
Đô thị biển Cần Giờ - cực tăng trưởng mới của Thành Phố Hồ Chí Minh
Đầu tiên, phải nói rằng khu đô thị tiến biển Cần Giờ sẽ trở thành cực phát triển mới của TPHCM, trở thành trung tâm thu hút các nguồn lực, bao gồm cả lực lượng lao động chất lượng cao, tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Cấu trúc thành phố thông minh, xanh sạch và bền vững cũng là xu hướng của thế giới. Việc lựa chọn hướng phát triển này cho thành phố là cách chúng ta tránh việc tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta cũng tận dụng được lợi thế của người đi sau, là không mắc lại những vấn đề mà ngay cả đô thị trên đất liền của TPHCM đang vướng.
Thứ hai, không nên chỉ tập trung vào việc xây dựng các công trình, mà thực chất phải tạo ra một kinh tế đô thị biển theo tiêu chí mới. Nền kinh tế này sẽ tạo ra việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương. Đồng thời cũng sẽ hỗ trợ cho kinh tế biển của TP.HCM mà lâu nay cũng chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ.
Trong bối cảnh sáp nhập, TPHCM sẽ sở hữu một không gian biển khá rộng, có cả thềm lục địa, đảo, mang đến lợi thế lớn về biển cho TPHCM trong tương lai.

Việc đô thị Cần Giờ ra đời đặt ra nhu cầu mới: phải tiếp tục quy hoạch để kết nối hệ sinh thái đô thị biển, bao gồm đô thị đảo (Côn Đảo), nâng cấp phát triển đô thị ven biển Vũng Tàu. Ba đô thị này sẽ trở thành tam giác phát triển kinh tế biển của TP.HCM trong tương lai. Sắp tới, khu vực này cũng có tiềm năng lớn về năng lượng với dự án phát triển điện gió ngoài khơi, có thể tiên phong trong hợp tác công tư
Với những tiềm năng và lợi thế vượt trội của mình, TPHCM sẽ phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế nói chung và đầu tàu kinh tế biển nói riêng. Sự phát triển của đô thị biển Cần Giờ không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của TP mà còn thúc đẩy việc tổ chức lại liên kết vùng theo tư duy và bình diện phát triển mới.
Liên kết vùng theo hướng phát triển mới không chỉ đánh thức tiềm năng của TPHCM mới, mà tiếp tục là trung tâm liên kết vùng, trung tâm logistics của toàn bộ miền Nam (từ Nam Trung Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long).
Hiện nay, cách tiếp cận đô thị trên thế giới là theo hệ sinh thái, không làm các đô thị tập trung quá lớn mà phát triển các đô thị vệ tinh, kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông đa dạng đường bộ, đường sắt, metro, hàng không và đặc biệt là đường thủy - yếu tố cực kỳ quan trọng với vùng cửa sông như TPHCM.
Khi nói đến chiến lược và thương hiệu biển Việt Nam, chúng ta có Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định sáu lĩnh vực kinh tế biển quan trọng cần ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển (mục tiêu đứng đầu vào năm 2030); (2) Kinh tế hàng hải (trọng tâm là khai thác cảng biển và dịch vụ logistics); (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản (ưu tiên nuôi biển và công nghệ cao); (5) Công nghiệp ven biển (ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao); (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời trên biển...).
Đô thị Cần Giờ chính là hướng tới phát triển thành hình mẫu của ngành kinh tế mới: Kinh tế đô thị biển, bao gồm thành phố ven biển, thành phố đảo và tương lai có thể là thành phố nổi, thậm chí cả thành phố ngầm dưới đáy biển. Nếu cảng biển, du lịch được coi là kinh tế biển dù có yếu tố trên bờ thì tại sao kinh tế đô thị ven biển, vốn đóng góp tới 50% GDP của 28 tỉnh, thành ven biển, lại chưa được nhìn nhận tương xứng?'

Thứ ba, phát triển kinh tế biển lần này không chỉ vì GDP mà phải đi cùng với sự thay đổi về chất: Khoa học công nghệ biển phải hiện đại; phải tạo sinh kế bền vững cho người dân (coi người dân là chủ thể, thu hút họ tham gia); phát huy khoa học công dân, kiến thức bản địa. Điều này sẽ tạo ra lực lượng lao động mới, quan hệ sản xuất mới, hiện đại hơn.
Cuối cùng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo hướng tăng số tỉnh/thành phố có yếu tố biển và kết nối vùng duyên hải với lưu vực sông cũng cho thấy nhận thức rõ hơn về vai trò của biển và yêu cầu quản lý tổng hợp, liên ngành, liên vùng. Mọi nỗ lực phát triển dưới biển không thể thành công nếu không quản lý tốt các hoạt động trên đất liền. Việc kết nối các tỉnh vô hình trung đã nhất thể hóa các không gian phát triển và không gian quản trị mới.
Khu đô thị biển Cần Giờ nằm trên địa bàn TPHCM nên đương nhiên được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua cho thành phố. Nếu cần những cơ chế đặc thù hơn nữa cho riêng dự án này, TPHCM hoàn toàn có thể đề xuất và tôi tin Quốc hội sẽ ủng hộ.
Xu hướng sắp tới của Chính phủ là tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương như TPHCM, trao cho TP tính chủ động cao hơn.
Với dự án Cần Giờ, việc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm, đầu tư lớn lại nhận được sự đồng thuận cao từ TP đến Trung ương, không có lý do gì để gặp khó khăn mà chỉ có thuận lợi.
Định hướng Cần Giờ là thành phố thông minh, xanh, sạch, bền vững đòi hỏi nền tảng công nghệ phải đi đầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (như Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia).
Ý kiến của bạn