Quy hoạch Thủ đô: Kết quả sau 4 tháng thực hiện và 18 cuộc tọa đàm
Bài 1: Quy hoạch Thủ đô phải bám sát chỉ đạo Nghị quyết 15-NQ/TW 2022
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch Tổng thể Quốc gia là căn cứ lập Quy hoạch Thủ đô
Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội (thay cho Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội) với định hướng: “Tư duy mới – Tầm nhìn mới – Cơ hội mới – Giá trị mới”, là căn cứ để lập Quy hoạch Thủ đô và các địa phương khác.
Quy hoạch Thủ đô “là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch Thủ đô nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố.”
Tháng 5/2023, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội (cơ quan chủ trì lập Quy hoạch Thủ đô) đã ký Hợp đồng với liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị, gồm: trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị đứng đầu liên danh); Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp; Viện Chiến lược và Phát triển giao thông; Viện Chiến lược thông tin và truyền thông; Viện Quy hoạch thủy lợi và Viện Tài nguyên và Môi trường. Trong tháng 8/2023, Phó chủ tịch thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã chủ trì 18 cuộc họp, làm việc với 11 Sở ngành và 30 quận huyện, trao đổi về các định hướng lớn, phương án phát triển để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội cũng tổ chức hàng chục cuộc trao đổi trực tiếp với các địa phương, sở ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đơn vị đồng hành để trao đổi các nội dung liên quan. Viện dự kiến trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu lý luận, các trường đại học, Viện khoa học, các đơn vị đồng hành Hội thảo góp ý cho Quy hoạch Thủ đô, hy vọng với cách huy động trí tuệ của cộng đồng, Viện sẽ có giải pháp chỉ đạo kịp thời các bên liên quan khắc phục những yếu kém của các phương án đã trình bày lần 1 Quy hoạch Thủ đô.
Trong 18 cuộc họp bàn về nội dung tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, hạn chế lớn nhất là thông tin hiện trạng trong tất cả các báo cáo. Nguyên nhân tư vấn không khảo sát cập nhật hoặc sơ sài, có dữ liệu bê nguyên từ QHC 1259; mặt khác dữ liệu các sở ngành địa phương phân tán, lạc hậu (phi cấu trúc/không số hóa). Đại diện Sở Thông tin & Truyền thông “mong muốn các đơn vị tư vấn không chỉ dựa vào hệ thống thông tin, dữ liệu được cung cấp mà cần tiếp tục gặp gỡ, làm việc trực tiếp với từng bộ phận của các Sở, ngành để hiểu rõ hơn về nội dung lập quy hoạch, trên cơ sở đó tham mưu “trúng và đúng” cho Thành phố.” [1]… cho thấy hạn chế từ hai phía: cơ quan đầu ngành về truyền thông và công nghệ thông tin đã không khuyến khích phát triển hệ thống thông tin số hóa, dùng chung, mà lại chỉ ra cách làm thủ công, lạc hậu; Đơn vị tư vấn yếu tới mức cần “hiểu rõ hơn về nội dung lập quy hoạch”, phải đi hỏi từng bộ phận các Sở, ngành thì làm sao có thể tham mưu “trúng và đúng”?
Tháng 5/2023, Giám đốc Sở Giao thông & Vận tải đã nhận định thực hiện 600km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM trong 12 năm là không khả thi. Sau 20 năm (2003-2023) đường sắt đô thị Hà Nội mới làm được 15% dự kiến – Tư vấn không phân tích thực trạng “không khả thi” mà vẫn đề xuất đẩy mạnh 8 tuyến đường sắt đô thị. Trước 2008, tỉnh Hà Tây cũ vẽ rất nhiều đường, lấy lý do có tiền làm đường, tỉnh giao lập 744 dự án BĐS tư nhân trên đất ruộng công. Sau 15 năm (2008-2023) các con đường dở dang, các dự án BĐS bỏ hoang, không hoạt động, không mang lại lợi ích cho địa phương và Thành phố… các địa phương và tư vấn không chỉ ra giải pháp khắc phục mà tiếp tục đề xuất làm đường, sân golf và vẽ ra các viễn cảnh như cách đây 15 năm, trong khi không có số liệu hiện trạng kinh tế – xã hội của địa phương. Không có thông tin đầu vào, không ứng dụng công nghệ thông tin phân tích nên đề xuất tràn lan các phương án tùy hứng, không khả thi.
Chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc lập Quy hoạch Thủ đô
Trong 18 cuộc họp bàn về Quy hoạch Thủ đô, lãnh đạo Thành phố rất nhiều lần lưu ý tư vấn và các sở ngành địa phương bám sát nội dung chỉ đạo Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Điều đó cho thấy cần làm rõ khoảng cách từ văn bản chỉ đạo tới quá trình thực hiện.
Tháng 1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trong đó đánh giá chung về công tác Quy hoạch đô thị còn “…chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện… Trình độ, năng lực của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu.”, đó cũng là thực trạng Hà Nội hiện nay.
Tháng 5/2022, Ban Chấp hành TƯ Đảng ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đặt ra mục tiêu “đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước;”. Nghị quyết cũng chỉ ra những khó khăn của Hà Nôi hiện tại “Bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch.”
Ngày 1/8/2023, Tư vấn Quy hoạch đã trình bày lần 1 Quy hoạch Thủ đô “Phương án phát triển đô thị”. Do không có không có tư liệu về Sông Hồng; Không đặt Hà Nội trước thách thức Sông Hồng nguy cơ thiếu nước dẫn đến khô hạn, ô nhiễm nước và nhiễm mặn. Không kế thừa mục tiêu 70% đất cho Hành lang Xanh mà thu hẹp thành vùng bãi sông. Không gian Hành lang Xanh còn lại 30%, dành 70% đất công cho đất đô thị, thực chất là phát triển bất động sản tư nhân – để tiếp tục trở thành”đô thị ma” tràn lan.
Hà Nội có vị trí trọng yếu của vùng đồng bằng Sông Hồng, tháng 11/2022, Ban Chấp hành TƯ Đảng ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW 2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đặt ra mục tiêu “Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.” Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước. Hoàn thành việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực Sông Hồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô. Có biện pháp để cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực các sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải… Giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại thành phố Hà Nội… đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển các khu xử lý rác thải, nước thải và phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt.”
Trong bước tiếp theo, Hà Nội cần tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm Quy hoạch, phân tích toàn diện thấu đáo thách thức hiện trạng và phát hiện các cơ hội trong tương lai để có những ý tưởng đột phá. Kiên quyết loại bỏ những đề xuất tùy hứng thiếu có sở, những tư vấn không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu “Đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung”. Quy hoạch phải tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với nông thôn; áp dụng các công cụ kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch; gắn quy hoạch với nguồn lực thực hiện. Như vậy Quy hoạch Thủ đô mới hoàn thành nhiệm vụ của mình với vai trò trọng yếu trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia.
1. https://vienktxh.hanoi.gov.vn/thu-vien-dien-tu/-/view_content/4779277-dinh-huong-xay-dung-ha-noi-tro-thanh-trung-tam-doi-moi-sang-tao-hang-dau-cua-ca-nuoc.html
Ý kiến của bạn