Ước vọng về một “đặc khu văn hóa” Ba Đình, Hà Nội
Có thể bạn quan tâm
“VĂN HÓA LÀ LINH HỒN CỦA DÂN TỘC”!
Văn hóa trong tiếng Anh, Pháp cùng là Culture; trong tiếng Đức là Kultur; tiếng Nga là Kultura, đều bắt nguồn từ gốc Latinh là “Cultus”, tức gieo trồng, theo nghĩa Cultus Agri là “Gieo trồng nông nghiệp” và Cultus Animi là “Gieo trồng tinh thần” – “Trồng người” tức sự giáo dục, giáo dưỡng tâm hồn con người.
Năm 1952, hai nhà nghiên cứu Văn hóa nổi tiếng người Mỹ A. Kroeber và C. Kluckhohn trong “Culture- a critical review of concepts and definitions” (Văn hóa – Tổng luận phê phán các quan niệm và định nghĩa) liệt kê 164 định nghĩa về văn hóa. Ở lần xuất bản thứ 2 tác phẩm này, số định nghĩa đã lên tới 200.
Năm 2022, TS. Minh Đường, Viện trưởng Viện Think Tank Văn hóa & Kinh tế Việt Nam, đã định nghĩa: “Văn hóa là linh hồn dân tộc”. Và Kiến trúc sư Jean Nouvel, đạt giải thưởng Pritzker (như giải Nobel), trên tạp chí Newsweek viết: “Kiến trúc là sự ngưng đọng của một giai đoạn văn hóa”.
Lịch sử nhân loại đã gắn liền với 3 hình thái kinh tế xã hội là: Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế công nghiệp và Kinh tế tri thức, sáng tạo. Cùng với đó là 3 dòng chảy toàn cầu là: dòng chảy về hàng hóa và nhân lực (CMCN 1.0-2.0); dòng chảy về tài chính và công nghệ (CMCN 2.0-3.0); dòng chảy về tri thức và văn hóa (CMCN 3.0-4.0).
Chỉ quốc gia nào nắm bắt được ít nhất một dòng chảy đó mới có cơ may để thịnh vượng và xuất khẩu văn hoá. Đồng thời, an ninh văn hoá là nền tảng bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế quốc gia. Rõ ràng, kiến trúc – quy hoạch là sản phẩm sáng tạo hữu hình, biểu thị và lưu truyền giá trị hiệu quả của chính thể, của nền văn hóa, văn minh mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Kết nối văn hoá là xu thế tất yếu, là nguồn lực mới, đem lại nhiều lợi ích kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững cho mỗi địa phương và quốc gia.
Thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp văn hóa”:
“Công nghiệp văn hoá” một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Việt Nam quy định gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch.
Hàn Quốc là 1 ví dụ về thành công đầu tư, xuất khẩu văn hóa ra toàn cầu và đã đưa Hàn Quốc ngày càng phát triển. Thế giới không chỉ biết đến các thương hiệu như món ăn kim chi, thời trang Hàn Quốc, điện ảnh Hàn Quốc với bộ phim “Ký sinh trùng” đoạt giải Oscar danh giá thế giới, với âm nhạc qua ban nhạc BTS nổi tiếng toàn cầu đã được trình diễn tại Liên Hiệp Quốc, qua BlackPink,…riêng lẻ, mà còn tò mò, ngưỡng mộ cách nghĩ, cách làm và cách điều hành, dẫn dắt quốc gia của người dân Hàn Quốc.
Chỉ 02 đêm diễn cuối tháng 7/2023 của ban nhạc BlackPink, Hàn Quốc đã thu hút hơn 70.000 khán giả xem trực tiếp và đem lại doanh thu hơn 1000 tỷ VNĐ, trong đó cho họ 350 tỷ và cho Thủ đô Hà Nội là 650 tỷ. Đây là minh chứng cho việc đầu tư vào công nghiệp văn hoá, sáng tạo sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.
Tạo dựng không gian văn hóa sáng tạo:
Không gian văn hoá sáng tạo là một địa điểm, có thật hay trực tuyến, là nơi mọi người có thể cùng nhau thể hiện những ý tưởng nghệ thuật và sáng tạo trong môi trường tự do và cởi mở, từ đó tạo điều kiện cho họ chia sẻ những sản phẩm nghệ thuật tới cộng đồng.
Mô hình không gian sáng tạo thời gian gần đây đang nở rộ, nhưng vấn đề là số lượng không gian sáng tạo biến mất cũng nhanh không kém so với số lượng mới ra đời. Nguyên nhân chính là chưa có cơ chế, kịch bản, chương trình phù hợp để kết nối các ngành sáng tạo với nhau, dẫn tới các sản phẩm mới, dịch vụ mới chưa hấp dẫn và chưa đáp ứng được các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn minh của khách hàng.
Bởi vậy, cần hiểu rõ từng ngành công nghiệp sáng tạo và ứng dụng, liên kết chúng lại theo kịch bản, chương trình, dây chuyền sản xuất sáng tạo nghệ thuật, phù hợp để tối ưu hóa, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu chính đáng của con người trong và ngoài nước. Các tiêu chí thiết lập tiêu chuẩn chung cho việc phân loại các hoạt động có liên quan với nhau, hình thành một Chương trình liên kết là: 1) Tính toàn cầu (Universal); 2) Độ chính xác (Accurate); 3) Mức độ linh hoạt (Flexible); 4) Khả năng phát triển (Evolving) và 5) Tính nhân quyền, nhân văn.
HƯỚNG TỚI MỘT “ĐẶC KHU VĂN HOÁ” TẠI HÀ NỘI
Trên toàn cầu, xu thế tạo động lực mới để phát triển quốc gia bằng mô hình “Đặc khu kinh tế và công nghệ”, đã dần được thay thế bởi mô hình “Đặc khu văn hoá”. Bởi vì, Đặc khu văn hoá sẽ là môi trường liên kết bền vững: mở tư duy, mở sáng tạo, mở trái tim, mở cơ hội, mở tương lai hạnh phúc, tốt đẹp hơn cho mọi cá nhân, cho cộng đồng, xã hội và quốc gia.
Trước đây, Hoàng thành Thăng Long rất gần sông Hồng, có tổng diện tích khoảng 100ha, chiều dài Nam – Bắc hơn 1000m và chiều rộng Đông-Tây hơn 900m. Phải chăng nên quy hoạch Khu Trung tâm Ba Đình chí ít cũng có quy mô bằng với diện tích mà tiền nhân đã làm từ trước: “nay lấy Đoan Môn, Điện Kính thiên, Nhà Quốc hội làm trung tâm, nhưng có thể mở rộng, linh hoạt hơn cho phù hợp với điều kiện 100 triệu dân hiện tại”.
Đây là dự án Văn hóa cấp quốc gia và quốc tế nên phải có cơ quan lãnh đạo đủ Tầm – Tâm – Tài, có ban quản lý dự án đủ thầm quyền quyết định, có định hướng chiến lược phát triển cho xứng đáng là di sản văn hóa thế giới mới, là niềm tự hào của cả dân tộc, đàng hoàng với thế giới và kiến tạo phát triển cho các thế hệ tương lai.
Kiến trúc Khu trung tâm Ba Đình, Hà Nội hội tụ nhiều điều kiện sẵn có, xứng đáng là kiểu mẫu số 1 cho bản sắc văn hoá Quốc gia, là động lực mới, phát triển mới và là minh chứng cho thành tựu của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong kỷ nguyên kết nối văn hoá. Nơi đây có thể coi như “Ban thờ Quốc gia”, là nơi hội tụ “Thần đạo” nước Việt, là niềm tin và hy vọng của cả dân tộc nên cần có những quy hoạch kiến trúc thực sự đáng giá và phát triển bền vững.
Kiến trúc sư Renzo Piano, đạt giải thưởng Pritzker, quan niệm: “Kiến trúc là một công việc rất nguy hiểm. Nếu một nhà văn viết ra một cuốn sách tồi, người ta sẽ không đọc nó. Nhưng nếu bạn làm kiến trúc xấu, bạn sẽ áp đặt sự xấu xí cho một nơi trong cả 100 năm”.
Do đó, mỗi một công trình nơi đây không chỉ đáp ứng các nhu cầu hiện tại của Thủ đô Hà Nội và cả nước; không chỉ bảo tồn giá trị quá khứ, văn hoá truyền thống; mà còn phải đóng vai trò là cầu nối, là biểu tượng của sự hợp tác giữa Việt Nam với thế giới và đặc biệt là sự kết nối văn hoá cấp quốc gia, xây dựng văn hoá mới, thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng.
Khu trung tâm Ba Đình, xuất phát điểm là một di sản văn hoá thế giới ( Hoàng thành Thăng Long) thì mọi công trình kiến trúc quy hoạch nơi đây cần phải mang tầm vóc quốc gia, trường tồn với thời gian, với nhiều thế hệ.
Khu trung tâm Ba Đình liệu có trở thành một đặc khu văn hoá?
Để thực sự là Thủ đô sáng tạo, trước hết phải phát triển “công nghiệp văn hoá”. Khu trung tâm Ba Đình trở thành một kiểu mẫu Đặc khu văn hoá là có thể.
Theo định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ lấy sông Hồng là trục văn hoá cảnh quan và phát triển chùm đô thị. Trong đó, đô thị trung tâm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử,…của cả nước. Từ năm 2019, Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Cùng các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, Hà Nội đang có cơ hội hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của khu vực và thế giới.
Hà Nội có hệ thống di sản dày đặc với khoảng 5.922 di tích, trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long); 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; 1 di sản tư liệu thế giới; 21 di tích quốc gia đặc biệt và trên 1000 di tích cấp quốc gia, hơn 1.350 làng nghề thủ công. Đây là một vốn quý, là tiền đề để phát triển “công nghiệp văn hoá” theo chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt năm 2016 và hiện thực Nghị quyết 09 ngày 02/02/2022 của Thành uỷ Hà Nội.
Trung tâm của Thủ đô Hà Nội chính là khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử gắn liền với Di sản văn hoá thế giới Hoàng thành Thăng Long, với Lăng Bác Hồ, với Phủ Chủ tịch, Chùa Một Cột, Hồ Tây, các đại sứ quán, tổ chức ngoại giao, cơ quan chính phủ, an ninh quốc phòng,…Nơi đây tích tụ nhiều giá trị văn hoá, chính trị, lịch sử của 13 triều đại với 52 vị vua và lưu truyền văn hoá sông Hồng, văn minh hàng ngàn năm nước Việt.
Bởi vậy, kiến trúc quy hoạch nơi đây đứng trước thách thức và cơ hội mới, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thế kỷ 21, kỷ nguyên kết nối văn hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Xây dựng tính chất “Đặc khu văn hoá” như thế nào?
Để có một ngành công nghiệp văn hóa cần hội tụ đầy đủ ít nhất 5 thành tố là 1) Con người sáng tạo; 2) Nền tảng văn hóa kết hợp với công nghệ; 3) Thị trường kinh doanh các sản phẩm văn hóa; 4) Dịch vụ văn hóa và 5) Chương trình sản xuất, gắn kết các ngành dịch vụ hỗ trợ. Và để có được sự hội tụ đó, vấn đề cốt lõi vẫn là con người.
Đặc khu văn hóa là không gian sáng tạo tôn trọng sự khác biệt, là khu vực chủ yếu phát triển công nghiệp văn hoá sáng tạo mang tính quốc gia và toàn cầu.
Một ví dụ tiêu biểu cho sự kết hợp giữa kiến trúc quy hoạch và công nghiệp văn hoá có thể thấy ở các thành phố hiện đại như Tokyo, Seoul hay Singapore. Những thành phố này không chỉ chú trọng vào việc xây dựng các công trình vượt trội về mặt kiến trúc mà còn thể hiện sự hòa quyện của văn hóa truyền thống và tiến bộ công nghệ.
Chỉ trong khoảng 50 năm, Singapore đã tạo lập nên 01 Di sản văn hoá thế giới mới là Vườn Bách thảo nổi tiếng, đem lại vị thế lớn cho đất nước và phát triển kinh tế du lịch. Các tòa nhà cao ốc, trung tâm thương mại, khu dân cư được thiết kế không chỉ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn để thể hiện tính cách và phong cách sống của người dân trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Nền tảng và động lực để các nước này phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, cốt lõi là họ trọng dụng Hiền tài và có Chiến lược kết nối văn hóa tiên tiến, phù hợp xu thế phát triển của nhân loại.
Tuy nhiên, việc kết hợp giữa kiến trúc quy hoạch và công nghiệp văn hoá không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và tư duy đã tạo ra thách thức trong việc thể hiện sự kết hợp này một cách hài hòa. Việc bảo tồn di sản văn hóa cũng đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để giữ gìn những giá trị bản sắc truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự thương chiến cùng sự bành trướng cực đoan, phức tạp và công nghệ hiện đại như AI, IoT,… Sự hình thành văn hoá mới cùng với phát triển công nghiệp văn hoá sẽ tạo động lực phát triển mới vừa hài hoà, vừa bền vững.
Mô hình Đặc khu văn hoá hướng đến việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, đồng thời khuyến khích sáng tạo và phát triển nghệ thuật hiện đại. Việc xây dựng không gian nghệ thuật, trung tâm biểu diễn, triển lãm và các hoạt động văn hóa đa dạng đã thu hút sự chú ý của cả cộng đồng nghệ sĩ và công chúng.
Cần cơ chế chính sách nào hỗ trợ cho “Đặc khu văn hóa”?
Đặc khu văn hoá – Mô hình độc đáo hợp nhất sự phát triển kinh tế và bản sắc văn hoá.
Mô hình đặc khu văn hóa có vai trò thúc đẩy phát triển đất nước và Thủ đô sáng tạo sẽ cần ít nhất một số cơ chế chính sách hỗ trợ chính mang tính nền tảng sau:
(1) Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đặc thù nhưng tiên tiến cho công nghiệp văn hoá – sáng tạo, phù hợp với luật pháp quốc tế và kết nối văn hoá giữa các quốc gia. Không sử dụng các chế tài hay pháp lý khác để quy chụp, gây chồng chéo, gây khó khăn, cản trở sự đổi mới sáng tạo và phá hoại quá trình xây dựng Văn hoá mới tiến bộ và tin cậy.
(2) Cần xây dựng cơ sở hạ tầng và không gian làm việc phù hợp cho các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong ngành công nghiệp sáng tạo. Điều này bao gồm việc phát triển các khu vực sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm, cũng như tạo ra các khu vực đặc biệt dành cho nghệ sĩ và nhà thiết kế tự do sáng tạo (cá nhân luận).
(3) Cần khuyến khích sự hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức nghệ thuật, các ngành công nghiệp khác nhau và cộng đồng sáng tạo sẽ tạo ra môi trường đa dạng, thúc đẩy sự trao đổi công nghệ mới và các ý tưởng mới, khác biệt; đồng hành với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa yêu nước (tổ quốc luận) của con người Việt Nam.
(4) Cần tập trung vào việc thúc đẩy học tập và đào tạo về sáng tạo để tạo ra lực lượng lao động sáng tạo. Nhà nước và xã hội cần tích cực thúc đẩy sự sáng tạo trong giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học. Các khóa học, chương trình đào tạo, hội thảo có thể được tổ chức, thiết kế các chương trình học kích thích tư duy sáng tạo, khuyến khích học sinh, sinh viên chủ động tham gia các dự án nghiên cứu sáng tạo và nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân.
(5) Cần tạo môi trường thúc đẩy đổi mới và chấp nhận rủi ro. Các chính sách về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và bản quyền cần được định rõ, minh bạch để bảo vệ sự sáng tạo và khuyến khích người sáng tạo. Tránh việc quy chụp, quy kết các ý kiến khác biệt mang tính xây dựng, thúc đẩy phát triển nhằm cản trở, tước đoạt thành quả sáng tạo chính đáng. Một nghiên cứu dù thất bại cũng nên ghi nhận là có đóng góp cho quá trình sáng tạo khoa học công nghệ, chỉ như thế mới thúc đẩy được sự phát triển nền kinh tế tri thức và văn hóa sáng tạo.
(6) Tổ chức các sự kiện, triển lãm, hội thảo, hoạt động giao lưu văn hóa sáng tạo nhằm thúc đẩy tương tác, trao đổi ý tưởng giữa các người sáng tạo và cộng đồng xã hội ở trong và ngoài nước. Trước tiên, chú trọng học tập, kết nối với 10 cường quốc văn hoá hiện đại.
(7) Cần thiết lập một hệ thống khởi nghiệp mạnh mẽ và cung cấp hỗ trợ đa dạng cho các doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo, chuyển đổi số, khởi nghiệp bao gồm cả hỗ trợ tư vấn, đào tạo quản lý và quảng cáo, giới thiệu thị trường. Cần kiến tạo nền dân chủ mới trong sản xuất.
(8) Hỗ trợ tài chính và đầu tư: Nhà nước cần cung cấp hỗ trợ tài chính và đầu tư cho các dự án sáng tạo, bao gồm việc cung cấp vốn khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu và phát triển, cũng như tạo ra các quỹ hỗ trợ sáng tạo.
(9) Tạo lập cơ chế đánh giá bằng Khoa học Mở, dùng thực tiễn khách quan và phổ quát thế giới làm thước đo hiệu quả sáng tạo để đào luyện, thu hút hiền tài.
Như vậy, Đặc khu văn hoá – mô hình độc đáo kết hợp sự phát triển kinh tế và bản sắc văn hoá – đã chứng minh sự hiệu quả và tiềm năng trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo nhiều việc làm mới và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như xây dựng Văn hoá mới.
Để Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo, cần tạo môi trường thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, trọng dụng và bảo vệ người sáng tạo, hình thành nhiều không gian sáng tạo, khuyến khích sáng tạo trong cộng đồng và xây dựng các chính sách, cơ sở hạ tầng thích hợp cho sự đổi mới. Cùng với nền kinh tế tri thức – sáng tạo thì mô hình đặc khu văn hoá được ứng dụng vào Kiến trúc quy hoạch Khu Trung tâm Ba Đình sẽ tạo thêm ít nhất một Di sản văn hoá thế giới mới, là động lực mới, phát triển bền vững cho Thủ đô Hà Nội và Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Xuân Trường (2022), Quy hoạch kiến trúc tương tác văn hóa và kinh tế – NXB Xây dựng.
2. TS.Minh Đường (2022), Quốc gia trong Kỷ nguyên kết nối văn hóa- Viện ThinkTank VH&KT Việt Nam.
3. Lê Xuân Trường (2020), Nhận thức Kiến trúc Việt Nam mới – NXB Xây dựng.
4. Phan Ngọc (2001), Bản sắc Văn hóa Việt Nam- Nhà xuất bản Văn học.
Ý kiến của bạn