Giải pháp bảo tồn, phát huy bền vững Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng các dòng họ ở Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Sáng ngày 27/12/2024, tại Hà Nội, Toạ đàm Khoa học “Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng các dòng họ ở Việt Nam” do Tập đoàn Xherozone, Công ty CP Viện Phong thuỷ Khoa học Toàn Cầu - thuộc Tập đoàn Xherozone tổ chức đã được diễn ra. Tọa đàm có sự tham dự của hơn 20 đại biểu là các Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư, Nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực: Lịch sử, Văn hoá, Tín ngưỡng - Tôn giáo, Văn hoá dòng họ, Kiến trúc, Phong thuỷ, Mỹ thuật và Cổ văn…
Đặc biệt, Tọa đàm tiếp tục nhận được sự điều hành bởi Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay và NCS. ThS. Nguyễn Trọng Mạnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xherozone.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, NCS. ThS. Nguyễn Trọng Mạnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xherozone cho biết: Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng tổ tiên của các dòng họ là một lĩnh vực nghiên cứu không chỉ gắn liền với văn hóa tín ngưỡng mà còn phản ánh bề dày lịch sử, sự phát triển của kiến trúc truyền thống và bản sắc từng vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam. Đây không chỉ là nơi kết nối tâm linh của các thế hệ con cháu trong dòng họ, mà còn là không gian lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật và tri thức dân gian quý giá.
Trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội hiện đại hóa và các mô hình sinh sống có nhiều thay đổi, việc bảo tồn và phát huy giá trị của kiến trúc nhà thờ họ, cũng như không gian thờ cúng truyền thống, đang đứng trước nhiều thách thức. Những thách thức này đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để vừa bảo tồn được những giá trị nguyên bản, vừa đáp ứng được những nhu cầu thực tiễn của đời sống hiện đại…
Đó là những lý do Tọa đàm Khoa học “Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng các dòng họ ở Việt Nam” được tổ chức, nhằm tạo diễn đàn tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học về ý nghĩa văn hóa và xã hội của kiến trúc nhà thờ họ trong từng vùng miền, các tôn giáo. Để tìm ra các giải pháp ứng dụng hiệu quả nhằm phục dựng kiến trúc và phát triển những không gian thờ cúng đáp ứng cả nhu cầu thẩm mỹ, tâm linh lẫn tính thực tiễn trong thời đại mới; đặc biệt, làm nổi bật sự khác biệt trong nghệ thuật kiến trúc, trang trí mỹ thuật giữa các vùng miền, các triều đại lịch sử, các tôn giáo...
Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc Dự án “Dòng chảy thời gian” được Xherozone triển khai thời gian gần đây, nhằm khảo cứu, hệ thống lại những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, phong thủy, mỹ thuật…, với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học. Dự án không chỉ gìn giữ những tư liệu, di sản văn hóa vật chất, tinh thần của cha ông ta để lại, mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp, truyền cảm hứng tới cộng đồng trong lưu giữ truyền thống văn hoá, kiến trúc dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay cho biết, đây là công trình ứng dụng, vì thế điều quan trọng hàng đầu chính là mục đích, nội dung hướng đến. Các mô thức đưa ra cần phù hợp tâm lý thờ cúng tổ tiên và điều kiện của người dân, dòng họ. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng phân vùng văn hóa, dân gian có tính ổn định tương đối, nhưng bối cảnh cuộc sống thì thường xuyên thay đổi, đòi hỏi đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu phải tính toán kỹ lưỡng.
Đồng thời, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh, cần xác định kết quả của dự án nghiên cứu này sẽ đưa đến sản phẩm gì, sản phẩm đó có hiệu quả như thế nào đối với việc đưa ra những mô thức cụ thể, phù hợp với những đặc thù văn hóa khác nhau ở các vùng miền, thuyết phục được mọi người dân, gia đình, dòng họ...
Tại buổi Tọa đàm, các thành viên trong nhóm nghiên cứu thuộc Dự án “Dòng chảy thời gian” đã trình bày đề cương nghiên cứu về “Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng các dòng họ ở Việt Nam”, với các nội dung như: Tổng luận về truyền thống thờ cúng dòng họ trong văn hóa Việt Nam; Gia phả và điển lễ thờ cúng dòng họ; Các dạng thức nhà thờ họ ở Việt Nam; Thiết kế, xây dựng nhà thờ họ và không gian thờ cúng ở Việt Nam hiện nay; Giới thiệu các mô hình nhà thờ họ, gia phả và văn tự tiêu biểu ở Việt Nam hiện nay. Và dựa trên cơ sở đó, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cùng trao đổi, chia sẻ về những định hướng nghiên cứu, các kết quả đầu ra dự kiến của dự án.
Theo GS.TS. Đinh Khắc Thuân – Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam, hiện nay một số nhà thờ đang làm tuy có lưu trữ nhưng phục dựng kém, lỗi hết từ bài trí, chữ nghĩa...để đạt mục tiêu có tính khả thi cao, sát thực tiễn, việc nghiên cứu nên áp dụng dạng mở, đặc biệt chú trọng các yếu tố về bản sắc văn hóa vùng miền, văn hóa các dòng họ.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhấn mạnh, để thực hiện tốt dự án cần phải làm rõ từng phần nội dung, quá trình, thời gian thực hiện. Một số nguyên tắc cần lưu ý như đặc trưng, bản sắc văn hóa, tính vùng miền, tính thực tế, nguyên tắc của từng dòng họ, gia tộc… Bên cạnh đó, cần tích cực đẩy mạnh truyền thông.
Đặc biệt, cũng cần phải trả lời rõ những câu hỏi như: Thế nào là tổ tiên và dòng họ; Tại sao phải xây dựng nhà thờ họ; Thờ cúng dòng họ có vai trò vị trí gì...
Theo PGS.TS Khuất Tân Hưng - Trưởng khoa Kiến trúc Truyền thống, Trường Đại học Kiến trúc lưu ý, phải xem xét điều kiện phân bố, không thể thực hiện một dạng kiến trúc nhà thờ cho tất cả vùng miền. Cụ thể, tại khu vực Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều người Thái, trong khi đó khu vực Đông Bắc lại là địa bàn của người Tày... Việc phân vùng tại các địa phương rất quan trọng. Hiện đang phân chia 6 vùng phát triển kinh tế - xã hội, song sự phân chia này khác hoàn toàn với các vùng phát triển văn hóa.
" Từ câu chuyện phân vùng văn hóa các nhà khoa học cần nghiên cứu để xây dựng không gian thờ cúng phù hợp văn hóa các tộc người. Như vùng Trung du và miền núi phía Bắc có đông đảo người Kinh sinh sống, thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang... Đây cũng là những vùng đan xen các dân tộc. Như vậy, khi tìm hiểu kiến trúc hai vùng sẽ có chung đặc điểm, không thể tách ra được. Đặc biệt, ở miền Trung, theo cách phân chia vùng kinh tế - xã hội sẽ gồm Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, kéo dài từ Thanh Hóa, qua Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. Xét riêng văn hóa của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có sự khác biệt với các tỉnh bên kia đèo Ngang, đặc biệt là kiến trúc nhà thờ họ, cách tổ chức, bài trí không gian, cách thờ cúng... Hay Tây Nguyên là địa bàn của nhiều đồng bào dân tộc, tuy nhiên người Kinh cũng đang phát triển tại khu vực này và các vùng khác. Do đó, hoàn toàn có thể kế thừa, phát triển các dòng họ lớn của người Kinh tại vùng núi phía Bắc hoặc Tây Nguyên...", PGS.TS Khuất Tân Hưng cho biết.
Trên cơ sở chia sẻ về vấn đề điều tra, thu thập, nghiên cứu các tư liệu, bản vẽ về không gian thờ cúng của các dòng họ, TS. KTS Nguyễn Đình Phong - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đã đóng góp ý kiến rằng nên ứng dụng thêm công nghệ đồ họa để trực quan hóa các nghiên cứu nhằm tăng hiệu quả thực tiễn.
Đồng thời, ông Nguyễn Đình Phong nhấn mạnh, đây là đề tài nghiên cứu mang tính liên ngành, có phạm vi rộng nên cần sự kết nối chặt chẽ, rộng lớn của các chuyên gia đầu ngành thuộc từng lĩnh vực. Nhóm thực hiện đề tài sau đó nên xuất bản thành sách, làm thành bộ dữ liệu đáng tin cậy để các dòng họ có thể tham khảo.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tích cực đưa ra những giải pháp đóng góp cụ thể cho dự án.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Dự án “Dòng chảy thời gian” do CTCP Viện Phong thủy Khoa học Toàn Cầu thuộc Tập đoàn Xherozone, Hệ sinh thái Phong thuỷ Đại Nam thực hiện là Dự án khảo cứu, hệ thống lại những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật, đặc biệt là khoa học phong thuỷ của các triểu đại phong kiến từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Dự án không chỉ gìn giữ những tư liệu, những di sản văn hóa vật chất, tinh thần của cha ông ta đối với thế hệ con cháu mai sau, mà còn giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp và truyền cảm hứng tới cộng đồng trong việc lưu giữ truyền thống văn hoá, kiến trúc dân tộc Việt Nam.
Dự án đã tái hiện được các dấu tích lịch sử, tiến hành sắp xếp, hệ thống hoá những di sản văn hoá vật chất và tinh thần thông qua các di sản Văn hoá - Kiến trúc - Phong thuỷ - Mỹ thuật trong các triều đại, giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, Dự án triển khai nghiên cứu nội dung lưu giữ các dấu tích di sản tư liệu, văn hoá, kiến trúc, phong thuỷ trong truyền thống thờ cúng dòng họ ở nước ta nhằm phục dựng, thiết kế và phát triển những không gian thờ cúng đáp ứng cả nhu cầu thẩm mỹ, tâm linh lẫn tính thực tiễn trong thời đại mới.
Chi tiết liên hệ ThS. Nguyễn Thị Hằng, Phó Giám đốc CTCP Viện Phong thủy Khoa học Toàn Cầu.
ĐT: 0866.597.168
Email: hangnt@xherozone.com.
Ý kiến của bạn