Làm rõ đề bài dự thi “Ý tưởng quy hoạch công viên bãi nổi Sông Hồng“

Làm rõ đề bài dự thi “Ý tưởng quy hoạch công viên bãi nổi Sông Hồng“

(Vietnamarchi) - Ngày 10/5/2024, Hà Nội tổ chức Lễ phát động cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” do 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên phối hợp tổ chức. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố thể lệ cuộc thi cũng như trả lời các câu hỏi do các tổ chức, cá nhân tham gia dự thi đặt ra. Tuy vậy vẫn còn nhiều thông tin liên quan cần làm rõ được đề cập trong bài viết dưới đây.
09:00, 22/05/2024

Sông Hồng còn bao nhiêu nước?

Quy hoạch công viên tại khu vực Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng không thể tách rời với các quy hoạch liên quan đến sông Hồng và nước sông Hồng. Liên quan đến quy hoạch, Hà Nội đang rất khẩn trương lập và trình các cấp có thẩm quyền Quy hoạch Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung… tầm nhìn đến 2065 và Luật Thủ Đô. Bộ Chính trị đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, và Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mực nước xuống thấp làm vô hiệu toàn bộ các đập tràn, trạm bơm lấy nước sông Hồng vào đồng, dẫn đến phải thay đổi toàn diện phương án phát triển mạng lưới thủy lợi Thủ đô

Liên quan đến nước sông Hồng, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000, nhiều công việc đã khẩn trương thực hiện nhưng vẫn chưa có bước tiến nào mới. Tóm lại, nhiều năm qua, có không ít cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế tham gia nghiên cứu và đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng đi qua khu vực trung tâm TP Hà Nội, tuy nhiên cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai trên thực tế do gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch. Tất cả các phương án quy hoạch từ trước tới nay chỉ vẽ đô thị xây trên đất bên sông, không có thông tin nước sông Hồng. Ngay bản Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các bản vẽ thông tin về đô thị sử dụng các loại đất rất nhiều nhưng thông tin liên quan đến nước chỉ có: “Đất mặt nước khoảng 3,244 Ha” (quy mô tổng diện tích đất 10.996ha), Trong khi sông Hồng chênh lệch 2 mùa lũ cạn rất lớn. Nếu như lũ lớn (năm 1971) nước mấp mé mặt đê thì diện tích mặt nước sẽ là 10.996ha. Còn năm khô hạn (như năm 2015) nước sông cạn trơ đáy thì chỉ là 10-20% của diện tích mặt nước 3.244 Ha. Ban tổ chức cuộc thi cho biết mực nước sông Hồng quy định tại cuộc thi căn cứ vào Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, nhưng quy hoạch này cũng không có bản vẽ đồng mức hay mặt cắt thể hiện diện tích mặt nước thay đổi trong 2 mùa lũ/cạn. Đây là một thách thức lớn, có vai trò trọng yếu cho các bên tham gia đề xuất ý tưởng quy hoạch. Nếu không rõ nước sông còn bao nhiêu thì không thể xác định hình thái, nhiệm vụ của khu vực Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng trước những biến đổi về mực nước, thiên tai, nhân tai và các yếu tố địa kinh tế, chính trị, xã hội, sinh thái tác động để tìm ra những giải pháp thích ứng, chống chịu phù hợp. Nếu không cần biết những thông số đầu vào trọng yếu mà chỉ vẽ vời những viễn cảnh viển vông thì rất dễ đi theo vết xe đổ của các phương án đã đề xuất trong suốt 30 năm qua.

Quy hoạch Thủ đô phải đưa ra phương án tích hợp đa ngành, mang lại lợi ích đa dạng, huy động đa nguồn lực để đạt đa mục tiêu trong khai thác tài nguyên đất/nước Hà Nội

Liên quan đến mực nước sông Hồng, Báo cáo Quy hoạch Thủ đô cho biết nhu cầu dùng nước của Hà Nội năm 2030 là 1,7 tỷ m3, đến năm 2045 là 1,9 tỷ m3 – chỉ bằng 43% nhu cầu dùng nước của tỉnh Bắc Giang năm 2030 (4 tỷ m3) và năm 2050 (4,4 tỷ m3). Trong khi Bắc Giang có diện tích tương đương Hà Nội (3.900km2/3.360 km²) nhưng dân số chỉ bằng 23% Hà Nội (1,9 triệu/8,2 triệu dân), điều này cho thấy số liệu dự báo này rất đáng nghi ngại. Quy hoạch Tài nguyên nước công bố năm 2022 cho biết tổng đương lượng nước sông Hồng là 100 tỷ m3 nhưng vào tháng kiệt chỉ còn <3%. Hàng năm, hồ sông Đà xả ra 5 tỷ m3 nước để cấp nước cho sản xuất, hơn 50% chảy ra biển. Như vậy, muốn duy trì diện tích mặt nước ổn định, Hà Nội cần có phương án cất trữ nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước được xác định trong dự thảo Luật Quy hoạch Thủ đô: Chương III, Điều 19, mục 1: “Việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước…” Tuy vậy, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng không có, Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung cũng không có. Câu hỏi này cần được trả lời ngay trong đầu bài cuộc thi này để đề xuất giải pháp giữ nước cho sông Hồng mùa khô hạn và công viên Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Nếu không có câu trả lời tường minh thì bài thi nào trả lời thay thì phải coi đây là đề xuất quan trọng, được đánh giá cao trong các bài dự thi và cần mở rộng phạm vi nghiên cứu của đề bài.

Sông Hồng có đập dâng lấy nước tại Xuân Quang Long Tửu không?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Ban tổ chức cho biết nội dung này mới là đề xuất của Bộ Nông Nghiệp & PTNT mà chưa được phê duyệt. Tuy vậy trước đó 6 ngày (Ngày 4/5/2024), Thủ tướng đã ký Quyết định 368/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trong đó có nội dung ”Tạo nguồn, kết nối, điều hòa, chuyển nước liên vùng, liên lưu vực; điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình phục vụ cấp nước sản xuất, dân sinh vùng hạ du; Xây dựng các công trình để dâng mực nước trên sông Hồng tại hạ lưu cống Xuân Quan, sông Đuống tại hạ lưu cống Long Tửu để ứng phó với diễn biến hạ thấp mực nước trên hệ thống sông; tiếp nguồn thuận lợi cho hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông Đáy, sông Nhuệ, sông Ngũ Huyện Khê, kết hợp với các giải pháp xử lý nước thải để làm sống lại các sông nội đồng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Ngũ Huyện Khê, sông Châu Giang, sông Bắc Hưng Hải. Thực hiện phương án bổ sung nước từ dòng chính sông Đà vào sông Tích, sông Đáy.

Trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Thủ tướng ký Quyết định 50/QĐ-TTg, ngày 6/2/2023 phê duyệt “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra; có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ nguồn nước mặn, nước dưới đất, từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún mặt đất. Từng bước phục hồi mực nước sông Hồng, nguồn nước mặt bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội; phục hồi mực nước dưới đất tại các khu vực bị suy giảm quá mức.” Đây là nội dung quan trọng, làm căn cứ đề những giải pháp trong quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung và cả Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Ngay cả khi các Quy hoạch này đã lập, đã phê duyệt thì vẫn cần bổ sung cập nhật, vì đây là yêu cầu của của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 46/CĐ-TTg ngày 9/5/2024 về việc rà soát các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, trong đó: “…một số Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt nhưng chưa phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu trong hồ sơ quy hoạch chưa đảm bảo chính xác có thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Quy hoạch tỉnh. Để kịp thời phát hiện và xử lý các bất cập trong quá trình thực hiện các Quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thường xuyên rà soát, báo cáo kịp thời về các nội dung thông tin chưa chính xác; chưa phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và về các vướng mắc, bất cập khác (nếu có).”

Như vậy, trong nghiên cứu đề xuất Quy hoạch công viên tại khu vực Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, nội dung các đập dâng lấy nước tại Xuân Quang Long Tửu cần thiết được Ban tổ chức cập nhật bổ sung vào đề thi.

Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng có bố trí người ở không?

Trong nhiệm vụ thi tuyển (gọi tắt là đề thi) mục yêu cầu chung: “Giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị: Trên Nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng tổng hợp. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên, nông nghiệp, nông nghiệp đô thị kết hợp với các hoạt động du lịch, ngoài trời,.... nghiên cứu các khu vực quảng trường lớn kết hợp với cầu Long Biên, bảo tàng trưng bày, các công trình khác phục vụ sự kiện văn hoá nghệ thuật... Khu công viên trải nghiệm, công viên rừng, công viên nông nghiệp.” Mục trích định hướng theo quy hoạch được duyệt: “Phát triển các mô hình công viên, cây xanh chuyên đề - nông nghiệp đô thị có chất lượng và kỹ thuật cao, nông nghiệp du lịch…Giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị: Trên nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng tổng hợp. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên, nông nghiệp, nông nghiệp đô thị…"

Trong nội dung đề thi, cụm từ “nông nghiệp, nông nghiệp đô thị, công viên nông nghiệp” được nhấn mạnh, lặp đi lặp lại nhiều lần. Do vậy cần làm rõ: nông nghiệp trong công viên có phải bố trí nhà ở, cơ sở sản xuất, kho chứa nông cụ, nông sản, trụ sở hợp tác xã… tóm lại là một ngôi làng nông nghiệp trong công viên hay không? Với thực trạng những cư dân trú ngụ không chính thức tại các khu vực này thì có cần những giải pháp đề xuất phù hợp? Việc giao đất, cấp phép xây dựng cho những công trình này căn cứ vào quy mô, cấp độ kiên cố như thế nào vì những đề xuất được yêu cầu “Nội dung nghiên cứu đề xuất cũng phải xác định được rõ: tính khả thi trong việc quản lý khai thác đất đai, đầu tư xây dựng.”

Theo Quyết định 368/QĐ-TTg (Ngày 4/5/2024), Thủ tướng ký phê duyệt “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó xác định các khu vực hạn chế phát triển: ”Hành lang bảo vệ nguồn nước: Chú trọng bảo vệ tài nguyên nước bao gồm toàn bộ lưu vực hệ thống sông Hồng - Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam; khoanh vùng bảo vệ cụ thể, nghiêm ngặt, hạn chế bố trí phát triển, nhất là các ngành kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, gắn với yêu cầu hệ thống xử lý các vấn đề về môi trường. Hành lang bảo vệ an toàn đê điều: Ưu tiên thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng để nâng cấp đê. Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Tăng cường quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm không gian thoát lũ; có biện pháp cụ thể đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông. Bảo vệ không gian thoát lũ; cải tạo lòng dẫn, giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về đê điều. Xây dựng công trình chỉnh trị để đảm đảm yêu cầu thoát lũ thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ lưu lượng tại các phân lưu, hợp lưu.

Một công viên tại trung tâm thành phố Tokyo: bảo tồn khung cảnh nông thôn Nhật Bản - ngôi nhà lợp cỏ tranh, ruộng lúa, dàn cây dưa và cả những người làm vườn với trang phục nông dân TK18 (họ là công nhân công viên)

Trong Quy hoạch trên, cụm từ “an tinh nguồn nước, giữ nước, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học” được nhắc lại nhiều lần và không có một chữ nào liên quan đến xây dựng mới. Bất cứ công trình ở bất cứ quy mô nào ven sông, trong đê hiện trạng và nhấn mạnh “có biện pháp cụ thể đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông”. Việc có hay không bố trí dân cư vào khu vực Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng cần được khẳng định rõ ràng, để các đề xuất quy hoạch bám sát đề thi nhưng cũng tuân thủ đúng các quy định nhà nước hiện hành.

Cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” đã được bắt đầu. Với mong muốn đóng góp cho thành công của cuộc thi, bài viết đặt ra những câu hỏi tới ban tổ chức cũng là những tâm tư chia sẻ chung tới các tổ chức cá nhân tham gia cuộc thi. Bài viết cũng là một thư ngỏ tới ban tổ chức cuộc thi, mong nhận được phản hồi bằng văn bản, công bố chung tới các tổ chức cá nhân tham gia cuộc thi - để các bài thi hiểu rõ hơn những yêu cầu đặt ra và đáp ứng các yêu cầu với những ý tưởng sáng tạo nhất trong bài thi của mình.

Pháp lý xây dựng

Những bài học phát triển đô thị bền vững và sáng kiến tại Hà Nội (Phần 2)

Ngày 6/12/2024 Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển đô thị bền vững và trung hòa carbon tại Việt Nam”. Tác giả tham gia với nội dung liên quan tới việc các hành động chụ thể để cư dân thủ đô di chuyển an toàn – thân thiện – công bằng.

Đô thị phát triển bền vững sẽ nhận được nguồn lực đầu tư bền vững (Phần 1)

Ngày 6/12/2024 Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển đô thị bền vững và trung hòa các-bon tại Việt Nam”. Tác giả tham gia với nội dung liên quan tới việc các hành động chụ thể để cư dân thủ đô di chuyển an toàn – thân thiện – công bằng.

Chuyển đổi khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội: Loại bỏ sai lầm càng sớm càng tốt

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được coi là một biểu tượng của sự lãng phí ở Hà Nội. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng để phù hợp với đời sống của người dân là điều tất yếu. Tuy nhiên, cần quan tâm đến phương án chuyển đổi và vận hành, không để lãng phí thêm.

Quy hoạch 2 bờ sông Hồng, làm sao để thích ứng với biến đổi khí hậu?

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội xác định lấy sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, nhiều khu vực ven sông bị ngập, đời sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Vậy cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ở 2 bên bờ sông như thế nào để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu?

Tìm công thức khả thi để Hà Nội làm hàng trăm km đường sắt đô thị

Sau 20 năm triển khai, Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội đưa vào hoạt động. Nếu vẫn xây dựng như phương án hiện nay, rất khó để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị như quy hoạch.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi