Quy hoạch tỉnh Bắc Giang: Đất - Nước trong Tổng thể tài nguyên Quốc Gia

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang: Đất - Nước trong Tổng thể tài nguyên Quốc Gia

(Vietnamarchi) - Tháng 5/2022, Đoàn giám sát việc thực hiện Luật Quy hoạch 2017 của Quốc Hội đã thông tin Bắc Giang là tỉnh đầu tiên đã hoàn thành Quy hoạch. Hà Nội đã tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng… tuy vậy không có thông tin đã nhận được bài học kinh nghiệm nào. Nhóm chuyên gia độc lập tiếp cận 943 trang Báo cáo Thuyết minh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang để có những chia sẻ ban đầu.
10:52, 15/05/2023

Những thành công và thách thức lập trình phát triển

Bắc Giang có diện tích lớn hơn Hà Nội (3.900km2/3.360 km²) nhưng có số dân bằng ¼ Hà Nội (1,9 triệu/8,2 triệu dân). Trong 10 năm (2010-2020) từ một tỉnh thuần nông đất rộng, người thưa đã có những thay đổi đổi lớn: Nông nghiệp giảm, ngành CN - XD tăng mạnh. Tỉnh có 1,1 triệu lao động trên 15 tuổi, trong10 năm tạo ra 300.000 viiệc làm mới, thu hút 70.000 lao động từ ngoại tỉnh. Thu ngân sách tăng từ 2.441 tỷ đồng (2010) lên 12.390 tỷ đồng (2020).Tuy vậy cũng còn nhiều thách thức: phần lớn các doanh nghiệp trong nước quy mô nhỏ (<20 tỷ đồng). Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các ngành dệt may, lắp ráp điện tử, gia dụng công nghệ không cao. Công nhân nhiều nhưng đầu tư nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp không đạt chỉ tiêu, hầu hết các khu công nghiệp không có các thiết chế văn hóa, hoạt động cộng đồng. Tăng thu ngân sách nhưng đầu tư cho bảo vệ môi trường, hệ thống thuỷ lợi thấp - những yếu tố trọng yếu không đạt “tiêu chuẩn Xanh”.

Từ năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã khuyến cáo: 5 năm tới Việt Nam nói chung và nhiều doanh nghiệp nói riêng có thể sẽ không xuất khẩu được hàng hoá nếu không có chứng nhận thị trường có “tiêu chuẩn Xanh” hay khách hàng yêu cầu.

Sau COVID là suy thoái toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế các địa phương chủ yếu dựa vào gia công hàng xuất khẩu. Các kịch bản phát triển không chỉ vẽ ra viễn cảnh màu hồng mà cần chủ động thích ứng với thách thức. Ngoài thông tin toàn cảnh thị trường gia công quốc tế hay những bài học liên quan, các dữ liệu hiện trạng cần trình bày có cấu trúc và được thể hiện bằng thông tin đồ họa (Infographic) như biểu đồ/đồ thị hay gắn thông tin thuộc tính với nền địa lý (Geograpic Information) để tham chiếu.

Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang 2022 vẽ giống Quy hoạch hệ thống đô thị Bắc Giang vẽ năm 2012: viện dẫn mô hình Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc: không có liện hệ nào với bối cảnh Bắc Giang nằm sâu trong nội địa, kinh tế thuần nông mới chuyển dịch sang gia công hàng xuất khẩu. Các bản vẽ quy hoạch khác cũng theo cách cũ: mô tả hiện trạng môi trường sơ sài không có liên hệ tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất, nước (mặt và ngầm), không khí.

Trích Thuyết minh Quy hoạch Bắc Giang và Atlat Nhật Bản do Bộ MLIT công bố (trích ảnh minh họa theo chủ đề – không thể hiện nội dung biên giới/lãnh thổ)

Năm 2015, đoàn soạn thảo Luật Quy hoạch đã tới Nhật Bản khảo sát phương pháp lập Quy hoạch chiến lược toàn diện đã được các chuyên gia Bộ Đất đai Giao thông và Du Lịch (MLIT) giới thiệu Atlat Nhật Bản với cách mô tả hiện trạng tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường rất khoa học: Bản đồ Hệ thống sông hồ toàn Nhật Bản (trích), tỷ lệ 1/4.000.000 mô tả các dòng sông chảy trên địa hình có độ dốc đồi núi, đường phân thủy để thấy rõ lưu vực sông suối các dòng sông to nhỏ nông sâu khác nhau, kèm theo biểu đồ lưu lượng các sông chính qua các mùa trong năm. Có bản đồ mô tả các thảm họa ngập lụt, sạt lở đất. Tại các khu vực quan trọng có bản đồ tỷ lệ 1/500.000 mô tả chi tiết từng loại đất, khả năng tiêu thoát nước hay nguy cơ ngập úng, sụt lún.

Bản đồ Chi phí đầu tư các dự án khắc phục thảm họa do ngập úng, lở đất, mưa bão, động đất mô tả mức chi phí cho từng nguyên nhân tại các địa điểm khác nhau. Bản đồ ô nhiễm đất nước vùng Tokyo thể hiện mức ô nhiễm từng các con sông khác nhau.

Quy hoạch mới thực hiện theo cách cũ không tích hợp đa ngành/không mang lại lợi ích tổng thể

Thuyết minh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang cho biết “Hệ thống thoát nước hiện trạng (nước mưa, nước thải) chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ nước thải được xử lý đạt quy chuẩn môi trường rất thấp. Hệ thống thoát nước chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, các công trình trạm bơm đầu mối chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước mưa đô thị. Quỹ đất để xây dựng hồ điều tiết trong khu vực hạn chế; đấu nối hệ thống thoát nước mới với hệ thống cũ còn chưa đồng bộ. Công tác duy tu nạo vét hệ thống thoát nước, kênh mương tiêu chưa được quan tâm, thường xuyên thực hiện. Cao độ nền các dự án tiếp giáp nhau và tiếp giáp với khu dân cư hiện trạng nhiều khu vực khớp nối chưa hài hòa, tạo nên các điểm ngập úng cục bộ khi trời mưa kéo dài. Các dự án triển khai san nền lấp ao hồ mặt nước trữ nước hiện trạng, mặt nước hoàn trả lại thấp khiến nước mưa không có chỗ chứa gây ngập úng cục bộ.”

Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải vẽ năm 2012 và trong Quy hoạch tỉnh 2022 đơn giản trong khi thực tế các khu công nghiệp xây dựng trên đất ruộng đặt ra rất nhiều tồn tại: các khu dân cư truyền thống xen lẫn các khu dân cư tập trung bao quanh khu công nghiệp dày đặc, không rõ những giải pháp thu gom rác thải, nước thải sinh hoạt, sản xuất được xử lý như thế nào

Thuyết minh Quy hoạch chỉ ra nhu cầu dùng nước hiện tại là gần 2 tỷ m3, đến năm 2025 gần 3,6 tỷ m3; năm 2030 gần 4 tỷ m3 ; năm 2050 gần 4,4 tỷ m3… Quy hoạch Tài nguyên nước công bố năm 2022, cho biết mực nước sông Cầu, Thương nguy cơ thiếu nước trầm trọng quanh năm. Quy hoạch tỉnh cũng cho biết 2 sông ô nhiễm không thể dùng trong sinh hoạt… nhưng lại không có giải pháp khắc phục. Trong khi không xác định rõ các không gian trữ nước, vùng bán ngập thì mô tả chi tiết “Quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với diện tích khoảng 4.500ha trong đó, bố trí 13 sân golf với diện tích 1.752ha” như vậy Lập Quy hoạch mà chưa đáp ứng Yêu cầu về nội dung quy hoạch trong Luật Quy hoạch (Điều 21 Khoản 1): “Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.”

Bắc Giang trong tổng thể tài nguyên đất nước Quốc gia

Bản đồ các lưu vực sông trong Quy hoạch Tài nguyên nước thể hiện Bắc Giang nằm trong lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Do những thông tin trên bản đồ Quy hoạch Tài nguyên nước phân tán rời rạc nên các chuyên gia độc lập đã dùng nền bản đồ này để tích hợp đồng bộ các thông tin liên quan để mô tả vị thế Bắc Giang nằm trong lưu vực. Lưu vực sông Hồng – Thái Bình có tổng lượng nước mặt 100 tỷ m3 cung cấp bởi nước mưa và nước các con sông có nguồn gốc từ Nam Trung Quốc, riêng Bắc Giang có các sông lớn: Thương, Cầu và Lục Nam cùng các hồ chứa nằm trong biên giới Việt Nam. Tổng lưu lượng nước mặt 6,7 tỷ m3 so với 100 tỷ thì không lớn nhưng tầm quan trọng của nước nội nguồn khác hẳn với nguồn nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn bên ngoài. Sông Hồng và các hồ chứa, nhánh sông khác nhập vào có lưu lượng hàng chục tỷ m3, nhưng vào mùa khô hạn, nhu cầu dùng nước chỉ cần 4 tỷ m3 cho sinh hoạt và sản xuất rất căng thẳng – trong khi tổng lưu lượng nước mặt Bắc Giang đã gấp 1,5 lần số đó. Tuy vậy nguồn nước của Bắc Giang không bền vững: sông Cầu và sông Thương bị thiếu nước căng thẳng quanh năm, ngoài ra còn ô nhiễm nước tại sông Cầu, kênh Ngũ Huyện Khê đã nhiều năm không được khắc phục, nguy cơ ô nhiễm gia tăng. Nạn xâm nhập mặn ở tầng chứa nước và theo phương ngang cũng ảnh hưởng phía Nam Bắc Giang. Vùng úng ngập trong trận lụt năm 1971 cũng đã từng đe doạ một số địa phương ven sông Lục Nam.

Để khai thác thế mạnh nội nguồn trong an ninh nguồn nước địa phương và quốc gia cần một giải pháp toàn diện, tích hợp đa ngành, đa mục tiêu, đa lợi ích.

Tài nguyên đất, nước Bắc giang trong tổng thể lưu vực sông Hồng - Thái Bình (trích ảnh minh họa theo chủ đề – không thể hiện nội dung biên giới/lãnh thổ)

Trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang không có bản đồ thể hiện đường đồng mức để nhận diện các vùng trũng thấp, bố trí làm nơi trữ nước mùa khô, kết hợp phát triển giao thông thuỷ, nuôi trồng thuỷ sản, tưới tiêu sản xuất nông công nghiệp, sinh hoạt.

Năm 1905, Nha Địa dư Đông Dương hoàn tất Bản đồ địa hình/thủy hệ làm cơ sở để Nha Công chính thiết kế, thi công từng phần hệ thống đê điều trong suốt thế kỷ 20

Trong lịch sử giữ nước, phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) đã ghi lại bài thơ hào hùng “Nam quốc Sơn Hà” từ thời Lý. Những năm 1980, nhiều thanh niên Hà Nội đã tham gia xây dựng phòng tuyến sông Cầu – đó phải chăng là vị trí trọng yếu của Bắc Giang trong chiến lược giữ đất và nước trong tổng thể an ninh quốc gia.

Đối chiếu với các yêu cầu tích hợp đa ngành, Quy hoạch tỉnh làm theo cách cũ chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung quy hoạch trong Luật Quy hoạch (Điều 21 Khoản 2, 3): “Việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập quy hoạch phải bảo đảm thống nhất giữa kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái.

Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.”

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành và được phê duyệt, nhưng vẫn còn đó những vấn đề tồn tại. Hy vọng Hà Nội nhận ra được bài học để chọn tư vấn đủ năng lực.

Pháp lý xây dựng

Các giá trị bền vững của kiến trúc cho tương lai

Sáng ngày 12/12, tại Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai – Những nội hàm hướng tới. Tọa đàm có sự tham gia của các KTS, nhà nghiên cứu kiến trúc. Sau đây, Tạp chí xin chia sẻ những đóng góp của họ trong Tọa đàm.

Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt tạo ra cơ hội và giá trị mới cho Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt là công cụ quan trọng để quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển mới. Nhân dịp này Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã trao đổi với ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội và nhận được ý kiến sau.

Những bài học phát triển đô thị bền vững và sáng kiến tại Hà Nội (Phần 2)

Ngày 6/12/2024 Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển đô thị bền vững và trung hòa carbon tại Việt Nam”. Tác giả tham gia với nội dung liên quan tới việc các hành động chụ thể để cư dân thủ đô di chuyển an toàn – thân thiện – công bằng.

Đô thị phát triển bền vững sẽ nhận được nguồn lực đầu tư bền vững (Phần 1)

Ngày 6/12/2024 Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển đô thị bền vững và trung hòa các-bon tại Việt Nam”. Tác giả tham gia với nội dung liên quan tới việc các hành động chụ thể để cư dân thủ đô di chuyển an toàn – thân thiện – công bằng.

Chuyển đổi khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội: Loại bỏ sai lầm càng sớm càng tốt

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được coi là một biểu tượng của sự lãng phí ở Hà Nội. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng để phù hợp với đời sống của người dân là điều tất yếu. Tuy nhiên, cần quan tâm đến phương án chuyển đổi và vận hành, không để lãng phí thêm.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi