Thúc đẩy phát triển Công trình xanh tại Việt Nam:  Kinh nghiệm và giải pháp

Thúc đẩy phát triển Công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp

(Vietnamarchi) - Ngày 26/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh (CTX) Việt Nam 2024, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội (TP Hà Nội) đồng chủ trì tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy phát triển CTX tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp”.
16:42, 26/09/2024

Theo đó, tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các Sở, ban, ngành địa phương; lãnh đạo các hiệp hội/hội; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết: Chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Trong đó, chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.

CTX xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua và từ những CTX đầu tiên ở TP.HCM, đến giữa năm 2024, Việt Nam đã có gần 500 CTX ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước..., cho thấy tiềm năng phát triển CTX ở Việt Nam còn rất lớn...

Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và động lực từ những cam kết, hoạt động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển CTX ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như: CTX mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án CTX...

Tại Diễn đàn, các diễn giả trình bày kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển công trình ở các loại hình công trình như khu công nghiệp, công trình dân dụng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho CTX, thực tiễn triển khai ở cấp độ địa phương tỉnh, thành phố với những bài học kinh nghiệm sinh động của Thành phổ Hà Nội...

Đây cũng là cơ hội hữu ích để các bên liên quan trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, kiến nghị, đề xuất các nội dung, giải pháp để dỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển CTX trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Diễn đàn không chỉ là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn mà còn là nền tảng để thảo luận, xây dựng những giải pháp, sáng kiến đột phá nhằm đưa các chính sách về CTX vào cuộc sống, góp phần cải thiện môi trường và chất lượng đời sống xã hội.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội  phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn.

Theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, sự kiện là dịp để khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội trong việc triển khai các chương trình phát triển xanh, bền vững. Chính sách phát triển CTX là xu hướng tất yếu, cần phát huy trách nhiệm của mỗi cấp quản lý, sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp.

Thông qua Diễn đàn, UBND TP Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, bền vững...

Nội dung thảo luận của Diễn đàn xoay quanh các vấn đề như: Định hướng xanh – tương lai của các khu công nghiệp Việt Nam: Vai trò và khuyến nghị cho các địa phương; Thúc đẩy CTX, công trình tiết kiệm năng lượng tại các địa phương: Từ kế hoạch đến hành động; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí CTX tại Việt Nam; Kinh nghiệm thúc đẩy phát triển CTX thông qua chương trình tiết kiệm điện.

Bên lề Diễn đàn là toạ đàm trao đổi chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển CTX, tiết kiệm năng lượng,… với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, Hội đồng CTX Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả Việt Nam, Văn Phú Invest.

Trong đó, tháo gỡ những “rào cản” trong phát triển CTX là nội dung chính được đề cập tại buổi tọa đàm. Chia sẻ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng và phát triển CTX, theo đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, quy định cụ thể về tiêu chuẩn và quy trình xây dựng xanh cũng như cơ chế khuyến khích cho các chủ đầu tư. Tiếp đó, cần đào tạo và nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực CTX.

Đồng thời xây dựng nền tảng thông tin chia sẻ về các công nghệ, giải pháp xây dựng xanh và các dự án tiêu biểu, tạo điều kiện cho các bên liên quan học hỏi kinh nghiệm; phát triển thị trường vật liệu xanh, cần có các hoạt động khuyến khích và nhận diện các vật liệu xanh và thiết bị tiết kiệm năng lượng, giúp chủ đầu tư và người tiêu dùng nhận biết rõ hơn về các sản phẩm này.

Đại diện Văn Phú Invest cũng cho biết, doanh nghiệp còn gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận vốn; năng lực tư vấn thiết kế còn hạn chế, buộc phải thuê tư vấn nước ngoài để đồng bộ tiêu chuẩn với Việt Nam. Bên cạnh đó còn có sự hạn chế trong lựa chọn VLXD. Hơn nữa, khách hàng chưa nhận thức rõ vai trò và lợi ích của công trình xanh. Với những khó khăn trên, các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền về vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp…

Một số ý kiến cho rằng, CTX là xu hướng toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Gần đây, chúng ta đã chứng kiến tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tại các tỉnh phía Bắc, điều này càng làm tăng quyết tâm thực hiện CTX...

Do đó, để đưa CTX vào thực tiễn, vấn đề truyền thông là ưu tiên hàng đầu. Ban chỉ đạo cần xem xét lại kết quả đạt được từ năm 2002 đến nay; cần làm rõ lý do tại sao CTX chưa được triển khai rộng rãi.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra và đảm bảo rằng các văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ và được phổ biến rộng rãi. Chỉ khi có đủ quy định và chế tài, CTX mới có thể thực sự hiện hữu trong cuộc sống. Cuối cùng, cần chú trọng đến đào tạo, phối hợp với các trường đại học để đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xanh, như gạch không nung. Việc đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy sẽ là một bước quan trọng để hiện thực hóa CTX trong tương lai…

Theo TS. Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VLXD Việt Nam,VLXD rất đa dạng, nhưng không phải tất cả đều phù hợp cho CTX nên cần tìm cách tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng và đảm bảo rằng VLXD không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bộ Xây dựng đã giao cho Viện VLXD thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và quy trình đánh giá, chứng nhận VLXD cho công trình xanh. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về VLXD xanh vẫn còn gặp khó khăn về mặt pháp lý.

Vì vậy, Viện Kinh tế Xây dựng nên nghiên cứu thêm về hiệu quả đầu tư của các công trình xanh, cụ thể là hiệu quả sử dụng và thời gian thu hồi vốn so với công trình thông thường, để người sử dụng có thể nhận thấy lợi ích rõ ràng hơn.

Liên quan đến lộ trình để các công trình đầu tư công được chứng nhận CTX, TS. Ngô Thế Vinh, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế phát triển đô thị, Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng cho hay, hiện nay, vốn đầu tư công chủ yếu dành cho các công trình an sinh xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước và thị trường, công trình xanh chủ yếu được đầu tư vào các công trình văn phòng và nhà ở…

Tuy nhiên, do đặc thù quản lý, thông tin về lĩnh vực này còn thiếu và dữ liệu vẫn đang được thu thập. TS. Ngô Thế Vinh cho rằng, cần tập trung vào các công trình có tính chất trọng yếu trong đầu tư công, như nhà ở và văn phòng cho thuê.

Đồng thời, mong muốn Bộ Xây dựng phối hợp với các tổ chức để cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu đầy đủ. Bộ cũng nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính và quản lý dữ liệu và sắp tới có thể xây dựng một khung pháp lý thuận lợi để tạo tiền đề cho phát triển CTX…

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng cho biết, ở Việt Nam, những năm gần đây, CTX có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đã được Đảng và Chính phủ quyết tâm thực hiện chiến lược dài hạn. Trong quá trình hội nhập, các bộ, ban, ngành và địa phương đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để thực hiện căn cứ vào chính sách của Đảng và nhà nước.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cùng đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo rất quan trọng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đây là những chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước trong những năm tới, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đặc biệt cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, khả năng phát triển CTX của Việt Nam rất tiềm năng và đa dạng với nhiều loại hình công trình, từ nhà ở, văn phòng, khách sạn… Bộ Xây dựng đã có những Thông tư hướng dẫn các cơ quan chuyên môn để tháo gỡ khó khăn.  

Tuy nhiên, việc phát triển CTX vẫn còn một số rào cản về hành lang pháp lý, thiếu nguồn nhân lực, tiết kiệm năng lượng, chi phí đầu tư cao…  

Bộ Xây dựng đã có những quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng; xem xét và ban hành quy chuẩn cơ sở mới giúp các chủ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các dự án, công trình theo tiêu chuẩn công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, hướng đến mục tiêu tăng chất lượng, tiện nghi sử dụng, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường.

Pháp lý xây dựng

Bắc Giang: Phát triển quy hoạch vùng sản xuất góp phần xây dựng NTM bền vững

Bắc Giang, một tỉnh nằm ở phía Bắc Việt Nam, được biết đến với nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Với lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực, tỉnh Bắc Giang đã xác định việc quy hoạch phát triển vùng chuyên canh là một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế hướng tới xây dựng Nông thôn mới bền vững.

Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng từ định hướng đến các giải pháp Kiến trúc cho công trình

Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng luôn là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết. Bởi lẽ, điều này giúp thúc đẩy sử dụng bền vững và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên theo tinh thần nương nhờ, tạo ra môi trường bên trong và bên ngoài an toàn, tiện nghi, bảo vệ sức khỏe cho con người góp phần bảo tồn phát huy văn hóa bản địa và hội nhập tiên tiến trên tinh thần không hòa tan… Do đó, tại phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 được diễn ra vừa qua tại TP. Hà Nội. TS. KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã có bài tham luận trình bày rõ về chủ đề này.

Phát triển công trình xanh - Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Bài viết đề cập đến sự cần thiết của việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày một phúc tạp, khó lường. Từ những đánh giá về hiệu quả nhiều mặt của công trình xanh, có thể thấy việc xây dựng và phát triển công trình xanh không chỉ để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, mà còn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Bài viết đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm phát triển công trình xanh, từ đó góp phần quan trọng vào Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hoá” ngành Xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Phát triển các tòa nhà trung hòa carbon gắn với xu hướng kiến trúc xanh tại các đô thị ven biển

Việc phát triển tòa nhà trung hòa CO2 gắn với xu hướng kiến trúc xanh (KTX) sẽ đạt được mục tiêu kép, đưa xu hướng KTX có động lực phát triển cụ thể hơn, đó là việc góp phần vào sự thành công của các chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (cam kết mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050).

Kiến trúc Việt Nam hướng tới Net Zero

Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Hậu quả do siêu bão Yagi để lại nhắc nhở cho ta nhiều điều về Xây dựng và Kiến trúc đô thị...

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi