An Biên - Ngôi đình lưu giữ nét kiến trúc cổ đặc sắc
Đình An Biên là một trong những nơi tôn thờ Nữ tướng Lê Chân, vị nữ tướng tài ba, kiệt xuất có công đầu tiên khai thiên lập địa ra làng An Biên, đặt nền móng cho sự phát triển của Hải Phòng những thế kỷ sau này. Bà cũng có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi sự xâm lược của nhà Đông Hán năm 40, thế kỷ thứ nhất, được hậu thế suy tôn là Thành hoàng của thành phố Hải Phòng.
Là công trình kiến trúc cổ có quy mô bề thế, qua thời gian, đình An Biên được tu bổ nhiều lần, gần nhất là lần tu bổ năm 2022, đến nay Đình vẫn bảo tồn được nguyên vẹn kiến trúc thuở ban đầu.
Đình có kiến trúc bố cục theo lối chữ “Công” gồm 5 gian đại đình (tiền đường), 3 gian nhà cầu (ống muống), 3 gian hậu cung (cung cấm), được trang trí và chạm khắc tinh xảo với các đề tài tứ linh, tứ quý mang phong cách kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thời Nguyễn, thế kỷ 19.
Giữa sân đình nổi bật là tượng đài nữ tướng Lê Chân được chạm khắc tinh xảo, thần thái uy nghiêm, phía sau tượng đài là hồ nước hình bán nguyệt, xung quanh là các bồn hoa, chậu cảnh tạo thành một tổng hòa không thể tách rời, góp phần tô điểm thêm cho không gian kiến trúc nơi đây.
Một nét độc đáo nữa của kiến trúc đình An Biên, chính là các mái ngói chiếm 2/3 chiều cao của đình, xòe rộng và lan xuống thấp, hơi võng, hai đầu nhô vút ra ngoài như hai con thuyền lớn. Bờ nóc đắp đôi chim phượng hoàng bò xoải cùng chầu vào mặt nhật tròn, quanh có vầng đao lửa do hổ phù lớn đội.
Với kiến trúc cổ kính, độc đáo, tiêu biểu của đình làng Bắc bộ xưa, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ 19, năm 2009 đình An Biên đã vinh dự được nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, là nơi hội tụ và phản ánh cuộc sống, tình cảm và những nét văn hóa đặc trưng của con người đất Cảng.
Hàng năm, tại đây vẫn diễn ra các hoạt động kỷ niệm về nữ tướng Lê Chân trong đó có ba ngày lễ chính: ngày sinh nữ tướng Lê Chân (8-2 âm lịch), ngày thắng trận (15-8 âm lịch); ngày hóa (13-7 âm lịch) để tưởng nhớ, tri ân công đức của bà qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Ý kiến của bạn