Bài 2: Không để tiền của xã hội trôi mãi theo dòng nước thải

Quy hoạch Thủ đô: Kết quả sau 4 tháng thực hiện và 18 cuộc trao đổi

Bài 2: Không để tiền của xã hội trôi mãi theo dòng nước thải

(Vietnamarchi) - Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 lập Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội đang tích cực làm việc với các bên liên quan để rà soát, đánh giá thực trạng phát triển, nghiên cứu các phương án phân bổ các không gian hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường để sử dụng hiệu quả nguồn lực thời kỳ 2012-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước mắt cần khắc phục những hạn chế của giai đoạn 1.
09:15, 25/09/2023

Bảo vệ môi trường Hà Nội: Bao nhiêu năm rồi còn mãi loay hoay

Ngày 08/08/2023, các cơ quan tham gia lập Quy hoạch Thủ đô tổ chức tọa đàm với các sở ngành, chuyên gia nội dung tạo dựng môi trường Hà Nội xanh, hiện đại... trong bối cảnh Hà Nội có hệ sinh thái tự nhiên suy giảm mạnh về số lượng và chất lượng: Hệ thống sông hồ ô nhiễm hủy hoại các loài thủy sinh; Môi trường không khí, nước, đất ô nhiễm gia tăng trong khi công tác quản lý môi trường, đất đai còn nhiều bất cập, từ hồ sơ quản lý hiện trạng đến việc việc lập quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá… khâu nào cũng lúng túng, không đạt kết quả tương xứng với đầu tư. Tư vấn Quy hoạch môi trường có chung điểm yếu như các tư vấn đã trình bày lần 1 Quy hoạch Thủ đô: không có dữ liệu hiện trạng, không phân tích hạn chế tồn tại, chỉ đề xuất các mục tiêu mới không có cơ sở, không khả thi… TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) nhấn mạnh ngay tại tọa đàm: “Quy hoạch phải đưa ra những phương án cụ thể và phải bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Cần phân tích rõ hơn hiện trạng từng quận, huyện, từng lưu vực sông, nhất là Hà Nội có chủ trương xây dựng mô hình "Thành phố trong thành phố", phát triển trục sông Hồng… rất cần phân tích hiện trạng từng khu vực xem còn có sức chịu tải, còn dư địa phát triển hay không” [1].

Lĩnh vực môi trường đa dạng, chúng ta tập trung xem lại kết quả các dự án cải thiện môi trường sông hồ nội thành Hà Nội và Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ Đáy đã được triển khai tại Hà Nội:

Năm 1998, Hà Nội hoàn thành trạm xử lý nước thải Bắc Thăng Long, trong 25 năm (1998-2023) đầu tư 10 nghìn tỷ xây 4 trạm xử lý nước thải (XLNT) tại Hồ Tây, Trúc Bạch, Kim Liên, Bảy Mẫu… Kết quả cho thấy hàng năm cá chết hàng trăm tấn, các nguyên nhân không được giám định độc lập, viện dẫn do thời tiết… Hà Nội đầu tư tiếp 16 nghìn tỷ xây Nhà máy XLNT Yên Xá diện tích 14ha, công suất 270 nghìn m3/ngày đêm, trong khi tổng nước thải sông Tô và các chi lưu có 160 nghìn m3, chảy qua 22km cống dẫn từ đầu nguồn tới nhà máy đã bốc hơi, rò rỉ gần hết,  vậy còn bao nhiêu nước thải vào nhà máy? Sông Tô, Nhuệ, Kim Ngưu, Sét, Lừ, Kim Ngưu ô nhiễm, không có sự sống.

Môi trường đô thị và nông thôn gia tăng ô nhiễm hàng ngày, trong khi các phương án quy hoạch bảo vệ môi trường Hà Nội nội dung sơ sài, giải pháp mơ hồ, trình bày lạc hậu… chất lượng lần sau kém hơn lần trước

Môi trường ô nhiễm gia tăng, nguyên nhân bởi quy hoạch kém chất lượng

Năm 2008 Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy được khởi động. Năm 2013, phê duyệt “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông Nhuệ - Đáy”, trải qua 5 tỉnh (Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định).Thông tin các bản đồ Quy hoạch này rất ít, lại trình bày rất sơ sài nhưng khái toán đầu tư rất lớn (90,5-108,3 nghìn tỷ đồng), trong đó Hà Nội chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư: 74/107 hồ điều hòa; 23/47 trạm bơm; 12/24 nhà máy XLNT. Tổng đương lượng nước hồ điều hòa, trạm bơm và nước thải chiếm 86% (3,04/3,43 triệu M3) [2]. Sau 12 năm triển khai Đề án (2008-2020), đã giải ngân 20 nghìn tỷ. Kết quả sông Nhuệ ô nhiễm nặng hơn, sông Đáy cạn nước hơn. Bản đồ Quy hoạch sơ sài, không xác định địa điểm, tổ chức cá nhân gây ô nhiễm, mức độ/thành phần độc hại, ô nhiễm… không thể quy trách nhiệm cho tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả và trả phí bảo vệ môi trường. Vẽ ra dự án đầu tư mà không rõ nguồn thu hoàn vốn, chi phí duy trì sẽ làm tăng nhanh thời gian hủy hoại công trình đầu tư, gây thiệt hại về tiền bạc và chất lượng sống cho toàn xã hội.

Thực trạng ô nhiễm Hà Nội gia tăng có nguyên nhân từ các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường kém chất lượng, dẫn đến triển khai các dự án đầu tư cải thiện môi trường Hà Nội không hiệu quả.

Hình 2A: Đề án Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy sau 12 năm (2008-2020) triển khai họp bàn…nước sông Nhuệ ô nhiễm nặng hơn; Hình 2B: Quy hoạch bảo vệ môi trường sơ sài dẫn đường cho các dự án đầu tư không hiệu quả; Hình 2C: Đập Đáy 1937; Hình 2D: Đập Đáy 2020: mực nước thấp hơn (-3 m) với cửa đập; Hình 2E: Các trạm XLNT làng nghề xây xong có cái không hoạt động, có cái hoạt động không hiệu quả; Đầu tư 4.700tỷ đồng cho hệ thống tiêu thoát nước Yên Nghĩa, xây xong không có nước chảy về.
Sông Nhuệ trước năm 2000 còn khai thác cá, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho Hà Nội và các tỉnh Nam Hà Nội, hiện nay ô nhiễm trầm trọng
Sông Đáy vốn cấp nước sản xuất cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp thủy sản, giao thông đường thủy trải qua 5 tỉnh, hiện nay nước cạn và ô nhiễm

Quy hoạch Thủ đô yêu cầu Quy hoạch bảo vệ môi trường chất lượng cao

Hà Nội sau 25 năm đầu tư XLNT tập trung đã thấy hụt hơi: vét sạch nguồn lực để đầu tư hệ thống XLNT cũng chỉ xử lý <50% nước thải trong phạm vi < 10% diện tích Hà Nội: càng làm càng hỏng nên đã tính lại “quay xe“ thay thế XLNT tập trung bằng giải pháp phân tán [3]. Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đồng quan điểm: coi nước thải, rác thải là tài nguyên cần tái chế tái dụng trong mô hình kinh tế tuần hoàn [4]. Như vậy sẽ thay thế hoàn toàn cách tiếp cận trong quy hoạch thu gom và XLNT Hà Nội - đây là mô hình quá mới với cơ quan quản lý và tư vấn, nên có vài ví dụ từ Nhật Bản:

Giải pháp xử lý rác thải và nước thải tại Tokyo (Nhật Bản) tại 23 trung tâm cấp quận kết hợp với phát triển không gian công cộng trong đô thị

Tokyo đầu tư hệ thống XLNT, rác thải trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng rất cao (1965-1985), họ đã xây dựng 25 cơ sở tập trung theo phạm vi 23 quận trong Thành phố. Các địa phương tự chịu trách nhiệm về vấn đề rác thải, nước thải của mình và tự liên tục tiến hóa công kỹ nghệ đảm bảo chất lượng xử lý cao nhất, hiệu quả nhất và thu phí môi trường công bằng, chính xác nhất để duy trì tính cạnh tranh ấy. Mô hình XLNT, rác thải tập trung cần đầu tư lớn và vận hành chi phí cao: tốn ngân sách công và các gia đình tăng trả phí môi trường, do vậy phải giảm khối lượng xử lý bằng cách tăng cường phân loại, tái sử dụng rác thải tới từng hộ gia đình. Sau năm 2000, do kinh tế suy thoái, một phần do công nghệ phát triển, Nhật Bản đẩy mạnh mô hình xử lý nước thải phân tán, xử lý tại nguồn (gọi tắt là “Johkasou” - theo tên đạo luật Johkasou được ban hành 1983).

Với tầm nhìn phát triển kinh tế đồng thời với bảo vệ môi trường hiệu quả, ngay sau thế chiến II, Nhật Bản đã xây dựng tư liệu Quốc gia: “Atlat Nhật Bản”. Nghiên cứu tài liệu này cho thấy họ tập trung trí tuệ công sức lập tư liệu hiện trạng để lập trình kế hoạch phát triển khả thi, hiệu quả… thay vì vẽ ra  các bản quy hoạch viễn vông phi thực tế, lãng phí tiền bạc và cơ hội cho xã hội.

Đầu tư các trung tâm XLNT, rác thải kết hợp với không gian công cộng, giải trí nghỉ dưỡng cùng với chức năng phòng chống hỏa hoạn và úng ngập

Atlat Nhật Bản được công bố trên Website của Bộ Đất đai Hạ tầng và Du lịch (MLIT). Bản đồ hệ thống sông hồ toàn Nhật Bản (trích), tỷ lệ 1:4.000.000 mô tả các dòng sông chảy trên địa hình đồi núi, đường phân thủy, thấy rõ lưu vực sông suối, dòng chảy to nhỏ nông sâu khác nhau, kèm theo biều đồ lưu lượng qua các mùa trong năm. Các khu vực quan trọng có bản đồ tỷ lệ 1:500.000 mô tả chi tiết từng loại đất, khả năng tiêu thoát nước, nguy cơ ngập úng, sụt lún. So với “Bản đồ Thủy hệ Lưu vực sông Nhuệ - Đáy” thông tin nghèo nàn, không thể lập phương án bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm đất, nước.

So sánh bản đồ thủy hệ lưu vực sông Nhuệ - Đáy do Đại học Thủy lợi thực hiện với Bản đồ dữ liệu sông hồ Nhật Bản (trích ảnh minh họa theo chủ đề - không thể hiện nội dung biên giới/ lãnh thổ)

 Trích bản đồ Nhật Bản, tỷ lệ 1:4.000.000, có thông tin chi phí khắc phục thảm họa ngập lụt, sạt lở đất, mưa bão, động đất theo từng nguyên nhân tại các địa điểm khác nhau. Trích khu bản đồ ô nhiễm đất nước vùng Tokyo, tỷ lệ 1:500.000 trong đó xác định các chất độc hại gây ô nhiễm với mức độ ô nhiễm từng các con sông khác nhau.

So sánh bản đồ quản lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy do các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên môi trường thực hiện với Bản đồ sông hồ Nhật Bản (trích ảnh minh họa – không thể hiện nội dung biên giới/ lãnh thổ)

So sánh với “Bản đồ quản lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy “ do các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường thực hiện có thông tin nghèo nàn, trình bày thô sơ: không có địa chỉ các điểm phát sinh nước thải gây ô nhiễm, phân loại nguyên nhân và khối lượng, mức độ ô nhiễm, không đủ thông tin đầu vào để theo dõi hiện trạng thoái biến môi trường cũng như biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, càng không thể làm căn cứ xác định thiệt hại để các tổ chức cá nhân xả thải ô nhiễm có trách nhiệm khắc phục.

Bản đồ địa hình Bắc Bộ làm cơ sở để thiết kế đê sông Hồng và Thái Bình, lập trình cho việc đắp 305 triệu m3 đê trong 54 năm (1900-1954); Trong 25 năm tiếp theo (1955-1980) đắp thêm 10 triệu m3

Hơn 1 thế kỷ trước, các kỹ sư đo đạc, thủy lợi Pháp cùng với các nhân viên Việt Nam đã lập hồ sơ thiết kế quy hoạch hệ thống đê điều chất lượng cao để thực hiện đắp đê có khối lượng lớn hơn 20 lần so với hàng trăm năm trước đó (305/22 triệu m3), lớn hơn 30 lần khối lượng thực hiện trong 25 năm sau (305/10 triệu m3). Ngày nay với công nghệ tân tiến, nhân lực đông đảo, đầu tư cho khảo sát, lập quy hoạch bảo vệ môi trường Hà Nội và chung quanh lên tới hàng trăm tỷ đồng… Cộng đồng xã hội không thể để tiền của xã hội trôi mãi theo dòng nước thải, mà cần giám sát nghiêm khắc các sản phẩm tư vấn có chất lượng tương xứng với ngân sách đầu tư. Nội dung phần hiện trạng phải có thông tin chính xác toàn diện trên nền địa lý theo chuẩn quốc tế; những giải pháp phải có tính đột phá, có giá trị khoa học và thực tiễn vượt trội so với báo cáo lần 1. Kiên quyết loại bỏ các tư vấn yếu kém, không đủ năng lực để đảm bảo nội dung bảo vệ môi trường trong Quy hoạch Thủ đô sẽ có giá trị thiết thực, lập trình khả thi cho Thủ đô Xanh - Sạch và là mẫu hình cho cả nước.

Tài liệu tham khảo

1. https://vienktxh.hanoi.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien-noi-bat/-/view_content/4779345-tao-dung-moi-truong-ha-noi-xanh-hien-dai.html

2. https://lawnet.vn/vb/Quyet-dinh-681-QD-TTg-nam-2013-phe-duyet-Quy-hoach-he-thong-thoat-nuoc-xu-ly-2D14C.html

3. “Báo cáo rà soát đánh giá Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050” Viện Quy hoạch Xây dựng - Sở Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội (10/2021)

4. “https://vnexpress.net/can-coi-nuoc-thai-la-tai-nguyen-4613896.html

Pháp lý xây dựng

Chuyển đổi khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội: Loại bỏ sai lầm càng sớm càng tốt

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được coi là một biểu tượng của sự lãng phí ở Hà Nội. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng để phù hợp với đời sống của người dân là điều tất yếu. Tuy nhiên, cần quan tâm đến phương án chuyển đổi và vận hành, không để lãng phí thêm.

Quy hoạch 2 bờ sông Hồng, làm sao để thích ứng với biến đổi khí hậu?

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội xác định lấy sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua, nhiều khu vực ven sông bị ngập, đời sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Vậy cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ở 2 bên bờ sông như thế nào để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu?

Tìm công thức khả thi để Hà Nội làm hàng trăm km đường sắt đô thị

Sau 20 năm triển khai, Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội đưa vào hoạt động. Nếu vẫn xây dựng như phương án hiện nay, rất khó để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị như quy hoạch.

Nghĩ và ngẫm về nội thất

Nội thất, song cùng kiến trúc, tiến bước dài, đang đứng cả hai chân trong hiện đại hóa, quốc tế hơn và tìm kiếm cái riêng, như một lộ trình tự nhiên. Trong sự đẹp và sang lên của nội thất kiến trúc, không tài nào tránh khỏi sự nhận ra: Nền kiến trúc hôm nay, đặc biệt là nội thất, bộc lộ rõ ràng và thách thức, một hiện tượng xã hội, tạm gọi một cách khoa học là Chủ nghĩa Hình thức, nói nôm na là trào lưu phô trương. Cái đẹp bị lấn át bởi nhận thức thiên lệch về cái sang. Cái sang không tương thích với sự giàu lên của quốc gia và xã hội.

Công dân Hà Nội kỳ vọng Quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao: khắc phục khó khăn hiện tại, tạo cơ hội mới cho tương lai

Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi