Sự hòa nhập bản địa trong quy hoạch và kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc

Sự hòa nhập bản địa trong quy hoạch và kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc

(Vietnamarchi) - Khai thác các yếu tố bản địa vào quy hoạch và kiến trúc không phải một xu hướng nhất thời, mà là một phần tất yếu trong quá trình tư duy thiết kế; nên thời nào cũng có, chỉ những phương thức biểu đạt, truyền tải là khác nhau do quan niệm, tư tưởng thiết kế từng thời không giống nhau.
06:34, 26/11/2024

Kinh nghiệm khai thác, phát huy tiếp biến yếu tố bản địa Việt Nam trong kiến trúc mới đã được nhìn thấy từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 - trong bối cảnh sự xâm nhập của người Pháp vào Việt Nam. Từ đây, đã diễn ra một quá trình giao lưu và tiếp biến, mà khởi đầu là gượng ép cho tới sự hòa nhập ở giai đoạn sau, của quy hoạch và kiến trúc phương Tây thời Cận đại với giá trị bản địa Việt Nam.

Thông qua phân tích bốn trường hợp phát triển đô thị thời Cận đại ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế và Đà Lạt, cùng sự hình thành và phát triển rực rỡ của phong cách kiến trúc Đông Dương, bài viết đóng góp thêm tư liệu về sự hòa nhập bản địa trong quy hoạch và kiến trúc đô thị Việt Nam thời Pháp thuộc. Đây là một nội dung / giai đoạn nghiên cứu trong đề án nghiên cứu Bảo tồn, phát huy, làm mới (đổi mới) giá trị truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đang được Hội Kiến trúc sư Việt Nam thực hiện.

1. Mở đầu

Khai thác văn hóa truyền thống, các đặc trưng bản địa vào quy hoạch và kiến trúc không phải một xu hướng nhất thời, mà là một phần tất yếu trong quá trình tư duy thiết kế; nên thời nào cũng có, chỉ những phương thức biểu đạt / chuyền tải là khác nhau do quan niệm, tư tưởng thiết kế từng thời không giống nhau. Để bàn luận về khai thác các giá trị văn hóa - kiến trúc truyền thống trong quy hoạch và kiến trúc đô thị Việt Nam thời Pháp thuộc, e rằng có thể khiên cưỡng nếu cố gượng ép nội hàm “truyền thống Việt Nam“ và “giải pháp / kiểu của Pháp“. Thay vào đó, chúng tôi đề xuất “mềm“ hóa, uyển chuyển hóa bằng nội hàm bản địa. Theo TS. Nguyễn Trí Thành [11], “hiện nay ở Việt Nam, văn hóa bản địa và kiến trúc bản địa vẫn được ngầm hiểu là văn hóa / kiến trúc của người Việt, được dùng trong sự phân biệt / so sánh / đối chứng với văn hóa / kiến trúc du nhập từ bên ngoài (trong đa số trường hợp là của phương Tây). Tuy nhiên, việc nhận diện cái bản địa nào là “gốc” (chưa bị ảnh hưởng từ bên ngoài - thực chất là cái dân gian / truyền thống, của thời kỳ phong kiến) hay là “mới” (đã có sự giao thoa & tiếp biến, trong các thời kỳ cận đại / hiện đại) lại chưa thật sự rõ ràng, cũng như chưa chỉ ra yếu tố / giá trị xuyên suốt các thời kỳ để tiếp nối đến đương đại“.

Kinh nghiệm khai thác, phát huy tiếp biến giá trị của kiến trúc truyền thống Việt Nam trong kiến trúc mới đã được nhìn thấy từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 - trong bối cảnh sự xâm nhập của người Pháp vào Việt Nam. Từ đây, đã diễn ra một quá trình giao lưu và tiếp biến, mà khởi đầu là gượng ép cho tới sự nhuần nhuyễn ở giai đoạn sau, của quy hoạch và kiến trúc đô thị Việt Nam với văn hóa phương Tây thời Cận đại. Bài viết này mong muốn đóng góp thêm tư liệu để trao đổi, tham khảo về yếu tố bản địa trong quy hoạch và kiến trúc đô thị Việt Nam thời Pháp thuộc. Đây là một nội dung / giai đoạn nghiên cứu trong đề án nghiên cứu Bảo tồn, phát huy, làm mới (đổi mới) giá trị truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đang được Hội Kiến trúc sư Việt Nam thực hiện.

2. Hòa nhập bản địa trong phát triển đô thị thời Pháp thuộc

Khi nói tới sự hòa nhập bản địa trong phát triển đô thị, chúng ta nghĩ tới việc lựa chọn địa điểm và phương thức phát triển trong quan hệ với vùng đất / các khu dân cư bản xứ đang tồn tại. Chúng tôi nhận thấy có bốn dạng theo hướng tăng dần sự hòa nhập: 1/ Độc lập; 2/ Ngăn cách; 3/ Lân cận; 4/ Đan cài.

Phân tích bốn trường hợp phát triển đô thị của người Pháp tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế và Đà Lạt cho chúng ta những kinh nghiệm thú vị về cách hòa nhập hóa bản địa tại mỗi thành phố.

  • Dạng Độc lập:

Khi được hoạch định xây dựng, hầu hết các khu phố Pháp tại các đô thị đều được xác định có vị trí độc lập với các khu dân cư bản xứ / các làng cổ. Không chỉ ngăn cách bằng các tuyến đường lớn, tại Hải Phòng, khu phố Pháp còn được ngăn cách với các làng của người Việt và Hoa bởi kênh Vành đai (kênh Bonnan). Khoảng giãn cách này cho phép người Pháp yên tâm hơn về vấn đề an ninh, phòng dịch bệnh và kiểm soát dễ dàng hơn theo khu vực. Tuy nhiên, theo thời gian, do sự phát triển mở rộng của các khu phố Pháp và làng Việt, do nhu cầu giao thương / thông thương, do khả năng kiểm soát của chính quyền Thực dân đã tốt hơn khi đã thiết lập tương đối hoàn chỉnh bộ máy cai trị, chúng ta chứng kiến mô hình phát triển Độc lập đã chuyển hóa sang các mô hình có sự hòa nhập nhiều hơn.

  • Dạng Ngăn cách:

Huế là nơi diễn ra sự giao thoa đặc biệt của một bên là vương triều Nguyễn có sức mạnh tinh thần đối với dân chúng, và một bên là chính quyền thực dân có thực quyền quyết định các vấn đề quan trọng. Sự giao thoa này biểu hiện ở quá trình người dân bản địa tiếp thu các thành tựu kỹ thuật phương Tây, và người Pháp kiếm tìm giải pháp hòa nhập vào môi trường bản địa. Chính sự song hành này đã tạo ra đô thị Huế đặc sắc như hôm nay [7].

Đô thị Huế trước khi có sự can thiệp của người Pháp nằm hầu hết tại bờ bắc sông Hương. Ở bờ nam sông Hương trước năm 1884, chủ yếu xây dựng các công trình đền miếu, chùa chiền và nhất là lăng mộ, của các Vua quan và người dân. Trong cấu trúc đô thị Huế, sông Hương là tuyến chính chi phối cấu trúc, cảnh quan và cả yếu tố phong thủy của đô thị. Năm 1874, công trình Tòa Khâm sứ Trung Kỳ được xây dựng tại bờ nam sông Hương đánh dấu sự xuất hiện của kiến trúc thuộc địa Pháp tại Huế, từ đây, người Pháp đã thiết lập riêng một Khu phố Pháp ở bờ nam dòng sông này. Quá trình phát triển đô thị đã giữ lại trọn vẹn cấu trúc đô thị truyền thống và hệ thống các công trình quan trọng ở bờ bắc. Sông Hương giữ vai trò điều tiết sự hòa nhập giữa các yếu tố cũ và mới, là không gian ngăn cách uyển chuyển giữa không gian của triều đình nhà Nguyễn ở bờ Bắc và không gian hoạt động của người Pháp ở bờ nam.

Tại Huế, sông Hương là không gian giãn cách giữa Kinh thành ở bờ bắc với khu phố  Pháp ở bờ nam - (nguồn: Dư Tôn Hoàng Long)
Hình 1: Tại Huế, sông Hương là không gian giãn cách giữa Kinh thành ở bờ bắc với khu phố Pháp ở bờ nam - (nguồn: Dư Tôn Hoàng Long).
 Tại Hà Nội, hồ Gươm là không gian chuyển tiếp về hình thái đô thị, kiểu dáng kiến  trúc từ khu phố bản xứ đến khu phố mới của người Pháp
Hình 2: Tại Hà Nội, hồ Gươm là không gian chuyển tiếp về hình thái đô thị, kiểu dáng kiến trúc từ khu phố bản xứ đến khu phố mới của người Pháp - (nguồn: Vũ Hoài Đức).
  • Dạng Lân cận

Tại Hà Nội, hồ Gươm cho thấy tính tương đồng về vị trí / vai trò giãn cách giữa không gian của người Việt và không gian của người Pháp. Tuy nhiên, sự giãn cách này không quá triệt để như tại Huế, mà phần nào đó, tính giao thương cùng các hoạt động đô thị có tính chất phụ thuộc lẫn nhau đã làm cho hai không gian này dường như xích lại gần nhau, tiến đến mô hình đô thị có các khu chức năng khác biệt về tính chất nhưng được sắp đặt lân cận nhau.

Trong cuốn sách The French In Tonkin And South China [2] xuất bản năm 1902, học giả Alfred Cunningham đã nhận định “Hà Nội, một thành phố được xây dựng giữa vùng ngoại vi mang sắc thái Á Châu, vượt trội hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Viễn Đông. Đường sá thì rộng rãi, rợp bóng cây, và ở trong tình trạng tuyệt hảo“. Với sự tồn tại sẵn có của khu phố Cổ ở phía bắc hồ Gươm, người Pháp đã lựa chọn không thay thế, mà quy hoạch, mở mang một khu phố theo phong cách châu Âu, khởi phát từ khu nhượng địa là trại lính ven sông Hồng phát triển về phía Tây. Cách thức tổ chức này làm cho không gian hồ Gươm trở nên hấp dẫn, là nơi chứng kiến sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt Việt và Pháp trên khía cạnh kiến trúc đô thị. Arnauld Le Brusq [5] đã nhận xét “sự chuyển hóa những chuẩn mực về đô thị được du nhập từ phương Tây thể hiện qua việc kết hợp tính hợp lý kiểu phương Tây với nét duyên dáng Á châu”. Như vậy, người Pháp đã lựa chọn cách phát triển một khu phố mới bên cạnh khu phố bản địa có sẵn, song không áp sát, không gây ra sự chuyển đổi đột ngột hình thái đô thị, mà ngược lại, được liên kết một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng thông qua một không gian chuyển tiếp là hồ Gươm [4].

  • Dạng đan cài

Dù khu phố Pháp Hà Nội chủ yếu hòa nhập theo dạng Lân cận, nhưng cũng có những khu vực theo dạng Đan cài, ví dụ như khu vực phía tây hồ Gươm đến thành Hà Nội. Tại Hải Phòng, chúng ta thấy sự liên kết bản địa sâu hơn giữa khu phố của người Pháp và khu phố của người Việt, người Hoa bản xứ. Hải Phòng những năm 70 của thế kỷ XIX được cấu thành bởi hai bộ phận chính: 1/ phía tây nam giáp sông Tam Bạc là khu người Việt và Hoa kiều mà người Pháp thường gọi là "khu bản xứ”; 2/ phía bắc giáp sông Cấm là khu tô giới (thường gọi là khu nhượng địa) do Pháp cai quản với những công trình kiến trúc đô thị hiện đại đầu tiên của Hải Phòng. Tác giả [15] đã nhận định “khác với phần lớn các đô thị thời cận đại ở Việt Nam, đô thị Hải Phòng được hình thành theo cách riêng: không gắn liền với thành lũy phòng ngự, không dựa trên cơ sở một điểm tụ cư truyền thống, không phát triển từ Làng lên Phố, cũng không nằm trên tuyến giao thương lâu đời. Hải Phòng là đô thị hoàn toàn mới, hình thành vào thời kỳ cận đại, được quy hoạch và xây dựng từ đầu trên vùng đất trống. Chỉ có một số đô thị nghỉ mát như Sapa, Tam Đảo, Đồ Sơn, Đà Lạt,.. được hình thành theo cách thức như vậy, song cấu trúc không gian lại hoàn toàn khác (nương theo địa hình đồi núi phức tạp nên có hình thái không chính tắc). Trong khi đó, Hải Phòng được quy hoạch mang đặc tính hình học rõ ràng, có đầy đủ các thiết chế đô thị và các kiến trúc tương ứng. Sự phát triển mở rộng khu phố của người Pháp ở phía bắc - giáp sông Cấm đã không tạo ra sự xung đột, đối chọi với khu phố bản xứ ở phía tây nam - giáp sông Tam Bạc. Tại Hải Phòng, các khu phố này lại hướng vào nhau - tưởng là sẽ tạo ra xung đột nhưng thực tế lại giao thoa khá êm ả“. Sự giao thoa Á và Âu có lúc rạch ròi ở từng địa điểm cụ thể, có lúc lại quyện hòa, cùng tạo nên đặc trưng tổng thể của khu phố Pháp Hải Phòng. 

Các hoạt động đô thị lan tỏa, đan cài giữa các cộng đồng Việt - Hoa - Pháp cùng tồn tại, gắn với tính giao lưu quốc tế của cảng biển, làm cho khu phố Pháp Hải Phòng có những đặc điểm đô thị rất riêng, có thể coi là một giá trị đặc sắc về kinh nghiệm dung hòa các hoạt động đô thị thời Pháp thuộc.

 Bản đồ Hải Phòng năm  1910 với khu phố của người Pháp  (A) và khu phố bản xứ của người  Việt, người Hoa (B)
Hình 3: Bản đồ Hải Phòng năm 1910 với khu phố của người Pháp (A) và khu phố bản xứ của người Việt, người Hoa (B) - (nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia).

Đà Lạt là trường hợp được tiếp tục lựa chọn để phân tích mối quan hệ / mối liên kết giữa quy hoạch đô thị thời Pháp thuộc với nền cảnh quan và địa hình độc đáo của vùng đất này. Trong các đồ án quy hoạch Đà Lạt, được nhắc đến nhiều hơn cả là đồ án thực hiện năm 1923 của KTS. Ernest Hebrard. PGS. Nguyễn Hồng Thục [13] nhận định về quy hoạch của Hebrard “như cách ta bóc đi lớp vỏ bọc đất đá để lộ một viên ngọc đại ngàn nơi rừng sâu. Sau hai năm làm việc, Hebrard đã hình thành hai đường viền quan trọng cho Đà Lạt. Đường viền thứ nhất bao quanh một khu vực chừng 30 ngàn ha có thể bao chứa chừng 50 ngàn dân, phân định ranh giới thành phố và tự nhiên, để tuyệt đối tránh việc xây dựng có thể lấn vào thiên nhiên hoang sơ bao bọc xung quanh. Đường viền thứ hai tựa vào địa hình để chạy một nét mềm mại ở lưng chừng giữa núi đồi và thung lũng, khoanh ranh giới mơ hồ của một bên là những đồi thông cổ cao vút, một bên là những thung sâu thấp xuống - cũng là đường viền chính để bám theo nó lựa chọn đất xây dựng một thành phố ẩn giữa cỏ cây. Ở đáy của các thung lũng “cắn“ nhau chạy dài từ Bắc đến Nam“. Hébrard đã thiết lập một cấu trúc trung tâm - cảnh quan nước suốt chiều dài thành phố (gồm có 6 cái hồ mềm mại chạy giữa những vùng đất thấp theo địa hình, bắt nguồn từ suối Cam ly trên cao, thấp dần kết tại nhà ga xe lửa cửa ngõ thành phố.

Hai đường viền xác định ranh  giới thành phố và cấu trúc trung tâm -  cảnh quan nước của Đà Lạt trong bản  phác thảo quy hoạch đầu tiên năm 1923
Hình 4: Hai đường viền xác định ranh giới thành phố và cấu trúc trung tâm - cảnh quan nước của Đà Lạt trong bản phác thảo quy hoạch đầu tiên năm 1923 - (nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia).
Quy hoạch chỉnh trang và phát  triển Đà Lạt, với sự nhấn mạnh những  trung tâm bản địa mới của KTS  Lagisquet năm 1943.
Hình 5: Quy hoạch chỉnh trang và phát triển Đà Lạt, với sự nhấn mạnh những trung tâm bản địa mới của KTS Lagisquet năm 1943. Khu dân cư người Việt là trung tâm công cộng cho thị dân người bản địa được bố trí ngay từ bản quy hoạch đầu tiên của KTS Hébrard một cách trang trọng ở phía đông khu trung tâm chính và quay ra quảng trường Marché – Chợ Cây Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình) - (nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia).

Phân tích bốn đô thị nói trên cho thấy, người Pháp đã chú ý quan tâm đến các yếu tố bản địa trong hoạch định, phát triển đô thị. Ở mỗi đô thị, người Pháp có cách ứng xử khác nhau về tạo lập địa điểm, định hình hình thái đô thị, cảnh quan và kiến trúc, phụ thuộc vào tính chất của địa điểm đó. Đối với Hà Nội và Huế là hai đô thị có nền văn hóa, lịch sử, dân cư lâu đời, người Pháp chọn cách phát triển khu phố mới bên cạnh thành cổ và khu phố bản xứ có sẵn, xen kẽ giữa các làng cổ, có khoảng giãn cách hợp lý tạo sự chuyển hóa nhẹ nhàng, mở ra sự dung hòa, chấp nhận lẫn nhau giữa cũ và mới. Tại Hải Phòng, do ranh giới nước của khu trung tâm đô thị thời ấy (hay còn gọi là khu phố Pháp) vốn được tạo bởi các con sông Cấm, sông Tam Bạc và kênh vành đai dường như đã trở thành chất xúc tác, là đường biên không dễ vượt qua để hai khu phố Pháp với Việt - Hoa tự thân hướng về phía nhau một cách hài hòa [15]. Tại Đà Lạt, đô thị được phát triển từ những bản quy hoạch gắn với nền cấu trúc và cảnh quan tự nhiên một cách chân thật, là sự tôn trọng tuyệt đối những sắp xếp sẵn có của thiên nhiên, sự dung nạp các không gian / trung tâm hoạt động bản địa của người Việt. Những kinh nghiệm đáng quý này trong phát triển đô thị thời kỳ Pháp thuộc luôn và mãi là những bài học quý giá cho chúng ta trong phát triển đô thị đương đại, để đạt được sự bền vững hơn về môi trường, văn hóa, xã hội đương đại [16].

3. Chuyển hóa về tư duy và quá trình hòa nhập bản địa trong kiến trúc thuộc địa Pháp

Theo TS. Trần Mạnh Cường [3], cho đến trước những năm 1940, người Pháp (H.Parmentier, L.Bezacier,..) đã quan tâm nghiên cứu (khảo sát, vẽ ghi) các kiến trúc truyền thống tiêu biểu của người Việt (đình, chùa) mà họ gọi là “kiến trúc bản địa”. Trên cơ sở đó, các KTS Pháp và Việt đã tiếp thu đưa vào chi tiết trang trí trong một số công trình Art Deco, hoặc hơn nữa là chuyển hóa thành phong cách Đông Dương (tức là bản địa hóa hình thức các công trình kiến trúc kiểu phương Tây do người Pháp đưa sang xây dựng ở Việt Nam - mà trước đó trong kiến trúc dân gian chưa từng có).

Giai đoạn sau 1920, người Pháp bắt đầu chương trình khai thác thuộc địa ở Đông Dương lần thứ hai với tốc độ và quy mô lớn gấp nhiều lần trước đó. Đây là thời kỳ nhiều loại vật liệu, kỹ thuật xây dựng mới chưa từng có trước đây được du nhập vào Việt Nam. GS. Nguyễn Quốc Thông và PGS. Trần Hùng [12] nhận định “Phong cách Đông Dương được Hebrard khởi xướng vào cuối năm 1920 với đặc điểm kết hợp mái ô văng, dầm console đỡ mái, các chi tiết hoa văn trang trí trên tường, diềm mái, dưới ô văng mang dấu ấn Á đông. Cấu trúc mặt bằng đơn giản được bố cục theo nguyên tắc đối xứng hoàn toàn giữ tinh thần theo tạo hình kiểu Beaux Arts. Ngoài ra, còn có phong cách Art Déco với tư tưởng thẩm mỹ lập thể, hợp khối trên cơ sở cân bằng và phi đối xứng, trong triết lý tạo hình đã thoát ly khỏi những chi tiết trang trí cầu kỳ“.

Thông gió tự nhiên bằng khe hở giữa hai lớp mái, trong đó lớp mái phía dưới đua rộng ra, nhằm  che nắng và chống mưa hắt vào cửa, đầu cột trang trí hoa văn kiểu Á đông trong tạo hình kiểu nghé bảy  thường thấy trong kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam, tại Bảo tàng Louis Finot
Hình 6,7: Thông gió tự nhiên bằng khe hở giữa hai lớp mái, trong đó lớp mái phía dưới đua rộng ra, nhằm che nắng và chống mưa hắt vào cửa, đầu cột trang trí hoa văn kiểu Á đông trong tạo hình kiểu nghé bảy thường thấy trong kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam, tại Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) - (nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
  • Khí hậu

Khí hậu là một trong những yếu tố chính tạo ra các phương pháp thiết kế và xây dựng bản địa, là nguồn gốc của mọi yếu tố cấu trúc hoặc hình thái. Thời kỳ đầu, việc thích ứng hóa với điều kiện khí hậu Việt Nam đã hình thành kiểu kiến trúc có hành lang bao quanh bốn phía. Về sau đã có những biến đổi phong phú hơn và thích nghi tốt hơn. Công trình có dạng hình học cân đối, kích thước mặt bằng lớn, thấp chiều cao mà rộng bề ngang để cấu trúc vững chãi phù hợp với những vùng đồng bằng châu thổ hoặc các đô thị ven sông có nền đất yếu và khí hậu nhiều gió bão. Trong các giai đoạn tiếp theo, người Pháp đã xây dựng ở Việt Nam những công trình đa dạng về loại hình, phong phú về phong cách kiến trúc. Nhiều đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng đã tập hợp đầy đủ các phong cách kiến trúc tiêu biểu ở Việt Nam thời Pháp thuộc như: Thực dân tiền kỳ, Tân cổ điển, Địa phương Pháp, cho đến Đông Dương, Neo Gothic, Art Déco và Cận hiện đại. Trong đó, nổi bật và có liên hệ rõ nét với văn hóa bản địa là phong cách Đông Dương.

Để thích ứng khí hậu bản địa, hệ tường bao dày 330 hoặc hơn có khoảng rỗng ở giữa là phương thức hữu hiệu chống lại cái nóng mùa hè và cái lạnh mùa đông ở miền Bắc. Hệ cửa đi và cửa sổ hai lớp (trong kính, ngoài chớp lá sách) phù hợp với nhu cầu chiếu sáng tự nhiên và thông gió xuyên phòng. Bằng việc sử dụng thông minh cách đóng / mở từng lớp ứng với điều kiện thời tiết từng mùa, không gian bên trong nhà thông thoáng và vẫn che chắn được nắng chiếu vào mùa hè, giữ được ấm mà vẫn đủ ánh sáng vào mùa đông. Sự bổ sung những chi tiết cấu tạo như: lỗ thông hơi ở chân tường hoặc phía bên trên các ô cửa sổ kết hợp cùng trần nhà cao đáp ứng yêu cầu thông gió ở vùng nhiệt đới, cửa đi bằng gạch hoa chanh bản xứ, sự cộng hưởng với hệ thống mái vẩy dốc… cho phép lưu thông không khí; mái ô văng trên từng ô cửa hoặc dạng chạy suốt dọc tường nhà, được lợp ngói tạo dốc cho phép che chắn mưa hắt... được nhìn nhận là những thủ pháp vừa tạo hình vừa thích nghi với khí hậu bản địa.

Ngói cổ Pháp trong công trình Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) do hãng  Satic sản xuất (kt:250x250mm, nặng 1,84kg) sử dụng họa tiết trang trí Á đông
Hình 8: Ngói cổ Pháp trong công trình Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) do hãng Satic sản xuất (kt:250x250mm, nặng 1,84kg) sử dụng họa tiết trang trí Á đông - (nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
  • Kỹ thuật - vật liệu địa phương

Về Kỹ thuật - vật liệu, TS. Lê Duy Thanh [10] nhận định “thực dân Pháp đã mang đến Hà Nội những công trình kiến trúc có đặc trưng cấu trúc kiến tạo rất đặc biệt: từ hoàn toàn khác biệt với kiến trúc địa phương ở giai đoạn tiền thuộc địa, cho đến những công trình thể hiện sự tiếp biến tài tình của khoa học kỹ thuật và văn hóa xây dựng trong giai đoạn phát triển mạnh nhất của chế độ thuộc địa“. Để khắc phục những hạn chế của vật liệu gỗ truyền thống, người Pháp đã sử dụng bê tông cốt thép đúc các cấu kiện vượt khẩu độ lớn hơn, song được tạo hình gần gũi và nhuần nhị với các chi tiết kiến trúc truyền thống của người Việt. Họ đã thích ứng hóa một số kỹ thuật, sử dụng vật liệu bản địa, như: không gian bán hầm chống lạnh và ẩm, sử dụng nhiều lớp vật liệu tự nhiên bền vững với môi trường như đá và gỗ tự nhiên, vữa trát tam hợp và vôi ve giúp công trình có thể “thở“; các loại vật liệu sản xuất theo công nghệ phương Tây được điều chỉnh phù hợp với đặc tính kỹ thuật xây dựng của người bản xứ; phối trộn các kỹ thuật xây dựng địa phương độc đáo như xây vòm cuốn gạch, trần vôi rơm, kết hợp dầm gỗ và sàn gạch; các công trình xây bán khung hoặc bê tông cốt thép từ sau những năm 1920 vẫn sử dụng các cấu kiện và liên kết thường thấy ở công trình xây gạch, thể hiện sự tiếp biến trong kỹ thuật xây dựng...

  • Văn hóa bản địa

Tới Hà Nội vào năm 1921, Ernest Hébrard chủ trương đổi mới và đoạn tuyệt với quy tắc tái hiện những xu hướng kiến trúc đang thịnh hành ở chính quốc vào miền nhiệt đới. Nếu ông không phải là người khởi xướng thì ông cũng là người đưa lý thuyết đối thoại giữa các nền văn hóa và ý tưởng kết hợp những yếu tố kiến trúc phương Đông với phương Tây tạo ra phong cách kiến trúc mới - phong cách kiến trúc Đông Dương“ - theo PGS. Philippe Le Failler, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội. TS. Lê Minh Sơn [9] đúc kết, tư tưởng chủ đạo trong thủ pháp tạo hình của Kiến trúc Phong cách Đông Dương gồm có: 1/ Á Đông hóa hình thức bố cục cổ điển phương Tây; 2/ Tối đa hóa công năng của bố cục cổ điển; 3/ Hội nhập hóa yếu tố văn hóa - kiến trúc Đông-Tây. Những thủ pháp tạo hình trên các yếu tố kiến trúc phương Tây và các yếu tố văn hóa Á Đông đã được thực hiện rất phong phú, đa dạng.

TS. Nguyễn Đình Toàn [14] đã nhận định “trong quá trình xích gần và sự nỗ lực khai thác những giá trị truyền thống, người Pháp đã đan ghép vào những công trình kiến trúc của họ. Bởi vậy, kiến trúc thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã có được bản sắc riêng. Sự xuất hiện của phong cách Đông Dương từ nhu cầu khắc phục những nhược điểm của kiến trúc phong cách Cổ điển kém thích ứng với điều kiện tự nhiên và văn hóa truyền thống bản địa. Bố cục và hình khối là nền tảng trên đó những ứng dụng hình ảnh và đường nét truyền thống Á Đông dung hòa một cách hiệu quả với kiến trúc phương Tây. Sự kết hợp này tạo nên một hình thức mới, khác biệt và nhuần nhị. Những thủ pháp tạo hình nêu trên cho thấy “kiến trúc đã có ngôn ngữ riêng, mặc dù dựa trên nền tảng chính là kiến trúc phương Tây, nhưng với sự tham gia của các thành phần kiến trúc bản địa đã làm nên đặc thù của kiến trúc thuộc địa Pháp… khác với kiến trúc ở chính quốc”. Ngay trong một công trình quan trọng như Dinh Toàn quyền Đông Dương xây dựng từ năm 1901 đến 1906 (giai đoạn trước 1920), tuy có phong cách Cổ điển, song kiến trúc sư Charles Lichtenfelder đã vận dụng những hình ảnh thường nhật của cuộc sống bản địa, sáng tạo nên những chi tiết mang đặc trưng nhiệt đới ở hoa văn trang trí bên ngoài và nội thất bên trong.

4. Hòa nhập bản địa: thành công và chưa thành công

Theo GS. William Logan [6], trong bối cảnh đô thị được xem là một môi trường xây dựng liên tục có thay đổi về cảnh quan, thì thành phần và cấu trúc lịch sử vẫn luôn hiện hữu qua thời gian. Hầu hết các đô thị cổ còn đến ngày nay đã trở thành các Thành phố lịch sử hoặc trên quy mô nhỏ hơn là Trung tâm lịch sử. Các không gian lịch sử này có vị trí trung tâm trong các đô thị hiện đại (đã trải qua quá trình mở rộng theo thời gian). Tại bốn đô thị được phân tích trong phần trên, giai đoạn phát triển đô thị thời cận đại đã để lại cho đến ngày nay những khu phố được tính toán quy hoạch cẩn thận, với cấu trúc và phân chia công năng hợp lý. Các khu phố này, cho đến nay, sau hơn một thế kỷ giữ vai trò trung tâm của đô thị, đã và đang chứng minh tính ổn định của cấu trúc đường phố và hệ thống hạ tầng.

Trong khi Hà Nội là thành phố sông và hồ, Hải Phòng được hình thành và bị chi phối bởi những con sông, Đà Lạt được dựng lên từ nền cảnh thung lũng với chuỗi hồ tự nhiên, thì Huế là thành phố đồng quê chấp nhận sự tồn tại của những ngôi nhà đô thị. Không phải ở đâu người Pháp cũng hướng đến sự hòa nhập bản địa, mà ngược lại, một số trường hợp còn cố tạo ra sự ngăn cách với các không gian hoạt động của người Việt. Quá trình mở mang một số khu vực, tuyến phố mới đã phá hủy nhiều công trình / di tích quan trọng của người Việt. Chính một người Pháp, Pierre Gourou, đã chỉ trích sự xâm lấn của các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp, xen cấy các yếu tố xa lạ đối với cảnh quan nông thôn Việt Nam, điều này trở thành vấn đề lớn đối với cảnh quan và môi trường bản địa. Song, chính sức mạnh của văn hóa và tập quán sinh hoạt của người Việt, cùng sự thay đổi trong lịch sử những năm 1945 - 1954 đã củng cố hơn sự giao thoa Đông - Tây, mở ra sự chấp nhận lẫn nhau, tiến đến hòa nhập bản địa ở những khu vực ít nhiều còn khác biệt.

Về mặt kiến trúc, có những thành công và có cả hạn chế trong chuyển hóa và tiếp biến các giá trị Việt trong kiến trúc thuộc địa Pháp. TS. Nguyễn Đình Toàn [14] đã nhận định “từ nửa sau thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, ở nước ta đã tồn tại song song hai nền kiến trúc, ảnh hưởng qua lại ở mức độ khác nhau. Về phương diện nào đó, kiến trúc thuộc địa đã bắc cầu cho kiến trúc Việt Nam bước vào kiến trúc đương đại của thế giới“. Tuy có những gương mặt dấn thân vào tìm tòi, khai thác văn hóa bản địa như kiến trúc sư Ernest Hebrard, Arthur Kruze với những công trình được coi là tiêu biểu của phong cách Đông Dương, thì, trong ba nội hàm của kiến trúc bản địa: Khí hậu, Kỹ thuật - vật liệu và Văn hóa, yếu tố Khí hậu được người Pháp đưa ra nhiều giải pháp khả dụng hơn cả. Với nền tảng từ một nền kiến trúc lâu đời, có vị thế ở châu Âu, các kiến trúc sư / kỹ sư Pháp đã tự tin du nhập những kỹ thuật, vật liệu mới và phát triển những xu hướng kiến trúc mới ở Việt Nam trong giai đoạn họ xâm nhập và thống trị Đông Dương. Riêng với nội hàm Văn hóa, dù đã có những tìm tòi, khai phá, vận dụng các chi tiết của kiến trúc truyền thống Việt Nam, song, có lẽ người Pháp mới thành công bước đầu trong việc kết hợp các biểu hiện / chi tiết kiến trúc truyền thống trong công trình có cấu trúc kiểu Pháp, mà chưa thể đạt tới chiều sâu của tổ chức không gian, hay hun thổi được văn hóa Việt vào trong lớp vỏ công trình được dựng lên bằng kỹ thuật - vật liệu tiên tiến vượt trội thời ấy.

5. Kết 

Những điều chúng ta có thể chắt lọc, học hỏi và phát huy từ kinh nghiệm thích ứng các điều kiện bản địa trong quy hoạch đô thị, tạo lập cảnh quan và kiến trúc của người Pháp, đó là:

1. Tôn trọng nền cảnh và môi trường sinh thái tự nhiên: trường hợp của đô thị Đà Lạt.

2. Tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có để tổ chức cảnh quan đặc thù, tạo nên đặc trưng riêng cho đô thị: trường hợp Hà Nội, với hệ thống hồ nước được người Pháp chỉnh trang, bổ sung chức năng và hoạt động cho các không gian xung quanh các hồ Hoàn Kiếm, Thiền Quang (Halais), một phần hồ Tây - Trúc Bạch - Bách Thảo...

3. Dung hòa các trung tâm hoạt động đa dạng của nhiều sắc dân (ngày nay là các nhóm / cộng đồng trong đô thị đương đại). Dù tính chất và lối sống có thể khác nhau, song dần dần điều chỉnh bằng quy hoạch và chính sách quản lý: trường hợp của Hà Nội, Huế.

4. Chuyển hóa các thành phần đô thị không còn hữu ích trở thành các thành tố mới khi trang bị cho chúng các chức năng mới: đô thị Hải Phòng với bài học chuyển hóa một phần kênh vành đai thành dải vườn hoa, đồng thời tạo chất xúc tác để khu phố Pháp và khu phố bản xứ có thể mở rộng, lan tỏa vào nhau.

5. Chuyển hóa tư duy, tìm tòi hướng đi, phát triển phong cách kiến trúc thích ứng các điều kiện bản địa, gồm có Khí hậu, Kỹ thuật - vật liệu, Văn hóa bản địa: Phong cách kiến trúc Đông Dương. Chính sự khai thác các giá trị bản địa đã làm cho kiến trúc thuộc địa ở Việt Nam có bản sắc riêng. 6. Khác với các thuộc địa của Anh không cung cấp chương trình đào tạo kiến trúc sư cho người bản xứ. Các quốc gia này chỉ thành lập những trường kiến trúc sau khi giành được độc lập. Ở Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp cho mở École Supérieure des Beaux Arts de l'Indochine (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) ở Hà Nội vào năm 1924 với tư cách là một trường nghệ thuật, với khoa Kiến trúc được bổ sung vào năm 1926 [8]. Bài học rút ra: chú trọng đào tạo các kiến trúc sư người Việt - những người có vốn sống và sự cố kết tự thân với văn hóa truyền thống và thích nghi tối đa với môi trường sinh thái tự nhiên bản địa, từ đó lan tỏa, gợi mở những giải pháp, xu hướng mới vừa thích ứng thời đại, vừa giữ được hơi thở truyền thống, vừa tạo được bản sắc riêng cho kiến trúc dù ở bất cứ thời kỳ nào, dưới sự chi phối của những thể chế nào.

Chắc chắn sẽ có những nghiên cứu khác cung cấp thêm nhiều kết quả ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn về một giai đoạn phát triển của quy hoạch và kiến trúc đô thị Việt Nam như thời Pháp thuộc. Với những nội dung được tập hợp lại trong bài viết này, chúng tôi hy vọng nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp, để có thể bồi đắp thêm những hiểu biết của chúng ta về yêu cầu và trách nhiệm “phát huy giá trị truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đương đại“./.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh (đồng chủ biên), Nguyễn Thanh Mai, Hồ Nam (2011), Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc. Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.

2. Alfred Cunningham (1902), The French In Tonkin And South China. Nhà xuất bản Low, Hongkong & London.

3. Trần Mạnh Cường (2022), Biểu hiện tính bản địa trong kiến trúc đương đại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

4. Vũ Hoài Đức (2020), Đặc điểm và sự biến đổi cấu trúc không gian khu phố cũ Hà Nội. Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

5. Arnauld Le Brusq & Léonard de Selva (2011), Vietnam a travers l’architecture coloniale (2ed). Nhà xuất bản AMATEUR, Pháp.

6. William Logan (2001), Những xu hướng mới của lý thuyết và thực tế bảo tồn di sản văn hóa. Bài giảng sau đại học, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

7. Dư Tôn Hoàng Long (2020), Sự hòa nhập của kiến trúc thuộc địa Pháp với các thuộc tính đô thị Huế. Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

8. Mel Schenck (2024), Sự khác biệt của Việt Nam so với kiến trúc hiện đại toàn cầu thời kỳ hậu thuộc địa. Kỷ yếu hội thảo, Hà Nội.

9. Lê Minh Sơn (2023), Kiến trúc phong cách Đông Dương nhìn từ thủ pháp tạo hình. Tạp chí Kiến trúc, Hà Nội.

10. Lê Duy Thanh (2023), Bảo tồn cấu trúc kiến tạo của kiến trúc thuộc địa Pháp trong nội đô lịch sử Hà Nội. Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

11. Nguyễn Trí Thành (2013), Đổi mới nhận thức về vấn đề bản sắc dân tộc trong kiến trúc. Tạp chí Kiến trúc, Hà Nội.

12. Nguyễn Quốc Thông & Trần Hùng (1995), Thăng Long - Hà Nội, mười thế kỷ đô thị hóa. Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.

13. Nguyễn Hồng Thục (2019), Hiểu sai về “phát triển” đô thị ở Đà Lạt. Tạp chí Người đô thị, TP Hồ Chí Minh.

14. Nguyễn Đình Toàn (1998), Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hóa bản địa trong kiến trúc thời Pháp thuộc ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

15. Nguyễn Quốc Tuân (2014), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị khu phố Pháp tại thành phố Hải Phòng. Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

16. Nguyễn Quốc Tuân (2023), Bảo tồn thích ứng di sản kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Tạp chí Kiến trúc, Hà Nội.

Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Nguồn ảnh: KienViet).

Pháp lý xây dựng

6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để Quy hoạch vùng Tây Nguyên tầm nhìn đến năm 2050

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1337/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch nông thôn ở Bắc Giang - Cở sở vững chắc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vấn đề quy hoạch đóng vai trò then chốt, có tác động đến cơ sở vật chất kỹ thuật, diện mạo nông thôn và đời sống nhân dân địa phương.

Giá trị cảnh quan kiến trúc nhà thờ công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở đồng bằng Bắc bộ

Theo ghi chép của chính sử, ngay từ năm 1533, Công giáo đã vào đồng bằng Bắc Bộ và vùng đất Quần Anh (Nam Định) là nơi đầu tiên Công giáo có mặt, rồi từ đó lan tỏa ra nhiều làng quê Việt, kéo theo đó là hàng loạt nhà thờ lần lượt được xây dựng lên. Bên cạnh những nhà thờ Công giáo mang đặc trưng phong cách kiến trúc phương Tây thì cũng có nhiều nhà thờ đã có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc phương Tây (ở lớp vỏ bên ngoài) với phong cách kiến trúc cổ truyền (ở bộ khung gỗ bên trong công trình). Niên đại hiện còn của những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền cơ bản là khoảng cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Sự hiện diện của những nhà thờ như vậy cũng đã góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt nói chung, làm phong phú kiến trúc truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.

Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 28/10/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Hà Nội sẽ có “công trình thế kỷ” chào mừng 80 năm Quốc khánh 2/9

Tập đoàn Vingroup cho biết sẽ hoàn thành Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trong thời gian kỷ lục - chỉ hơn 10 tháng kể từ khi khởi công - để Thủ đô có thêm công trình điểm nhấn tầm vóc quốc tế chào mừng 80 năm Quốc khánh 02/9/2025. Cùng với đó, khu Đông Bắc Hà Nội cũng sẽ đón thêm cú hích “khủng” về hạ tầng khi cầu Tứ Liên vừa được doanh nghiệp này đề xuất tham gia đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi