Vai trò của quy chế quản lý kiến trúc trong bảo tồn và phát triển kiến trúc Việt Nam

(Vietnamarchi) - Trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) để cùng luận bàn một số vấn đề về định hướng kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống, phát huy hiệu quả quy chế quản lý kiến trúc để cân bằng và hài hòa giữa Bảo tồn và Phát triển - Truyền thống và Hiện đại - Bản sắc và Tiên tiến. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
21:00, 09/02/2024
PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

PV: Thưa PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương năm 2023 khép lại với nhiều thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, các vấn đề về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống theo tinh thần Chỉ thị số 04/CT-TTg tiếp tục được cộng đồng và xã hội quan tâm, được xác định là quá trình lâu dài và đang tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi từ những giá trị văn hóa bản địa… Quan điểm của Bà về vấn đề này như thế nào?

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Như chúng ta đã biết, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại một trong những tư tưởng xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng ta từ ngày đầu lập Đảng - đó là “Văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước xác định những nội dung lớn để định hướng phát triển nhiều lĩnh vực trong đó có việc phát triển nền kiến trúc Việt Nam. Để hiện thức hóa những nhiệm vụ quan trọng đó, ngày 7/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Đặc biệt, khu vực nông thôn Việt Nam là nơi lưu giữ bền vững nhất những giá trị về văn hóa (vật thể và phi vật thể), bao gồm: Văn hóa vật chất, Văn hóa tinh thần và Văn hóa tổ chức xã hội.

Kiến trúc nhà trình tường truyền thống tại Bản Lô Lô Chải, Hà Giang

Nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến lược, chính sách, mô hình, giải pháp để phát triển nông thôn song hành với bảo tồn, lưu giữ, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa bản địa từ nông thôn, như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hiện đại hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, đang có xu hướng nan giải, xung đột với những căn cố, những quan điểm và nhận thức của một nơi, vốn lưu giữ sâu đậm nhất những giá trị của nền văn hóa, những giá trị tinh hoa của dân tộc, nhưng cũng có thể chứa đựng những bảo thủ, trì trệ thông qua những cốt cách mang tính cộng đồng, tự trị.

Những vấn đề đặt ra khi các di tích, di sản kiến trúc truyền thống đang mất dần bởi thời gian, cách ứng xử của cộng đồng; văn hóa, lối sống đang bị đô thị hóa xâm lấn, làm mai một văn hóa gốc rễ. Khi đưa ra các cơ chế chính sách, cụ thể hóa bằng các đồ án quy hoạch duy ý chí, với việc không có biện pháp duy trì những giá trị văn hóa từ các khu định cư truyền thống của làng xóm, bên cạnh các khu phát triển mới, đang xuất hiện xu thế chung - một form mẫu chung cho tất cả các vùng nông thôn trên cả nước, phá vỡ và đi ngược lại sự hình thành với cốt cách văn hóa của nông thôn…

PV: Vậy đâu là nguyên nhân phá vỡ hình thái và cấu trúc không gian kiến trúc làng quê, thưa PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương?

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Trước hết, cần hiểu rõ, với đô thị và ven đô thị, nhà ở riêng lẻ là một tế bào đất ở, có thể tọa lạc ở các đơn vị ở như nhà liền kề, biệt thự, nhà vườn… Chúng đang có tính chất tế bào đất ở dạng studio, tùy theo quy mô đất sử dụng. Hoàn toàn khác xa với tế bào đất ở nông thôn, với sinh kế gắn với nông nghiệp, mỗi khuôn viên nhà ở vừa ở, vừa canh tác vườn, ao, chuồng tuần hoàn (thường tính theo m2 hoặc sào Bắc bộ); với lâm nghiệp và ngư nghiệp, có thể bằng (ha), bao gồm cả diện tích canh tác sản xuất rừng, cây lâu niên, chăn thả gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển kinh tế du lịch cộng đồng…

Từ việc không nhận diện đúng bản chất đó, dẫn tới sự thất bại được đưa đến bởi 02 lý do: cho phép việc tách thửa đất trong các khuôn viên nhà ở truyền thống, từ thừa kế, đến chuyển dịch mua bán… không kiểm soát, dẫn đến khó khăn trong quản lý, xây cất với nhiều hình thức phong cách khác nhau, phá vỡ và làm biến dạng hình thái và cấu trúc không gian kiến trúc làng quê, xâm lấn và phá hủy dần ngôi nhà kiến trúc truyền thống nguyên sơ từ ban đầu, gia tăng mật độ dân số, mật độ cư trú, biến đổi cư dân gốc, du nhập văn hóa ngoại lai…

Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, còn thiếu bài bản và nhất thể hóa cho tất cả các vùng miền nông thôn; Quy hoạch và cấu trúc các đơn vị ở, tế bào đất ở giống đô thị, mua bán chuyển quyền sử dụng các tế bào đất ở, xây cất không có cấp phép xây dựng hoặc để hoang hóa, đầu tư nóng để hưởng chệnh lệch về sự biến động của đất.

Đối với một số vùng miền nông thôn, nơi có ít nhiều quỹ công trình kiến trúc nhà ở có giá trị như nhà sàn, nhà rường…, đang bị thương mại hóa, mua bán và di chuyển về các vùng đô thị, mất dần hình thái quy hoạch và quỹ vật chất tiêu biểu có tính bản địa. Người nông dân chưa ý thức được họ đang sở hữu và sử dụng các giá trị văn hóa có giá trị ở dạng vật thể và phi vật thể. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để gìn giữ và phát huy các giá trị bản địa.

Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, thiếu tổng kết lý luận và dẫn hướng. Công tác lý luận phê bình còn hạn chế. Công tác nghiên cứu khoa học ít đóng góp cho kiến tạo… Đặc biệt là trình độ quản lý, quản trị còn hạn chế của các cấp chính quyền nông thôn.

Chùa cổ Tây Phương, Hà Nội

PV: Từ những nguyên nhân nêu trên, Bà có thể cho biết những định hướng và giải pháp chính trong quy hoạch, kiến trúc để cân bằng và hài hòa giữa Bảo tồn và Phát triển - Truyền thống và Hiện đại - Bản sắc và Tiên tiến?

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Trước hết, phải từ Quy hoạch và Kiến trúc (định lượng các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất). Xuất phát và cụ thể hóa, định lượng hóa các chỉ tiêu từ các đồ án Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết…về chỉ tiêu mật độ dân số, mật độ cư trú, mật độ xây dựng, diện tích đất ở tối thiểu; Phân khu bảo tồn, tái phát triển và phát triển… với 03 trụ cột nguyên tắc cơ bản “Bảo tồn giá trị văn hóa - Gìn giữ môi trường - Phát triển”. Với mục tiêu cân bằng động giữa Văn hóa vật chất - Văn hóa tinh thần - Văn hóa tổ chức xã hội, trong đó đặc biệt lưu ý đến Văn hóa ứng xử với môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Xác định rõ 05 nguồn lực để đầu tư: Tài nguyên - Sức lao động - Nguồn vốn - Công nghệ - Giá trị văn hóa và kiến trúc bản địa (bắt rễ từ trong văn hóa). Giải quyết thỏa đáng: sinh kế của người nông dân, đi đôi giữa an cư và lạc nghiệp, thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần, giải quyết thỏa đáng giữa thuần nông và ly nông… Từng bước song hành với hiện đại hóa mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng công nghệ cao, tuần hoàn, sản phẩm đạt năng suất và giá trị kinh tế cao theo hướng OCOP, hướng tới phát triển bền vững… đặc biệt là các sản phẩm có giá trị độc đáo từ các làng nghề thủ công truyền thống. 
Để hiện thực hóa cần phát triển xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng xác định các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp chủ lực để có hướng sản xuất, xây dựng mô hình Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp theo quy mô xã, liên xã, huyện, liên huyện, với các chức năng hướng nghiệp, dạy nghề, trao đổi thị trường công nghệ, hàng hóa’ kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nhà nước ở trong nước và quốc tế.

Khảo sát, đánh giá, lập tiêu chí xác định các công trình kiến trúc truyền thống có giá trị, gồm: điều tra, khảo sát, vẽ ghi, lập hồ sơ khoa học bản vẽ và đánh giá; xác định giá trị dựa trên các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, duy nhất…; phân loại và xếp hạng; lập danh mục bảo tồn, tu bổ, cải tạo, xây dựng lại mới, chuyển đổi mục đích sử dụng…; lập quy chế quản lý cho: xóm, thôn, làng, tổ dân phố, khu vực; đường giao thông liên huyện, xã, thôn; các công trình kiến trúc công cộng (Hiện hữu, truyền thống, tái phát triển; Phát triển: khu trung tâm, điểm dân cư nông thôn mới).

Những giá trị văn hóa ở cả vật thể và phi vật thể được nâng thành truyền thống của quốc gia, địa phương… tụ hội bởi tính ổn định, cộng đồng và lưu truyền. Với nông thôn cần được dung hợp trong quá trình phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời giúp cân bằng và hài hòa giữa Bảo tồn và Phát triển - Truyền thống và Hiện đại - Bản sắc và Tiên tiến. Bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa để xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và cảnh quan nông thôn cũng góp phần củng cố sự bền vững trong an ninh lương thực quốc gia, bởi “Phi trí bất hưng, phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi nông bất ổn”.

Xác lập các khu ở định cư truyền thống, khống chế tách thửa diện tích khuôn viên ô đất phù hợp với diện tích của ô đất (khuyến khích giữ nguyên và định hình cơ cấu hộ gia đình phù hợp). Mở rộng và tái phát triển mạng lưới giao thông hiện hữu, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Thiết lập sổ tay hướng dẫn và khuyến khích, bảo trợ xây dựng cải tạo và xây mới nhà ở theo các mẫu thức kiến trúc truyền thống của địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…

Hướng dẫn bảo tồn, tu tạo, phục dựng hoặc xây mới các công trình kiến trúc nhà ở, công cộng, tôn giáo tín ngưỡng… có giá trị văn hóa. Chấn hưng và phục hồi thích ứng các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống. Xây dựng các cơ sở vật chất mới cho các hoạt động văn hóa đương đại kết hợp lễ hội văn hóa truyền thống, trên cơ sở vận dụng các mẫu thức kiến trúc truyền thống (nhà văn hóa thể thao, nhà cộng đồng…).

Kiến trúc truyền thống nhà Rông các dân tộc ở Tây Nguyên

Khuyến khích phát triển kinh tế du lịch địa phương, cộng đồng, hộ gia đình trên cơ sở khai thác từ quỹ kiến trúc nhà ở gắn với văn hóa, sản xuất, lễ hội, tập quán… Dùng sự ảnh hưởng của các khu vực định cư làng xóm truyền thống, có tính chất xanh cả cư trú lẫn hạ tầng, tạo sức lan tỏa và kết nối với các khu vực phát triển mới thông qua các khu ở dân cư mới, các khu sản xuất theo mô hình công nghệ hiện đại.

Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chú ý tránh phát triển bám theo các trục giao thông liên huyện, xã, thôn… Nên phát triển cụm dân cư theo mô hình tập trung (kiểu mạch vòng) với diện tích đủ để ở gắn với kinh tế hộ gia đình. Khuyến khích phát triển nhà ở riêng lẻ dạng bán kiên cố, gắn với sinh kế và sản xuất ở các trang trại, khu du lịch cộng đồng… theo mẫu thức kiến trúc truyền thống. Đặc biệt, cần hiệu chỉnh tiêu chuẩn diện tích đất ở và kích thước ô đất cho phù hợp với các vùng nông thôn, tại các điểm định cư mới thuộc đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PV: Như PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương vừa chia sẻ, một trong những giải pháp chính để bảo tồn và phát triển kiến trúc nông thôn đó là lập quy chế quản lý kiến trúc, cũng như lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị, Bà đánh giá như thế nào về vai trò của công cụ quản lý này?

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: “Quy chế quản lý kiến trúc” là một công cụ pháp luật mới - quy định trong Luật Kiến trúc, cùng với “Danh mục các công trình kiến trúc có giá trị” - được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị và nông thôn có giá trị, đồng thời kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan có chất lượng, từ tổng thể đến chi tiết cho các vùng đô thị và nông thôn ở Việt Nam trong tiến trình phát triển. Với công cụ mới này, chúng ta hy vọng sẽ có thêm một “lớp bảo vệ” để ngăn chặn những thảm hoạ cảnh quan đô thị và nông thôn, cũng như việc xoá sổ các công trình kiến trúc có giá trị để thay thế bằng những dự án mới, mà không được đánh giá đầy đủ các tác động về giao thông, môi trường và văn hoá, đã và đang diễn ra trên khắp cả nước.

PV: Được biết, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tham gia lập quy chế quản lý kiến trúc tại nhiều địa phương, từ thực tiễn triển khai, thực hiện đã phát sinh những bất cập, khó khăn gì? PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương có thể chia sẻ thêm.

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Viện Kiến trúc Quốc gia với vai trò là Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia trong lĩnh vực kiến trúc trực thuộc Bộ Xây dựng, thời gian qua Viện cùng các chuyên gia đã tích cực tham gia hỗ trợ các địa phương lập Quy chế quản lý kiến trúc tại: Đà Nẵng, Huế, Lai Châu, Quảng Ngãi, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Giang… 

Từ kinh nghiệm xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy một số bất cập, khó khăn như sau: Cần phải khẳng định, quản lý kiến trúc ở nông thôn không chỉ thuần túy ở yếu tố “Kiến trúc” - khó định lượng và hết sức phiến diện. So sánh giữa Nghị định 38/2010/NĐ-CP với các điều khoản trong Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP sẽ thấy rõ chỉ bỏ chữ “Quy hoạch”. Do đó, cần phải dựa trên các chỉ tiêu quy hoạch về sử dụng đất như mật độ xây dựng, chiều cao, hệ số sử dụng đất… từ các đồ án quy hoạch xây dựng như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… Quy chế quản lý Quy hoạch và Kiến trúc đã bãi bỏ, trong khi quy chế quản lý Kiến trúc nông thôn chưa xây dựng và cụ thể hóa. Vậy quản lý như thế nào? Từ đâu? Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thực chất quản lý phải bằng quy hoạch và tính pháp lý của quy chế sẽ nằm ở đâu giữa các bộ luật hiện hành và những điều khoản bắt buộc hoặc hướng dẫn thi hành? Chủ thể nào là chính để có quyền hạn thực thi quy chế?

Trong nội dung quy chế, có yêu cầu cần khảo sát, nhận diện, xác định giá trị và phân loại các công trình kiến trúc có giá trị để từ đó có giải pháp ứng xử, bảo tồn, khai thác và phát huy. Đồng thời có hướng dẫn bảo tồn, tu tạo, hạ giải, xây mới… Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa 2001 (đã bổ sung sửa đổi năm 2009) hiện mới chỉ có quy định chính thức công nhận “di tích”, mà chưa có tiêu chí công nhận “di sản kiến trúc”, càng không có “di sản đô thị” hoặc “di sản nông thôn”. Như vậy, rất cần thiết cần phải mở rộng khái niệm “di tích” sang khái niệm “di sản”, cũng như vận dụng cho các quỹ di sản đô thị và cả ở khu vực nông thôn.

Chùa cổ Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang

Loại hình “công trình kiến trúc có giá trị” được quy định trong Luật Kiến trúc ban hành năm 2019 có nhiều yếu tố khác biệt với “di sản đô thị” bởi các quy định đánh giá, phân loại, bảo vệ, đầu tư và phát huy không thể giống nhau. Giới chuyên môn vẫn đang trông đợi Luật Di sản văn hóa (hiện đang được sửa đổi lần 2) sẽ bổ sung loại hình “di sản” quan trọng này.

Với di sản cho cả đô thị và nông thôn, bảo tồn di sản khó có thể chỉ bảo tồn theo điểm giống như di tích, mà di sản đô thị hoặc nông thôn còn có thể là mảng, là vùng, là không gian hình thái và cấu trúc… Vậy nông thôn, với các quần thể công trình kiến trúc, quần thể làng… với quy mô rộng lớn, có giá trị sẽ được quy định như thế nào?

PV: Cuối cùng, để Quy chế quản lý kiến trúc triển khai thực sự hiệu quả, tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện. Chúng ta cần phải làm gì?

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Thực tiễn cho thấy, mọi công cụ pháp luật mới khi đi vào cuộc sống đều sẽ gặp những lực cản thực tế đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan.

Mặc dù vậy, với công cụ mới là Quy chế quản lý kiến trúc, tôi cho rằng đây là cơ hội mới để quản lý kiến trúc, cảnh quan cho khu vực đô thị và nông thôn tốt hơn; Quá trình chuyển hoá các quy định pháp lý vào thực tiễn là quá trình hai chiều và cần thời gian để chuyển hoá quy định mới trong Luật Kiến trúc vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả. 

Cần xác định quy chế là công cụ thực sự cho các cấp chính quyền trong quản trị và vận hành. Xây dựng quy chế quản lý, quản trị và vận hành, phải lưu ý tới vấn đề phát triển kinh tế bền vững, gắn với sinh kế của người dân và hộ gia đình. 
Riêng vấn đề lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị, nên xác định các công trình kiến trúc có giá trị (nhưng chưa đến mức là di sản) như các công trình gắn với giai đoạn lịch sử hay rất nhiều đối tượng kiến trúc gắn với cảm xúc, ký ức của người dân bản địa, giúp địa phương đó duy trì và tiếp nối lịch sử. Qua đó, kể chuyện lịch sử thông qua kiến trúc, những bản sắc kiến trúc đã được các thế hệ kiến trúc sư, nhà quản lý tại địa phương đó khẳng định, tự hào và mong muốn phát huy. 

Áp dụng khoa học công nghệ, số hóa dữ liệu để bảo tồn di sản kiến trúc

Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ trong ứng dụng BIM để xây dựng công trình, trong đó có công nghệ H-BIM - “mô hình thông tin di sản” (Heritage or Historical Building Information Modelling) là một ứng dụng mở rộng dựa trên ứng dụng phương pháp BIM, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc hoặc kiến tạo các không gian văn hóa sáng tạo dựa trên các địa điểm, nơi chốn của di sản.

Vì vậy, cần phải làm thí điểm cho một vài địa phương, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, đánh giá toàn diện, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật, rồi mới ban hành và triển khai nhân rộng.

Viện Kiến trúc Quốc gia luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, nông thôn.

Trân trọng cảm ơn PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương!

Pháp lý xây dựng

Những bài học phát triển đô thị bền vững và sáng kiến tại Hà Nội (Phần 2)

Ngày 6/12/2024 Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển đô thị bền vững và trung hòa carbon tại Việt Nam”. Tác giả tham gia với nội dung liên quan tới việc các hành động chụ thể để cư dân thủ đô di chuyển an toàn – thân thiện – công bằng.

Đô thị phát triển bền vững sẽ nhận được nguồn lực đầu tư bền vững (Phần 1)

Ngày 6/12/2024 Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển đô thị bền vững và trung hòa các-bon tại Việt Nam”. Tác giả tham gia với nội dung liên quan tới việc các hành động chụ thể để cư dân thủ đô di chuyển an toàn – thân thiện – công bằng.

Chuyển đổi khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội: Loại bỏ sai lầm càng sớm càng tốt

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được coi là một biểu tượng của sự lãng phí ở Hà Nội. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng để phù hợp với đời sống của người dân là điều tất yếu. Tuy nhiên, cần quan tâm đến phương án chuyển đổi và vận hành, không để lãng phí thêm.

Quy hoạch 2 bờ sông Hồng, làm sao để thích ứng với biến đổi khí hậu?

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội xác định lấy sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, nhiều khu vực ven sông bị ngập, đời sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Vậy cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ở 2 bên bờ sông như thế nào để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu?

Tìm công thức khả thi để Hà Nội làm hàng trăm km đường sắt đô thị

Sau 20 năm triển khai, Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội đưa vào hoạt động. Nếu vẫn xây dựng như phương án hiện nay, rất khó để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị như quy hoạch.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi