Xưởng đất nung nằm bên dòng sông Thu Bồn của Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ được nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá, là nơi chốn thân thương được nhiều du khách tìm đến để thỏa sức sáng tạo với “đất-lửa-nước”.
15:53, 05/03/2025
Nằm ngay cạnh bờ sông Thu Bồn, thuộc thôn Đông Khương, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, xưởng đất nung của nghệ nhân Lê Đức Hạ là nơi lưu giữ kỷ những kỷ niệm trong hành trình theo đuổi, phát triển và giữ gìn nghề gốm truyền thống của nghệ nhân Lê Đức Hạ và gia đình.
Với thiết kế độc đáo, hiện đại trên chất liệu truyền thống, công trình này giành được nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá trên thế giới.
Xưởng đất nung của Hạ nằm ở khu vực bến Xích của sông Thu Bồn, gần Trà Kiệu — kinh đô của Vương quốc Champa từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 7, có hai không gian chính là xưởng Đất Nung và Terra Cotta Studio.
Xưởng Đất Nung là không gian nơi những người thợ làm việc và dành cho du khách cùng trải nghiệm "vọc đất" với những người thợ của xưởng.
Xưởng Đất Nung là nơi những người thợ làm việc, khu vực lò nung, khu vực bán hàng và dành cho du khách cùng trải nghiệm "vọc đất"
Du khách cùng trải nghiệm “Vọc đất” tại không gian xưởng Đất Nung.
Trải nghiệm không gian sản xuất nghề thủ công tại xưởng Đất Nung
Du khách có thể tham quan miễn phí không gian kiến trúc độc đáo này. Hoặc có thể trải nghiệm gói Vọc đất; gói trải nghiệm làm gốm thiết kế với mức giá dao động 30-80-120 ngàn/khách/lượt. Các tác phẩm mà du khách tự tay nhào nắn có thể gởi lại để nung thành sản phẩm gốm hoàn chỉnh và trưng bày tại xưởng Đất Nung
Terra Cotta Studio - không gian làm việc sáng tạo của nghệ nhân Lê Đức Hạ, đặt ngay trung tâm xưởng là điểm nhấn độc đáo mà bất cứ du khách nào đến cũng đều muốn tham quan, khám phá, “check-in”.
Terra Cotta Studio - không gian làm việc sáng tạo của nghệ nhân Lê Đức Hạ.
Công trình được thiết kế với hình dạng là một khối lập phương 7x7x7 (m) với vật liệu hoàn toàn là gạch đất sét nung, gợi hình ảnh của lò gạch đất nung truyền thống.
Lê Đức Hạ theo đuổi niềm đam mê với đất nung từ những năm 1990. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng bỏ nghề. Nhưng với sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, ông kiên trì theo đuổi, phát triển xưởng đất nung với xu hướng hiện đại trên chất liệu truyền thống. Năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Ông cũng là một trong số người chế tác gạch Chăm, sử dụng chất liệu đất sét vùng đất sông Thu Bồn, nơi gắn với những địa danh kinh thành Trà Kiệu, thánh địa Mỹ Sơn, tháp Đồng Dương, Khương Mỹ, Bàng An, Chiên Đàn,…Có lẽ vì thế, thiết kế, trưng bày của Terra Cotta Studio mang màu sắc, âm hưởng văn hóa Champa.
Các bức tường được xây dựng hoàn toàn từ gạch nung, thiết kế theo kiểu xen kẽ tạo ra các lỗ hổng để luôn thoáng gió, điều hòa không khí.
Bao quanh không gian xưởng với hệ thống khung gỗ ba tầng là những hàng rào khung tre dùng để phơi gốm, bố trí xen kẽ những tác phẩm nghệ thuật hòa với không gian xanh mát của làng quê.
Tất cả hài hòa trong tổng thể để có thể “mở” đón nhận ánh sáng, không khí trong lành của thiên nhiên. Nhưng vẫn “kín” để nghệ nhân có không gian sáng tạo riêng tư, yên tĩnh.
Tại trung tâm tầng trệt Terra Cotta Studio là bàn xoay gốm, nơi nghệ nhân Lê Đức Hạ sáng tác, làm việc. Bên trong là không gian sáng tác, trưng bày tác phẩm của nghệ nhân Lê Đức Hạ và người cha của ông, cùng những kỷ vật của gia đình.
Nơi đây cũng được bố trí không gian để nghỉ ngơi, uống trà, đọc sách, từ bên trong vẫn có thể nhìn ngắm những tác phẩm được trưng bày ở không gian ngoài trời.
Điểm nhấn của Terra Cotta Studio là giếng trời với diện tích lớn để kết nối các tầng của tòa nhà. Ánh nắng, làn gió, thanh âm, hương đồng nội len lỏi, xuyên qua những bức tường gạch nung mang đến vẻ đẹp lãng mạn, ấm áp cho không gian xưởng.
Du khách có thể tham quan, ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật từ đất nung của 2 thế hệ.
Năm 2016, ngôi nhà 3 tầng bằng đất nung được tạp chí kiến trúc danh tiếng của Mỹ – Archdaily đánh giá là công trình có lối kiến trúc độc đáo và thú vị, là “nơi gặp gỡ, chia sẻ của những người yêu và muốn có trải nghiệm với đất nung.”
Công trình cũng nhận được nhiều khen ngợi, các giải thưởng kiến trúc danh giá trên thế giới như Brick Award 2018, ARCASIA 2018, Fritz Hoger Award 2017, A+ Award…
Nằm trên đỉnh núi Nưa huyền thoại, tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai lớn nhất thế giới sẽ là một kiệt tác kiến trúc Phật giáo mang tính biểu tượng của Việt Nam, là hiện thân của ánh sáng giác ngộ - nơi con người kiếm tìm sự bình an tại huyệt đạo thiêng của nước Việt.
Không chỉ là nơi trình diễn nghệ thuật, nhiều nhà hát từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa, kiến trúc và niềm tự hào quốc gia. Một dự án nhà hát tầm cỡ quốc tế tại Hà Nội sắp xuất hiện tới đây hứa hẹn sẽ trở thành “đại sứ văn hóa”, góp phần định hình diện mạo và nâng cao vị thế Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới.
Từ nhận diện về bản sắc kiến trúc Hà Nội, đặc biệt chỉ ra những thách thức gây ảnh hưởng đến bản sắc này, các chuyên gia, nhà quản lý khẳng định thành phố đang đứng trước nhiều cơ hội chủ động định hình phong cách kiến trúc mới cho Thủ đô.
Việc tạo dựng những nét riêng biệt trong quy hoạch, công trình kiến trúc có bản sắc vùng, miền được đánh giá là việc làm cần thiết, vừa bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, dân tộc vừa góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đến du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Công trình “Nhà hang gạch” (Brick Cave) của Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà sẽ là một trong những tác phẩm được giới thiệu tại Liên hoan Kiến trúc và cảnh quan 2025 (lần thứ 3) - viết tắt là BAP!2025, diễn ra từ 6/5 - 13/7 tại Thành phố Versailles (Pháp).
Ý kiến của bạn