Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”
Bài 8: Quy hoạch Giao thông không rõ trọng tâm nên không khả thi, không có lộ trình nên còn rối ren
Có thể bạn quan tâm
Đường vẽ nhiều, làm không được bao nhiêu
Năm 2016, ngành giao thông công bố Quy hoạch giao thông Hà Nội (QĐ 519) đặt ra kế hoạch vốn đầu tư cho cho giai đoạn 2016-2021 là 476,5 nghìn tỷ đồng. Thực tế trong 5 năm các nguồn mới đạt khoảng 100 nghìn tỷ (25%) . Do không có tiền, lại đầu tư dàn trải, không trọng tâm nên không đạt các chỉ tiêu chính: Đường sắt đô thị, BRT đạt 15%. Tỷ lệ đất giao thông/đất xây dựng là 10,07% so với mục tiêu là 18-26% (đạt 46%). Mục tiêu mật độ đường giao thông là 10-13km/km2, thực tế mới đạt khoảng 1,83 km/km2 (đạt 15%).
Vốn đầu tư trong nước các loại đều có nguồn gốc từ đất: đổi đất lấy đường, thu ngân sách từ tiền giao đất để làm đường. Trướcc khi mở rộng , đất đô thị và đất ở nông thôn Hà Nội và Hà Tây khoảng 250km2. Đến năm 2023, đất xây dựng hiện trạng và đất quy hoạch các đô thị vệ tinh là 1.551km2. Thuyết minh Điều chỉnh quy hoạch chung dự kiến tăng thêm 211km2, tổng đất xây dựng 1.762 km2.
Quy hoạch không rõ trọng tâm, thiếu tương tác nên không khả thi
Sau 20 năm (2003-2023) trải qua 2 lần điều chỉnh quy hoạch chung (QHC 108 và QHC 1259), các dự án hạ tầng giao thông dựa vào “Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” theo Quyết định 519/QĐ-TTg năm 2016 và “Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” theo Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021. Các bản quy hoạch này mới liệt kê các nhu cầu vận tải (transportation), mà chưa quan tâm tối ưu việc di chuyển (mobility).
Soi chiếu với bối cảnh Hà Nội và quốc tế đã có nhiều biến động, xuất hiện nhiều mô hình mới nhưng các dự án hạ tầng giao thông Hà Nội vẫn cứng nhắc theo lối mòn cũ: nguồn lực hạn chế lại dàn trải vào tất cả các hạng mục nên phần lớn dở dang, nửa vời. Kết quả thực hiện đạt thấp, hiệu quả đầu tư còn thấp hơn. Điều đáng lo ngại là nội dung quy hoạch giao thông trong Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung đang thực hiện vẫn bê nguyên các nội dung cũ vào quy hoạch mới.
Nhận định về mô hình các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, lãnh đạo Thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cho biết là khó khả thi; còn Giám đốc sở Kế hoạch đầu tư rất quan ngại về tính khả thi về dự kiến nguồn vốn đầu tư tổng thể kinh tế xã hội (trong đó có giao thông) giai đoạn 2021-2023 là 11 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 8-8,5%/năm đã đặt ra trong Quy hoạch Thủ đô.
Có con chim sẻ trong tay còn hay hơn ngóng con đại bàng trên trời
Khu công nghệ cao Hòa Lạc được khởi động từ 1998 và kết nối với Hà Nội bằng con đường dài 30km, rộng16,5m .Trong 11 năm (2005-2016) đường được mở rộng140m. Mặc dù đầu tư hàng tỷ đô la xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia, Làng văn hóa các dân tộc nhưng cả khu vẫn hoạt động cầm chừng vì phải mất 2 giờ mới tới trung tâm Hà Nội. Hai bên đường có hàng trăm dự án bất động sản quy mô hàng ngàn Ha phần lớn bỏ hoang, vắng người. Tuyến này còn kết nối trung tâm chính trị Ba Đình với 2 khu quy hoạch trụ sở bộ ngành Tây Hồ Tây và Mỹ Đình rộng hàng chục ha đất, vẫn để chờ.
Cho dù Hà Nội quyết tâm dùng vốn công đầu tư thì dự án ĐSĐT đối mặt với thách thức đầu tiên là việc cần nhanh nhưng nguồn lực đầu tư chậm. Tiền đầu tư thu từ đấu giá đất, cổ phần hóa, tiết kiệm chi thường xuyên, phát hành trái phiếu… phải mất nhiều năm mới thu xếp được, do hồ sơ quản lý nhà đất hiện trạng lộn xộn, quy trình xử lý tài sản phức tạp, năng lực quản trị hạn chế, các thách thức công kỹ nghệ, dẫn đến thời gian thẩm định đầu tư đấu thầu chậm, nguy cơ đội vốn,… khiến dự án kéo dài tới cả chục năm. Thách thức lớn hơn là tiền hỗ trợ vận hành: ĐSĐT Cát Linh Hà Đông dài 13,5 km, đầu tư 18 nghìn tỷ đồng, Thành phố tài trợ hơn 400 tỷ đồng/năm. Tuyến ĐSĐT số 5 dài hơn 3 lần, đầu tư lớn hơn 3,6 lần nên tài trợ cũng phải gấp 3: khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Nhóm tư vấn hợp tác quốc tế City Solution đề xuất giải pháp làm tuyến xe bus nhanh chạy trên cao (Sky BUS), có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 2 giờ xuống dưới 55 phút. Sky BUS chạy trùng tuyến với ĐSĐT Văn Cao - Hòa Lạc. Tổng đầu tư Sky BUS chỉ bằng 20% ĐSĐT ( khoảng 13 nghìn tỷ đồng). Thời gian thi công 12-18 tháng. Công suất vận chuyển100.000-150.000 khách/ngày, nhiều gấp 3-5 lần tuyến ĐSĐT Cát Linh Hà Đông hiện tại. Thành phố chỉ cần tài trợ 15-20 năm là đủ hoàn vốn, tài sản công cộng Hà Nội có một thêm một tuyến Sky BUS với khoản đầu tư 0 đồng.
Tuyến Sky BUS không chiếm dụng không gian của tuyến ĐSĐT, lại linh động tăng dần công suất chở khách mà không thiệt hại lớn. Khác hẳn với ĐSĐT trị giá 65 ngàn tỷ đồng: đi từ trung tâm tới Đô thị Hòa Lạc hiện chỉ vài chục ngàn dân, biết đến bao giờ mới gom đủ 400 nghìn khách đi tàu/ngày?. Lạc quan lắm thì 5-10 năm tới, đô thị Hòa Lạc và các đô thị dọc tuyến đi vào hoạt động, lượng khách tăng tới 20.000 người/ngày thì bà con chuyển sang đi ĐSĐT, tuyến Sky BUS rẽ ngang đổi hướng phục vụ hoặc thu gom khách cho ĐSĐT.
“Một tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chúng ta làm 13 năm chưa xong, mà 20 năm không biết có xong không, còn đường sắt Cát Linh - Hà Đông là cái chúng ta đã nhìn ra. Vì vậy, không nên làm từng cái một bởi mỗi tuyến lại liên quan đến công nghệ, vốn vay. Trong khi chúng ta còn 10 tuyến đường sắt nữa, nếu làm từng cái một thì 100 năm nữa mới xong hệ thống đường sắt", Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội
“Với cách thức triển khai như hiện nay, việc hoàn thành gần 600km đường sắt đô thị còn lại tại hai thành phố lớn trong vòng 12 năm là bất khả thi.” - Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội
“Một số địa phương chưa có bản đồ địa chính đo vẽ chính thức, gây khó khăn trong quản lý đất đai. Việc cập nhật thông tin biến động, chỉnh lý biến động trên bản đồ, hồ sơ địa chính chưa đều đặn” - Báo cáo của Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô
“Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần song hành với minh bạch về mặt pháp lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai, quy hoạch. Đấu giá thì cần nâng cao chất lượng thông tin hoạt động doanh nghiệp nhà nước từ sớm, từ xa, không đợi đến khi xác định cổ phần hóa mới bắt tay vào xử lý…” - TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc Hội
Ý kiến của bạn