Nha Trang: Biệt thự Cầu Đá chính thức được xếp hạng di tích cấp tỉnh
Theo đó, di tích biệt thự Cầu Đá được UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, UBND phường Vĩnh Nguyên nằm trong phạm vi, nhiệm vụ thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa và một số quy định liên quan.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Biệt thự Cầu Đá với 5 căn biệt thự, được người Pháp đặt tên theo các loài cây, loài hoa trồng xung quanh mỗi biệt thự. Thứ tự các biệt thự từ phía đông vào lần lượt là Xương Rồng (Les Agaves), Bông Sứ (Les Frangipaniers), Phượng Vĩ (Les Flamboyants), Bông Giấy (Les Bouguinvillés), Cây Bàng (Les Badamniers).
Trước đó vào năm 1923, Tiến sĩ Armand Krempt là một nhà nghiên cứu sinh học, Giám đốc Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương nay là Viện Hải dương học Nha Trang đã cho xây dựng 5 căn biệt thự này, để sử dụng làm nơi ăn ở, nghỉ dưỡng cho các nhà khoa học.
Tuy nhiên, ngay sau khi vua Bảo Đại lên ngôi, người Pháp đã giao cho ông sử dụng 2 căn biệt thự có tên Xương Rồng và Bông Sứ để làm nơi ở của vua và hoàng hậu Nam Phương mỗi lần đến Nha Trang nghỉ dưỡng. Chính vì thế, người dân địa phương quen gọi là Lầu Bảo Đại.
Đối với ba biệt thự Cây Bàng, Phượng Vĩ và Bông Giấy vẫn được Sở Hải dương học nghề Cá Đông Dương sử dụng cho đến năm 1975. Sau năm 1975, các căn biệt thự này được sử dụng thành khu nghỉ mát cho du khách trong và ngoài nước.
Từ năm 2002, biệt thự Cầu Đá do Tổng Công ty Khánh Việt quản lý và sử dụng. Sau đó, Tổng Công ty Khánh Việt liên doanh với Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty cổ phần đầu tư Khánh Hà trực tiếp quản lý và khai thác sử dụng Biệt thự Cầu Đá.
Theo kế hoạch, dự án khu biệt thự sẽ cải tạo 5 biệt thự hiện hữu xây mới khách sạn 5 tầng và 45 căn biệt thự nghỉ dưỡng cùng các tiện ích khác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư có nhiều sai phạm, trong đó có việc xâm hại danh lam thắng cảnh biệt thự Cầu Đá và dự án bị đình chỉ thi công từ năm 2018. Chính vì vậy từ đó đến nay, 5 căn biệt thự cổ bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa đã biến mất.
Đến tháng 02/2023, Công ty CP Đầu tư Khánh Hà xin trả lại 5 biệt thự cổ trên. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi hơn 9.200 m2 đất cùng công trình xây dựng trên đất là năm căn biệt thự Cầu Đá và giao Trung tâm Quản lý di tích thuộc Sở VH&TT đích thân quản lý.
Ý kiến của bạn