Lý luận về bản sắc kiến trúc và di sản kiến trúc ở Việt Nam
Đã gần 50 năm đất nước thống nhất và gần 40 năm Đổi mới, kiến trúc Việt Nam đã có nhiều bước tiến thành công, với những đô thị được mở rộng, hạ tầng ngày một hoàn thiện, những tòa nhà khang trang, hiện đại, những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, sang trọng, những khu công nghiệp ngày đêm sáng đèn sản xuất. Tuy nhiên, lý luận – phê bình kiến trúc lại chưa phát triển tương xứng với thực tế ngành kiến trúc và bối cảnh xã hội. Điều đó dẫn đến sự mất phương hướng ít nhiều trong giới KTS, cũng những tranh cãi bất tận về những công trìnah được cho là “ngoại lai”, “vô hồn”, hay những dự án phá vỡ kết cấu không gian bền vững của đô thị, nông thôn, hoặc những cuộc hạ giải, cải tạo di sản không đúng cách. Phát triển lý luận – phê bình kiến trúc nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung không phải ngày một ngày hai, nhưng cần có sự chăm chút sớm ngày nào tốt ngày đó, dựa trên những thành tựu của các thế hệ trước đây cũng như tri thức mới của thế giới hiện nay. Bài viết sẽ trình bày hai vấn đề quan trọng trong lý luận kiến trúc nước ta từ năm 1975 đến nay – Đó là Bản sắc kiến trúc và Di sản kiến trúc.
Lí luận về bản sắc kiến trúc
Bản sắc là một trong những vấn đề quan trọng không những của kiến trúc mà còn của cả nền văn nghệ hiện đại Việt Nam. Đề cương văn hóa 1943 đã định hướng ba vấn đề mấu chốt cho nền văn hóa – nghệ thuật cách mạng là: “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng”. Từ khi Đổi mới, đã điều chỉnh thành “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, NXB Văn hóa đã xuất bản cuốn sách “Tính dân tộc trong nghệ thuật tạo hình”, tập hợp các bài viết của một số văn nghệ sĩ bàn về tính dân tộc. KTS Trần Hữu Tiềm đã tham gia với bài viết: “Tìm hiểu tính dân tộc trong kiến trúc”, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố chính trị – xã hội trong việc định hình bản sắc kiến trúc. Ông viết: “Kiến trúc là một sản phẩm mang tính chất xã hội. Nó trực tiếp hàng ngày với đời sống con người. Nó gắn liền với lịch sử phát triển dân tộc, với chế độ xã hội, với thực tế sản xuất và đời sống. Cho nên con người, chế độ xã hội quyết định phần lớn phong cách của một công trình kiến trúc, của một thành phố. Sau con người, sau xã hội, thiên nhiên là một yếu tố quan trọng có tác động quyết định đến phong cách dân tộc của ngôi nhà nó làm cho cùng một dân tộc, ngôi nhà có những nét khác nhau từ địa phương này đến địa phương khác.” (Trần Hữu Tiềm, 1976)
Ở góc nhìn khác, KTS Hoàng Huy Thắng lại cho rằng khí hậu mới là yếu tố quan trọng nhất đối với bản sắc kiến trúc: “Dấu ấn có tính chất đậm nét nhất trong truyền thống kiến trúc của một dân tộc trước hết là phản ánh được đặc điểm khí hậu ở khu vực đó trong công trình xây dựng, kế đó mới đến điều kiện kinh tế, quan hệ xã hội, đặc điểm văn hóa phản ánh trong các kiểu hình thức kiến trúc cụ thể. Các phần sau có thể cải tiến thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bằng cách sống của mỗi nước. Còn yếu tố truyền thống dân tộc mà các giải pháp kiến trúc phải luôn luôn phù hợp với điều kiện khí hậu là vấn đề chủ yếu nhất của tính dân tộc trong kiến trúc hiện đại”. (Hoàng Huy Thắng, 1983)
Từ Đổi mới đến nay, lý luận về bản sắc kiến trúc vẫn tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của thời đại xã hội và điều kiện tự nhiên (khí hậu, địa lý). Như KTS Nguyễn Luận viết: “Bản sắc trong kiến trúc luôn đi liền với một không gian địa lý nhất định, với một thời gian nhất định, trong một điều kiện xã hội nhất định.” (Nguyễn Luận, 2022).
Phần lớn các KTS cho rằng: Bản sắc kiến trúc là sự tiếp nối dòng mạch tinh thần của truyền thống dân tộc đồng thời sáng tạo những hình thức mới phù hợp với nhu cầu sử dụng, thẩm mỹ của thời đại. KTS Lê Thành Vinh viết: “Tạo lập bản sắc tức là sáng tạo những sản phẩm văn hóa kế thừa truyền thống, đáp ứng các nhu cầu của con người và xã hội đương đại. Nếu như trong quá khứ, giá trị của truyền thống được tạo ra bởi những cốt liệu và nguồn lực của thời điểm đó, thì những sản phẩm văn hóa hiện tại có vai trò tạo lập bản sắc sẽ được tạo ra bởi cốt liệu truyền thống và nguồn lực của hiện tại” (Lê Thành Vinh, 2021). Hoặc KTS Nguyễn Tiến Thuận: “Cái bản sắc của kiến trúc đương đại có đầy đủ lý do về chức năng sử dụng và công nghệ xây dựng để không chấp nhận sự mô phỏng hay gò ép sao chép các truyền thống một cách máy móc được, mà cái hồn của kiến trúc truyền thống mới là cái cần được nắm bắt, trân trọng và phát huy”. (Nguyễn Tiến Thuận, 2021).
Bản sắc là cái để góp phần tạo ra sự đặc sắc của nền kiến trúc Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa, chứ không phải để “gò” sự sáng tác của KTS theo một cái “bản sắc cụ thể” nào. GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Bản sắc không phải là một khái niệm hình thức. Bản sắc không phải là sự lặp lại, nhai lại trong hoàn cảnh mới. Bản sắc trong kiến trúc chỉ có thể tạo lập khi chúng ta làm chủ được những tinh hoa đích thực của văn hóa dân tộc, khi nắm vững và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của xã hội và con người Việt Nam đương đại” (Hoàng Đạo Kính, 2002).
Tựu trung lại, quan điểm về bản sắc kiến trúc của các KTS Việt Nam đều chú ý đến tính ổn định (khí hậu, địa lý, sự di truyền văn hóa) và tính khả biến (điều kiện chính trị- xã hội, bối cảnh thế giới,…). Về mặt sáng tác, bản sắc kiến trúc không phải là những hình thức cụ thể, mà nên là “chất xúc tác” trong một phản ứng sáng tạo nghệ thuật.
Về phương pháp nghiên cứu, các quan điểm nói trên bao gồm sự kết hợp giữa bản chất luận và kiến tạo luận, tức bản sắc kiến trúc như một quá trình bồi đắp tự nhiên trong lịch sử dân tộc, nhưng cũng đồng thời được kiến tạo trong những bối cảnh cụ thể của thời đại.
Một vấn đề đặt ra là: Các KTS, nhà quản lý và cộng đồng đang kiến tạo điều gì hiện nay, khi các công trình theo kiểu “Pháp rởm” hoặc “cổ điển Pháp cải biên” (trong đó có nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, công trình văn hóa lớn) vẫn đang được tung hô, hoặc những khối hộp theo phong cách “quốc tế” mọc lên khắp các đô thị lớn? Câu chuyện đằng sau đó là gì? – Phải chăng kiến trúc đương đại Việt Nam là một nền kiến trúc hậu thuộc địa Pháp? Hay là một nền kiến trúc toàn cầu mơ hồ?
Lý luận về di sản kiến trúc
Nghiên cứu về di sản kiến trúc ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn sơ khai. Sự ra đời của Xưởng tu sửa và phục chế (1971), sau đó phát triển thành Viện Bảo tồn di tích (2003) mới chỉ đáp ứng được nhu cầu về nghiên cứu bảo tồn di sản kiến trúc (khoa học về bảo tồn), chứ chưa thực sự đặt vấn đề di sản học của kiến trúc.
Lý luận bảo tồn di sản kiến trúc
Lý luận về bảo tồn di sản kiến trúc trên thế giới nói chung chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hai nhân vật: John Ruskin và Viollet le Duc. Nếu John Ruskin với khuynh hướng “khắt khe”, coi trọng dấu ấn lịch sử, coi dấu ấn lịch sử là một phần của đối tượng, là cái đáng quý nhất của đối tượng cần phải bảo tồn, thì Viollet le Duc, với khuynh hướng “dễ dãi”, coi trạng thái nguyên thủy là trạng thái tốt nhất của đối tượng bảo tồn, thậm chí đó không phải là trạng thái nguyên gốc của vật chất mà là ý tưởng nguyên gốc của tác giả. Trên thực tế, tất cả các lý thuyết trên thế giới về lĩnh vực bảo tồn sau này đều nằm trong phạm vi của hai “thái cực” của John Ruskin và Viollet le Duc. (Lê Thành Vinh, 2018)
Mặc dù trong những năm gần đây có không ít các sự vụ gây tranh cãi trong dư luận về bảo tồn di sản kiến trúc, nhưng chúng ta vẫn cần phải ghi nhận những thành tựu bước đầu của ngành bảo tồn di sản kiến trúc ở Việt Nam, trong đó có thể kể đến những ví dụ tốt được thế giới ghi nhận như Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, đình Chu Quyến, Nhà hát Lớn Hà Nội, Văn miếu Quốc Tử Giám,… Có được những thành công đó là do các nhà bảo tồn vừa nắm chắc các nguyên tắc chung của thế giới, vừa có sự linh hoạt trong điều kiện Việt Nam. Các giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích có thể rất đa dạng, linh hoạt, không theo một công thức cố định nào, nhưng cần phải phụ thuộc vào đặc điểm, giá trị của di tích và tuân thủ các nguyên tắc chuyên ngành bảo tồn. (Lê Thành Vinh, 2018)
Lý luận về bảo tồn di sản kiến trúc ở Việt Nam hiện chủ yếu xuất hiện ở dạng thức tổng thuật, tổng kết kinh nghiệm, hoặc tập hợp các suy nghĩ, chứ chưa hình thành triết lý rõ ràng. Nghiên cứu bảo tồn di sản kiến trúc ở nước ta được thực hiện bởi các nhóm: Thứ nhất, những người thực hành bảo tồn di sản kiến trúc như GS.KTS Hoàng Đạo Kính, KTS Lê Thành Vinh; thứ hai, các nhà sư phạm như PGS.KTS Đặng Thái Hoàng, PGS.KTS Phạm Hùng Cường, PGS.TS Nguyễn Hạnh Nguyên; những chuyên gia nước ngoài yêu mến di sản Việt Nam như KTS Salvador Arroyo, ông Martin Rama,… Một điểm đáng chú ý trong quan điểm của các nhà nghiên cứu bảo tồn kiến trúc ở Việt Nam là tính thích ứng (với điều kiện địa phương, nhu cầu thời đại), gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Bảo tồn thích ứng là phương pháp bảo tồn các di sản “sống”, nằm trong cộng đồng để gìn giữ, chuyển tiếp, bổ sung giá trị và có sự sáng tạo để tiếp tục đưa di sản sống với xã hội đương đại (Phạm Hùng Cường, 2022).
Sự thiếu vắng lý luận di sản học kiến trúc
Lý luận di sản học ở Việt Nam thực sự chỉ xuất hiện ít năm trở lại đây, được gợi cảm hứng từ sự xuất hiện của ngành “heritage studies” trên thế giới vào những năm cuối của thế kỷ 20. Các nghiên cứu về di sản trước đây thường tập trung vào các thao tác kỹ thuật bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị di sản. Trong khi đó, heritage studies (di sản học) lại đặt vấn đề nhận thức mang tính triết luận và chính trị học của di sản, ví dụ di sản được nhận diện hay sử dụng như thế nào đối với bản sắc cộng đồng, sự kiến tạo quốc gia, biểu tượng dân tộc; hoặc các diễn ngôn nào đã thúc đẩy một đối tượng trở thành di sản hoặc hủy bỏ một di sản,… Tức là, di sản như là một phương thức để kiến tạo lịch sử dân tộc.
Chính ở ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, di sản học cần trở thành một lĩnh vực được đầu tư thích đáng từ Đảng và Nhà nước.
Thực tế đã và đang chứng minh các cường quốc trên thế giới đều sử dụng di sản cho mục đích chính trị, để khẳng định vị thế quốc gia (Pháp, Nhật) hoặc điều hướng câu chuyện lịch sử của mình (Trung Quốc, Nga, Mỹ). Chẳng hạn, cuốn sách “Di sản trở lại ở Trung Quốc” (The heritage turn in China, 2020) đã chỉ ra sự xoay chiều quan tâm đến di sản gần đây ở Trung Quốc liên quan đến chiến lược khẳng định nhà nước hiện đại Trung Quốc đại diện cho huyền thoại về một nền văn minh cổ và độc đáo và là một tiền đề quan trọng để nhà cầm quyền đàm phán về vị thế của Trung Quốc trên hệ thống cấp bậc quốc tế về giá trị.
Hiện nay, di sản học ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào di sản phi vật thể; gần như chưa có nghiên cứu, lý luận về di sản học kiến trúc. Việc lựa chọn ghi danh, đề cao giai đoạn kiến trúc nào, công trình kiến trúc nào sẽ phản ánh đường lối phát triển quốc gia đồng thời xây dựng nhận thức cho cộng đồng về giá trị của các di sản đó.
Ở góc nhìn cá nhân tác giả bài viết, đã đến lúc chúng ta cần đánh giá nghiêm túc giá trị của di sản kiến trúc giai đoạn 1954-1986, cả về mặt nghệ thuật kiến trúc lẫn ý nghĩa kiến tạo quốc gia của chúng. Giai đoạn 1954-1986 có điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khá đặc biệt: Đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình kinh tế kế hoạch (miền Bắc 1954-1975, cả nước 1975-1986). Trong thời gian đó, nhiều công trình công cộng đã được xây dựng ở Hà Nội như Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Đại học Bách Khoa, Đại học Thủy Lợi, Sân Vận động Hàng Đẫy, Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Trụ sở Bộ Giáo dục, Cung Văn hóa Hữu nghị… Những công trình này đã phản ánh một thời đại mới của đất nước, với nguyên lý tạo hình hiện đại, tiến bộ, có mối liên hệ với kiến trúc các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới thời bấy giờ. Các công trình đó được tạo ra bởi một chiến lược xây dựng đất nước tiến lên XHCN, và đến lượt chúng đã góp sức đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước về văn hóa, giáo dục, truyền thông, xuất bản… Với những giá trị đối với công cuộc xây dựng đất nước, cả trong quá khứ và hiện tại, chúng cần được ứng xử như là những di sản.
Kết luận
Lý luận về bản sắc kiến trúc và di sản kiến trúc tuy có xuất phát điểm và hành trang khác nhau, nhưng có thể tụ hợp và đồng hành trên một con đường chung, con đường xây dựng đất nước đẹp hơn, bền vững hơn, giàu mạnh hơn. Không chỉ cùng một mục đích, lý luận bản sắc kiến trúc và lý luận di sản kiến trúc còn có thể phát triển với cùng một phương pháp luận, là kiến tạo luận. Việc định vị bản sắc kiến trúc Việt Nam hiện nay là gì, phục vụ câu chuyện kiến tạo quốc gia gì, cũng chính là diễn ngôn được ủy quyền để nhận diện, lựa chọn và sử dụng di sản kiến trúc phù hợp tương ứng.
KTS Vũ Hiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 2-2024)
Ghi chú:
“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông vận tải (ĐH GTVT) trong đề tài mã số T2024-XD-003”.
Tài liệu tham khảo
- Tôn Đại, “Kiến trúc – những vấn đề lý luận và thực tiễn” – NXB Xây dựng, 2009;
- Vũ Hiệp – “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” – NXB Mỹ thuật, 2022;
- Hoàng Đạo Kính – “Di sản văn hóa – Bảo tồn và trùng tu” – NXB Văn hóa thông tin, 2002;
- Nhiều tác giả – “Tính dân tộc của nghệ thuật tạo hình” – NXB Văn hóa, 1976.
https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/ly-luan-ve-ban-sac-kien-truc-va-di-san-kien-truc-o-viet-nam.html
Ý kiến của bạn