư cảnh quan. Việt Nam vẫn đang thiếu nhân lực trong ngành này. Cảnh quan của TP còn mang tính chủ quan, chưa có thiết kế tổng thể với quan điểm rõ ràng. Ví dụ như bên cạnh việc quy hoạch Quảng trường Thủ Thiêm kết nối trực diện với Quảng trường Mê Linh, thì khu Trung tâm hiện hữu bờ Tây của TPHCM rõ ràng vẫn còn thiếu việc quy hoạch Quảng trường Bến Thành cùng với không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối trực diện với một Quảng trường tại Thủ Thiêm bên kia sông, với 1 bên là cụm tòa nhà cao nhất Thủ Thiêm và một bên là khu văn hóa di sản gắn với nhà thờ Thủ Thiêm. 

Tóm lại, việc đặt mục tiêu trở thành Đô thị toàn cầu với bản sắc độc đáo, không gian trong lành xanh mát, và tiềm lực kinh tế biển tầm quốc tế, vừa là thách thức, vừa là động lực để TPHCM có thể phát huy tối đa các tiềm năng để không chỉ làm tốt vai trò dẫn đầu kinh tế đất nước mà còn trở thành một điểm nhấn quan trọng của khu vực và quốc tế. 

TPHCM cần tập trung vào các dự án trọng điểm

Từ những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn của TPHCM và những đổi mới mang tính đột phá đang diễn ra hiện nay, chúng ta có thể kỳ vọng TPHCM đạt được tăng trưởng hai con số cho hơn một thập niên trong thời gian tới, nhờ vào tư duy mới, quyết tâm cao để triển khai quy hoạch với tinh thần nghiêm túc, khoa học và đoàn kết. Việc TPHCM trở thành một đô thị toàn cầu, một thành phố hội nhập quốc tế sẽ góp phần thiết thực để thúc đẩy đất nước phát triển vươn lên tầm cao mới./.

Pháp lý xây dựng

Mô hình đô thị đặc thù - đô thị động lực trong bối cảnh của TPHCM

(KTVN 255) Năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 4 ngày 24/11/2017. Chỉ sau 5 năm thực hiện, việc thí điểm theo Nghị quyết 54/2017/QH14 cho thấy hiệu quả của cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM chưa có tác động đáng kể đến hiệu quả phát triển. Vì vậy, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tại kỳ họp thứ 5 ngày 24/5/2023, nhằm đáp ứng nhu cầu tạo dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để dễ dàng phát triển trên cơ sở mật độ kinh tế rất lớn của TPHCM.

Thành phố Hồ Chí Minh và tầm nhìn phát triển đô thị kinh tế biển

(KTVN 255) TPHCM đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi đổi mới và sáng tạo trở thành động lực phát triển. Với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, thành phố đang đứng trước yêu cầu phải chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng mà còn hướng tới một mô hình phát triển bền vững, thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa.

Thành phố Cần Giờ và vai trò tái định dạng địa kinh tế khu vực

(KTVN 255) Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện quá trình đổi mới thể chế rất mạnh mẽ và quyết liệt, trong đó TPHCM đang được xem xét mở rộng về phía biển, tiếp cận kinh tế biển với không gian rộng mở hơn nữa. Tất cả đang chờ đợi quyết định của cấp cao nhất. Trên cơ sở này, có thể phân tích kỹ lưỡng để tính toán bài toán “tái định dạng địa kinh tế khu vực Nam Bộ và TPHCM”. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì TP Cần Giờ theo kế hoạch đặt trên biển giữa vùng công nghiệp phía bên trái và vùng nông nghiệp phía bên phải (nhìn ra biển) vẫn luôn là một đô thị kinh tế dịch vụ, làm động lực làm sống lại “Hòn ngọc Viễn Đông” xưa đầy tráng lệ trên con đường Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương rất sôi động cả về “địa kinh tế” và “địa chính trị”

Bối cảnh mới: Vị thế và hướng đi cho Cần Giờ?

(KTVN 255) Cần Giờ, từ lâu được biết đến như một vùng ven biển biệt lập của TPHCM, nay đang đứng trước một cơ hội mới khi thành phố mở rộng kết nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bình Dương và Vũng Tàu. Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là: Cần Giờ sẽ giữ vai trò gì trong cấu trúc vùng đô thị mở rộng? Làm thế nào để kết nối hiệu quả với các trung tâm kinh tế lân cận? Và đâu là giá trị gia tăng mà Cần Giờ có thể mang lại?

Tổ chức chính quyền tại vùng đô thị lớn - trường hợp TPHCM

(KTVN 255) Bài viết thảo luận về tổ chức chính quyền trong kỷ nguyên đô thị dựa vào đánh giá đặc điểm và yêu cầu về quản lý đô thị và tham khảo cách thức tổ chức chính quyền đô thị tại các vùng đô thị lớn tại một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi