Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”
Bài 2: Quy hoạch để Hà Nội thoát khỏi nguy cơ Đô thị khát nước
Có thể bạn quan tâm
Báo cáo rà soát đánh giá Quy hoạch chung Hà Nội sau 10 năm thực hiện (2011-2021)
Báo cáo do Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập đã cho biết đất dành cho giao thông là 10,07% (so với mục tiêu đặt ra là 18-26%);Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 14,85%(sovới mục tiêu đặt ra là 50-55%). Hệ thống thoát nước mới chỉ tập trung trong trung tâm đô thị (đạt khoảng 10,25%). Trạm bơm đầu mối đã xây dựng 12/39 trạm (đạt 30%). Thoát nước thải đã xây dựng 6 nhà máy để xử lý 28,8% (còn 71,2% nước thải đổ thẳng ra môi trường). Đã có 19/21 nhà máy nước sạch. Với kết quả rất thấp (chỉ 10-50% mục tiêu) nên hạ tầng kỹ thuật đô thị Hà Nội thiếu hụt trầm trọng: Giao thông ùn tắc với quy mô, cường độ, tần suất gia tăng từng ngày; Úng ngập diện rộng, kéo dài mỗi khi mưa lớn; Ô nhiễm nước thải, rác thải, khí thải gia tăng, nay lại thêm nguy cơ thiếu an toàn cháy nổ trong các khu dân cư tập trung.
Tuy vậy Báo cáo vẫn đưa ra những nhận định rất lạc quan: “Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Về cơ bản, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Đô thị Hà Nội từng bước được hiện đại... Hệ thống kết cấu tạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, dần hoàn thiện; Xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm ao, hồ... cải thiện đáng kể...”
Riêng lĩnh vực hệ thống hồ chứa, thuỷ lợi, tưới tiêu, Báo cáo cho biết“đang triển khai các dự án hồ chứa, thủy lợi, tưới tiêu theo quy hoạch được duyệt giữ gìn cảnh quan, hành lang bảo vệ cho các công trình cũng như đảm bảo cấp nước tưới tiêu cho diện tích đất lúa trên toàn Thành phố (dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích, cứng hóa kênh mương kết hợp đường giao thông…)”. Báo cáo vẽ ra bức tranh Quy hoạch Hà Nội hoàn hảo, nếu quả thực như vậy thì Quy hoạch Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, không cần phải lo ngại điều gì.
Tuy vậy, ngay trong nội dung trong Báo cáo rà soát đánh giá Quy hoạch chung đã cho thấy con số một đằng, đánh giá con số một nẻo, không thực chất, thiếu công tâm dẫn đến phân tích thực trạng thiếu khoa học, nhận diện vấn đề không trúng sẽ tiếp tục sa lầy vào sai lầm, không thể khắc phục những bất cập, yếu kém. Báo cáo rà soát quy hoạch chung do một đơn vị tự làm rồi tự đánh giá việc mình làm không khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi, còn Báo cáo Quy hoạch Thủ đô sẽ có những thách thức lớn hơn, bởi tập hợp từ 13 đơn vị tư vấn thuộc các lĩnh vực khác nhau tham gia thực hiện, do vậy phải thống nhất định dạng, với cấu trúc đồng nhất thì mới đánh giá chất lượng một cách chính xác, toàn diện. Toàn bộ thông tin thuộc tính phi địa lý (non-Geographic) phải gắn với thông tin bản đồ (Geographic Information), tạo thành hệ thống thông tin bản đồ (GIS - Geographic Information System); thì mới có khả năng truy vấn, tham chiếu, so sánh, do vậy không thể vẽ bản đồ 2D sơ sài mà phải đồng bộ dữ liệu trên nền bản đồ vệ tinh độ phân giải cao với nhiều lớp thông tin chính xác. Báo cáo không phải ghép những bản tổng kết, sa đà vào các nhận định chủ quan, sai lệch.
Vì sao khu đô thị Thanh Hà thiếu nước sạch?
Không riêng Thanh Hà khát nước mà còn nhiều nơi khác cũng thiếu nước sạch. Nguy hại hơn là có nước nhưng chất lượng nước kém... báo đài đưa tin khá nhiều, nhưng vì khu đô thị mang tên Thanh Hà – Dòng sông Xanh, nay cạn nước trầm trọng, hàng đêm cư dân phải chầu trực các xe chở nước tới “giải cứu”, nên cần mỏ xẻ.
Năm 1998 xuất hiện con đường rộng 16,5m dài 30km nối Láng (Hà Nội) tới Hòa Lạc (Hà Tây cũ). Đường tới đâu, Hà Tây cấp đất hai bên đường tới đó làm nhà xưởng, kho hàng. Năm 2006, Hà Nội mở rộng đường Láng Hòa lạc lên 140m bằng tiền bán đất hai bên đường (Bắc An Khánh và Quốc Oai). Mô hình này được tỉnh Hà Tây nhân rộng rất nhanh bằng cách vẽ ra rất nhiều đường để đổi đất lấy đường/có đường để bán đất. Khu đô thị Thanh Hà gần 400ha đất quận Hà Đông và huyện Thanh Oai được giao cho Cienco 5. Tổng số tiền đầu tư cho dự án đường và 3 khu đô thị lên tới gần 18.000 tỉ đồng.Khởi công năm 2008 cũng là thời điểm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội.dự án được tiếp nhận cùng với hơn 700 dự án khác trước khi lập quy hoạch chung Hà Nội. Bản Quy hoạch chung gánh vác nhiệm vụ vẽ đường kết nối cho khu đô thị mới, tìm nguồn cấp điện, nước sạch và cả nơi thoát nước thải, rác thải… Có những thứ đáp ứng được, nhưng phần lớn thì Quy hoạch vẽ ra nhanh, còn thực hiện thì kéo dài nhiều chục năm và có khi không bao giờ hiện thực hóa. Đây là hệ quả của việc Quy hoạch đi sau những dự án đô thị tự phát để hợp thức hóa với nguồn lực thiếu hụt mọi bề. Quả bom hẹn giờ về hiểm họa thiếu nước sạch đã điểm, báo hiệu những hiểm họa khác do thiếu nước sạch dẫn đến dịch bệnh và bệnh tật không lây nhiễm, khả năng PCCC tại chỗ hạn chế.
Từ năm 1970-1980, Hà Nội đã từng tốn nhiều công sức xây 3 thành phố mới rồi dừng lại vì không đủ nguồn nước sạch: Vĩnh Yên, Xuân Hòa, Xuân Mai… và kịch bản đó đang tái hiện ở quy mô lớn hơn khi Hà Nội định hướng mở rộng thành đô thị 10 triệu dân trong khi nguồn nước suy giảm 50%, chất lượng nước còn thấp hơn nhiều. Khi bàn thảo việc bảo vệ Sông Hồng - nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho 10 triệu dân Hà Nội cộng với 20 triệu cư dân châu thổ … thì có vị đại diện Hội Quy Hoạch, vốn là cựu lãnh đạo Sở Kiến trúc Quy hoạch cho rằng không lo thiếu nước, vì Viêt Nam đã trao đổi cấp cao để đảm bảo đủ nước nguồn nước quốc gia. Nhiều tỉnh có sông chảy qua và nhiều quận huyện bên sông Hà Nội đã đề đạt nguyện vọng tới cấp trên cho phép “khai thác tiềm năng” đất bãi sông, thực chất là lấy đất lòng sông để làm sân Golf, BĐS thương mại. Trong khi nhiều địa phương phát triển đô thị, KCN tràn lan, phá nát hệ thống thủy lợi, nông dân chỉ còn cách khai thác nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Thiếu thông tin đầu vào, các nhà quy hoạch và quản lý tư duy đơn giản, hoặc chưa đủ năng lực nhận diện hết những thách thức do đô thị hóa tự phát ngoài tầm kiểm soát, rủi ro biến đổi khí hậu, nên vẽ ra các quy hoạch để bán nhà đất mà không cần biết hạ tầng thiết yếu không đủ đáp ứng, để lại những khu đô thị dở dang, hoang phế.
Đơn vị nào có trách nhiệm cấp nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà
Để xảy ra khủng hoản thiếu nước sạch là trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý - họ trách nhiệm trực tiếp, họ bán nhà, đất tại khu đô thị của họ kèm theo bán nước cho cư dân nhưng không tương xứng giá bán. Cơ quan quản lý trực tiếp việc cấp nước là Sở Xây dựng thì cũng không thể đứng ngoài. Nhưng quan trọng hơn là tổ chức cá nhân nào đã thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường? Căn cứ để cho phép xây khu đô thị khi hạ tầng thiếu hụt đủ bề: nước sạch, cây xanh, hạ tầng xã hội? Ai cho phép xây dựng nhà máy nước và cấp giấy phép khai thác nước ngầm gần nghĩa trang và khu vực ô nhiễm nước thải? Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước 2013 do Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì soạn thảo đã quy định rõ những tổ chức cá nhân được phép khảo sát, lập bản đồ Tài nguyên nước; Cơ quan lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Thẩm định, Cấp phép các lĩnh vực liên quan… Nhà máy nước Thanh Hà của khu đô thị này cũng có đủ các thủ tục đó, vậy truy nguồn lại là rõ nguyên nhân những tổ chức cá nhân để “con voi chui lọt lỗ kim” đã triển khai dự án quy mô lớn có hàng vạn dân sinh sống tại đây.
Khu đô thị Thanh Hà khát nước cần có những biện pháp khắc phục khẩn cấp là mỗi ngày vài xe chở nước sạch từ xa đến, sau đó là cần mở rộng không gian trữ nước mặt, nước ngầm ngay tại khu đô thị để cấp nước cho nhà máy nước, không phải hút nước bẩn lên lọc bán cho dân. Tiếp theo đó, rà soát lại toàn bộ quy trình báo cáo đánh giá tác động môi trường, Tài liệu bản đồ tài nguyên đất/nước và hồ sơ cấp xây dựng nhà máy nước, giấy phép khai thác nước ngầm của Thanh Hà và tất cả các khu đô thị hình thành trước và sau quy hoạch chung 1259. Phần còn lại là nhiệm vụ của Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung. Để công việc này đạt kết quả tốt, ngay lúc này cần soi kỹ các Báo cáo đã và đang thực hiện liên quan đến 2 quy hoạch nhằm loại trừ sai sót, lạc hậu dẫn đến đề xuất các giải pháp chỉnh sửa không có giá trị, thậm chí gây hại, cản trở tiến trình phát triển.
Ý kiến của bạn