Vẻ đẹp kiến trúc Hà Nội qua lăng kính hội họa
Mỗi góc phố, mỗi công việc, dù nhỏ bé, đều chứa đựng vẻ đẹp riêng. Qua những tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là hội họa, người Hà Nội như được thấy lại chính mình – một phần của thủ đô đầy cảm xúc và tràn đầy sức sống. Triển lãm "Tôi vẽ Hà Nội" không chỉ là cơ hội để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Nội qua lăng kính hội hoạ, mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của cuộc sống lao động và sinh hoạt thường nhật, một phần không thể thiếu trong đời sống của thành phố qua những tác phẩm không chỉ khắc họa lại không gian kiến trúc của Hà Nội mà còn thể hiện những cảm xúc sâu sắc và những ký ức khó quên về mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những đặc trưng của kiến trúc Hà Nội qua lăng kính của hội họa, với những tác phẩm tiêu biểu được chọn từ triển lãm “Tôi vẽ Hà Nội”. Các tác phẩm này được nhóm theo từng chủ đề kiến trúc nổi bật của Thủ đô.
Kiến trúc lịch sử: Gắn kết giữa quá khứ và hiện tại
Với những di tích lịch sử hàng nghìn năm tuổi, là nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc quý giá phản ánh những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước. Một trong những công trình đặc sắc này là Cổng Đình Làng An Thọ, một di sản có tuổi đời hơn 900 năm, được xây dựng vào năm 1127 dưới triều vua Lý Nhân Tông đã được thể hiện sống động trong bức tranh "Sớm Thu"của Đoàn Linh Phương là một ví dụ cực kỳ ấn tượng về việc khắc họa vẻ đẹp của kiến trúc cổ xưa qua màu nước. Tác phẩm mô tả cổng đình làng An Thọ nằm yên bình dưới ánh sáng của buổi sáng mùa thu, với những chi tiết tinh xảo của cổng đình được làm nổi bật qua lớp sơn màu nhạt của những bức tường đá cũ kỹ và nền trời trong trẻo. Tác phẩm không chỉ là sự tái hiện hình ảnh mà còn là sự gợi nhắc về một Hà Nội gắn bó mật thiết với các giá trị lịch sử.
Kiến trúc đô thị: Những phố phường rộn ràng nhựa sống
Khác với những công trình cổ kính, Hà Nội hiện đại cũng có những đặc trưng rất riêng biệt về kiến trúc đô thị. Những con phố, những khu vực thương mại sầm uất với các dãy nhà mái ngói, hay những khu phố nhỏ, hẹp vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống mà không hề mất đi sự năng động, trẻ trung của thành phố. Bức tranh "Rạo Rực"của Hoàng Hoài Thương là một minh họa cho nét đẹp của không gian đô thị Hà Nội. Tác phẩm tái hiện con phố Yên Thái, nơi những ngõ nhỏ nối liền với nhau, rực rỡ cờ hoa trong những dịp lễ hội. Cây cối, cửa sổ và mặt tiền của những ngôi nhà cũ lô xô được vẽ với những sắc màu tươi sáng, tạo nên không khí vui tươi, tự hào và thân thương của người Hà Nội. Tác phẩm là sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới, giữa nét duyên dáng của Hà Nội cổ xưa và sự năng động của một thủ đô hiện đại.
Kiến trúc biểu tượng: những công trình thanh thoát và mạnh mẽ
Hà Nội nghĩa là thành phố trong sông nên không thể thiếu những cây cầu. Nếu cầu Long Biên mang một vẻ đẹp hiện đại vượt thời gian thì cầu Thê Húc với vẻ đẹp thanh thoát là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và thiên nhiên. Trong bức tranh "Long Biên chiều vàng"của Phương Vũ, cây cầu huyền thoại này được khắc họa ngược sáng trong hoàng hôn lộng lẫy, tạo nên một khung cảnh vừa diễm lệ, vừa trầm mặc. Long Biên không chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là biểu tượng của sức mạnh và sự kiên cường, như chính những con người Hà Nội. Phương Vũ đã sử dụng các lớp màu nóng và những nét vẽ đối lập để thể hiện sự giao hòa giữa thiên nhiên và công trình kiến trúc, tạo nên một tác phẩm tràn đầy cảm xúc.
Ngược lại với “Long Biên chiều vàng”, "Giấc mơ trưa" của Khánh Ngọc lại tái hiện cầu Thê Húc trong khoảnh khắc êm đềm của một buổi trưa hè. Tác phẩm không chỉ phản ánh vẻ đẹp kiến trúc của cây cầu mà còn là một phần ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội. Với từng nét vẽ mềm mại, Khánh Ngọc đã khắc họa lại không gian yên tĩnh của Hồ Gươm, cảm giác như thể thời gian ngừng trôi. Đó là một Hà Nội vừa cổ kính vừa thân thuộc, vừa hiện hữu trong hiện tại, vừa vương vấn trong ký ức.
Kiến trúc cộng đồng và gia đình: Những không gian xưa cũ
Bên cạnh những công trình biểu tượng và di tích lịch sử, Hà Nội còn có những khu tập thể cũ, nơi bao thế hệ người Hà Nội sinh sống và gắn bó. Những khu tập thể này, dù đã trải qua nhiều biến đổi, vẫn giữ được vẻ đẹp đặc trưng với những bức tường bong tróc, những hành lang nhỏ hẹp và những mái ngói đỏ vôi bạc màu, những căn phòng khách giản dị nhưng ấm cúng. Tác phẩm “Khu tập thể cũ Hà Nội” của Tâm Nguyễn và “Ký ức” của Lưu Ngọc Linh là một bức tranh chở đầy hoài niệm của chúng ta về những khu tập thể Hà Nội xưa. Các nét vẽ đơn giản nhưng đầy biểu cảm, khắc họa những góc phố, những dãy nhà, những bức tường xưa hay căn phòng khách còn vương dấu ấn thời gian. Tác phẩm không chỉ là sự tái hiện một không gian vật lý mà còn là một bức thư gửi lại ký ức về một thời kỳ giản dị, khi mà mỗi ngôi nhà là một thế giới riêng, đầy ắp tình cảm và kỷ niệm.
Hà Nội qua từng con phố, từng mái nhà, từng công trình lịch sử, luôn mang trong mình một vẻ đẹp đặc biệt. Những tác phẩm kiến trúc bằng chất liệu màu nước trong triển lãm “Tôi vẽ Hà Nội” không chỉ là sự tái hiện của những công trình mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn là cảm xúc, là ký ức về một thủ đô đầy yêu thương và lãng mạn. Những bức tranh này, qua từng nét vẽ, đã giúp chúng ta nhìn chậm lại vẻ đẹp của một Hà Nội đa dạng, từ những công trình cổ xưa cho đến không gian sống hiện đại, tất cả dù trầm mặc hay rộn ràng, dù mới hay xưa cũ đều mang đến một sự bình yên và thương nhớ đến lạ lùng, dầu ta có từng sống ở nơi đó hay không.
Một số tác phẩm khác trong triển lãm TÔI VẼ HÀ NỘI được trưng bày tại 93 Đinh Tiên Hoàng từ ngày 20/11-28/11/2024:
Ý kiến của bạn