
Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc:
Cần chú trọng định hướng phát triển hạ tầng kết nối
Có thể bạn quan tâm
Dự Hội nghị có ông Trịnh Trường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; cùng đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng thẩm định.

Quy hoạch khu du lịch chất lượng cao, đặc trưng riêng, trọng điểm quốc gia
Đối với phạm vi lập quy hoạch, theo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 485/QĐ-TTg ngày 13/4/2017, bao gồm khu vực cảnh quan tự nhiên của khu vực thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, vùng cảnh quan sông Quây Sơn và gắn kết được các khu vực làng bản, điểm dân cư tập trung… thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Cụ thể, ranh giới lập quy hoạch: Phía Đông Bắc giáp đường biên giới quốc gia với Trung Quốc; phía Bắc giáp địa phận xóm Bản Mom; phía Tây Bắc giáp địa phận xóm Háng Thoang; phía Tây giáp địa phận xóm Đồng Tâm - Bản Rạ; phía Nam giáp núi Phia Lác, xóm Bản Thuôn và một phần ranh giới huyện Hạ Lang.
Diện tích khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch là 1.000 ha. Thời hạn quy hoạch, ngắn hạn đến năm 2030; dài hạn đến năm 2040.
Khu du lịch thác Bản Giốc được xác định là khu trung tâm hành chính, thương mại dịch vụ, du lịch; khu du lịch đa dạng chất lượng cao với các sản phẩm du lịch gắn kết với các loại hình: Tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng, tâm linh, thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí và đặc biệt phát triển du lịch thể hiện được đặc trưng riêng về cảnh quan, văn hóa xã hội của khu vực thác Bản Giốc.
Đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và của quốc gia; khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng.
Dự báo quy mô dân số khu vực lập quy hoạch: Đến năm 2030 khoảng 4.500 người; đến năm 2040 khoảng 6.500 người.
Dự báo quy mô khách du lịch đến năm 2040 khoảng 3 triệu lượt khách.
Chú trọng định hướng phát triển về hạ tầng kết nối nhằm thu hút du lịch
Tại Hội nghị, đại diện Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đề nghị địa phương và đơn vị tư vấn rà soát các căn cứ pháp lý, nhất là các văn bản pháp lý còn hiệu lực và có liên quan đến nội dung của quy hoạch; bổ sung các căn cứ pháp lý mới, như vấn đề sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và các quy hoạch có liên quan.
Đồng thời khái quát quá trình thực hiện quy hoạch trước đây, làm rõ nguồn lực đầu tư, các dự án đã đầu tư; bổ sung thời hạn quy hoạch làm cơ sở dự báo; nêu được những yêu cầu về an ninh quốc phòng, bảo tồn cảnh quan, hành lang thoát lũ và rừng.
Ngoài ra, làm rõ các tiền đề mới, đặc biệt là về hạ tầng, chính sách phát triển du lịch…; dự báo phát triển cần phù hợp với dự báo của ngành du lịch; định hướng phát triển hạ tầng xã hội bám sát nhiệm vụ quy hoạch và nhu cầu thực tiễn; làm rõ vấn đề kết nối hạ tầng với các khu vực xung quanh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, khu vực quy hoạch có điều kiện đặc thù, nhiều khó khăn về phát hạ tầng, du lịch, do đó đơn vị lập quy hoạch cần cân nhắc, phân tích sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch; trong đó chú trọng định hướng phát triển về hạ tầng kết nối, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước…
Đồng thời cần đánh giá việc thực hiện quy hoạch cũ, các quy hoạch thành phần và các dự án đã triển khai; rà soát thực trạng vấn đề dân số, đất đai… từ đó đưa ra các định hướng phát triển trong thời gian tới.
Thứ trưởng cũng lưu ý, định hướng các điều chỉnh cần căn cứ theo thực tiễn, và các căn cứ, định hướng phát triển mới; rà soát vấn đề phạm vi ranh giới và mốc thời gian cho phù hợp.
Ngoài ra, cần rà soát lại tính chất của khu vực quy hoạch; nghiên cứu thêm các định hướng phát triển khu du lịch quốc gia phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia…
Ý kiến của bạn