Nét xưa trong kiến trúc nhà truyền thống gần 300 năm tại Nghệ An

(Vietnamarchi) - Trong bối cảnh phát triển kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ tại Việt Nam, di sản văn hóa có sở hữu tư nhân, đặc biệt là các ngôi nhà dân gian xây dựng bằng gỗ với vì kèo, đang dần mai một một cách nhanh chóng. Mặc dù vẫn còn tồn tại một số không nhỏ các công trình nhà ở cổ truyền sau những luỹ tre làng, nhưng như nhiều di sản kiến trúc khác tại Việt Nam, nhà dân gian vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tại Nghệ An, cũng không tránh khỏi những tác động sâu sắc của thời gian, lịch sử và chiến tranh. Đây là một sự cản trở cho nghiên cứu cũng như là một mất mát không nhỏ đối với loại hình di sản kiến trúc này.
14:47, 17/05/2024

Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - quê hương của Bác Hồ, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và được mệnh danh là "địa linh nhân kiệt". Nơi đây, ngôi nhà gỗ của dòng họ Trần Gia, xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 18, đã trải qua nhiều biến động của lịch sử. Đến nay, ngôi nhà cổ này vẫn giữ gìn được hầu như nguyên vẹn những nét tinh hoa truyền thống của nhà ở dân gian vùng Bắc Trung Bộ.

Ngôi nhà dòng họ Trần Gia tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An

Lịch sử của ngôi nhà

Theo dòng chảy của thời gian, ngôi nhà truyền thống của dòng họ Trần Gia không chỉ là nơi trở về mà còn là bằng chứng sống động của lịch sử đầy biến động. Ngôi nhà này, một phần hồi môn của bà Nguyễn Thị Năm (1849-1919), người sinh ra tại xã Nam Long (nay là xã Hồng Long, huyện Nam Đàn), vợ của ông Trần Gia Từ (1848 - 1916).

Cùng với các con – dâu kế thừa sở hữu (tính đến 2022) Bao gồm: ông Trần Gia Trung (1877-1954) và bà Nguyễn Thị Nhỏ (1876-1912), ông Trần Gia Tuệ (1894-1985) và bà Vương Thị Nhỏ (1899-1976), ông Trần Gia Cát (1932-2009) cùng với bà Nguyễn Thị Quế (1934). Ngôi nhà đã chứng kiến sự thay đổi và phát triển và trở thành di sản của các thế hệ con cháu trong gia đình.

Ngôi nhà không chỉ đóng vai trò là không gian sống mà còn là nơi giáo dục truyền thống, nơi mỗi thế hệ được dạy dỗ nhớ về trách nhiệm với quê hương và đất nước. Mối liên hệ sâu sắc giữa dòng họ với ngôi nhà được thể hiện không chỉ qua việc bảo tồn kiến trúc mà còn qua việc giữ gìn những giá trị tinh thần và ký ức lịch sử quý giá. Tại ngôi nhà còn lưu giữ ba đạo sắc phong của Trần tướng quân - được tôn là Đức thánh tổ của dòng họ Trần Gia. Được các triều vua nhà Nguyễn ban cấp sắc phong là những chứng tích lịch sử, chứng minh cho truyền thống nhân văn, trung quân ái quốc của dòng họ.

Ba đạo Sắc phong của các triều vua Nguyễn ban cấp cho cụ tổ dòng họ Trần Gia Bao gồm các năm: Thành Thái thứ 15 (1903), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924)

Trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ngôi nhà đã trở thành địa điểm gặp gỡ và trao đổi quan điểm giữa các nhân vật tiến bộ, yêu nước trong khu vực. Đặc biệt, trong thời kỳ Xô-viết Nghệ Tĩnh, ông Trần Gia Tuệ là bí thư chi bộ bí mật (bí danh Ngô) của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đứng ra kêu gọi và tổ chức nhân dân vùng lên chống Pháp, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn cực hình tại đồn Xuân La. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) Ngôi nhà là nơi chăm sóc nhiều  thương bệnh binh trong số những thương bệnh binh đầu tiên trong cả nước. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, cho đến nay ngôi nhà được ông Trần Gia Mỹ cùng em trai quản lý.

Một số nét đặc trưng của kiến trúc ngôi nhà

Khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là Nghệ An, nổi tiếng với nền văn hóa đặc trưng và điều kiện khí hậu khắc nghiệt như gió Lào, bão và lũ lụt. Do đó, cách người dân ứng phó với những thách thức này đã hình thành nên những đặc điểm riêng trong kiến trúc nhà ở dân gian của họ. Kiến trúc nhà ở dân gian Nghệ An thường được thiết kế để tối ưu hóa sự mát mẻ và chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Nhà chính thường hướng Tây-Nam để tránh gió Lào, còn nhà phụ thường được đặt ở phía Đông. Nhiều gia đình còn đào ao ở phía Tây và Nam nhà để làm mát không khí. Cấu trúc gian nhà ở đây cũng linh hoạt hơn so với kiến trúc truyền thống ở miền Bắc, không theo quy tắc số lẻ tuyệt đối mà có thể gồm số gian chẵn hoặc lẻ, tuỳ theo nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình. Kiến trúc như vậy không chỉ phản ánh khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của khu vực.

Về tổ chức công năng ngôi nhà:

Bố cục mặt bằng

Nhà chính được chia thành ba phòng với vách ngăn bằng gỗ, bao gồm: phòng ngoài (thường là ba gian hoặc hai gian) được gọi là nhà ngoài, kế tiếp đó là gian giữa kết nối giữa nhà ngoài và nhà trong chỉ có một gian, nhưng luôn là gian rộng nhất. Đây là nơi cất giữ các các đồ đạc quý của gia đình hoặc là chỗ ngủ của người cao tuổi nhất trong nhà. Gian giữa này thường được gọi là “Gian bảy”, một đặc trưng riêng của nhà ở dân gian Nghệ An. Cuối cùng là nhà trong (thường là hai hoặc ba gian).

Giống như các địa phương khác, nhà ngoài là nơi để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, sinh hoạt chính của chủ nhà, ngăn cách nhà ngoài với nhà trong có vách gỗ kín và để cửa đi vào nhà trong. Nhà trong là nơi sinh hoạt thường nhật của gia đình bao gồm cả bếp và chỗ ngồi ăn. Điểm nổi bật của kiến trúc này là sự linh hoạt và phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương, đồng thời phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và công năng sử dụng.

Mặt bằng và mặt đứng hiện trạng của ngôi nhà

Kết cấu vì kèo, mái nhà

Bên cạnh những nét đặc trưng trong bố cục mặt bằng, kết cấu vì kèo của nhà ở dân gian Nghệ An cũng có những điểm khác biệt. Với đặc thù chiều sâu của ngôi nhà truyền thống trong khu vực thường ngắn hơn so với các địa phương khác nên vì kèo thường chỉ 1 gian hoặc 3 gian. Hệ thống các vì kèo đều được xây dựng với quy mô nhỏ và được đơn giản hoá so với vì kèo nguyên gốc ở miền Bắc. Hình thức vì kèo đơn giản được cấu thành từ hai cột với một thanh dầm dài nối phía đầu hai cột. Kèo bao gồm hai thanh gỗ dẹt kẹp lấy hai bên đầu cột và dầm (kèo kẹp). Ở phía trên dầm người ta đóng ván sàn chạy dài suốt chiều ngang của nhà. Hình thức kèo kẹp ở đây đã gợi đến hình ảnh của cấu trúc kèo tre nguyên thuỷ. Đa số các trường hợp kèo kẹp ở Nghệ An đều là những cặp kèo mỏng và dài từ nóc đến giọt gianh của mái. Kết cấu ngôi nhà cho thấy đặc trưng nhà ở dân gian Nghệ An vì kèo với cấu trúc kẻ ngồi và kỹ thuật xẻ mộng đầu cột giống như hình thức vì kèo phổ biến và chiếm đại đa số ở miền Bắc.

Chi tiết “Kẻ Bú, Con Chống, Ván Dong” của ngôi nhà

Nếu như ở vùng Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa phổ biến loại nhà 02 mái bít đốc, thì ở miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) lại phổ biến loại nhà 04 mái (phổ biến nhất là loại mái nửa chỏm). Có thể thấy đây là đặc điểm nổi trội bởi ngay cả khi ngôi nhà có chiều dài không quá lớn với chỉ 04 bước cột, người ta cũng vẫn sử dụng loại mái này để tạo ra loại nhà 01 gian 02 chái điển hình - điều không bao giờ bắt gặp ở các địa phương khác.

Hình thức kết cấu và tổng thể ngôi nhà

Kết luận

Qua khảo sát và phân tích kiến trúc ngôi nhà của dòng họ Trần Gia tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, đã thấy rõ những đặc trưng phong phú của nhà ở dân gian tại khu vực Bắc Trung Bộ, nhất là tại Nghệ An. Các đặc điểm này mang tính bản địa rõ rệt, thể hiện từ bố cục mặt bằng không gian sinh hoạt, cũng như các cấu trúc vì kèo và hình thức mái nhà. Những đặc điểm này không chỉ thể hiện ở kỹ thuật xây dựng mà còn phản ánh văn hóa và lối sống địa phương, được hình thành và bảo tồn qua bao thế hệ.

Việc bảo tồn nhà truyền thống không chỉ là một nhiệm vụ văn hóa mà còn là một yêu cầu pháp lý. Theo luật Di sản Văn hóa 2013, cổ vật được định nghĩa là “hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên”. Hoặc một trong các tiêu chí về di tích lịch sử văn hóa là “Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển của kiến trúc, nghệ thuật”. Bên cạnh đó, mọi công trình có giá trị lịch sử, văn hóa được Nhà nước xếp hạng phải được bảo vệ, bảo tồn và khai thác hợp lý. Sự tham gia của UNESCO cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn kiến trúc truyền thống. Một ví dụ điển hình là dự án “Bảo tồn các kiến trúc nhà cổ truyền thống của Việt Nam” đã nhận giải thưởng Công trạng từ UNESCO năm 2004. Trong đó nhấn mạnh các ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam, đại diện cho nền văn hóa từng khu vực, là minh chứng sống động cho kiến trúc tinh diệu và tài hoa của thợ thủ công Việt Nam. Sự hỗ trợ từ các chương trình của UNESCO cho thấy các dự án bảo tồn có thể tiếp cận được nguồn lực, kiến thức và công nghệ quốc tế, từ đó đẩy mạnh công tác bảo tồn không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ quốc tế.

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, dưới tác động của đô thị hoá cũng như sự phát triển của xã hội, văn hóa truyền thống và nhất là kiến trúc nhà ở truyền thống đang bị mai một dần, có nguy cơ sẽ biến mất. Việc bảo tồn những công trình kiến trúc truyền thống này đang đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thích ứng với các yêu cầu hiện đại cho đến áp lực từ sự phát triển không gian đô thị. Việc bảo tồn không chỉ là trách nhiệm của chủ nhà mà còn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và cộng đồng các nhà nghiên cứu, nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa, đồng thời duy trì mối liên kết sâu sắc với lịch sử và truyền thống của vùng miền. Nỗ lực này không chỉ góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa mà còn khẳng định giá trị sống của truyền thống trong kỷ nguyên hiện đại, đảm bảo rằng những tinh hoa quý báu này sẽ được lưu truyền và phát triển bền vững trong tương lai./.

Pháp lý xây dựng

Đền Voi phục , Đền Quán Thánh - Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi phục và Đền Quán Thành là “Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt”. Đây là hai ngôi đền nằm trong Thăng Long Tứ trấn - gồm bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.

Hà Nội: thêm 12 di tích được xếp hạng cấp thành phố

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4320/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố.

Đình Tây Đằng - một di sản văn hóa kiến trúc độc đáo

Xứ Đoài xưa, hay còn gọi là trấn Sơn Tây hoặc trấn Hưng Hóa (nay thuộc Hà Nội) là miền quê có nhiều ngôi đình nổi tiếng của người Việt cổ. Trong số những ngôi đình tiêu biểu của nơi đây có thể kể đến đình Tây Đằng, ngôi đình mang kiến trúc độc đáo và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

“Không làm giả” vì sẽ dẫn đến làm sai lệch yếu tố gốc

Trước những tranh cãi nhiều chiều về “diện mạo” mới của di tích chùa Cầu sau trùng tu, đặc biệt là luồng ý kiến cho rằng “màu sơn quá mới”, “quá sáng” khiến di tích này trở nên “lạ lẫm”, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Trung tâm), đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án này đã có những phản hồi chính thức.

Khánh Hòa: Phê duyệt Đề cương xây dựng Bảo tàng Alexandre Yersin

Bảo tàng Alexandre Yersin sẽ là thiết chế văn hóa - xã hội đa năng, tổng hợp, tiêu biểu của tỉnh với công trình kiến trúc độc đáo, là trung tâm lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sưu tầm, trưng bày giới thiệu những di sản văn hóa của Alexandre Yersin.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi