Những lợi ích khi phát triển kiến trúc xanh tại các đô thị ven biển
Có thể bạn quan tâm
Tại Việt Nam hiện nay, với đường bờ biển trải dài hơn 3260km, với 28 tỉnh, thành phố Trung ương ven biển; 373 Đô thị ven biển; 13 đô thị du lịch ven biển…có khoảng 50% dân số cả nước tập trung tại các khu vực này. Những con số trên cho thấy tiềm năng biển có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia (chiếm khoảng 60% GDP cả nước). Tuy nhiên, đây cũng là khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, đóng vai trò vị trí chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của vùng, quốc gia của các đô thị du lịch biển. Tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của người dân...vì vậy, Hội thảo được tổ chức tập trung thảo luận và tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để ứng phó với những thách thức mà các đô thị ven biển đang đối mặt.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Mai Thị Liên Hương - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng cho biết, miền Bắc vừa trải qua siêu bão Yagi, tiếp nối là bão số 4 đổ bộ xuống miền Trung, những hình ảnh về nhiều ngôi nhà bị sóng cuốn trôi; những tuyến đường giao thông, cầu cống, đường xá bị phá hủy; người dân bị lũ cuốn mất tích...vẫn còn in đậm trong tâm chí của mỗi người dân Việt Nam.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu và thiên tai đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu dân, đặc biệt là bờ biển Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều cơn bão lớn mỗi năm cùng nước biển dâng, xâm nhập mặn... không những gây tổn hại về tính mạng, tài sản cho người dân, mà còn để lại những hậu quả lâu dài về mặt kinh tế và xã hội. Trước thực trạng đó, bằng cách nào để có thể xây dựng các thành phố ven biển vừa phát triển nhưng phải có khả năng thích ứng với các biến thể khí hậu luôn là câu hỏi cũng là vấn đề được đặt ra. Và trả lời cho câu hỏi, những vấn đề được đặt ra trên đó chính là "Kiến trúc xanh".
Kiến trúc xanh không chỉ đơn giản là những Công trình xanh mà còn là một hệ thống đô thị thông minh, bền vững, nơi con người và thiên nhiên hài hòa chung sống cùng nhau.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Mai Thị Liên Hương cũng chia sẻ những lợi ích trong việc phát triển Kiến trúc xanh cho đô thị ven biển có thể kể đến như:
Thứ nhất, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường: Kiến trúc xanh giúp giảm lượng khí thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn hệ sinh thái và tài nguyên nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
Thứ hai, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu: Các Công trình xanh được thiết kế để đảm bảo khả năng giải quyết các tình huống nguy hiểm, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo vệ tài sản của cộng đồng;
Thứ ba, tạo ra môi trường sống lành mạnh: Kiến trúc xanh chú ý đến chất lượng không khí trong nhà, chiếu sáng tự nhiên, không gian xanh và các yếu tố khác để tạo ra môi trường sống thoải mái và lành mạnh cho con người.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững: Các Công trình xanh thu hút đâu tư, tạo việc, làm và góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương...
Song, việc phát triển Kiến trúc xanh tại đô thị ven biển không phải là một quá trình dễ dàng, bởi những người dân tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như:
Chi phí đầu tư ban đầu cao: Các Công trình xanh thường yêu cầu công nghệ và vật liệu tiên tiến, dẫn đến chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với đầu tư truyền thống.
Thiếu hỗ trợ chính sách: Các chính sách xây dựng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra môi trường có lợi cho việc phát triển các Công trình xanh.
Nhận thức cộng đồng có giới hạn: Nhiều người dân chưa hiểu rõ về lợi ích của Kiến trúc xanh và chưa sẵn sàng thay đổi thói quen sinh hoạt.
Bên cạnh những thách thức và trở ngại này, cũng có nhiều cơ hội để phát triển Kiến trúc xanh tại các đô thị ven biển có thể kể đến như: Sự ra đời của các công nghệ mới sử dụng như năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, vật liệu xanh, hệ thống quản lý năng lượng thông minh đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Công trình xanh. Hơn hết là nhu cầu của thị trường ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ xanh, tạo ra một tiềm năng thị trường cho các Công trình xanh. Cùng đó là sự hỗ trợ của Chính phủ và các tố chức quốc tế về các vấn đề có liên quan đến biến đổi khí hậu đang được Chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế quan tâm, dành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các Công trình xanh.
Trước bối cảnh trên, Hội thảo: "Phát triển Kiến trúc xanh tại các đô thị ven biển" này hướng tới mục tiêu:
1) Tăng cường nhận thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của Kiến trúc xanh và những lợi ích mà nó mang lại;
2) Chia sẻ kinh nghiệm, tạo diễn đàn cho các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà tư vấn thiết kế và doanh nghiệp đầu tư... chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về Kiến trúc xanh;
3) Xây dựng mạng lưới, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có cùng quan tâm đến việc phát triển Kiến trúc xanh;
4) Đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển Kiến trúc xanh tại đô thị ven biển. Bởi lẽ, Đô thị ven biển đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đấy phát triến kinh tế - xã hội của đất nước. Việc áp dụng Kiến trúc xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và nền kinh tế địa phương...
Tại Tọa đàm, các diễn giả trình bày một số tham luận và cùng thảo luận với các nội dung giải pháp giúp công trình xây dựng trở nên vững chắc hơn trước tác động của thiên tai như bão lũ, sóng thần và nước biển dâng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng vật liệu tự nhiên, năng lượng tái tạo và các giải pháp tiết kiệm tài nguyên không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn bảo vệ đa dạng sinh học, không gian sống xanh mang đến bầu không khí trong lành, giảm thiểu tiếng ồn, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của cư dân. Đồng thời, khám phá tiềm năng phát triển của ngành xây dựng xanh, một ngành công nghiệp không chỉ tạo ra nhiều việc làm mới mà còn thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ý kiến của bạn