Về Vụ Bản chiêm ngưỡng vẻ đẹp chùa Hổ Sơn, tưởng nhớ Huyền Trân công chúa

Về Vụ Bản chiêm ngưỡng vẻ đẹp chùa Hổ Sơn, tưởng nhớ Huyền Trân công chúa

(Vietnamarchi) - Tọa lạc trên sườn núi Hổ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cách trung tâm thành phố gần 20km, Chùa Hổ Sơn là nơi thờ tự công chúa Huyền Trân nổi tiếng trong lịch sử đất Việt. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo, nơi đây đang là một trong những điểm du dịch tâm linh được nhiều du khách thập phương tìm về.
19:46, 12/05/2024

Chùa Hổ Sơn - Nơi ghi nhớ công ơn Huyền Trân công chúa

Từ ngày 15-21/5/2024, Chùa Hổ Sơn sẽ tổ chức Đại lễ Phật đản và kỷ niệm 684 năm ngày hóa thân của Huyền Trân công chúa tại Khu di tích lịch sử văn hóa Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, với sự chứng minh của Chư tôn đức Tăng Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Chư tôn Thiền đức trong Ban Quản trị Thiền phái Trúc lâm Việt Nam; sự tham dự của các cấp lãnh đạo chính quyền; hơn 10.000 tín đồ Phật tử, nhân dân thập phương; đại biểu Tăng, Ni, các Hội Phật tử Việt Nam ở khắp các tỉnh thành; đại biểu chức sắc các tôn giáo bạn.

Với chủ đề “Nối đuốc mồi đèn Thiền Trúc lâm - Truyền trao Tâm ấn vị Tông phong - Huyền Trân nhập Trúc lâm Đại Việt”, trong khuôn khổ chào mừng ngày Đức Phật thị hiện trên cõi đời, trong không khí cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền Nam - Bắc. Để hướng tới mục đích cao cả, tôn vinh giá trị của người phụ nữ Việt Nam nói chung và Huyền Trân công chúa nói riêng, tổ chức chương trình kỷ niệm 684 năm ngày hoá thân Thần mẫu Trần triều Huyền Trân công chúa tại Khu di tích Lịch sử, văn hoá Chùa Hổ Sơn - Quảng Nghiêm tự để tổng kết, đánh giá thành tựu trong công cuộc bảo vệ, phát huy giá trị về Huyền Trân công chúa tại nơi đây.

Công chúa Huyền Trân sinh năm 1287, là em gái Vua Trần Anh Tông, con gái duy nhất của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh. Công chúa sinh ra và lớn lên trong cảnh nước Đại Việt vừa trải qua binh biến tàn khốc sau 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Theo sử sách, năm 1301, một lần sang Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chúa Chiêm là Chế Mân để tỏ tình hoà hảo. Với lòng yêu nước thương dân và nghe lời vua cha, công chúa Huyền Trân hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì sự hưng thịnh của đất nước, đã lên kiệu hoa về Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân năm 1306 để giữ mối hòa hiếu giữa hai nước. Đáp lại tấm thịnh tình của vua Trần Nhân Tông, vua nước chiêm Thành đã dâng hiến Châu Ô và châu Lý, tức từ đèo Hải Vân đến tỉnh Quảng Trị ngày nay cho nước Đại Việt.

Cuộc hôn nhân ngắn ngủi của công chúa Huyền Trân chỉ kéo dài  hơn một năm do vua Chế Mân đột ngột mất vì bạo bệnh. Theo phong tục của Chiêm Thành, Huyền Trân là người được Chúa Chiêm yêu mến nhất nên phải lên giàn hỏa thiêu. Tuy nhiên, lúc này Huyền Trân vừa mới sinh thế tử Chế Đa Đa. Nghe tin đó, vua Trần Anh Tông là anh trai của công chúa Huyền Chân đã cử một đoàn sứ giả sang nước Chiêm Thành đón bà về.

Trải qua 10 tháng lênh đênh trên biển, tháng 8 năm 1308, công chúa Huyền Trân cùng với đoàn mới về đến kinh thành Thăng Long. Đầu năm 1309, công chúa Huyền Trân đã xin thượng hoàng là cha Trần Nhân Tông lúc đó đang tu ở Yên Tử cho bà xuống tóc xuất gia tu hành.

Mô phỏng cảnh thuyền rồng đón công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước

Năm 1311, công chúa Huyền Trân về chân núi Hổ Sơn nay thuộc xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định  sinh sống và tu hành cùng cô ruột là công chúa Thụy Bảo. Tại đây, hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, khai hoang lập ấp, dạy dân trồng cây lương thực để cuộc sống ấm no, trồng cây thuốc nam để chữa bệnh và không ngừng chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng.

Ngày 9/4 âm lịch năm Canh Thìn (1340), công chúa Huyền Trân hóa thân tại làng Hổ Sơn. Để ghi nhớ công ơn và tiếc thương người con gái nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước, nhân dân làng Hổ Sơn đã lập đền thờ tại nơi bà tu hành. Hàng năm vào ngày này, dân làng Hổ Sơn lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức của bà.

Vẻ đẹp kiến trúc ngôi chùa hơn 700 năm tuổi

Chùa Hổ Sơn có tên chữ là Quảng Nghiêm Tự được xây dựng theo hướng chính nam. Ngoài thờ Phật, Chùa còn thờ hai vị công chúa Huyền Trân và Thuỵ Bảo. Kiến trúc ngôi chùa kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm 3 gian: bái đường, trung đường và tam bảo, nằm trên sườn núi, cao 10m so với mặt đất trong một khuôn viên rộng khoảng 2.400m2. Tòa bái đường được xây dựng năm 1995, gồm 3 gian, rộng gần 50m2, mái quấn vòm, lợp ngói nam, hiên bái đường có bích trương “lưỡng long chầu nguyệt”, nóc bái đường là bức đại tự “Quảng Nghiêm tự”.

Tòa trung đường gồm 3 gian, khung làm bằng gỗ lim, cột vuông. Các bộ vì nóc đều được làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường con nhị”, vì nách kiểu “bức mê”. Hai gian bên là 2 sàn thờ bằng gỗ, có khung ăn mộng vào hai cột cái và 2 cột quân ở phía sau.Tòa tam bảo gồm 2 gian chạy dọc, giao mái với trung đường, bộ vì bằng gỗ gồm 10 cây hoành hình chữ nhật.

Cổng chùa Hổ Sơn

Hiện nay chùa vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chùa Hổ Sơn là nơi che giấu cán bộ cách mạng, là địa điểm tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, ngày 27/9/2006, Chùa Hổ Sơn đã được  UBND tỉnh Nam Định ban hành quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước, Chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2021, Chùa đã được khởi công xây dựng lại nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nhà Trần.

Chùa được xây dựng trên nền đất chùa cũ và được quy hoạch mở rộng khuôn viên với tổng diện tích là 13ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trong đó, khu thờ tự gồm có tòa Tam Bảo, Đền thờ Mẫu, Đền thờ Huyền Trân công chúa, nhà thờ tổ, lầu Cô, lầu Cậu, cùng Tượng thập bát vị la Hán, nhà bia, Quần thể lăng tẩm tháp tổ… Chùa và đền thờ Công chúa Huyền Trân được tôn tạo có hai cổng, bố trí đối xứng. Đi vào cổng bên trái, bước lên vài chục bậc thang lát đá là 2 dãy tượng với 18 vị la hán theo nguyên mẫu ở chùa Tây Phương. Nằm chính giữa cổng là ngôi Tam bảo khang trang; bên phải là đền thờ Huyền Trân công chúa. Cả chùa và đền đều được tôn tạo theo kiến trúc “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”.

Ngôi Tam Bảo - chùa Hổ Sơn

Toàn bộ tượng phật, tượng nhị vị công chúa, hoành phi câu đối, các hương án, các cấu kiện kiến trúc bên trong đều được chạm khắc tinh xảo, được sơn son thiếp vàng trên nền nâu đỏ truyền thống, thể hiện sự linh thiêng, uy nghiêm của chốn tâm linh. Bên cạnh chùa và đền còn được phục dựng Động Sơn Trang, Đàn tế thiên và hang hương trên sườn núi. Từ trên chùa và đền nhìn ra là khuôn viên rộng lớn được quy hoạch, thiết kế khoa học hợp lý. Nằm trong khuôn viên chùa có Bảo tháp 13 tầng, cao 26 mét, Tượng Phật Bà Quan Âm, cột cờ, giếng ngọc đá ong, nhà thuốc nam và Thuyền rồng - Bảo tàng Huyền Trân công chúa mô phỏng cảnh thuyền rồng đón công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn được dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sapphire nguyên khối, cao 5,1 mét tượng trưng cho 51 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông thị hiện. Cũng nằm trong khuôn viên chùa còn được xây dựng nhà khách, nhà khách ni, 12 cây tháp tăng, cùng nhiều công trình phụ cận, như vườn hoa cây cảnh, hồ sen, làm cho khuôn viên chùa hoàn chỉnh và đẹp hơn.

Ngôi chùa hơn 700 tuổi được xây dựng lại khang trang, bề thế không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về bảo tồn di tích lịch sử văn hóa của địa phương, mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc được lưu truyền qua các thế hệ.

Về thăm chùa Hổ Sơn, du khách thập phương không chỉ được thành tâm lễ phật, chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ kính trong không gian yên bình, thanh tịnh bên sườn núi Hổ, được tìm hiểu thêm về cuộc đời của công chúa Huyền Trân mà còn được khám phá, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt Vụ Bản./.

Pháp lý xây dựng

Khánh Hòa: Phê duyệt Đề cương xây dựng Bảo tàng Alexandre Yersin

Bảo tàng Alexandre Yersin sẽ là thiết chế văn hóa - xã hội đa năng, tổng hợp, tiêu biểu của tỉnh với công trình kiến trúc độc đáo, là trung tâm lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sưu tầm, trưng bày giới thiệu những di sản văn hóa của Alexandre Yersin.

Quảng Ngãi: Bình Sơn đón nhận bằng xếp hạng ba di tích lịch sử cấp tỉnh

Ngày 17/7, UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích Lăng Vạn Tân Thạnh, Lăng Vạn Mỹ Tân và di tích địa điểm cư trú và mộ táng văn hoá Sa Huỳnh.

Nha Trang: Biệt thự Cầu Đá chính thức được xếp hạng di tích cấp tỉnh

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với khu biệt thự Cầu Đá nằm tại di tích lầu Bảo Đại tại phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang.

Giá trị các công trình kiến trúc ghi dấu ấn Thăng Long - Hà Nội

Thủ đô Hà Nội mang trong mình biết bao di tích, công trình kiến trúc có niên đại cả nghìn năm. Nhiều công trình được xem như biểu tượng Hà Nội, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Cổng làng trong phố: di sản kiến trúc cần được gìn giữ

Giữa nhịp sống hối hả của phố phường, giữa những tòa nhà cao tầng, đâu đó ở Hà Nội vẫn thấp thoáng những chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính. Nhắc đến cổng làng là nhắc đến một biểu tượng độc đáo của văn hóa làng quê Việt.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi