Phát triển nhà ở, bất động sản theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng
Có thể bạn quan tâm
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành xây dựng là lĩnh vực đóng góp rất lớn vào lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng với hơn 30% lượng khí thải trên toàn cầu, là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu, dẫn đến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy và giông bão mạnh, điển hình là cơn bão Yagi vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng đến con người và nhà cửa của người dân các tỉnh phía Bắc.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam vẫn luôn quan tâm tới công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho các đối tượng yếu thế. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ đề ra các giải pháp để phát triển số lượng, mà còn quan tâm đến nâng cao chất lượng sống theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp.
Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" được Chính phủ phê duyệt năm 2023 với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngày 24/5/2024, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội; đồng thời có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải cácbon thấp.
PGS.TS Mai Thị Liên Hương nhận định, theo xu hướng tất yếu hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội được yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn "xanh" cho công trình, bao gồm đầy đủ tiện ích về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Việc xây dựng nhà ở xã hội xanh không chỉ giúp giảm phát thải mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà không làm tăng giá nhà.
Nếu như trong vòng 10 năm qua, chỉ có gần 300 công trình được cấp chứng nhận, thì năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của số lượng công trình được cấp chứng nhận công trình xanh, theo thông tin từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đến hết quý 2/2024, Việt Nam đã có tổng số 476 công trình xanh tương đương với 11,489 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh. Việt Nam đã có nhiều tòa nhà thương mại đạt các tiêu chuẩn xanh trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội xanh mà không gia tăng chi phí vẫn là một thách thức, đòi hỏi sự chung tay không chỉ của các chủ đầu tư mà toàn xã hội.
Hội thảo: “Phát triển nhà ở, bất động sản theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng” sẽ thảo luận về các giải pháp thúc đẩy sự phát triển nhà ở cho mọi đối tượng nhằm đảm bảo chất lượng không gian sống và lợi ích môi trường.
Hội thảo sẽ tập hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và xây dựng để Bộ Xây dựng có thể hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phát triển nhà nói chung và nhà ở xã hội xanh, tiết kiệm năng lượng nói riêng. Đồng thời tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ và thực thi có hiệu quả của tất cả các bên liên quan trong hoạt động thúc đẩy phát triển công trình nhà ở, công trình xanh và các loại hình công trình phát thải thấp, phát thải bằng không, qua đó đóng góp thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của quốc gia vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Nội dung phiên tham luận bao gồm:
Chiến lược phát triển nhà ở Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045: Đảm bảo chất lượng không gian sống và lợi ích môi trường
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó trưởng phòng Quản lý, phát triển nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản
Giải pháp phát triển nhà ở xã hội xanh và tiết kiệm năng lượng: Hành trình hiện thực hóa
TS. Trịnh Hồng Việt - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia
Phát triển mái nhà xanh tại Hà Nội: Hiệu quả và kinh nghiệm triển khai
Ông Tobias Kuester-Campioni Đại học Tổng hợp Dortmund
Phát triển nhà ở cao tầng xanh trong những đô thị bền vững ở Việt Nam
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám Đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang
Giải pháp tổng thể: Nâng tầm chất lượng cuộc sống và Cam kết tác động xanh
Ông Nguyễn Lý Tưởng, Giám đốc kinh doanh, bộ phận Dự án, Panasonic Air-Conditioning Việt Nam
Ánh sáng cho cuộc sống xanh và bền vững
Ông Ngô Tấn Cang, Giám đốc phòng thiết kế và giải pháp chiếu sáng, Signify Việt Nam (Philips Lighting Việt Nam)
Cùng ngày 3/10, song song với Hội thảo chuyên đề 1 sẽ diễn ra Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lại xanh”; Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề: “Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh”; Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề: “Kết hợp hiệu quả các giải pháp công nghệ và thiết bị hướng tới công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải”.
Một số hình ảnh Triển lãm Tuần lễ công trình xanh 2024:
Ý kiến của bạn