Sau bão số 3: Nhiều quy định xây dựng ngoài đê cần phải xem xét lại

Sau bão số 3: Nhiều quy định xây dựng ngoài đê cần phải xem xét lại

Theo các chuyên gia, sau cơn bão số 3, nhiều quy định xây dựng ngoài đê sông Hồng cần phải xem xét lại cho thấu đáo.
07:05, 30/09/2024

Bão số 3 khiến con người phải thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên 
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài; phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương. 

kts trần huy ánh
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234.700 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307.400 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gẫy đổ…

Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại. Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ để ổn định đời sống người dân. 

Đặc biệt, bão cũng đã gây ra tình trạng mưa lũ rất lớn khiến mực nước ở hàng loạt sông ở miền Bắc dâng cao. Một số đoạn nước tràn qua, thậm chí là vỡ… đe dọa đến tính mạng của người dân và an toàn hệ thống đê điều.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên của VOV.VN, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: “Cơn bão số 3 là cú sốc rất mạnh mẽ, làm thức tỉnh nhiều người, khiến chúng ta cần phải thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên nhiều hơn nữa. Qua cơn bão cho thấy những giải pháp công nghệ cao không có ý nghĩa gì với mẹ thiên nhiên. Bão số 3 vừa là nguy nhưng cũng là an. Bão mạnh như vậy để thấy được cần phải ứng phó nghiêm túc hơn với thiên tai”.

Theo KTS Trần Huy Ánh, từ trước đến nay chúng ta thường hay xem nhẹ những dòng chảy nhỏ như sông Gâm, sông Lô, sông Thao,… vì lưu lượng nước đổ về sông thấp nhưng cơ bão số 3 gây mưa lớn cho cả phía Nam Trung Quốc, Nam sông Đà dẫn tới lượng nước đổ về vô cùng lớn. Tốc độ nước đổ về hồ Thác Bà lớn hơn năm 1971.

“Cơn bão số 3 cho thấy nếu phía bạn lũ to phải xả lũ, chúng ta không trách người ta được mà phải chủ động, cảnh giác trong ứng phó với mưa lũ. Hiện nay, tại các khu vực lòng sông đang bị thay đổi dòng chảy bởi dân cư tự phát bên ngoài đê, khai thác khoáng sản trong lòng sông tràn lan, không bền vững. Địa hình địa mạo của dòng sông biến đổi khó lường,… Có ai dám nói tương lai một cơn bão mạnh bằng hoặc lớn hơn cơn số 3 này sẽ không quay lại? Vì vậy cần nghiêm túc nhìn nhận lại để thức tỉnh. Cần phải xem xét lại quy hoạch, đặc biệt là khu vực đê sông Hồng chảy qua khu vực Thủ đô Hà Nội. Việc người dân nằm trong vùng thoát lũ đều không an toàn, các công trình ở khu vực này lại càng không an toàn”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

sông hồng
Nước trên sông Hồng dâng cao mênh mông tại khu vực cầu Nhật Tân

Nhiều quy định xây dựng ngoài đê cần phải xem xét lại

KTS Trần Huy Ánh cho biết, hiện nay, trong quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung, nhiều nội dung đô thị, công viên đô thị, nông nghiệp đô thị vẽ vào các khu vực thoát lũ, không phù hợp với Luật Đê điều. Cụ thể, Luật Thủ đô, quy hoạch Thủ đô cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng. Trong khu vực hành lang thoát lũ được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt. Các công trình xây dựng mới trong khu vực hành lang thoát lũ bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy, không tôn cao bãi sông và chỉ dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng và các công trình được phép xây dựng ngoài bãi sông theo pháp luật về đê điều.

"Nội dung này không phù hợp với Luật Đê điều và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 368/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ký ngày 4/5/2024, trong đó xác định các khu vực hạn chế phát triển như hành lang bảo vệ nguồn nước, chú trọng bảo vệ tài nguyên nước bao gồm toàn bộ lưu vực hệ thống sông Hồng - Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam; khoanh vùng bảo vệ cụ thể, nghiêm ngặt, hạn chế bố trí phát triển, nhất là các ngành kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, gắn với yêu cầu hệ thống xử lý các vấn đề về môi trường. Hành lang bảo vệ an toàn đê điều là ưu tiên thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng để nâng cấp đê. Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Tăng cường quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm không gian thoát lũ; có biện pháp cụ thể đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông. Bảo vệ không gian thoát lũ; cải tạo lòng dẫn, giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về đê điều...”, KTS Trần Huy Ánh nêu quan điểm.

sông hồng
Nước dâng cao đe dọa đến tính mạng của người dân và an toàn đê điều

Theo KTS Trần Huy Ánh, đất đai ven sông Hồng, sông Đuống đặc biệt khu vực lòng sông trong đê (bao gồm bãi sông bãi nổi) trong Luật Thủ đô cần thống nhất và nhấn mạnh tuân thủ theo Luật Đê điều. Bởi lẽ Luật Đê điều bảo vệ Hà Nội an toàn khi lũ lớn trong suốt thế kỷ 20, sẽ bảo đảm an ninh giữ nguồn nước sạch cho Hà Nội và cả vùng trong thế kỷ 21 và mai sau trước thảm họa khô hạn và ô nhiễm nguồn nước.

"Trong thời gian gần đây đất nước ta chịu nhiều tác động về biến đổi khí hậu và những tác động thay đổi nguồn nước liên quốc gia. Sông Hồng ngày càng ít nước và lòng sông biến dạng do khai thác cát tràn lan, nguồn nước cấp vào các sông Tích, Đà, Đuống, Nhuệ, Cà Lồ, kênh Ngũ huyện Khê, Bắc Hưng Hải kém dần, dẫn đến cạn dòng ngưng tụ ô nhiễm. Tất cả sông hồ Hà Nội cũng ảnh hưởng nặng nề… Trong Luật Thủ đô có đề cập đến vấn đề như: Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm lấn, chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Đây mới chỉ là mục tiêu mà chưa phải là biện pháp. Bảo vệ an ninh nguồn nước phải bao gồm đủ không gian trữ nước, giải pháp tuần hoàn nước, trách nhiệm tổ chức cá nhân sử dụng nước...", KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, thiên tai ngày càng diễn biến khắc nghiệt, cực đoan, khó đoán định vì vậy cần nghiêm khắc trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và nguồn nước sạch sinh hoạt trong mùa khô hạn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những khu vực hành lang thoát lũ bao giờ cũng dành cho nước mùa lũ và cả mùa cạn. Vì mùa lũ có không gian để thoát nhanh, mùa khô lưu giữ lại để dùng. "Không phải ngẫu nhiên người Pháp lại quy hoạch để mặt cắt ngang sông Hồng dài khoảng 2km, trong đó thực tế dòng chảy chỉ khoảng hơn 500m, số còn lại là để dự trữ trong lúc nguy khốn… Tuy nhiên hiện nay, ở nhiều nơi dù muốn hay không đã để bờ bãi tôn cao gần bằng mặt đê, rồi khu dân cư tự phát ra ngoài đê, kéo theo đó là các công trình kiên cố đã thu hẹp diện tích mặt sông. Ví dụ như bên khu vực sông Hồng chảy qua Hà Nội. Một số nơi sắp tới còn quy hoạch đưa dân cư ra ở, xây dựng công trình kiên cố ở khu vực bãi sông. Đây là không gian vốn là dành cho nước chảy vào những lúc nguy khốn nhất. Mà trận lũ năm 1971 ở miền Bắc đã chứng minh. Thực tế mới đây, Luật Thủ đô đã cho phép xây dựng một số loại công trình ngoài đê, trước đó quy hoạch phân khu sông Hồng đã công bố vẽ nhiều khu đô thị ra ngoài đê. Qua cơn bão vừa rồi cần phải xem xét thấu đáo một cách toàn diện về vấn đề này”.

sông hồng
Nước sông Hồng dâng cao tại khu vực Hà Nội và Hưng Yên

Xây dựng khu đô thị ngoài đê sẽ rất nguy hiểm

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng: "Phát triển đô thị ngoài đê phải áp dụng theo các quy định của Luật Đê điều, những khu xây dựng ở bãi sông, ven đê có nằm trong vùng thoát lũ hay không, việc này phải nhận định và tính toán chính xác. Từ đó, mới tính đến quy trình thực hiện xây dựng khu đô thị. Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng khu đô thị ngoài đê sông Hồng phải tính toán cẩn thận, không thể chỗ nào cũng có thể xây dựng. Theo quan điểm của tôi việc xây dựng khu đô thị ngoài đê sông Hồng là không khả thi và sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Ví dụ cụ thể như cơn bão số 3 vừa qua, những khu vực ngoài đê đều ngập rất nặng, thiệt hại nhiều tài sản. Cùng với đó, việc xây dựng nhà chống lũ tại khu vực ven sông Hồng là không khả thi. Bởi, lũ tại các sông lớn thì rất nguy hiểm và khó lường. Thậm chí, nếu xảy ra vỡ đập thì không có giải pháp nào cứu nguy. Đặc thù tại sông Hồng cũng rất khác những quốc gia khác nên không thể áp dụng máy móc".

sông hồng
Nước tại sông Hồng dâng cao khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: "Việc xây dựng thành phố, khu đô thị ven sông Hồng là rất nguy hiểm, không an toàn. Cơn bão số 3 vừa qua là minh chứng rõ ràng cho sự tàn phá khốc liệt đối với những khu vực ven đê ra sao, chưa kể biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, phức tạp. Do đó, việc xây dựng công trình nhà ở ngoài ven đê là không phù hợp với quy định của Luật Phòng chống thiên tai. Nếu làm thành phố ở ven sông, ngoài đê là rất nguy hiểm, rủi ro lớn cho người dân sinh sống. Việc ứng cứu khi có thảm họa thiên tai cũng rất khó khăn. Do vậy cần xem xét lại việc xây dựng các khu đô thị ven sông, thậm chí là công trình bên trong những sát chân đê".

https://vov.vn/xa-hoi/sau-bao-so-3-nhieu-quy-dinh-xay-dung-ngoai-de-can-phai-xem-xet-lai-post1123769.vov

Pháp lý xây dựng

Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về khí nhà kính - tạo môi trường kinh doanh bền vững

Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức trong xây dựng hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính, việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia theo các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Bắc Giang: Phát triển quy hoạch vùng sản xuất góp phần xây dựng NTM bền vững

Bắc Giang, một tỉnh nằm ở phía Bắc Việt Nam, được biết đến với nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Với lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực, tỉnh Bắc Giang đã xác định việc quy hoạch phát triển vùng chuyên canh là một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế hướng tới xây dựng Nông thôn mới bền vững.

Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng từ định hướng đến các giải pháp Kiến trúc cho công trình

Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng luôn là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết. Bởi lẽ, điều này giúp thúc đẩy sử dụng bền vững và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên theo tinh thần nương nhờ, tạo ra môi trường bên trong và bên ngoài an toàn, tiện nghi, bảo vệ sức khỏe cho con người góp phần bảo tồn phát huy văn hóa bản địa và hội nhập tiên tiến trên tinh thần không hòa tan… Do đó, tại phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 được diễn ra vừa qua tại TP. Hà Nội. TS. KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã có bài tham luận trình bày rõ về chủ đề này.

Kế thừa giá trị xanh, bền vững, sinh thái từ kiến trúc nhà ở truyền thống bản địa cho nhà ở thấp tầng Khu vực duyên hải ven biển miền Trung

Giai đoạn vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và đô thị, kiến trúc nhà ở thấp tầng khu vực duyên hải miền Trung cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Hầu hết nhà ở thấp tầng đã được cải tạo, xây mới theo các loại hình kiến trúc mới và hiện đại hơn, đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vì phần lớn còn được phát triển tự phát trong dân nên chất lượng và số lượng các công trình loại này đạt được các tiêu chí xanh, sinh thái bền vững còn thấp, chưa mang lại hiệu quả đáng kể đóng góp chung cho chiến lược tăng trưởng xanh của khu vực và quốc gia.

Phát triển công trình xanh - Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Bài viết đề cập đến sự cần thiết của việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày một phúc tạp, khó lường. Từ những đánh giá về hiệu quả nhiều mặt của công trình xanh, có thể thấy việc xây dựng và phát triển công trình xanh không chỉ để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, mà còn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Bài viết đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm phát triển công trình xanh, từ đó góp phần quan trọng vào Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hoá” ngành Xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi