Nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô

Nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô

(Vietnamarchi) - Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.
09:35, 10/04/2024

Những ngày đầu tháng 3/2024, khi người dân nội đô Hà Nội phải đối mặt trực tiếp với chất lượng không khí bị xếp hạng ở mức ô nhiễm nhất thế giới và TP.HCM là nắng nóng gay gắt bất thường, bài toán tạo dựng môi trường sống trong lành, tiện nghi, trên cơ sở gia tăng diện tích cây xanh, nâng chất vườn hoa -công viên trong nội đô lại trở thành vấn đề được luận bàn nhiều.

Nội dung này càng trở nên “nóng” hơn khi một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới hoặc cải tạo gần đây nhưng cộng đồng vẫn có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Hiện tượng vườn hoa “zombie” tại nhiều đô thị

Thế giới đã dành riêng khái niệm “công viên, vườn hoa xác sống - zombie” được dùng để gán cho nhóm những không gian loại này hiện đã và đang tồn tại trên trên các quy hoạch, kế hoạch nhưng là những không gian thiếu vắng “linh hồn” và bản sắc, thiếu tiện nghi dẫn đến ít người sử dụng hoặc thậm chí để hoang.

Khái niệm này cũng được áp dụng đối với các không gian loại này bị “tái zombie” do đã được cải tạo nhưng có hiệu quả thực tiễn thấp đối với đô thị và đời sống cư dân.

Theo các đánh giá hiện trạng mới nhất, số lượng của hệ thống vườn hoa, công viên tại nhiều đô thị lớn theo quy hoạch và kế hoạch chỉnh trang đô thị là khá nhiều (Hà Nội khoảng 63 và TP.HCM khoảng 400). Tuy nhiên, các không gian vườn hoa - công viên xây mới bị chậm tiến độ theo quy hoạch cũng không ít.

Một số sau nhiều năm vẫn là các bãi đất trống, một số đang xây dựng dở dang không sử dụng được. Như tại Hà Nội, cuối năm 2023 vẫn có khoảng 5 dự án chậm tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng, điển hình như công viên Chu Văn An khởi công từ năm 2014; Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); Công viên Hữu nghị (quận Bắc Từ Liêm); Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa (giai đoạn 1)... Tại TP.HCM điển hình như: công viên văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp); khu công viên cây xanh tại phường Thạnh Xuân và phường Thới An (quận 12)…

Tương tự, số lượng các vườn hoa công viên trong khu vực tại nhiều đô thị cần sớm được cải tạo, chỉnh trang cũng chiếm số lượng không nhỏ. Do bị xuống cấp nên đây chỉ là những không gian “nhàn nhạt”, thiếu bản sắc kiến trúc cảnh quan, thiếu tính thẩm mỹ và trang trí điểm nhấn đô thị, thiếu các tiện nghi sử dụng thiết yếu như nhà vệ sinh công cộng, bãi để xe…; một số hạng mục bị bong tróc nứt gãy mất an toàn…

Đặc biệt, một số không gian dù đã được cải tạo chỉnh trang, nhưng bị tường rào vây kín, tổ chức không gian và thẩm mỹ thiếu kết nối với không gian kiến trúc cảnh quan và văn hóa bản địa, việc tiếp cận sử dụng người dân khó khăn.

Do đó, bị “tái zombie” khi ít người sử dụng, thậm chí để hoang. nguy cơ hiệu quả sử dụng thấp, lãng phí nguồn lực đầu tư, thiếu tính thẩm mỹ hấp dẫn, thiếu tiện nghi tác động tiêu cực đến kiến trúc cảnh quan đô thị và tâm lý người sử dụng và đặc biệt là mất an toàn cho người sử dụng với trọng tâm là các nhóm yếu thế như người già, trẻ em, người khuyết tật.

Cụ thể, tại Hà Nội điển hình là trường hợp của công viên Tuổi trẻ, vườn hoa Nguyễn Trãi và vườn hoa Hà Đông… hay tại TP.HCM là công viên Tao Đàn, công viên Bách Tùng Diệp (quận 1), công viên nước Đại Thế Giới (quận 5)…

Điều này cũng lý giải tại sao hiện nay diện tích cây xanh ở nhiều đô thị lớn tính đến cuối năm 2023 đang ở mức rất thấp (như Hà Nội là 2,06 m2/người, TP.HCM là 0,55 m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn Việt Nam quy định 15 m2/người) và môi trường sống của 2 đô thị lớn nhất cả nước cũng luôn nằm trong ngưỡng khắc nghiệt báo động tại nhiều thời điểm trong năm.

Theo những nghiên cứu trong đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu Viện Kiến trúc quốc gia thực hiện mới đây, trước thực trạng các đô thị lớn trên phạm vi cả nước, đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM đang trong tình trạng đô thị hóa nóng, nhà cao tầng với quy mô khối tích và chiều cao lớn phát triển mạnh trong khu vực nội đô, vai trò của các không gian công cộng đặc biệt là hệ thống vườn hoa - công viên càng được xem trọng.

Bởi đây là những không gian đóng vai trò rất lớn trong việc đảm bảo sự các yếu tố kiến trúc cảnh quan, cân bằng môi trường sống của đô thị cũng như là không gian giao lưu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi thư giãn giúp nâng cao chất lượng đời sống thể chất và tinh thần cho người dân.

Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới trong quá trình phát triển, xây dựng đô thị luôn chú trọng coi phát triển đồng bộ hệ thống không gian công cộng, đặc biệt trong đó bao gồm hệ thống vườn hoa - công viên cây xanh là một yếu tố kiên quyết để xây dựng bản sắc, thương hiệu đô thị, phát triển kinh tế đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

Định hướng nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo vườn hoa, công viên nội đô

Tin vui là đã có nhiều vườn hoa, công viên tại nhiều đô thị lớn được xây dựng và cải tạo. Tiêu biểu như tại TP Hà Nội, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội nhằm chỉnh trang diện mạo đô thị, năm 2023, các quận, huyện đã hoàn thành 6 công viên, 9 vườn hoa.

Trong số này có những công viên lớn, có mức đầu tư cao như xây mới các công viên Ngọc Thụy (7,2 ha); công viên Long Biên (21,5 ha); công viên hồ điều hòa CV1 (diện tích 31,74 ha); Công viên Thiên văn học KĐTM Dương Nội (diện tích 6,7 ha). Hoàn thành cải tạo vườn hoa Diên Hồng, Tao Đàn, Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm), 3/5 điểm quanh hồ Trúc Bạch, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Lê Trực, vườn Hoa Vạn Xuân (quận Ba Đình)...

Tại TP.HCM, gần đây nhiều công viên, vườn hoa cũng đã được hoàn thành xây dựng và cải tạo chỉnh trang. Tiêu biểu như công viên Lê Văn Tám (quận 1), công viên bờ sông Sài Gòn, công viên trung tâm khu dân cư Vĩnh Lộc (quận 12)…

Để nhanh chóng tạo dựng hiệu quả sử dụng đối với việc xây dựng, cải tạo chỉnh trang các không gian vườn hoa, công viên đạt chuẩn, có nhiều đóng góp thiết thực hiệu quả cho đô thị và người dân, cần có một cách tiếp cận liên ngành dựa trên hệ thống các tiêu chí cần đạt được bao gồm:

(1). Về kiến trúc, cảnh quan. Cần đổi mới phương áp tiếp cận từ thiết kế quy hoạch xây mới và cải tạo chỉnh trang các vườn hoa - công viên theo các tiêu chí liên ngành bao gồm: 

- Hài hòa với không gian tổng thể chung và có sự kết nối vững chắc với văn hóa bản địa trên cơ sở phù hợp đa dạng với nhiều hình thức hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt như lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa lớn thu hút nhiều nhóm lứa tuổi đặc biệt là giới trẻ. Các không gian tổng thể và thành phần nêu bật được bản sắc và tính nhận diện riêng để tạo dựng tính điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc/ văn hóa đặc trưng cũng như tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới.

Hình 2: Vườn hoa Vạn Xuân (Hà Nội) đã trở nên hoàn thiện hơn sau khi có các điều chỉnh gia tăng cây xanh mật độ cây xanh, giảm bê tông hóa và loại bỏ các góc nhọn tại nhiều hạng mục không cần thiết. (nguồn: Internet).

- Có tính bền vững và chi phí đầu tư xây dựng, cải tạo và vận hành hợp lý. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở một thiết kế quy hoạch tổ chức không gian tối ưu, ưu tiên sử dụng các vật liệu xanh - tái chế, vật liệu địa phương có độ bền cao, phù hợp với điều kiện tại chỗ. Nhưng cần hạn chế tình trạng lạm dụng bê tông hóa, cứng hóa nhiều hạng mục xây dựng, sửu dụng.

- Đạt được tính thẩm mỹ trên cơ sở sử dụng đa dạng nhiều hình thức trang trí như tranh hoành tráng, phù điêu, tượng điêu khắc, trang trí ánh sáng ngoài trời, sử dụng các vật liệu bản địa, thân thiện môi trường. Kiên quyết hạn chế chạy theo hình thức, kệch cỡm gây tốn kém và lãng phí.

- Hướng đến các giá trị xanh, sinh thái trên cơ sở ưu tiên tổ chức tối đa để gia tăng diện tích cây xanh từ tổ chức đồng bộ hệ thống cây xanh bóng mát và trang trí.

- Có công năng sử dụng đa dạng và linh hoạt, tối ưu sử dụng quỹ đất nội đô cho cùng lúc nhiều giá trị sử dụng khác nhau như: sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thư giãn, luyện tập thể thao, dịch vụ (nếu có)… Ưu tiên khuyến khích tận dụng các không gian ngầm hay tầng cao cho các chức năng phụ trợ.

Hình 3: Không gian ngầm tại công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM) được tổ chức sử dụng cho nhiều chức năng phụ trợ như sân khấu biểu diễn nhỏ có mái che, ẩm thực (nguồn: Internet).

- Đảm bảo sự tự do tiếp cận của người dân, bao gồm các các nhóm yếu thế (trẻ em, người khuyết tật, người già) như bố trí đủ đường dốc cho xe lăn tại các vị trí tiếp cận, không có rào chắn… 

- Đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng như: hạn chế các hố sâu/ hồ nước, các cây trồng gây dị ứng, thiết bị sử dụng gờ sắc nhọn, bố trí đủ hệ thống cảnh báo và giám sát an ninh như camera, nhà bảo vệ tại các vị trí thiết yếu…  

- Đảm bảo tính tiện nghi như bố trí đầy đủ hạ tầng thiết yếu như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, thiết bị đô thị…

(2) Về cơ chế chính sách. Các đô thị cần xây dựng một kế hoạch triển khai bài bản, tháo gỡ các khó khăn như nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu thi công… kèm theo các điều khoản chế tài xử lý kiên quyết các nhà đầu tư, nhà thầu triển khai chậm tiến độ hoặc chất lượng thi công xây dựng kém.

Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các hình thức xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành dự án tạo nguồn lực và động lực mới và tiết kiệm hiệu quả trong xây mới và cải tạo chỉnh trang vườn hoa, công viên.

Việc lấy ý kiến và giám sát cộng đồng dân cư trong quá trình xây mới và cải tạo công viên, vườn hoa cần được xem là một quy trình bắt buộc, triển khai trước và sau giai đoạn thiết kế. Cụ thể, cần nghiên cứu làm rõ nhu cầu của người dân tại chỗ về nhu cầu sử dụng đối với từng không gian vườn hoa, công viên.

Tổ chức trưng bày phương án thiết kế lấy ý kiến cộng đồng để hoàn thiện hiệu quả và đồng thuận của người dân. Do tính chất phức tạp của các đồ án thiết kế loại này, vai trò của các hội đồng chuyên gia liên ngành về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa lịch sử, quản lý phát triển đô thị… cũng cần được phát huy tối đa dưới nhiều hình thức để góp phần gia tăng hiệu quả chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. ThS.KTS Phạm Hoàng Phương, 03/2024, “Cải tạo nâng cấp vườn hoa, công viên cần đồng bộ nhiều tiêu chí”, Hà Nội mới
2. Đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu KGCC trong các đô thị Việt Nam, đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả KGCC trong các đô thị hiện hữu phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, Viện Kiến trúc quốc gia, 2023.

Pháp lý xây dựng

Bắc Giang: Quy hoạch nông thôn mới được hoàn thiện

Trong xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, là tiền đề để triển khai thực hiện các tiêu chí khác. Việc thực hiện các quy hoạch nông thôn mới tác động lớn đến đời sống người dân nông thôn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới.

Xây dựng quê hương Lục Nam giàu mạnh, văn minh

Mặc dù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Lục Nam đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả chương trình NTM.

Hà Nội: Thêm 6 dự án nhà ở xã hội được phê duyệt

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4321/QĐ-UBND ngày 19/8/2024 về việc phê duyệt cập nhật Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021-2025 (Đợt 3).

Đến năm 2050, Việt Nam có ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bắc Giang: Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới gắn với đô thị hóa

Công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM được tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, bảo đảm phát triển bền vững. Đến nay, 100% các xã đã hoàn thành xây dựng quy hoạch và đề án xây dựng NTM; 7 huyện, thành phố được phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng đô thị.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi