Tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Lộ Vòng Cung

Tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Lộ Vòng Cung

Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Lộ Vòng Cung tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là hạng mục Khu tưởng niệm (Khu A) được triển khai ngày 2/11/2023 trên diện tích 6,4 ha với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
07:35, 15/08/2024
Toàn cảnh khu tưởng niệm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung đang được thi công
Toàn cảnh khu tưởng niệm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung đang được thi công (Ảnh: Thanh Liêm).

Theo đó, giai đoạn 1 bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Lộ Vòng Cung sẽ đầu tư các hạng mục gồm: Đền chính, cổng đền, bia di tích, sân lễ - đường dạo - cây xanh... Trong đó, đền chính quy mô 2 tầng, chiều cao khoảng 23,4m; tầng 1 là không gian sinh hoạt truyền thống cho nhân dân thành phố kết hợp phòng đón tiếp khách, các phòng làm việc của Ban quản lý, phòng chiếu phim giới thiệu về di tích, khu sinh hoạt văn hóa… Tầng 2 là điện thờ chính, hai bên có không gian khánh tiết, không gian trưng bày hiện vật, tài liệu giới thiệu di tích, được bố trí màn hình trình chiếu về lịch sử Lộ Vòng Cung, trực quan sinh động phục vụ khách tham quan.

Hình ảnh các công nhân đang thi công tại hạng mục Khu tưởng niệm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung
Hình ảnh các công nhân đang thi công tại hạng mục Khu tưởng niệm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung (Ảnh: Thanh Liêm).

Tới nay, công trình đền chính đã thi công đạt 74% và đơn vị thi công vẫn đang hoàn thiện lợp mái, ốp đá, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và tiếp tục thi công các hạng mục bên ngoài như cổng đền, sân lễ, hệ thống thoát nước…

Mới đây, khi kiểm tra tiến độ thi công dự án, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, đây là dự án lớn nhất đang triển khai tại huyện Phong Điền, là công trình trọng điểm của thành phố chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/42025). Huyện cần chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực triển khai dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu tâm huyết chỉ đạo triển khai Dự án bảo tồn Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu tâm huyết chỉ đạo triển khai Dự án bảo tồn Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung (Ảnh: Thanh Liêm).

Hiện nay, UBND thành phố đã thành lập Tổ hỗ trợ thực hiện dự án do Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Tổ trưởng. Các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Tổ hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án để đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra. Đồng thời tiến hành việc sưu tầm tư liệu, hiện vật trong kháng chiến có liên quan đến Lộ Vòng Cung như các loại vũ khí, khí tài quân sự, vật dụng mà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta từng sử dụng đem về phục vụ trưng bày trong khu di tích, thể hiện đúng tầm vóc, ý nghĩa của di tích cũng như khắc họa được sự hy sinh của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ trên "vành đai lửa" Lộ Vòng Cung trong chiến tranh.

Do đó, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cũng đề nghị xem xét lại bố cục của khu trưng bày trong nhà và khu trưng bày ngoài trời của di tích cho hợp lý; nhanh chóng tìm nhân vật, sự kiện tiêu biểu liên quan đến Lộ Vòng Cung, tư liệu, câu chuyện nổi bật để khắc họa sự chiến đấu dũng cảm quân và dân ta với những vũ khí thô sơ đã làm nên chiến thắng vang dội trước kẻ thù được trang bị khí tài hiện đại gấp nhiều lần.

Cụ thể, Lộ Vòng Cung chạy dài gần 30 km nối Quốc lộ 1A từ cầu Cái Răng vào huyện Phong Điền, qua các xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Tân Thới, Giai Xuân và kết thúc tại lộ tẻ Ba Se (phường Phước Thới, quận Ô Môn, Cần Thơ). Đây là tuyến giao thông thuận lợi, có vị trí chiến lược quan trọng nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của trung tâm thành phố Cần Thơ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Lộ Vòng Cung nổi tiếng là vùng đất lửa của Cần Thơ, là tuyến đường có vị trí quan trọng đặc biệt về lĩnh vực quân sự. Giữ được Lộ Vòng Cung là giữ được cơ sở cách mạng, giữ được cửa ngõ để tiến công vào các cơ quan đầu não của địch ở nội ô thành phố.

Bên cạnh đó, Lộ Vòng Cung còn là nơi ghi dấu sự hy sinh xương máu của biết bao đồng bào, đồng chí trong những năm tháng chiến tranh, nhất là trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), thống nhất đất nước, minh chứng hào hùng cho cuộc chiến thần tốc, rực lửa, góp phần vẻ vang vào truyền thống đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của quân dân Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.

Trước đó ngày 7/2/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng địa điểm chuyển quân, Trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích, vào ngày 13/4/2018, UBND thành phố Cần Thơ đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung. Với giai đoạn 2 của dự án, HĐND thành phố Cần Thơ thống nhất hỗ trợ 101 tỷ đồng để UBND huyện Phong Điền thực hiện dự án tại Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 26/4/2024 và được UBND thành phố bố trí vốn chuẩn bị đầu tư tại Quyết định số 1082/QĐ-UBND ngày 15/5/2024.

UBND huyện Phong Điền hiện vẫn đang tiếp tục triển khai các bước theo trình tự thủ tục để thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Dự kiến, dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026.

 

 

 

Pháp lý xây dựng

Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian

Nhằm đánh giá toàn diện về nội dung, giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian phục vụ công tác quản lý, bảo vệ giá trị của di tích, ngày 6/9, UBND huyện Chương Mỹ đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội, Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian”.

Cần bảo vệ chợ Đầm Tròn theo Luật Di sản văn hóa

Chợ Đầm Tròn là công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của TP Nha Trang (Khánh Hòa). Vì vậy cần đưa công trình này vào danh mục kiểm kê công trình kiến trúc có giá trị để bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Đó là đề nghị của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa vừa được gửi đến Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Đừng hoang phí công thự di sản

Đã đến lúc những công thự quý hiếm cần mở cửa và mở thêm công năng mới, góp phần làm “trường học” và “vườn ươm” ý tưởng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và ngay cả quản trị cho đông đảo người dân, nhất là với giới trẻ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Nhiều sản phẩm văn hóa với công nghệ hiện đại đã được giới thiệu đến đông đảo du khách trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá…

Tuyên Quang dự kiến chi 95 tỷ đồng bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào

Ngày 13/8, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-UBND phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử của tỉnh, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi