Xây dựng thành phố sáng tạo (*), đậm chất Kinh Bắc
Di sản văn hóa là nền tảng, thế mạnh của Bắc Ninh
Bắc Ninh từ xưa có vị trí giao thông thuận lợi là nơi hội tụ, tiếp biến văn hóa các vùng miền tạo nên bản sắc văn hóa riêng của người Bắc Ninh- Kinh Bắc. Nơi đây được biết đến là xứ sở của đình chùa và lễ hội; vùng đất của Nho giáo, hiếu học khoa bảng; vùng đất của những làng nghề tài hoa; cái nôi của nhiều loại hình trình diễn văn hóa dân gian truyền thống. Trải nghìn năm văn hiến, Bắc Ninh có một kho tàng di sản văn hóa to lớn, đặc sắc và độc đáo. Tuy nhỏ về diện tích, song chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa đáng tự hào của quê hương Bắc Ninh đã kết tinh kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, vô cùng phong phú và đặc sắc (Bắc Ninh hiện có 1.589 di tích, trong đó 643 di tích được xếp hạng gồm: 4 di tích quốc gia đặc biệt; 204 di tích quốc gia, 435 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia…). Bắc Ninh đang lưu giữ 4 di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO ghi danh là: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt... Di sản văn hóa là một “lợi thế sẵn có” của Bắc Ninh. Ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, bên cạnh việc chú trọng xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa với các chính sách cụ thể của từng lĩnh vực bảo tồn di sản. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh là tỉnh đi đầu cả nước trong việc ban hành chế độ, cơ chế chính sách cho các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, những “báu vật nhân văn sống” có đóng góp quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Như vậy, có thể nói di sản văn hóa là nền tảng, thế mạnh giúp Bắc Ninh gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo, là cơ hội chuyển giá trị di sản thành tài sản để mỗi người dân có thể làm giàu từ chính những gì họ đang có, đang gìn giữ. Đây cũng là nền tảng, thế mạnh giúp Bắc Ninh phát huy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển Thành phố bền vững. Ngày nay, sự đa dạng, phong phú trong sáng tạo vẫn hiện diện trong nhiều công trình kiến trúc đương đại, là minh chứng cho thấy thiết kế sáng tạo cũng là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc của Bắc Ninh trong lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai, hy vọng cho một nền kiến trúc Bắc Ninh giầu bản sắc! Đấy là khu trụ sở các cơ quan đầu não của tỉnh đã biết khai thác những nét tinh hoa của kiến trúc truyền thống; đấy là công trình Đài tưởng niệm Bắc Ninh với hình tượng Bút - Nghiên, là bông sen đang hé nở, một hình ảnh đẹp của tín ngưỡng phương Đông, truyền thống văn hoá khoa bảng, Dân ca Quan họ, cái nôi của tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam. Đấy là Cung Kiến trúc - Quy hoạch Bắc Ninh với những nét cong mềm mại của giao duyên dân ca Quan họ. Từ Nhà hát Quan họ có quy mô không lớn đã gợi lên ý tưởng thiết kế sáng tạo, tạo hình lấy cảm hứng từ mái đình truyền thống của người Việt; đến công trình cây cầu Kinh Dương Vương “Lưỡng long triều nhật” với thiết kế sáng tạo, đậm chất văn hóa vùng Kinh Bắc…
Tiềm năng sáng tạo âm nhạc và không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh
Bắc Ninh xưa nổi danh là vùng đất hiếu học khoa bảng; vùng đất của những làng nghề tài hoa; cái nôi của nhiều loại hình trình diễn văn hóa dân gian truyền thống. Riêng Quan họ Bắc Ninh là di sản mà cả phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức diễn xướng rất gần gũi với đời sống nhân dân. Thậm chí, Dân ca Quan họ Bắc Ninh còn được ví như tấm gương phản chiếu tâm tư, tình cảm, cuộc sống… của con người vùng Kinh Bắc. Không gian văn hóa làng xã chính là hệ sinh thái nuôi dưỡng cuộc sống, hành vi ứng xử của người Quan họ. Trong tư duy người Kinh Bắc - Bắc Ninh, Quan họ chính là nguồn sống, là người mẹ tinh thần, mọi người khiêm nhường sống trọng nghĩa trọng tình. “…nó đã là viên cát được cấy vào lòng con trai đáy biển để rồi trở thành viên ngọc trai lấp lánh bẩy sắc cầu vồng”(Băng Sơn), mà giọng hát say đắm lòng người của chàng ca sĩ Trương Chi không bao giờ nguôi ngoai trên dòng Tiêu Tương thơ mộng! Với gia tài đồ sộ hơn 450 giọng điệu và hơn 4.000 câu Quan họ mà người Bắc Ninh đang thừa hưởng hôm nay là kết quả của quá trình sáng tác bền bỉ với sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ nhân không ngừng “đặt câu, bẻ giọng”. Theo quan niệm của người Quan họ, nghệ nhân là những người có kỹ năng hát “vang, rền, nền, nẩy” điêu luyện, thuộc nhiều bài, nhiều “giọng”. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá nét độc đáo của dân ca Quan họ Bắc Ninh là truyền thống ứng tác nơi trình diễn. Trên các lời ca cũ, các liền anh, liền chị có thể ứng tác đặt lời để đối giọng, đối nghĩa. Họ vừa sáng tác lại vừa biểu diễn; vừa là ca sĩ, lại vừa là nhạc sĩ. Vì thế, không phải tự nhiên một sớm một chiều sẵn có hàng trăm làn điệu với đủ câu ra, câu đối. Trong lịch sử hình thành và phát triển của Dân ca Quan họ luôn có sự vận động không ngừng với những sáng tạo mới. Tình cảm và tư tưởng của con người mỗi thời mỗi khác. Lời ca và điệu thức của Quan họ biểu hiện tâm tư của con người cũng luôn có sự thay đổi, sáng tác bổ sung để phù hợp với cuộc sống mới... để Quan họ trường tồn và lan tỏa. Vì thế, trong bảy lĩnh vực UNESCO xét ghi danh Mạng lưới thành phố sáng tạo, thành phố Bắc Ninh có tiềm năng rất lớn về âm nhạc, thơ văn. Thành phố với không gian yên bình, phong cảnh lãng mạn… là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các văn nghệ sĩ. Chất liệu văn hóa phong phú, đặc sắc của miền đất văn hiến Bắc Ninh- Kinh Bắc, là không gian nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ và truyền cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị. Đặc biệt là nguồn phù sa màu mỡ từ di sản Dân ca Quan họ đã bồi đắp, chắp cánh, trở thành chất xúc tác đánh thức cảm xúc sáng tạo trong các nhạc sĩ. Họ nắm bắt được chính xác cái “gen” quý hiếm, lấp lánh của văn hóa Quan họ để từ đó miệt mài, kì công sáng tạo thể nghiệm, nâng cao phát triển thành những ca khúc viết về Bắc Ninh-Kinh Bắc với những giai điệu lãng mạn, ngọt ngào sống mãi với thời gian. Ngoài Dân ca Quan họ, Bắc Ninh còn là cái nôi lưu giữ và nuôi dưỡng nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống như: Ca trù, Trống quân, Tuồng, Chèo... Thừa hưởng nền văn nghệ dân gian phong phú và đồ sộ ấy, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia không ngừng trao truyền, sáng tạo vốn di sản quý của cha ông. Bắc Ninh cũng là địa điểm thường xuyên tổ chức các sự kiện âm nhạc, trong đó có Festival về miền Quan họ, Quan họ đêm rằm, quan họ trên thuyền, hội thi hát quan họ, các cuộc thi sáng tác biểu diễn âm nhạc về Bắc Ninh… Không gian diễn xướng thực của Quan họ dẫu là “ca sự tại đình” hay “du ca tại gia” thì đều là những biểu hiện khác nhau của một sinh hoạt dân ca giao duyên, với lối chơi, cách thức như là một không gian vô hình để bảo trợ các không gian diễn xướng hữu hình. Hiện tại, nơi đây đã hình thành nhiều cộng đồng sáng tạo và không gian nghệ thuật, không gian trình diễn hấp dẫn, quy tụ nhiều nghệ sĩ, đưa nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng cũng như tạo điều kiện để cộng đồng được trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo. Từ không gian, văn hóa, con người và âm nhạc nơi đây đều hòa quyện với nhau, tạo nên sức sống riêng của thành phố miền Kinh Bắc này. Nếu lựa chọn lĩnh vực âm nhạc để phát triển Bắc Ninh là thành phố sáng tạo về âm nhạc sẽ tạo nên một đô thị văn hóa mang bản sắc riêng biệt và độc đáo của Việt Nam.
(*)- Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004, (gồm bảy lĩnh vực: thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thống) với mục tiêu nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh, với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
https://baobacninh.vn/xay-dung-thanh-pho-sang-tao-am-chat-kinh-bac-86872.html
Ý kiến của bạn