Phát triển công trình xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Phát triển công trình xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

(Vietnamarchi) - Phát triển bền vững và công trình xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu trong bối cảnh Biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai ngày càng gia tăng. Xây dựng và phát triển công trình xanh (CTX) là xu hướng tất yếu để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam và ứng phó với Biến đổi khí hậu.
16:39, 08/11/2024

Với mục tiêu net-zero vào năm 2050, Việt Nam cũng đã xây dựng các kế hoạch phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Các xu hướng nghiên cứu và phát triển công trình xanh ngày càng được chú trọng, điều này giúp hạn chế những tác động của thời tiết cực đoan, đồng thời giảm hiệu ứng nhà kính. Bài viết đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến con người và đến các ngành các lĩnh vực trong đó tác động rất lớn đến ngành xây dựng và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm phát triển công trình xanh, từ đó góp phần quan trọng vào phát triển thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường.

1. Biến đổi khí hậu (BĐKH) và ảnh hưởng đối với Việt Nam

Biến đổi khí hậu là những biến đổi trong môi trường vật lý hoặc sinh học gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và ảnh hưởng đến hoạt động của các hệ thống kinh tế - xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc lợi của con người. (Theo công ước chung của LHQ về biến đổi khí hậu).

Những ảnh hưởng đầu tiên do BĐKH có thể nhận thấy là hạn hán, lũ lụt, nguồn nước, hệ sinh thái, nước biển dâng, nông nghiệp, rừng, sức khỏe con người. Ảnh hưởng rõ nhất như: Nhiệt độ cao, tăng số lượng và diện tích các vùng hạn hán - sa mạc hóa, tăng cường mức độ bão, nước biển dâng, tăng tốc xói lở bờ biển, tăng độ mặn và các chất rắn trong nước biển, tăng các dòng chảy của sông… Những ngành bị tổn thương lớn nhất do BĐKH là nông nghiệp, thủy sản, du lịch...; đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em.

BĐKH làm thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm sản lượng và năng suất cây trồng, dự báo gây tổn thất khoảng 0,4% GDP vào năm 2030. Hơn nữa, nhiệt độ môi trường tăng làm năng suất lúa giảm, dự báo giảm khoảng 4,2%/năm (2) và mực nước biển dâng 13cm vào năm 2030 sẽ làm năng suất lúa giảm 9%(3). Biến đổi khí hậu làm giảm trữ lượng của các loài thủy sản. Dự báo đến năm 2030, thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP (4). BĐKH làm sụt giảm nguồn cung nguyên liệu do nước biển dâng gây ngập lụt cho các khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. BĐKH thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang các ngành khác, khiến một bộ phận lớn lao động di cư từ nông thôn ra các đô thị, làm gia tăng áp lực cho khu vực thành thị. BĐKH cũng làm cho các các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Nguồn cung năng lượng hóa thạch cũng ngày càng cạn kiệt.

R
Hình 1: Những biểu hiện của biến đổi khí hậu.
Hình 2: Khí thải CO2 được thải ra từ các nhà máy
Hình 2: Khí thải CO2 được thải ra từ các nhà máy. 
R
Hình 3: Minh họa hiện tượng hiệu ứng nhà kính.
R
Hình 4: Quỹ đạo quay của Trái Đất bị biến đổi (Nguồn: Internet).

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế và ổn định sáu loại khí nhà kính chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6. Tất cả các lọai khí này đều có đặc tính hấp thụ tia bức xạ hồng ngọai từ bề mặt trái đất lên không gian, việc này dẫn đến sự nóng lên của trái đất. Thời gian gần đây, Việt Nam phải thường xuyên hứng chịu những cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên là kết quả của biến đổi khí hậu, rõ nhất là cơn bão Yagi hay còn gọi là cơn bão số 3 đã tác động đến Miền Bắc Việt Nam vừa qua.

2. Xu hướng công trình xanh ứng phó với biến đổi khí hậu

Sự ra đời công trình xanh và cách mạng công trình xanh:  

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, đã nảy sinh các khuynh hướng kiến trúc mới nhằm đưa con người trở lại với thiên nhiên, lấy lại sự cân bằng giữa môi trường thiên nhiên và con người. Từ đó ra đời khái niệm “Kiến trúc xanh/Công trình xanh/Green Building” như là hoạt động đóng góp quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất của lĩnh vực xây dựng để ứng phó lại biến đổi khí hậu và bảo đảm sự phát triển bền vững của trái đất.

R

R
Hình 5: Hình ảnh siêu bão Yagi.

Công trình xanh đòi hỏi các giải pháp đề xuất trên bốn lĩnh vực: giảm năng lượng sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm bên ngoài và làm tổn hại môi trường, giảm năng lượng và tiêu hao tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm bên trong và tổn hại sức khoẻ con người. Như vậy, công trình xanh đòi hỏi công trình kiến trúc phải giảm áp lực lên môi trường, giảm và xử lý chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hay nói một cách khác là kiến trúc phải thân thiện với môi trường tự nhiên, không làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của môi trường sống trên trái đất. Các thuật ngữ “phát triển bền vững” và “xanh” thường được sử dụng thay thế cho nhau, và đã được công nhận trong kiến trúc, năng lượng và xây dựng trong thập kỷ qua, trong bối cảnh thế giới trở nên nhạy cảm hơn với các vấn đề môi trường và BĐKH.

Ban đầu sự xuất hiện của “Công trình xanh/Green Building” chỉ như một làn sóng (the wave), đến năm 2006 đã trở thành một cơn bão (the storm) và đến 2009-2010 được coi là “Cuộc cách mạng Công trình xanh/ The Green Building Revolution”. Trong đó phải kể đến Mỹ là nước có hoạt động công trình xanh mạnh mẽ nhất thế giới và đạt kết quả khả quan nhất. Bên cạnh đó cũng phải kể đến các nước như Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Australia, Singapore… Cho tới nay, công trình xanh đã trở thành một xu hướng của thời đại. Ở mức độ cao hơn nữa, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình “superlow energy building hay “zero energy building” là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng nhờ khả năng tự tạo ra năng lượng phục vụ chính nó, thậm chí còn cung ứng thêm vào mạng lưới; hay mô hình "carbon-neutral building" là những công trình từ vật liệu xây dựng đến khi đưa vào sử dụng đều không phát ra khí CO2. Như vậy, từ khái niệm công trình xanh ban đầu, thế giới liên tục nâng cao chuẩn xanh, phát triển các mô hình thiết kế và xây dựng mới ngày càng hiệu quả về tài nguyên và môi trường. Công trình xanh đã chứng tỏ mang lại hiệu quả nhiều mặt: Hiệu quả môi trường, lợi ích xã hội thông qua và các lợi ích kinh tế rõ rệt.

Sự quan tâm của toàn thế giới tới BĐKH thể hiện rõ rệt nhất từ tháng 6/1992 trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Brazil. Tại đây đã thông qua “Công ước khung về BĐKH”. Tháng 12/1997 “Nghị định thư Kyoto” về giảm các khí nhà kính được các bên tham gia Công ước thông qua, Việt Nam là một trong hơn 180 quốc gia trên thế giới đã ký kết Công ước này. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ “Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050” tại Hội nghị COP 26, và lộ trình đã được xác định trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ. Năm 2024, Việt Nam đã có sàn giao dịch tín chỉ Carbon đầu tiên và đang thu lợi nhuận từ việc bán tín chỉ này. Chính phủ Việt Nam đã ký hai quyết định liên tiếp vào (ngày25;26 tháng 7/2022) là Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu”. Mục tiêu tổng quát của đề án là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Công trình xanh và trách nhiệm của cộng đồng

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, trào lưu kiến trúc tại các nước phát triển lan sang các nước đang phát triển như Việt Nam được xem như là một mô hình lý tưởng. Những mô hình công trình xanh này khiến các nước đang phát triển choáng ngợp bởi các giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu xây dựng hiện đại. Tuy nhiên việc ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng của từng nước, từng địa phương còn đang là một khoảng trống lớn. Việc hiện thực công trình xanh đang gặp rất nhiều trở ngại.

 Tòa nhà trụ sở của Viettel đạt tiêu  chuẩn của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ.
Hình 6: Tòa nhà trụ sở của Viettel đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ.
Hình 7: Trường liên cấp Genesis
Hình 7: Trường liên cấp Genesis (Nguồn Internet).

Tại Việt Nam đã xuất hiện các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công trình xanh nhưng vẫn chưa có những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường công trình xanh Việt Nam chậm phát triển. Việc thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích gì từ các cơ quan có thẩm quyền. Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý công trình xanh. Hơn nữa, nhận thức về công trình xanh vẫn còn chưa chính xác, hầu hết công trình xanh đều được mọi người hiểu phiến diện rằng nghĩa là nhiều cây xanh. Tuy nhiên, công trình xanh phải đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu… ngoài ra phải đảm bảo không tác động xấu tới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường.

Để đạt được cam kết đặt ra về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự tham gia tích cực và sự phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư, nhà phát triển cũng như các Kiến trúc sư. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàng phát triển công trình xanh, tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức, chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ, chưa có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý. Những năm gần đây, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều nỗ lực trong phát triển công trình xanh như tổ chức các sự kiện, hội thảo nhằm thúc đẩy xu hướng công trình xanh trong ngành xây dựng Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tiếp nối và lan tỏa sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam hàng năm, nhiều công trình xanh của các đơn vị doanh nghiệp, chủ đầu tư đã được vinh danh và khen tặng trong sự kiện.

Các cơ sở pháp lý để xây dựng công trình xanh

Về mặt thể chế, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, cùng hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy phát triển công trình xanh trong cả nước.

Theo Thống kê của Bộ xây dựng, tính đến hết năm 2022, cả nước mới chỉ có 233 công trình đã được chứng nhận và hơn 20 công trình khác đang được đánh giá là “Công trình xanh” với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu mét vuông sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh - con số khiêm tốn so với số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua. Việt Nam đang sử dụng các công cụ đánh giá công trình xanh chính như sau:

1. Công cụ đánh giá CTX do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn theo đặt hàng của Bộ Xây dựng

2. LOTUS - Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ và là thành viên của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới thực hiện.

3. LEED - Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Mỹ nghiên cứu và áp dụng cho cả các công trình trong và ngoài lãnh thổ Mỹ;

4. Green Mark - Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hiệp hội Công trình Xanh Singapore, trực thuộc Bộ Xây dựng Singapore đề xuất.

5. Tiêu chí Kiến trúc xanh - Hệ thống đánh giá do Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất.

6. Hệ thống EDGE - Hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả do Tổ chức Tài chính Quốc tế, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế Giới sáng tạo;

Trong đó các công cụ được giới thiệu đầu tiên tại Việt Nam là LEED, Green Mark và LOTUS, các hệ thống này thực hiện từ năm 2007 nhưng cho tới nay cũng chỉ đánh giá một số lượng công trình xanh khiêm tốn. Các công cụ LOTUS và hệ thống đánh giá KTX của hội KTS Việt Nam có nhiều các tiêu chí gắn liền với các tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam hơn do được phát triển bởi các tổ chức khác tại Việt Nam, cho tới nay, hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức 05 kỳ trao giải cho 49 công trình Kiến trúc xanh. Tuy nhiên, hầu hết các chủ đầu tư nước ngoài và cả những chủ đầu tư Việt Nam vẫn lựa chọn các bộ công cụ quốc tế như LEED và Green Mark do các bộ công cụ này mang lại giá trị quảng bá cao hơn. Dẫn đầu là LEED với nhiều công trình đã đạt chứng chỉ và khoảng 20 công trình hiện đang được đánh giá, trong khi đó Green Mark và LOTUS cũng chỉ dừng lại ở con số 12 công trình đã và đang được đánh giá cho mỗi loại hệ thống. Trong năm 2014, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cũng đã cho ra đời bộ công cụ CTX với mục tiêu tạo ra một công cụ thuần Việt, tuy nhiên cho tới nay công cụ mới chỉ được áp dụng đánh giá thành công cho một công trình chung cư tại Hà Nội. Xuất hiện cuối cùng nhưng đang giữ tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là công cụ EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Các bộ tiêu chí đánh giá chưa thống nhất và chưa ban hành thành Luật, nghị định, quy định, Bộ Xây dựng cần thống nhất các tiêu chí này để sử dụng ở Việt Nam. Đặc biệt cần thống nhất các đơn vị nghiên cứu, phát triển công trình xanh ở Việt Nam như Hội đồng công trình xanh Việt Nam - VGBC (Tổ chức phi chính phủ); Các chuyên gia nghiên cứu của Bộ xây dựng; Các chuyên gia nghiên cứu trong các hội nghề nghiệp; các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, Hội Kiến trúc sư. Các chuyên gia nghiên cứu khác thành Hội Công trình xanh.

3. Các giải pháp phát triển công trình xanh ứng phó với Biến đổi khí hậu

a) Giải pháp về tạo lập môi trường pháp lý trong xây dựng công trình xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo “Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 khoảng 30% công trình xây mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 20% số lượng công trình xây mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí xanh, giảm 10-15% mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình/m2 sàn so với năm 2010…Phấn đấu đến năm 2030 con số này là 40% đối với công trình xây bằng vốn ngân sách nhà nước và 30% công trình xây bằng vốn tư nhân đạt tiêu chí xanh, mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2030 giảm tiếp 5-10% so với năng 2020.

Bộ xây dựng tiến hành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển CTX, làm rõ trong hệ thống pháp luật các khái niệm, thuật ngữ CTX, công trình hiệu quả năng lượng. Đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển CTX, công trình hiệu quả năng lượng. Bộ sớm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành CTX, công trình hiệu quả năng lượng. Nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Đồng thời xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chứng nhận CTX phù hợp với điều kiện Việt Nam; bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho CTX. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện hàng lang pháp lý, khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong quá trình xây dựng.

Xây dựng, tạo lập và phát triển thị trường CTX như tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục các tầng lớp trong xã hội hiểu về lợi ích của CTX nhằm mục đích kích thích nhu cầu xã hội đối với CTX. Chuyển hướng quan tâm của thị trường xây dựng từ giá thành sang giá trị của công trình. Phát huy thực hiện các “Mua sắm xanh”, đẩy mạnh công cụ “Tín dụng xanh”, “Trái phiếu xanh” để tạo vốn xây dựng CTX. Biểu dương và tôn vinh các nhà đầu tư có trách nhiệm để bảo vệ và gìn giữ môi trường chung. Xây dựng các chiến lược, mục tiêu dài hạn: Xác định các mục tiêu phát triển CTX toàn diện trên phạm vi toàn quốc, có hiệu quả, vững chắc và nhanh, nhằm mục tiêu theo kịp trình độ của các nước phát triển CTX trung bình trên thế giới vào năm 2030. Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển CTX, đặc biệt quan tâm đến các cơ chế nhằm tháo gỡ tất cả các rào cản đối với phát triển CTX, ưu đãi về vật chất và phi vật chất đối với các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào xây dựng CTX. Xác định mục tiêu và lộ trình cụ thể cho các địa phương xây dựng CTX, tiến tới xây dựng các đô thị xanh, hình thành lối sống xanh.

“Công trình xanh” là vấn đề địa phương nên không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm các nước hàn đới vào Việt Nam được, do đó cần có một hệ thống đánh giá công trình xanh như các nước đang tiến hành, ứng dụng cụ thể vào Việt Nam. Hệ thống đánh giá này phải được xây dựng trên một hệ thống chứng thực rõ ràng, lấy phương thức định lượng để kiểm tra hiệu quả, đồng thời đưa ra thị trường những hạn chế và quy định, thúc đẩy nghiên cứu các yếu tố môi trường trong quá trình thiết kế, vận hành, quản lý và bảo vệ, hướng kiến trúc phát triển trên quỹ đạo tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Các kiến trúc sư trong quá trình thiết kế cần nắm vững cơ sở về điều kiện khí hậu địa phương, thông thạo các lĩnh vực liên quan như sản xuất năng lượng, tái chế chất thải, sử dụng có hiệu quả năng lượng và vật liệu... nhằm tạo lập một phong cách kiến trúc mới trên cơ sở truyền thống Việt Nam bắt nguồn từ điều kiện thiên nhiên, khí hậu, và các phong tục, tập quán, văn hoá bản địa, kết hợp với các tiêu chí “xanh” trong thời hiện đại.

Có chính sách khuyến khích và có chế tài cho các nhà đầu tư áp dụng mô hình “Công trình xanh”, vì công trình “Công trình xanh” có suất đầu tư ban đầu lớn hơn nhưng mang lại nhiều hiệu quả trong quá trình sử dụng và ích lợi đối với cả môi trường và cộng đồng. Bộ Xây dựng cũng cần xây dựng một chương trình hay một chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng trong đó có hệ thống tiêu chuẩn được bắt đầu từ những vật liệu xây dựng thông dụng.

Trước những thách thức nêu trên, việc xác định phương thức phát triển bền vững thông qua việc xây dựng công trình theo hướng xanh hóa là phù hợp và có ý nghĩa quan trọng. Định hướng chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh nhằm cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh theo hướng tích hợp các công nghệ mới, các giải pháp quản lý, quy hoạch, thiết kế, xây dựng và khai thác đảm bảo tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và thân thiện với môi trường, góp phần vào giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

b) Giải pháp về thay đổi nhận thức, thói quen và định hướng xây dựng công trình xanh và quá trình sử dụng, vận hành công trình nhằm tiết kiệm năng lượng

Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, chủ đầu tư, các doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về CTX và những lợi ích mang lại của CTX. Đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng CTX. Đào tạo, hướng dẫn việc quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX. Tuyên truyền, trang bị cho người sử dụng những kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX, vận hành tất cả các hệ thống thiết bị trong CTX phải được giám sát và cần thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các vấn đề tiết kiệm năng lượng, cho người dân thấy được tầm quan trọng, mối liên hệ giữa mỗi cá thể riêng lẻ có tác động như thế nào đến môi trường chung mà họ đang sống, cho họ thấy được các ưu điểm trong việc xây dựng các công trình xanh.

+ Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về công trình xanh đến cộng đồng xã hội; thúc đẩy áp dụng nguyên tắc công trình xanh trong các hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển kiến trúc- đô thị nông thôn.

+ Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến các tiêu chí công trình xanh phục vụ hoạt động thiết kế quy hoạch, kiến trúc, thi công xây dựng công trình, sử dụng vật liệu xây dựng, áp dụng kỹ thuật và công nghệ xây dựng và quản lý hạ tầng-môi trường đô thị, khu dân cư nông thôn.

+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công trình xanh cho giới KTS, các cá nhân khác có liên quan và quan tâm đến sự nghiệp phát triển công trình xanh.

c) Giải pháp nâng cao nghiệp vụ và sử dụng công cụ tin học trong quá trình thiết kế công trình xanh

Công trình xanh và các ứng dụng tin học trong phân tích năng lượng tòa nhà: Sử dụng xây dựng mô hình thông tin điện tử (BIM: Building Information Management) và sử dụng các phần mềm mô phỏng năng lượng của tòa nhà để hiểu và dự đoán các hiệu quả của thiết kế hình thức công trình lên năng lượng sử dụng cho các ý tưởng khác nhau. Sử dụng BIM để thiết lập kế hoạch và thiết kế các bước của dự án, kiểm soát vòng đời của công trình, bao gồm cả chi phí thiết kế, quản lý xây dựng, quản lý dự án và vận hành chức năng.

Hình 8: Tập hợp các sơ đồ hiển thị cả quy trình Mô hình hóa thông tin xây dựng cũ và mới (Mô hình thông tin điện tử BIM) (Nguồn: Internet).
Hình 8: Tập hợp các sơ đồ hiển thị cả quy trình Mô hình hóa thông tin xây dựng cũ và mới (Mô hình thông tin điện tử BIM) (Nguồn: Internet). 

Nâng cao nghiệp vụ và sử dụng các công cụ tin học trong quá trình thiết kế công trình xanh: Trong quá trình thiết kế, với mục tiêu thiết kế công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, người kiến trúc sư, chủ đầu tư có thể kết hợp với các chuyên gia tư vấn về lĩnh vực công trình xanh, kết hợp với giải pháp về BIM để phân tích năng lượng tòa nhà, để có những thay đổi thích hợp về giải pháp nhằm thiết kế công trình xanh, tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, cần cải cách ngay từ trong trường học về lĩnh vực này.

d) Giải pháp thiết kế tổng thể bền vững (hình thức công trình, hướng công trình, quy hoạch tổng thể công trình…)

Bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng: Không xây dựng trên nền đất có giá trị sinh thái cao, khu đất có giá trị nông nghiệp. Đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực xây dựng nhà ở mới. Có biện pháp hạn chế tác động môi trường trong quá trình xây dựng.

Địa điểm xây dựng: Không xâm lấn đất nông nghiệp. Khi công trình nằm trong khuôn viên khu vực bảo tồn, có quy chế quản lý riêng, hoặc nằm kề công trình di tích lịch sử thì thiết kế phải tuân thủ theo quy chế riêng hoặc Luật Di sản Văn hóa. Xây dựng CTX phải tạo được sự hài hòa với kiến trúc khu vực; Bảo vệ an toàn các công trình kế cận, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và các tiêu chuẩn liên quan.

Chọn hướng công trình tối ưu nếu có thể: Lựa chọn hướng và thiết kế tổng thể công trình sẽ ảnh hưởng đến năng lượng sử dụng của tòa nhà trong suốt vòng đời của nó. Hướng của công trình bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tự nhiên và xây dựng, quy hoạch về nhiệt và mức độ tiếp xúc với mặt trời, hướng gió, nhiệt đô, chất lượng ánh sáng khác nhau ở các vị trí khác nhau và thời gian khác nhau trong ngày. Ngoài ra, tính đến tâm lý bảo mật của chủ nhân ngôi nhà, mô hình phát triển của khu vực, khu đô thị, tổ chức không gian, sử dụng đất đai, quy hoạch thiết kế đô thị, lối tiếp cận, bãi đỗ xe, các yếu tố thẩm mỹ…Đối với các khu vực nội đô thì hướng của công trình phụ thuộc nhiều vào quy chế, quy định kèm theo quy hoạch hay thiết kế đô thị từng khu vực.

Giải pháp quy hoạch tổng thể công trình: Trong quá trình quy hoạch khu đô thị, định hướng không gian để có thể tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên. Tận dụng các khu vực được che nắng nhiều (đặc biệt vào mùa hè để sử dụng làm sân chơi cho trẻ em).

Mật độ xây dựng thấp hơn mật độ xây dựng theo Quy chuẩn, quy chế tương đương: Mật độ xây dựng phù hợp với QCVN 01:2021 và với các khu đất có diện tích lớn hơn 75m2 nhằm tăng diện tích thấm nước bề mặt.

Thảm xanh, không gian xanh, bố trí hệ thống cây xanh, không gian mở, không gian xanh ở vị trí phù hợp và giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Hạn chế phá vỡ nước ngầm do bề mặt không thấm nước, định vị các cây trồng hoặc hệ thực vật khác để cung cấp bóng mát cho ít nhất 50% khu vực đi bộ, sân trong nhà. Thiết kế diện tích thảm xanh tương đương với 70% diện tích khu đất (không bao gồm diện tích mái).

Nguồn lực cộng đồng (hạ tầng xã hội): Đảm bảo các chức năng cơ bản về hạ tầng xã hội phục vụ cho các nhóm nhà ở.

e) Giải pháp sử dụng nguồn năng lượng sạch và hiệu quả: Tối ưu hóa năng lượng sử dụng, thiết kế vỏ nhà hợp lý, sử dụng năng lượng chiếu sáng phù hợp. Quản lý tốt hệ thống Điều hòa không khí và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí, quản lý chất làm lạnh, năng lượng xanh và tái tạo tại chỗ.

g) Giải pháp về sử dụng nước hiệu quả: Tái chế/tái sử dụng nước. Hiệu quả sử dụng nước trong nhà. Hiệu quả sử dụng nước ngoài nhà. Giám sát sử dụng nước: Giám sát việc sử dụng nước, tránh rò rỉ, thất thoát, lãng phí.

Hình 9: Nghiên cứu về mức độ sử dụng năng lượng cho các trang thiết bị công trình - tại vùng có khí hậu ôn đới (Nguồn:Trung tâm nghiên cứu năng lượng Mỹ).
Hình 9: Nghiên cứu về mức độ sử dụng năng lượng cho các trang thiết bị công trình - tại vùng có khí hậu ôn đới (Nguồn:Trung tâm nghiên cứu năng lượng Mỹ).

 h) Giải pháp sử dụng vật liệu và nguồn nguyên vật liệu bền vững:

Phát triển sản xuất vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng. Sử dụng vật liệu không phát sinh chất ô nhiễm độc hại đối với sức khỏe của con người. Phát triển sử dụng vật liệu nhẹ, vừa có khả năng cách nhiệt tốt, giảm tải trọng tự thân công trình, do đó giảm chi phí cho kết cấu chịu lực và nền móng công trình. Tái sử dụng và tái chế chất thải (đặc biệt là chất thải xây dựng). Ưu tiên sử dụng vật liệu và các chế phẩm từ vật liệu tự nhiên có thể tái sinh nhanh, sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu không nung.

Lưu giữ, thu gom, quản lý chất thải xây dựng. Hiệu quả vật liệu khung. Tái sử dụng cấu kiện, vật liệu. Vật liệu xanh, vật liệu địa phương.

Hình 10: Thép tái chế
Hình 10: Thép tái chế. 
Hình 11: Đất nện.
Hình 11: Đất nện.

 

Hình 12:Terrazzo
Hình 12:Terrazzo.
Hình 13:Xi măng bio compozit
Hình 13: Xi măng bio compozit.

n) Giải pháp thiết kế đảm bảo chất lượng môi trường trong nhà Kiểm soát khói thuốc, khí thải và chất độc hại. Chiếu sáng.

Thông gió tự nhiên và thông gió cơ khí. Kiểm soát độ ẩm của không khí. Sử dụng vật liệu ít phát thải. Bảo vệ chất ô nhiễm từ gara ô tô (nếu có). Kiểm soát tiếng ồn.

m) Giải pháp quản lý và vận hành công trình

Lập và quản lý dự án trong quá trình thiết kế và xây dựng theo các giai đoạn vận hành, giai đoạn sử dụng. Giáo dục nhận thức của người sử dụng và quản lý tòa nhà.

k) Giải pháp đổi mới trong quá trình thiết kế và xây dựng 

Ứng dụng phần mềm tin học phân tích năng lượng tòa nhà để đưa ra các giải pháp về thiết kế, công nghệ trước khi thực hiện. Ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng công trình như xây dựng theo dạng module lắp ghép. Ứng dụng các vật liệu hiện có để tạo nên những hình thức, kết cấu mới cho công trình xanh. Ứng dụng và sáng tạo các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới vào các tòa nhà, áp dụng sáng tạo các giải pháp thiết kế thụ động trong công trình xanh.

4. Kết luận

Năm 2024, BĐKH đã tác động trực tiếp đến Việt Nam qua nhiều hiện tượng thiên nhiên như bão lụt, lũ quét, sạt lở đất v.v. ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vùng của đất nước. Chính vì vậy, giải pháp công trình xanh để thích ứng, giảm nhẹ, đảm bảo khả năng xoay chuyển linh hoạt, đa dạng trước các tác động của BĐKH là xu hướng tất yếu của ngành xây dựng Việt Nam hiện nay  nhằm đáp ứng được các giá trị về kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại và tương lai. 

Kiến nghị các hành động để phát triển công trình xanh có hiệu quả  và thiết thực như sau:

(1) Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp tổ chức, huy động sự tham gia của tất cả các Bộ ngành, các tổ chức, cơ quan, các hội nghề nghiệp và các bên liên quan khác để tổ chức xét, công nhận, cấp chứng chỉ và trao giải thưởng đối với các công trình đạt tiêu chí là công trình xanh. Tổ chức các giải thưởng, sự kiện tôn vinh các doanh nghiệp tiên phong thực hiện CTX, các đơn vị tư vấn xanh có nhiều đóng góp, các địa phương có số lượng CTX gia tăng mạnh mẽ và các nhà cung ứng vật liệu và thiết bị xanh.

(2) Phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ về các giải pháp thiết kế và xây dựng công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam. Rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên.  

(3) Thúc đẩy CTX ở khu vực đầu tư công như khuyến khích việc tiên phong trong xây dựng các công trình vốn Nhà nước đạt tiêu chí công trình xanh.  Xây dựng khung hướng thực hiện CTX về các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan đến tài chính thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân.

(4) Tổ chức đào tạo nhân lực có đủ trình độ để phát triển công trình xanh. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công trình xanh cho cộng đồng. 

(5) Huy động sự tham gia phát triển công trình xanh của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, đặc biệt là huy động sự tham gia của các Hội chuyên ngành của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, như là các Hội: Môi trường Xây dựng, Môi trường đô thị và công nghiệp, Vật liệu Xây dựng, Chiếu sáng, Cấp thoát nước v.v… Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

(6) Tăng cường quan hệ hợp tác với Hội đồng công trình xanh quốc tế và Hội đồng công trình xanh của các nước trên thế giới trong phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Viện Kiến trúc Quốc gia – Hội thảo: Phát triển kiến trúc xanh tại các đô thị ven biển - 9.2024 

2. TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận. Giải pháp thiết kế nhà ở theo tiêu chí Kiến trúc xanh tại Hà Nội 3.TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận - Khai thác truyền thống tiến tới xây dựng mô hình kiến trúc xanh hiện đại cho khu dân cư đô thị và nhà ở đô thị. - Tạp chí KTVN 

4. TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận - Xây dựng và áp dụng tiêu chí kiến trúc xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam. – Tạp chí KTVN 

5. TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận. “Tiêu chí đánh giá công trình xanh” -  Đề tài nghiên cứu của Bộ

Xây dựng

6. Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn- Nghiên cứu Thiết kế nhà cao tầng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

7. TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận & nhóm nghiên cứu VIAP. “Nghiên cứu mô hình kiến trúc xanh tại Việt Nam nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”

Bài viết có bổ sung ảnh đại diện minh họa (Nguồn ảnh: Internet).

Pháp lý xây dựng

Những lý do khiến nhà vườn được nhiều gia chủ lựa chọn hiện nay

Nhà vườn đẹp không chỉ là không gian sống lý tưởng, mà còn là nơi giúp kết nối con người với thiên nhiên, mang lại cảm giác thư giãn, an lành. Từ những ngôi nhà đơn giản nhưng tinh tế, đến những thiết kế sang trọng, phá cách, mỗi mẫu nhà vườn đều toát lên vẻ đẹp riêng biệt, tạo nên một không gian sống hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Dưới đây là một số lý do khiến nhà vườn được nhiều gia chủ lựa chọn…

Bắc Giang: Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới

Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển của du lịch gắn với xây dựng NTM ở Bắc Giang. Việc quy hoạch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu, vừa đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Bắc Giang: Phát triển quy hoạch vùng sản xuất góp phần xây dựng NTM bền vững

Bắc Giang, một tỉnh nằm ở phía Bắc Việt Nam, được biết đến với nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Với lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực, tỉnh Bắc Giang đã xác định việc quy hoạch phát triển vùng chuyên canh là một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế hướng tới xây dựng Nông thôn mới bền vững.

Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng từ định hướng đến các giải pháp Kiến trúc cho công trình

Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng luôn là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết. Bởi lẽ, điều này giúp thúc đẩy sử dụng bền vững và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên theo tinh thần nương nhờ, tạo ra môi trường bên trong và bên ngoài an toàn, tiện nghi, bảo vệ sức khỏe cho con người góp phần bảo tồn phát huy văn hóa bản địa và hội nhập tiên tiến trên tinh thần không hòa tan… Do đó, tại phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 được diễn ra vừa qua tại TP. Hà Nội. TS. KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã có bài tham luận trình bày rõ về chủ đề này.

Phát triển công trình xanh - Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Bài viết đề cập đến sự cần thiết của việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày một phúc tạp, khó lường. Từ những đánh giá về hiệu quả nhiều mặt của công trình xanh, có thể thấy việc xây dựng và phát triển công trình xanh không chỉ để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, mà còn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Bài viết đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm phát triển công trình xanh, từ đó góp phần quan trọng vào Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hoá” ngành Xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi