Quy hoạch Tổng thể Seoul 2040: Những ví dụ tốt cho Quy hoạch Thủ đô Hà Nội
Bài 2: Quy hoạch để dòng sông trở nên vĩ đại và thân thiện với con người
Có thể bạn quan tâm
Sông Hàn – Seoul, Hàn Quốc sau 40 năm (1983-2023) cải thiện nâng cấp
Bản tài liệu “Điều tra tổng thể theo Đạo luật nước sông Hàn“ xuất bản 1983 là những thông tin cơ bản về hiện trạng sông Hàn bao gồm các dữ liệu thủy văn, điều kiện tự nhiên, các công trình kiến trúc… khởi đầu cho các hoạt động tiến tới thực hiện “Phục hưng sông Hàn 1.0” vào năm 2007. Năm 2023 lập ra Bản kế hoạch đặt ra tầm nhìn “Tất cả cộng đồng cùng nhau tận hưởng sông Hàn vĩ đại hơn”, dài 26 trang, có 3 bảng và 15 hình minh họa. Bản kế hoạch chia làm 5 phần: Bối cảnh, Hiện trạng, Tầm nhìn kế hoạch chiến lược, Hướng dẫn thực hiện kế hoạch chiến lược và Kế hoạch khuyến khích. Trong đó phần “Hướng dẫn thực hiện kế hoạch chiến lược” chiếm 50%, mô tả 59 dự án, phân thành 4 nhóm Thân thiện thiên nhiên, Tiếp cận sông dễ dàng, Tăng cường hấp dẫn và Hồi sinh sông Hàn
Kế hoạch “Phục hưng sông Hàn 2.0” đã đặt ra một chuỗi các hoạt động quy mô lớn nhằm phục hồi tự nhiên, tăng cường khả năng tiếp cận và sức hấp dẫn của sông Hàn. Đặc biệt, Kế hoạch “Phục hưng sông Hàn 2.0” lập ra trong thời kỳ đại dịch COVID19, khi mà sức khỏe và thư giãn được coi là những giá trị quan trọng của cuộc sống, nên kế hoạch đã chú tâm tới những trải nghiệm và không gian mới, phản ánh xu hướng bình thường mới là tìm kiếm sự độc đáo, nhờ đó tăng cường khả năng đổi mới các khu dân cư và tăng tính cạnh tranh của thành phố có sông Hàn chảy qua.
Mục tiêu rõ ràng - Hành động cụ thể - Giám sát đánh giá tường minh
Kế hoạch “Phục hưng sông Hàn 2.0” được lập ra nhằm hiện thực hóa 2 trong 7 mục tiêu được đặt ra trong quy hoạch Tổng thể Seoul 2040, đó là “Tạo ra khu vực sinh hoạt đa dạng hàng ngày với sự thuận tiện của đi bộ” và “Tái tổ chức không gian bờ sông làm trung tâm”. Trong 32 năm (1990-2022), Seoul trải qua 5 giai đoạn lập quy hoạch hướng tới các mục tiêu khác nhau, rõ nhất là chuyển đổi từ mô hình thành phố có nhiều vệ tinh trở thành một thành phố đa hạt nhân (1990) tới mô hình một thành phố có nhiều trung tâm nhằm tăng tính độc lập, vừa cạnh tranh lại vừa kết nối với nhau.
Sông Hàn với một dòng chính, 4 chi lưu và 38 sông nhánh tạo thành mạng lưới 254km. Nhằm tái tổ chức không gian bờ sông nên mục tiêu “Phục hưng sông Hàn 2.0” là tiếp tục nâng cấp cảnh quan môi trường sông Hàn và tập trung cải thiện 4 sông nhỏ đi qua tất cả 25 quận của Seoul. Là sợi dây kết nối các trung tâm đô thị cũ và mới, biến vùng ven sông thành “trung tâm” thay vì “ngoại vi” của thành phố. Tái tổ chức không gian bờ sông là một chuỗi các hoạt đông có tính thúc đẩy và liên kết: tạo thành chuỗi các điểm tham quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận ven sông và khả năng sử dụng nước.
Sông Hàn và các sông nhỏ kết nối từng bước tích hợp với đô thị bằng cách phá bỏ ranh giới giữa không gian ven sông và đô thị, đồng thời nâng cao sức sống của toàn bộ Seoul nhờ mở rộng không gian xanh và hoạt động văn hóa. Không gian ven sông là không gian an toàn, phòng ngừa thiên tai, dịch bệnh quy mô lớn và những thích ứng linh hoạt với những thách thức biến đổi khí hậu.
“Phục hưng sông Hàn 2.0” không phải là khẩu hiệu mà là một tiến trình hành động cụ thể được giám sát đánh giá bằng các công cụ tin cậy với 14 chỉ tiêu, có các chỉ số đo lường chi tiết, thống kê hàng năm để điều chỉnh phù hợp. Sau 40 năm, sông Hàn đã trở thành biểu tượng của Seoul và không ngừng tiến hóa.
Sông Hồng - Hành lang Xanh Hà Nội qua các bản quy hoạch
Sông Hồng vốn đỏ ngầu phù sa mỗi mùa mưa lũ chảy qua Hà Nội. Sau năm 2000, do các hồ thủy điện lớn chặn nước đầu nguồn, sông Hồng cạn nước dần và để lộ đất bờ bãi… Hà Nội nhiều lần dự định xây nhà cao tầng bên sông với giấc mộng “thành phố đôi bờ sông Hồng”.
Sông Hồng cạn nước đầu nguồn, hạ lưu thâm nhập mặn, gióng lên hồi chuông cảnh báo về một Hà Nội cần đủ nước sạch, không khí sạch. Dự thảo Luật Thủ đô đã xác định “Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm….”
Không chỉ sông Hàn đã tạo nên kỳ tích của thành phố Seoul (Hàn Quốc), nhiều quốc gia khác cũng đã lấy sự cân bằng nước để xây dựng nên những thành phố hiện đại, như ở tỉnh Hà Bắc đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm trong dịp tới thăm và làm việc tại Trung Quốc tháng 6/2023. Thành phố mới Hùng An, rộng 1.770km2, xây dựng trong 5 năm (2017-2022) đã đón hơn 1,3 triệu người đến sinh sống, làm việc. Cơ sở hạ tầng công nghệ mới, vật liệu mới và năng lượng mới; phù hợp với phát triển kinh tế số, xã hội số. Hàng chục triệu cây xanh đã được trồng. Sông, hồ, mặt nước được mở rộng và làm sạch, lan tỏa vào khắp nơi trong thành phố.
Ngay tại Hà Nội cũng đã có những địa điểm trong thành phố rất thân thiện với sông hồ, thành công về cảnh quan cũng như kinh doanh bất động sản. Nhiều khu vực ven sông Hồng của quận Hoàn Kiếm cũng đã có những bài học thực tiễn sinh động: biến từng bãi rác ven sông thành những sân chơi công cộng sạch sẽ, những vườn cây xanh hấp dẫn và bền vững. Hy vọng qua những bài học từ quốc tế tới trong nước, Hà Nội có lựa chọn thông minh nhất giữa lợi ích Đất – Nước, tương lai phát triển hài hòa, bền vững trong dòng chảy lịch sử - Sông Hồng.
Ý kiến của bạn