Từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao đến khát vọng trồng “rừng trong thành phố”

Từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao đến khát vọng trồng “rừng trong thành phố”

(Vietnamarchi) - (KTVN 250) Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (QHC 1259) đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan đến phát triển một Hà Nội xanh, thông minh, bản sắc.
09:00, 13/05/2024

Từ một mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực hành lang xanh Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) do doanh nhân Nguyễn Văn Kính sáng lập đang hướng tới trồng hơn 300ha rừng làm môi trường sinh sống cho loài hoa Lan, tạo lá phổi xanh cho Thủ đô Hà Nội. Để hiểu rõ hơn về dự án này, phóng viên Tạp chí KTVN đã có cuộc trò chuyện cùng Doanh nhân Nguyễn Văn Kính. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! 

PV: Thưa Ông! Là một doanh nhân luôn nỗ lực đóng góp cho sự phát triển công trình xanh tại Hà Nội, đặc biệt là các dự án tại khu vực “Hành lang xanh”, việc thông qua đồ án QHC 1259 có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, đô thị xanh?

Doanh nhân Nguyễn Văn Kính: Cấu trúc không gian, cảnh quan, hành lang xanh, nông nghiệp - nông thôn là những yếu tố quan trọng trong việc khai thác hiệu quả, tạo động lực, điểm tựa cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phát triển đô thị. Trong đó, khu vực hành lang xanh là tiền đề tạo dựng một cấu trúc đô thị bền vững, đem lại lá phổi xanh cho các đô thị.

Tại Vitoria-Gasteiz (Tây Ban Nha), Chiến lược cơ sở hạ tầng đô thị xanh đang được thực hiện thông qua nhiều biện pháp can thiệp ở các khu vực khác nhau của thành phố: Vành đai xanh (một loạt công viên và khu vực bán nông thôn xung quanh thành phố), các công viên đô thị và hành lang sinh thái kết nối các yếu tố khác nhau (chẳng hạn như cây xanh dọc theo suối nước hoặc những con đường rợp bóng cây), các lô đất trống và thậm chí cả các tòa nhà (Climate-ADAPT, Nghiên cứu trường hợp, 2018).

Với Adelaide (bang South Australia), vành đai xanh của thành phố này là hệ thống 29 công viên với diện tích khoảng 7,6km2. Hệ thống công viên này vừa là lá phổi xanh đô thị, vừa là nơi cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí, ngắm cảnh của người dân.

Các thành tựu về hành lang xanh trên thế giới đã nhấn mạnh tiềm năng, hướng tiếp cận mới trong thúc đẩy phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn bền vững.

Nhận thấy được hành lang xanh đóng góp vai trò quan trọng cho mục đích phát triển bền vững của đô thị, trong thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách quan trọng có liên quan đã được ban hành. Trong đó, QHC 1259 đã thiết lập các hành lang xanh, vành đai xanh đan xen và bao bọc đô thị. Theo QHC 1259, “Hành lang xanh” này tập trung chủ yếu từ vành đai 4 tới khu vực sông Đáy, sông Tích trong đó có địa bàn Đan Phượng - nơi các dự án của Công ty Lan Toàn Cầu đã và đang triển khai, phát triển.

QHC 1259 đã tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển.

Đối với các doanh nghiệp như chúng tôi, việc phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 giúp cho các doanh nghiệp thấy rõ được tầm quan trọng và tiềm năng của các dự án phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, bảo tồn không gian xanh, hành lang xanh. Từ đó, các doanh nghiệp có những định hướng kịp thời, định vị lại sản phẩm phát triển để tập trung phát triển các công trình, dự án xanh tại các khu vực trọng điểm đạt kết quả cao.

Cùng với những đặc quyền trong cơ chế, chính sách, ưu đãi của các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, nhằm khuyến khích và ưu tiên việc phát triển công trình xanh sẽ trở thành thời cơ đối với các doanh nghiệp để xây dựng chiến lược phát triển theo hướng tạo lập những không gian nhiều diện tích xanh, mật độ thấp tại Thủ đô, đặc biệt là các khu vực hành lang, để những không gian này trở nên xanh đúng nghĩa, là ranh giới phát triển thực sự cho Hà Nội. Ngoài ra, hướng đến phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm, gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho Thủ đô, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Doanh nhân Nguyễn Văn Kính trao đổi với Đoàn làm việc Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

PV: Khu vực hành lang xanh của Hà Nội hiện nay là các vùng nông nghiệp và làng xóm cũ - nơi đây đặt ra nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đem lại hiệu quả cao cho xã hội. Được biết công ty Lan Toàn Cầu trong những năm qua đã thành công với mô hình trồng Lan theo mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vậy xin Ông hãy cho biết mô hình này đã hình thành và phát triển đến nay như thế nào?

Doanh nhân Nguyễn Văn Kính: Hiện nay, trên thị trường, Lan Hồ Điệp là giống hoa được săn đón bởi vẻ đẹp động lòng người, mang lại giá trị kinh tế cao. Nắm bắt xu hướng của thị trường, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) đã đầu tư hàng triệu USD để biến những khu vực bị ô nhiễm bên dòng sông Đáy thành vùng đất “nở hoa”.

Do đó, với việc đầu tư khoa học và định hướng tập trung phát triển hoa Lan thương phẩm và cây giống, công ty đã mạnh dạn đầu tư vào ngành “công nghiệp” này hàng nghìn tỷ đồng đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ cao.

Được biết, Việt Nam hiện mới chỉ sản xuất được 30% so với nhu cầu Lan trong nước, còn lại 70% là nhập từ các nước khác. Để không phụ thuộc vào thị trường Lan của nước ngoài, công ty Lan Toàn cầu là đơn vị tiên phong trong việc đưa giống Lan của Đài Loan về thị trường trong nước và đầu tư hơn một nghìn tỷ để mua công nghệ làm giống, công nghệ chăm sóc, xây nhà nuôi cấy tiến bộ để trồng Lan với quy mô lớn. 

Công ty Lan Toàn Cầu hiện đang sở hữu trang trại trồng Lan với quy mô 32ha, chúng tôi đang thực hiện mục tiêu biến nơi đây trở thành khu nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam và khu vực, đồng thời đưa loài hoa này trở thành vị thế “sân nhà” tại thị trường Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh, xuất khẩu ra thế giới.

Bên cạnh đó, với việc đầu tư vào khoa học, công nghệ, công ty Lan Toàn Cầu đã trở thành một trong những cơ sở nuôi cấy mô hiện đại nhất hiện nay với quy mô nhà mô lên tới 6.000m2, hơn các cơ sở nuôi cấy tốt nhất của Đài Loan (2.000m2) - đất nước được ví như là “Vương quốc hoa Lan”, nơi thống trị về số lượng và chủng loại loài hoa tuyệt đẹp Lan Hồ Điệp.

Để làm được điều trên, công ty đã mạnh tay đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, khu nuôi cấy phôi Lan giống rộng 6.000m2, lắp đặt các hệ thống máy móc cực kỳ hiện đại với những tiêu chuẩn khắt khe nhất về vệ sinh. Bởi, nhà mô phải được tiệt trùng tuyệt đối và đảm bảo độ ẩm - cần thiết phải có máy lạnh trung tâm thật tốt và một hệ thống áp suất dương (áp suất trong cao hơn bên ngoài) để có khe hở nhưng không để côn trùng xâm nhập. 

Ngoài nhà mô là những khu nhà kính ươm hoa theo các giai đoạn phát triển. Hiện tại công ty có 50.000m2 (bao gồm 4 nhà kính), 2 nhà mô mới (10.000m2) đang xây dựng sẽ đi vào sử dụng tới đây.

Trên thực tế, Lan Hồ Điệp là loài hoa rất “khó tính”, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện tự nhiên và quy trình chăm sóc, do đó việc cung ứng ra thị trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ công nghệ kiểm soát nhiệt độ, chúng tôi có thể “điều khiển” cho Lan Hồ Điệp nở theo thị hiếu của người “chơi hoa” và cung ứng tốt cho thị trường. Vì vậy, Lan Hồ Điệp Toàn Cầu hiện đang khẳng định tốt được vị thế và thương hiệu của mình trên thị trường.

Hiện công ty có khoảng 130 giống cây, đây cũng là “ngôi nhà chung” của nhiều giống Lan quý hiếm. Theo đó, với số lượng Lan được trồng rộng rãi như hiện nay, chỉ 3-5 năm nữa, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu Lan trong nước và xuất khẩu.

Cùng với những trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố tiên quyết giúp cho công ty Lan Toàn Cầu ngày một phát triển. Vì vậy, công ty luôn chú trọng trong việc đào tạo đội ngũ kỹ sư trẻ, đặc biệt là đưa họ sang Đài Loan đào tạo trong thời gian 3 năm.

Bên cạnh việc cung ứng hoa cho toàn quốc, Lan Toàn Cầu đang tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập từ 8-10 triệu đồng cho hàng trăm lao động của địa phương.

Với phương châm “đông hành cùng nông dân làm giàu”, biến hoa Lan Hồ Điệp trở thành cây trồng chủ lực, tăng hiệu quả sử dụng đất, Công ty Lan Toàn Cầu dự kiến sau 5 năm sẽ cung cấp 10 triệu cây giống và cam kết chuyển giao kỹ thuật để người nông dân có thể mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào trồng rộng rãi tạo hướng đi mới cho sinh kế bền vững của ngành nông nghiệp.

Công ty Lan Toàn Cầu - “ngôi nhà chung” của nhiều giống Lan quý hiếm

PV: Giai đoạn 2 dự án được kế thừa từ đam mê trồng Lan, với mong muốn tạo môi trường môi sinh cho Lan, Ông đang chuẩn bị cho việc trồng rừng tại khu vực hành lang Thủ đô, tạo ra lá phổi xanh cho Hà Nội. Vậy xin Ông cho biết, kế hoạch và mục tiêu của dự án này như thế nào?

Nhằm mở rộng và phát triển hơn nữa quy mô trồng Lan, công ty đang triển khai dự án trồng rừng tạo môi sinh cho Lan, từ đó hình thành “khu vườn địa đàng” ngay giữa lòng Thủ đô. Mục tiêu của dự án là làm cánh rừng, ngọn núi, tạo suối để tạo môi trường ẩm, đưa giống Lan của rừng Trường Sơn về nuôi cấy, nhân giống giúp loài hoa đặc biệt này của Việt Nam đến với các nước trên thế giới. 

Tôi được biết, cách đây 25 năm, người Nhật đã thành lập một công ty ở Việt Nam và đầu tư nhiều triệu USD chỉ để lấy một giống Lan từ rừng Việt Nam, hiện nay đã nổi tiếng khắp thế giới. Theo nhiều chuyên gia, những giống Lan đẹp và hấp dẫn nhất hiện nay đang sống trên những cánh rừng Trường Sơn. Do đó, những con suối, cánh rừng, dòng sông mà chúng tôi hướng tới xây dựng tại Hà Nội nhằm tạo môi sinh giúp giống Lan bản địa phát triển.

Ngoài ra, với việc nhân giống Lan bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, công ty Lan Toàn Cầu có thể chủ động nguồn giống và mở ra triển vọng sản xuất Lan Việt Nam với quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Nếu giống Lan bản địa được nhân rộng thành công, thời gian tới, Việt Nam sẽ là điểm đến của các nhà kinh doanh hoa trên thế giới.

Việc nhân giống Lan bản địa được phát triển sẽ cải tạo cơ cấu vật nuôi cây trồng, đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Khi dự án chính thức được đi vào hoạt động sẽ là điểm đến hút khách du lịch đến với thủ đô Hà Nội. Bởi từ xưa, Hà Nội nổi tiếng và thu hút khách du lịch bởi những con phố tràn ngập cây xanh cùng nhiều hồ nước tự nhiên nằm rải rác khắp nội đô - những nét đẹp đặc trưng mà không phải thành phố lớn nào cũng có được. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa cũng như nhiều dự án triển khai đã khiến số lượng cây xanh tại Hà Nội giảm đáng kể, chính là nguyên nhân hình thành ý tưởng tạo rừng trong lòng thành phố của tôi. Dự án sẽ đánh dấu bước ngoặt trong cải thiện thực trạng thiếu diện tích che phủ cây xanh tại Hà Nội.

Tuy nhiên, theo tôi, để làm một cánh rừng không phải chỉ cần trồng các loại cây san sát nhau, mà phải có nhiều tầng lớp cây. Do đó, chúng tôi sẽ triển khai trồng nhiều cây với kích thước, chủng loại khác nhau cùng với các con suối, con sông, ngọn núi như trong tự nhiên để tạo độ ẩm, môi sinh sinh thái cho cây phát triển.

Bên cạnh việc trồng Lan, nơi đây còn được tích hợp tham quan, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Nhưng mục đích lớn nhất của dự án là tạo ra lá phổi xanh cho Thủ đô Hà Nội, đưa rừng vào thành phố. Bởi, tôi rất thích các cánh rừng tự nhiên ở thành phố Kuala Lumpur (Malaysia), tại đây có thể bắt gặp các cánh rừng ngay trong lòng thành phố hay khu vườn nổi tiếng ở Singapore, mặc dù chỉ có mấy chục ha rừng nhưng nơi đây lại thu hút đặc biệt nhiều khách du lịch tham quan.

Như vậy, nếu khu rừng tự nhiên hơn 300ha được hình thành cùng với giống hoa bản địa tuyệt đẹp của núi rừng Trường Sơn được sinh trưởng, sẽ là điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế, đồng thời khẳng định về ngành hoa cũng như du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó với những giá trị đặc biệt về vị trí địa lý - điểm giao thoa giữa đền Hát Môn, chùa Thầy, núi Ba Vì và sông Đáy, dự án “đưa rừng vào thủ đô” sẽ tạo thành một vùng sinh thái hoàn hảo, hứa hẹn trở thành “công viên sinh thái di sản” của Việt Nam.

Cơ sở vật chất hiện đại của Công ty Lan Toàn Cầu

Bài học của Singapore - hình mẫu phát triển đô thị xanh và bền vững trên thế giới, đã cho chúng ta thấy được vai trò của nhà quản lý trong việc khuyến khuyến, thúc đẩy cá nhân, tổ chức phát triển các mô hình "vườn trong phố”, "phố trong vườn”. Như vậy, với khí hậu và mật độ đô thị tương đồng với chúng ta, đất nước này có thể là một ví dụ sát sườn về khung chính sách cần có nhằm quản lý và khuyến khích nhà đầu tư cũng như người dân khi phát triển rừng trong đô thị.

Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện tốt dự án ý nghĩa trên, tạo không gian trong lành cho người dân, mang lại lá phổi xanh cho Thủ đô.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông về những chia sẻ hữu ích!

Pháp lý xây dựng

Phố Cổ Hà Nội - Bảo tồn và phát huy giá trị

(KTVN 252) Với vị trí quan trọng về mặt địa lý - lịch sử, Khu Phố Cổ Hà Nội (KPC) trở thành nơi hội tụ của những tinh hoa dân gian truyền thống Việt, là sự kết nối giữa Kinh thành và làng xóm ngoại thành, tạo nên bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. KPC cũng là khu vực có bề dày lịch sử, đã trải qua sự thăng trầm của các triều đại phong kiến, thực dân, các giai đoạn phát triển của dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng. Với quỹ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc, KPC xứng đáng được nhận sự quan tâm không chỉ của quận Hoàn Kiếm, không chỉ của thành phố Hà Nội, mà còn là sự quan tâm của cả nước và thế giới.

Hà Nội trong tôi!...

(KTVN 252) Một hình hài Hà Nội hiện đại, văn hóa, văn minh, giàu bản sắc trong thế kỷ XXI đang dần hiển hiện với những khát vọng phát triển lớn lao và khi ấy sông Hồng - dòng sông vĩ đại sẽ chảy trong lòng thành phố với đô thị sông Hồng, trở thành trục trung tâm phát triển kiến trúc văn hóa, cảnh quan và di sản của Thành phố ngàn năm tuổi.

Có một Hà Nội như tôi đã thấy

(KTVN 252) ...cái không gian “lõi” mà tôi sống hàng ngày và quan sát… về một Hà Nội dường như còn khá nguyên vẹn nét xưa cũ mà có nhiều cái nay đã gọi là “di sản”... Những gì diễn ra từ ngót 40 năm Đổi mới cho đến hôm nay đã mang lại một diện mạo ngày càng mới mà quy mô và tính đa dạng của nó khiến khó dùng ký ức của một người mà mô tả được. Trong ký ức của thế hệ chúng tôi không thể quên các công trình xây dựng được đánh dấu như những cái mốc cho sự phát triển ngày càng tăng tốc ấy. Những chính sách đặc thù cũng như Luật Thủ đô được Quốc hội mới thông qua cho phép chúng ta hy vọng vào một Hà Nội “ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”…

Tạo dựng bản sắc trong kế thừa và phát triển kiến trúc Hà Nội

(KTVN 252) Sứ mệnh tạo dựng một nền kiến trúc có bản sắc là nhiệm vụ đặt ra không chỉ đối với các kiến trúc sư mà còn đối với cả các nhà quản lý. Mặc dù bản sắc trong kiến trúc bao gồm nhiều thuộc tính có thể gọi ra, nhưng dường như nó vẫn là một thách thức lớn trước nghệ thuật sáng tạo không gian. Bản sắc đã được đề cập trong luật Kiến trúc, được thể hiện trong điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội với các nội dung đặc điểm, tính chất tiêu biểu, được thể hiện trong văn hóa, nghệ thuật với các đặc trưng lối sống cộng đồng, vẻ đẹp thuần khiết của tri thức bản địa, sự thuần phong mỹ tục của các dân tộc. 

Tài nguyên kinh tế du lịch di sản từ thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ và những gợi ý nghiên cứu tiềm năng

Giá trị tiềm năng chỉ riêng cho kinh tế du lịch di sản của tỉnh Ninh Bình tính theo công thức của Noonan-2003 tổng hợp từ 129 địa điểm nghiên cứu để tính thử: Hàng năm có từ 5-7 triệu lượt khách du lịch/năm x 42.78 USD (sẵn lòng chi trả du lịch/người) = 192 triệu đến 300 triệu USD/năm; Nếu tính biến (t) theo thời gian, chẳng hạn sau 10 năm, thì Giá trị tiềm năng du lịch di sản của Ninh Bình có thể lên tới hơn 3 tỷ USD/năm - Khoảng 75 ngàn tỷ/năm (Hà Nội hiện nay là 62.000 tỷ/năm). Nếu lựa chọn định hướng phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ - biểu tượng duy nhất ở VN thì tiềm năng chi trả du lịch của du khách có thể lên đến 12 tỷ USD/năm.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi