(Vietnamarchi) - Chùa Bảo Hải Linh Thông Tự tọa lạc trên đỉnh núi Ba Đèo (Hạ Long, Quảng Ninh) là một trong những ngôi chùa linh thiêng, cùng với lối kiến trúc truyền thống độc đáo. Đây là điểm đến thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng đặc biệt vào những dịp lễ tết…
14:17, 01/02/2025
Được bao bọc bởi rừng thông xanh ngát, Chùa Bảo Hải Linh Thông Tự được lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống nổi bật thời Hậu Lê. Công trình có diện tích khoảng 4000m2 với các hạng mục chính: Tam bảo, Nhà thờ Tổ, Nhà thờ Mẫu, Tam quan, Ngũ phương bảo tháp, Lầu chuông – lầu trống, Hành lang tả vu – hữu vu.
Cổng Tam Quan với các chi tiết trang trí cách điệu hình mây, qua những bậc đá sẽ là Ngũ Phương Bảo Tháp. Phía trước Ngũ Phương Bảo Tháp đặt tảng đá to khắc bài thơ Vịnh cảnh Hạ Long của Đại lão hòa thượng Thích Trí Tịnh – Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngợi ca vẻ đẹp thanh tịnh, an yên của Hạ Long từ thắng cảnh Ba Đèo.
Ngũ Phương Bảo Tháp được thiết kế theo mô hình ngũ phương Phật, gồm 5 tháp, tượng trưng cho 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm; 5 bộ: Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Nghiệp Bộ, Phật Bộ; 5 sắc: Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng, Đen. Trong đó, tháp trung tâm gồm 9 tầng, cao 25,2m, bên trong đặt tượng Phật và cột kinh cao 4m, được lấy theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ 1000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình), với mong muốn nguyện cầu bình an cho muốn dân, cho đất nước… Bốn tháp xung quanh mỗi tháp gồm 5 tầng, cao 12,1m.
Nhà Thánh có thiết kế gồm 5 gian, kiến trúc chữ nhất, mái lợp ngói mũi hài, các chi tiết trang trí trên mái được cách điệu theo hình mây, Nhà Thánh thờ các Thánh Trần triều.
Nhà mẫu cũng có thiết kế tương tự như Nhà Thánh gồm 5 gian, kiến trúc chữ nhất, mái lợp ngói mũi hài, các chi tiết trang trí trên mái được cách điệu theo hình mây. Nhà mẫu thờ 37 pho tượng Phật bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng tinh xảo.
Thiết kế của Bảo Hải Linh Thông Tự được lấy ý tưởng từ hoa sen – loài hoa biểu tượng của Phật giáo. Biểu tượng hoa sen, vân mây được cách điệu tinh xảo. Hình tượng hoa sen được thể hiện trên từng chi tiết chạm khắc trang trí nơi khung cửa gỗ, biểu tượng lá sen xuất hiện trên các xà.
Phía trước Nhà tổ là một hồ sen rộng, giữa hồ đặt Tượng Quan Âm Tự Tại (Công chúa Ba), được chép theo nguyên mẫu tượng ở động Thiên Trù, chùa Hương.
Không chỉ chi tiết trang trí hai bên của các bậc đá mà các chi tiết góc mái cũng được cách điệu thành hình mây, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nghệ thuật tạo hình trang trí tại quần thể. Đặc biệt, thủ pháp kiến trúc chồng diêm tầng mái được xem như sen nở trong sen, mang đến nét độc đáo cho tổng thể công trình và tạo nên không gian thiền tự thanh tịnh, an lạc trên đỉnh Ba Đèo.
Mang đậm kiến trúc chùa Việt cổ thế kỷ 17 và 18, toàn bộ các công trình trong quần thể Bảo Hải Linh Thông Tự (trừ Ngũ Phương Bảo Tháp) đều được làm bằng gỗ lim.
Qua Ngũ Phương Bảo Tháp, tới khoảng sân rộng với hai bên là Lầu chuông, Lầu khánh. Tam bảo có mặt bằng hình chữ Công (I), kiến trúc hai tường mái. Tòa tiền đường gồm 5 gian. Gian giữa rộng 4,5m, các gian bên rộng 3,6m. Hậu cung gồm 3 gian. Bộ khung mái Tam bảo có dạng “giá chiêng, chồng rường”. Hình thức bộ khung theo phong cách kiến trúc truyền thống thế kỷ 17. Mái lợp ngói mũi hài, các chi tiết trên mái được cách điệu thành hình mây. Bên trong Tam bảo thờ 38 pho tượng Phật bằng đồng, gồm Tượng Tam Thế Phật, Tượng Di Đà Tam Tôn, Tượng Phật Thích Ca và nhị vị tôn giả, Hoa Nghiêm Tam Thánh, Tỏa Cửu Long, Phật Mẫu Chuẩn Đề, Tượng Đức Ông, Tượng Đức Thánh Hiền, Tượng Bát Bộ Kim Cương… được tạo tác tinh xảo bởi những nghệ nhân đúc tượng hàng đầu Việt Nam.
Lý giải về tên và ý nghĩa của ngôi chùa, có thể hiểu “Bảo” nghĩa là bảo vệ, che chở; “Hải” nghĩa là biển cả; “Linh” nghĩa linh thiêng; “Thông” chỉ đồi thông bao xung quanh; “Tự” chỉ ngôi chùa; vì vậy, tên chùa có ý nghĩa: “ngôi chùa linh thiêng nằm giữa đồi thông xanh ngát bảo vệ thành phố biển Hạ Long”.
Cây cầu May thép nối giữa 2 đỉnh đồi Ba Đèo là điểm nhấn giá trị trong tổng thể không gian, kiến trúc của Sun World Halong Complex và Bảo Hải Linh Thông Tự. Cây cầu chính là nhịp vòm cầu lớn ở chính giữa lên tới hơn 50m, chiều cao vòm gần 6m. Không chỉ là cầu nối giữa không gian với không gian, mà còn là cầu nối giữa con người với con người, giữa kỹ thuật và nghệ thuật, giữa quá khứ của những giá trị truyền thống với hiện tại đầy năng động, sáng tạo.
Bản đồ chùa Bảo Hải Linh Thông Tự.
Hiện nay, chùa Bảo Hải Linh Thông Tự có tới hơn 100 pho tượng được tạo tác công phu, tỉ mỉ; trong đó, có 66 pho tượng đồng được lấy theo mẫu tượng thờ thời Hậu Lê tại các chùa: chùa Bà Đá, chùa Lý Quốc Sư, chùa Hoà Mã, chùa Trân Tiên, chùa Vua, chùa Mía, chùa Tây Phương (Hà Nội) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
Chùa Bửu Minh tọa lạc tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Chùa có bề dày lịch sử, chỉ cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) hơn chục cây số. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Tây Nguyên do lối kiến trúc độc đáo và khung cảnh yên bình.
Mái ngói cũ tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) xuất hiện nhiều viên bị gãy, ngói nặng gây hiện tượng mỏi mái, không ngả màu rêu phong...đang được thay thế bằng loại ngói mới làm thủ công truyền thống nhẹ hơn, phù hợp với công trình kiến trúc gần 130 tuổi.
Tác phẩm văn học nghệ thuật đề cử lĩnh vực kiến trúc có 11 công trình kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM, trong đó có những công trình mới toanh như Nhà Thiếu nhi thành phố, Nhà Văn hóa sinh viên thành phố.
UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định xếp hạng 17 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp thành phố tại quận Hoàng Mai, Long Biên, huyện Mỹ Đức, huyện Hoài Đức và thị xã Sơn Tây.
Theo đó, vào ngày 15/2/2025 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ) sắp tới, huyện Đan Phượng (Hà Nội) sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng.
Ý kiến của bạn