Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”
Bài 5: Nước sạch ở đâu trong Quy hoạch Thủ đô?
Có thể bạn quan tâm
Hành lang Xanh bị thu hẹp trong Điều chỉnh QHC 2023
Trong Thuyết minh đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung, công bố ngày 10/11/2023 (gọi tắt là Thuyết minh Điều chỉnh QHC 2023) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân..., mục” Chiến lược quy hoạch” quy định: “Ứng dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị: Ứng dụng ngày càng rộng rãi của các công nghệ hiện đại như AI (Trí tuệ nhân tạo), Big Data (Dữ liệu lớn), IoT (Vạn vật kết nối), Cloud (Điện toán đám mây), Blockchain (Chuỗi khối)… càng thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển, triển khai và tích hợp các công nghệ này vào hệ thống Thủ đô thông minh, giúp giải quyết các vấn đề nhức nhối mà Thủ đô đang gặp phải và nâng cao hiệu quả phát triển toàn diện của Thủ đô.”(trang 33). Tuy vậy toàn bộ nội dung trình bày trong bản thuyết minh này hoàn toàn làm theo cách cũ, viết, vẽ thủ công như cách đây hơn 10 năm và có nhiều nội dung lạc hậu, tính toán chủ quan, đề xuất tùy hứng hơn.
Thuyết minh Điều chỉnh QHC 2023 đặt ra Chiến lược 3 (Xanh - Sinh thái) “Tiếp tục duy trì vành đai xanh, hành lang xanh, nêm xanh lồng ghép với khu vực đô thị nhằm mục đích cân bằng sinh quyển, cân bằng vi khí hậu và cân bằng chất lượng không khí, tăng cường khả năng tự làm sạch của đô thị”. Nhưng mô hình phát triển đô thị thì đảo ngược tỷ trọng Hành Lang Xanh/phát triển đô thị: tăng khai thác tối đa đất đô thị (thực chất là bất động sản thương mại) giảm tối thiểu đất tự nhiên, cây xanh, mặt nước.
QHC 1259 thực hiện trong bối cảnh Hà Nội mở rộng, sáp nhập tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) vốn đã cấp 744 dự án BĐS, sau 12 năm (2011-2023), nhiều dự án vẫn để đất hoang hoặc xây dở dang rồi để hoang… Nay Điều chỉnh Quy hoạch chung tiếp tục mở rộng thêm, trong bối cảnh hệ sinh thái tự nhiên đã xuống cấp và xuất hiệu nhiều yếu tố bất lợi do biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như môi trường liên quốc gia ảnh hưởng phức tạp.
So sánh quy hoạch cấp nước trong QHC 1259 (2011) với Điều chỉnh Quy hoạch chung
12 năm thực hiện QHC 1259 (2011-2023) đã lộ ra chất lượng tư vấn quy hoạch yếu kém, tính toán sai dự báo: nhu cầu dùng nước năm 2030 là 2.016.233m2/ngđ, nhưng mới đến năm 2023 đã tăng 3.000.000m3/ngđ (tăng 150% so với dự báo); lượng nước mặt tăng từ 1,702 triệu m3/ngđ lên 2,455 triệu m3/ngđ); Tăng từ 3 lên 8 nhà máy khai thác nước mặt sông Đà, sông Đuống và sông Hồng. Yếu kếm vì quy hoạch để phát triển đô thị tự phát - BĐS tràn lan nhưng hạ tầng thiếu hụt, đô thị mới xây lại thiếu nước sạch cả về số lượng và chất lượng.
Thuyết minh Điều chỉnh QHC 2023 không có bản đồ địa hình. Nhóm chuyên gia City solution chồng lớp các không gian đô thị lên nền bản đồ địa hình do các kỹ sư Địa lý Pháp lập năm 1905 cho thấy nhiều khu đô thị ngăn chặn, thu hẹp dòng chảy các con sông từ Bắc xuống Nam. Sân bay thứ 2 của Hà Nội dự kiến đặt vào nơi có địa hình trũng thấp nhất của Hà Nội. San lấp tùy tiện vào lưu vực, dòng chảy tự nhiên dẫn tới ngưng tụ, bồi lắng các chất độc hại. Thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nên hầu hết các vùng nông thôn, khu đô thị, khu công nghiệp mới hình thành từ vùng nông thôn khai thác nước ngầm sử dụng (chiếm 71%-85%). Khoan nước ngầm tự phát, dẫn theo chất độc hại từ mặt đất xuống nước ngầm gây ô nhiễm cả nước mặt lẫn nước ngầm.
Định hướng cấp nước trong Điều chỉnh Quy hoạch chung thay thế nước ngầm bằng nước mặt, nhưng không có chiến lược bảo vệ nguồn nước mặt cũng đang bị khô hạn, ô nhiễm và nhiễm mặn. Thuyết minh Điều chỉnh QHC 2023 có căn cứ vào “Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhưng không dẫn thông tin nguồn nước sông hồ Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ trước mắt và lâu dài. Tổng lưu lượng nước sông Hồng - Thái Bình lên tới 100 tỷ m3, nhưng chênh lệch 2 mùa lũ cạn rất lớn .Vào mùa cạn chỉ còn 3 tỷ m3, trong tháng cạn kiệt còn dưới 3 tỷ m3.
Toàn bộ 8 nhà máy nước lấy nước mặt sông Hồng, sông Đà và sông Đuống. Vào mùa cạn cả 3 con sông này trông chờ vào hồ thủy điện sông Đà. Tổng lượng tích nước hồ sông Đà là 9,45 tỷ m3, nhưng 20 năm gần đây, nước về hồ ít dần, có năm chỉ có 50% lượng nước về hồ. Nghịch lý là nước cạn thì cần nhiều điện bơm nước, nhưng thủy điện cạn nước thì lại thiếu điện. Nhu cầu nước Hà Nội tăng 150%, tổng lượng nước giảm 50%: Nguy cơ thiếu nước tăng 300% .“Định hướng cấp nước” trong Điều chỉnh Quy hoạch chung không có giải pháp đối mặt với thách thức này mà còn làm trầm trọng thêm, bằng việc tiếp tục đề xuất tăng diện tích san lấp làm đô thị, giảm bề mặt thấm nước, bổ cập nguồn nước của Hành Lang Xanh.
Không ứng dụng công nghệ hiện đại: Điều chỉnh Quy hoạch chung vẫn lạc hậu
Trong 12 năm qua (2011-2023), công nghệ thông tin địa lý (GIS - Geografic Information System) đã phát triển mạnh mẽ toàn cầu và tại Việt Nam, có thể cung cấp các thông tin chính xác và tin cậy để phục vụ lập, thực hiện, giám sát đánh giá các hoạt động quy hoạch… Nhưng Thuyết minh Điều chỉnh QHC 2023 không có nội dung phân tích thực trạng dự báo nhu cầu nước sạch bằng công nghệ GIS như yêu cầu trong Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội :“Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý - GIS để phân tích, đánh giá xu hướng phát triển đô thị thời gian qua nhằm đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội. Cơ sở dữ liệu GIS được chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước phục vụ công tác dự báo phát triển, chuyển đổi số trong quản lý, quy hoạch đô thị.”
Cũng cần làm rõ việc ứng dụng GIS trong vẽ lập quy hoạch không phải lấy ảnh bản đồ vệ tin làm nền để rồi vẽ lên trên đó các ý tưởng chủ quan tùy hứng mà phải là những ứng dụng khoa học chuyên sâu. Ví dụ nhóm chuyên gia City solution đã sử dụng kết quả quan trắc bề mặt trái đất (earth observation), thu thập thu thập thông tin các đặc tính lý, hoá và sinh học từ các vệ tinh và thiết bị bay (UAV - Unmanned Aerial Vehicle). Dữ liệu ảnh vệ tinh phân giải cao được tổng hợp dữ liệu/phân tích đối với các mô hình dữ liệu lớn (Big Data)… bằng các phần mềm chuyên dụng với sự hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ví dụ cho ra kết quả khảo sát 17 quận huyện tiếp giáp sông Hồng biến đổi địa hình, thảm thực vật, mặt nước qua thời gian khác nhau để nhận diện những tác động tích cực, tiêu cực từ các hoạt động can thiệp của con người cũng như biến đổi thiên nhiên môi trường. Các thông tin được hiển thị trực quan, khách quan và được tổng hợp thông tin chi tiết phục vụ công tác quản lý.
Thuyết minh Điều chỉnh QHC 2023 không ứng dụng công nghệ mới, không sử dụng các nghiên cứu có giá trị của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã công bố, chỉ đưa ra những đề xuất chủ quan, thiếu cơ sở khoa học, không lồng ghép tích hợp đa ngành, đa nguồn lực, mang lại đa lợi ích lãng phí tài nguyên, nguồn lực thực hiện… Với phương pháp lạc hậu, kết quả là bản Quy hoạch chất lượng thấp, đã từng là nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong phát triển đô thị, kinh tế xã hội của Hà Nội trong thời gian qua. Về nội dung quy hoạch định hướng cấp nước: Không nhận diện những thách thức về an ninh nguồn nước, sẽ không có chiến lược cấp nước bền vững, chỉ đề xuất các giải pháp tình thế, chắp vá.
QHC 1259 mới thực hiện 12 năm đã “vỡ trận”, nay đưa ra giải pháp cho 2030, 2045 và tầm nhìn 2065… còn đầy những ẩn số. Không dựa vào địa hình tự nhiên mà đặt ra những nhà máy xa khu dân cư dẫn đến chi phí đầu tư mạng lưới truyền dẫn cung cấp tốn kém. Khai thác nước tại nơi nguồn nước chất lượng thấp dẫn đến chi phí sản xuất cao, nguy cơ bất bình đẳng cho việc tiếp cận nguồn nước sạch của đại bộ phận cư dân thu nhập thấp. Không có biện pháp xử lý nước thải, tái sử dụng nước tuần hoàn dẫn đến nước thải độc hại làm ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm .Quy hoạch tổng thể mạng lưới cụt, không có mạch vòng dẫn đến rủi ro cao (phải chở nước bằng ô tô để cấp nước ăn cho 2 vạn dân Thanh Hà). Quy hoạch chỉ tập trung vào các giải pháp tập trung vào các nhà máy lớn mà không phân tán sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra các biến cố thiên tai, dịch bệnh (ví dụ như dịch COVID vừa qua, nếu Thanh Hà mất nước trong tình trạng thành phố khu trú dập dịch theo vùng thì vô cùng khó khăn, vừa chống dịch vùa giải cứu nước sạch).
Căn cứ vào Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội :“Rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cấp nước Thủ đô, thống nhất với chiến lược cung cấp nước sạch và an ninh nguồn nước. Xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn thiết kế. Đánh giá và lựa chọn nguồn cấp nước (đa dạng hóa nguồn nước cấp, bảo đảm cung cấp cho dân số thành phố); lập các phương án cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; lựa chọn công nghệ xử lý nước, tái sử dụng nguồn nước. Xác định vị trí, quy mô các công trình đầu mối và mạng lưới phân phối chính của hệ thống cấp nước theo từng giai đoạn. Đề xuất các biện pháp bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước.”, đối chiếu với nội dung “Quy hoạch Cấp nước” trong Thuyết minh Điều chỉnh QHC 2023 cho thấy: không đạt yêu cầu, cần thay đổi hoàn toàn.
Ý kiến của bạn