Cần bảo vệ chợ Đầm Tròn theo Luật Di sản văn hóa

Cần bảo vệ chợ Đầm Tròn theo Luật Di sản văn hóa

Chợ Đầm Tròn là công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của TP Nha Trang (Khánh Hòa). Vì vậy cần đưa công trình này vào danh mục kiểm kê công trình kiến trúc có giá trị để bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Đó là đề nghị của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa vừa được gửi đến Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.
10:23, 04/09/2024

Công trình kiến trúc độc đáo

Ngược dòng thời gian, trở về quá khứ xa xưa thì chợ Đầm Tròn (phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang, Khánh Hòa) là nơi buôn bán giao thương vô cùng sầm uất. Chợ có kiến trúc kiên cố, hình đóa hoa sen nở rộ với phần mái xếp chữ V đã luôn hiện diện trong từng nếp sống, sinh hoạt thường nhật và là một phần trong ký ức của những người sinh ra ở vùng đất Nha Trang. Trải qua biết bao thời gian, với nhiều biến thiên của lịch sử, biến đổi của cuộc sống, những chợ Đầm Tròn ngày nay vẫn tồn tại với lối kiến trúc đặc biệt ấy.

Chợ có tên chợ Đầm Tròn là vì chợ nằm trên một cái đầm cũ ăn thông ra cửa sông Cái dưới chân cầu Hà Ra (Nha Trang). Đầm này rộng khoảng hơn 7 ha, hai bên bờ là nhà ở của nhân dân. Phía cuối đầm, giáp đầu đường Phan Bội Châu bây giờ là một ngôi chợ cũ được xây cất vào khoảng năm 1908, thường gọi là chợ Đầm hay chợ Cửa (chỉ nơi cửa sông). Tuy nhiên, chợ cũ không thể tồn tại khi dân cư mỗi lúc một đông, tình trạng dân cư cất nhà san sát nhau mọc lên. Trước tình hình đó, việc quy hoạch lại khu chợ này trở nên cấp thiết. Năm 1961, Ty Kiến thiết Khánh Hòa (nay là Sở Xây dựng Khánh Hòa) lập một dự án đại cương về quy hoạch lại khu vực chợ này, xây một ngôi chợ hình tròn thay thế cho chợ cũ. Kiến trúc sư Lê Anh Kim đã phác họa nên một ngôi chợ mới. Năm 1964, Tổng nha Kiến thiết lập một đồ án khác do Kiến trúc sư Lê Quý Phong đề xuất, phần chính của đồ án là xây cất một ngôi chợ tròn có mái xếp và một nhánh hình cánh cung. Chính đồ án này được coi là cốt lõi cho việc xây cất ngôi chợ Đầm Tròn sau này.

Cả hai đồ án chưa được thực hiện thì năm 1968 xảy ra vụ hỏa hoạn lớn chưa từng có làm 126 ngôi nhà bị cháy rụi. Tình thế cấp bách trong việc phải xây dựng lại một ngôi chợ mới, khang trang hơn được đề xuất. Cuối năm 1969, đầu năm 1970, Nha Thủy vận Sài Gòn dùng cát san lấp đầm. Sau 6 tháng, đầm đã bị lấp hoàn toàn với khối lượng cát đã thổi là 350.000m³. Tiếp theo là việc tạo móng, dựng nền và xây cất công trình, hàng nghìn cọc bê tông cốt sắt dài 20m đã được đóng xuống qua lớp sình lầy. Dựa theo đồ án của kiến trúc sư Lê Quý Phong được thiết kế trước đó, kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ và nhiều kiến trúc sư khác đã cải tiến và bổ sung thêm một số chi tiết để xây dựng nên khu chợ Đầm Tròn tồn tại đến ngày nay.

Theo đó, ngôi chợ xây dựng theo hình hoa sen có đường kính 66,5m, có một tầng lầu hình vành khăn, lệch tâm. Diện tích cả tầng trệt và tầng lầu rộng tới 5.270m², có thể cùng lúc chứa được trên 3.000 khách ra vào mua bán. Các tòa nhà của cả hai tầng, tầng 1 và tầng 2 được xây dựng khang trang. Khi nhìn từ trên cao, du khách sẽ thấy hình ảnh khu chợ trông giống như một bông sen đang hé nở nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc vô cùng độc đáo, đã tạo nên điểm nhấn khó quên và đặc biệt nhất cho thành phố biển Nha Trang.

chợ đầm tròn
Chợ Đầm Tròn bị cưỡng chế đóng cửa từ năm 2021.

Đề nghị bảo tồn chợ Đầm Tròn

Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) chợ Đầm Nha Trang. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa thu hồi hơn 18.147m2 đất khu vực chợ Đầm Tròn từ Ban Quản lý chợ Đầm và giao cho Công ty cổ phần Sông Đà thực hiện dự án chợ Đầm Nha Trang (giai đoạn 1; gọi là chợ Đầm mới). Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang đã xây dựng chợ Đầm Nha Trang mới cao 3 tầng bên cạnh chợ Đầm Tròn.

Còn chợ Đầm Tròn theo kế hoạch sẽ bị phá dỡ hoàn toàn để xây dựng quảng trường, vườn hoa, sân bãi (6.945m2). Hiện nay, chợ Đầm Tròn đã bị cưỡng chế đóng cửa, hàng trăm tiểu thương đã bị ngừng kinh doanh để buộc di dời vào chợ Đầm mới. Việc đóng cửa chợ Đầm Tròn và hướng đến phá dỡ ngôi chợ có bề dầy lịch sử lâu đời này đã tạo ra một làn sóng bức xúc trong nhân dân và tiểu thương, những người buôn bán trực tiếp tại đây. Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh việc quy trình đập bỏ ngôi chợ này phải thực hiện thận trọng và tiến hành các bước lấy ý kiến các nhà khoa học, Sở, ngành, địa phương, người dân đúng quy định. Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng khẳng định: Chợ Đầm Tròn là công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của TP Nha Trang Khánh Hòa.

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa có văn bản “đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, công nhận, đưa công trình chợ Đầm Tròn vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị” để bảo vệ theo các quy định Luật Di sản văn hóa. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa cho rằng, chợ Đầm Tròn là công trình kiến trúc đáp ứng đầy đủ và có thể đạt điểm ở mức cao các tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị, được quy định tại các Điều 3 và 4 của Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Để phát huy giá trị chợ Đầm Tròn, Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa cũng đã đề xuất 2 phương án để xử lý, khắc phục các yếu kém, tồn tại về quy hoạch và về thiết kế xây dựng của dự án chợ Đầm mới.

Cụ thể, theo cả hai phương án đều đề nghị UBND tỉnh chọn đơn vị tư vấn có uy tín xây dựng lại quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chợ Đầm Nha Trang mới thay quy hoạch cũ đã phê duyệt (năm 2013). Quy hoạch mới theo hướng giữ gìn lâu dài, tôn tạo sửa chữa chợ Đầm Tròn và kiến nghị Nhà nước công nhận chợ Đầm Tròn Nha Trang là công trình lịch sử, văn hóa có kiến trúc độc đáo để bảo vệ, bảo tồn. Đồng thời, phá dỡ một phần hoặc phần lớn chợ Đầm mới, thiết kế xây dựng lại để chợ này hài hòa với chợ Đầm Tròn. 

https://baovanhoa.vn/van-hoa/can-bao-ve-cho-dam-tron-theo-luat-di-san-van-hoa-103212.html

Pháp lý xây dựng

Thừa Thiên Huế đầu tư hơn 64,6 tỷ đồng để phục hồi di tích Đại Cung Môn

Việc thực hiện tu bổ, phục hồi di tích Đại Cung Môn - Đại Nội Huế có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.

Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia Đền Vân Luông

Ngày 10/11, UBND phường Vân Phú, TP. Việt Trì (Phú Thọ) phối hợp với đơn vị thi công đã khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia Đền Vân Luông.

Thừa Thiên Huế: Trùng tu, tôn tạo nhà rường cổ Bao Vinh

Ngày 08/11, UBND Thành phố, Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế đã tổ chức Lễ khởi công Công trình tu bổ, chống xuống cấp nhà rường tại số 77B Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế.

Bảo tồn di sản nhà cổ trong dòng chảy hiện đại

Quá trình khai phá, xây dựng và phát triển vùng đất phương Nam đã để lại cho nơi đây nhiều di sản văn hóa, trong đó, có những ngôi nhà cổ gắn với đời sống các thế hệ cộng đồng dân cư.

Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Lý Nam Đế

Tọa lạc tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, Đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục) nằm trong quần thể Khu di tích Lý Nam Đế là nơi tôn vinh, ghi nhận công lao vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi