
Hà Nội: Đề xuất 10 giải pháp cấp bách xử lý ô nhiễm môi trường
Theo đó phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô luôn là vấn đề trọng tâm, được Trung ương và lãnh đạo TP quan tâm. Đặc biệt, triển khai Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 và các quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt, TP cũng đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần giải quyết trong giai đoạn 2025 - 2030.

Đặc biệt, TP Hà Nội đang triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường không khí như: Triển khai các giải pháp giảm phương tiện xe cá nhân, tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi giao thông xanh, giám sát vệ sinh môi trường các công trình xây dựng…Ngoài ra, TP cũng đang khẩn trương thực hiện các giải pháp bổ cập nước sông Tô Lịch, làm sống lại dòng sông theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chất lượng môi trường tại Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là chất lượng môi trường không khí. Để giải quyết “bài toán” này, đồng chí Trần Sỹ Thanh mong muốn qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp có sự chung tay, đồng hành, chia sẻ ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, những giải pháp khả thi cần ưu tiên để giúp nhanh chóng cải thiện chất lượng môi trường của TP.
Tại hội thảo, nhiều đề xuất, ý kiến nâng cao chất lượng môi trường đã được đưa ra bàn luận. Phát biểu tổng kết hội thảo, GS,TS Mai Trọng Thuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tóm lược lại 10 giải pháp quan trọng được các đại biểu nêu tại Hội thảo nhằm góp phần giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách của Hà Nội.

Thứ nhất, dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, trí tuệ của Hà Nội và các bên hợp tác để chuyển đổi nhanh và mạnh mô hình tăng trưởng sang phát triển xanh, tuần hoàn, cacbon thấp, chống chịu cao, bền vững; trong đó, chú trọng sử dụng các phương tiện giao thông xanh, khu công nghiệp xanh, sản xuất xanh, tuần hoàn; Phát triển hạ tầng đô thị xanh và bền vững cho Thủ đô Hà Nội, làm sống lại các dòng sông, các ao, hồ; phát triển xã hội tuần hoàn…
Thứ hai, xây dựng và áp dụng cách tiếp cận đột phá, đa ngành, đa cấp, đa địa phương dựa trên nền tảng số để cải thiện chất lượng, bảo vệ môi trường (nhất là phân loại, thu gom và xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải, bùn thải, môi trường không khí, nước, đất...); sử dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng khoa học khi xem xét các vấn đề và đề ra các chính sách, giải pháp ưu tiên phù hợp, hiệu quả.
Thứ ba, tạo sự đột phá về mặt thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường; tăng cường biện pháp cưỡng chế đối với các cơ sở gây ô nhiễm (thí điểm bổ sung hình phạt các cơ sở gây ô nhiễm theo ngày để tăng tính răn đe). Đồng thời, TP xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp, các chương trình hành động với các tỉnh trong Vùng Thủ đô, với các bộ, ngành liên quan về bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường không khí.
Thứ tư, hoàn thiện, phát triển hệ thống quan trắc tự động theo thời gian thực, dự báo chất lượng môi trường bằng công nghệ hiện đại như: Công nghệ viễn thám, internet vạn vật, công nghệ số, công nghệ AI, big data…
Thứ năm, triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại trong xử lý ô nhiễm, chất thải tại nguồn, nhất là đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi, hoạt động xây dựng; kiên quyết thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để tăng cường tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu khối lượng rác phát sinh…
Thứ sáu, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia về quan trắc, đánh giá, dự báo, giải quyết các vấn đề môi trường; tận dụng lợi thế của Hà Nội về đội ngũ chuyên gia, thí điểm các cơ chế phù hợp để huy động tối đa các nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học, soạn thảo chính sách, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi.
Thứ bảy, hợp tác sâu rộng với các bên liên quan (Nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, người dân, các tổ chức quốc tế) trong giải quyết, cải thiện chất lượng môi trường Hà Nội phù hợp với điều kiện thực tế.
Thứ tám, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính đáp ứng yêu cầu triển khai các giải pháp nêu trên để môi trường Hà Nội thực sự xanh trở lại.
Thứ chín, nghiên cứu thành lập tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch UBND TP trong giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, ứng phó sự cố môi trường; tư vấn các giải pháp bảo vệ môi trường tổng thể, xuyên suốt, có hệ thống; tham mưu kết nối với các địa phương trong vùng tác động của Hà Nội.
Thứ mười, huy động mọi nguồn lực nhân lực và vật lực để giải quyết các vấn đề môi trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của TP Hà Nội.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cảm ơn, ghi nhận những hiến kế, đóng góp quý báu của các nhà khoa học, chuyên gia môi trường, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tiếp thu đầy đủ ý kiến tại hội thảo; tiếp tục nghiên cứu kỹ các bài tham luận được gửi tới hội thảo để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, trong đó đề xuất những giải pháp cấp bách, cụ thể về xử lý ô nhiễm môi trường Thủ đô.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tham mưu UBND thành phố xây dựng chương trình phối hợp giữa thành phố với các viện nghiên cứu, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu hướng giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường của Hà Nội, trước mắt tập trung xử lý ô nhiễm không khí và làm sạch các dòng sông nội đô.
Ý kiến của bạn