Người dân Thủ Đô kỳ vọng vào Quy hoạch Thủ đô
Quy hoạch Thủ đô kiên định với quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”
Kết luận 80-KL/TW của Bộ Chính trị đã xác định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần có "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" cả trước mắt và lâu dài. Kiên định quan điểm "con người là trung tâm của sự phát triển" nhưng Thủ đô Hà Nội sẽ được quy hoạch cho bao nhiêu người. Đây là thông tin đầu vào rất quan trọng, do vậy Kết luận 80/KL-TW đã nhấn mạnh “nghiên cứu dự báo, tính toán kỹ lưỡng vấn đề dân số, phù hợp với tốc độ đô thị hóa và phát triển của Thủ đô trong từng giai đoạn”.
Đáng lưu ý là trong bản đồ phân bổ dân cư vào các khu vực đô thị: chỉ có dân số trong nội đô và chung quanh tăng, còn vùng xa trung tâm, dân số đô thị không tăng mà còn giảm, như vậy hàng trăm km2 đất thu hồi đất tự nhiên, nông nghiệp làm đô thị mà không có người.
Quy hoạch Thủ đô mở rộng đô thị tới đâu thì đất tự nhiên, nông nghiệp giảm đi tới đó. Khi những con số dự báo dân cư còn tăng lên hay giảm đi thì việc mở rộng đất đô thị có lý do thuyết phục nhất là để chuẩn bị không gian nâng cao chất lượng đô thị mà không phải để có nhiều đất bất dộng sản để đầu cơ mua đi bán lại kiếm lời – để lại hậu quả “nhà ở có nhiều nhưng thiếu nơi ở” như hiện nay. Quỹ đất phát triển đô thị chưa có người ở cần được “Xác định khu vực dự trữ cho phát triển cho thế hệ tương lai” (trích trong Kết luận 80-KL/TW).
Trục sông Hồng sẽ là “biểu tượng mới” của Thủ đô
Trước khi lập Quy hoạch Thủ đô, Thủ tướng đã ký Quyết định 50/QĐ-TTg ngày 6/2/2023 phê duyệt “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra; có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ nguồn nước mặn, nước dưới đất, từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún mặt đất. Từng bước phục hồi mực nước sông Hồng, nguồn nước mặt bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội; phục hồi mực nước dưới đất tại các khu vực bị suy giảm quá mức.”
Ngày 4/5/2024 Thủ tướng CP ký Quyết định 368/QĐ-TTg,phê duyệt “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó xác định các khu vực hạn chế phát triển: ”Hành lang bảo vệ nguồn nước: Chú trọng bảo vệ tài nguyên nước bao gồm toàn bộ lưu vực hệ thống sông Hồng - Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam; khoanh vùng bảo vệ cụ thể, nghiêm ngặt, hạn chế bố trí phát triển, nhất là các ngành kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, gắn với yêu cầu hệ thống xử lý các vấn đề về môi trường. Hành lang bảo vệ an toàn đê điều: Ưu tiên thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng để nâng cấp đê. Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Tăng cường quản lý, sử dụng bãi sông bảo đảm không gian thoát lũ; có biện pháp cụ thể đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông. Bảo vệ không gian thoát lũ; cải tạo lòng dẫn, giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về đê điều. Xây dựng công trình chỉnh trị để đảm đảm yêu cầu thoát lũ thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ lưu lượng tại các phân lưu, hợp lưu.”. Đây là những văn bản quan trọng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống choa phát triển kinh tế xã hội. Điều đó chó thấy rõ hơn việc tuân thủ Luật đề điều,đặc biệt tại bãi sông bãi nổi. Bởi lẽ Luật Đê điều bảo vệ Hà Nội an toàn khi lũ lớn trong suốt thế kỷ 20 nhưng sẽ bảo đảm an ninh giữ nguồn nước sạch cho Hà Nội và cả vùng trong thế kỷ 21 và mai sau trước thảm họa khô hạn và ô nhiễm nguồn nước.
Quy hoạch Thủ đô cho biết “tổng lượng dòng chảy sông Hồng trong vùng nội thành Hà Nội là 81 tỷ m3 và tính đến ngoại thành Hà Nội là 30 tỷ m3. Tháng 3 là tháng có lượng dòng chảy nhỏ nhất, lượng dòng chảy của tháng này chỉ chiếm 1-2% lượng dòng chảy năm... Chất lượng nước nhiều sông hồ ở Hà Nội đang dần bị suy thoái, ô nhiễm. Một số hồ bị thu hẹp diện tích do bị lấn chiếm đất đai, san lấp để xây dựng.” Nhu cầu nước sạch Hà Nội là 2-3 triệu m3/ngày”. Quy hoạch Thủ đô dự báo tổng nhu cầu nước Hà Nội 1,7-1,9 tỷ m3/năm - chỉ bằng 40% của Bắc Giang (4,0-4,4 tỷ m3/năm). Như vậy Hà Nội ta cần không gian dự trữ 2-3 tỷ m3 nước để ứng phó với thảm họa khô hạn trầm trọng nhất. Không gian đó chỉ có thể là toàn bộ hành lang sông Hồng cùng thủy hệ Hà Nội và các vùng đất phát triển Đô thị chưa có người ở. Không gian đất dùng để giữ nước chính là “khu vực dự trữ cho phát triển cho thế hệ tương lai” (trích trong Kết luận 80-KL/TW)
Luật Thủ đô cũng xác định “Việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước”. Như vậy để Quy hoạch trục sông Hồng trở thành biểu tượng mới của Thủ đô, cần được thể hiện trong Quy hoạch Thủ đô là ưu tiên không gian thoát nước và trữ nước. Sông Hồng chỉ có thể là “ biểu tượng mới” của Thủ đô khi nó đầy nước chứ không phải là những dự án bất động sản, đầu cơ đất đai trong một vùng đô thị khô hạn và ô nhiễm. Không gian mặt nước sông Hồng và các đất dự định mở rộng thành phố nhưng chưa có người ở sẽ “giải quyết căn bản vấn đề nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng ngập” (nhiệm vụ đặt ra tại Kết luận 80-KL/TW).
Huy động nội lực, Hà Nội có thể hoàn thành cơ bản hệ thống giao thông công cộng trước năm 2035
Quy hoạch Thủ đô đang vẽ ra 14 tuyến ĐSĐT với tổng đầu tư 55 tỷ USD nhưng chưa rõ nguồn tiền đâu để thực hiện. Câu hỏi lớn hơn là hiệu quả đầu tư của mạng đường sắt đô thị (ĐSĐT) bố trí dày đặc, không phân cấp và thiếu kết nối… không theo nguyên tắc quy hoạch ĐSĐT đã được Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.
Hà Nội thiếu tiền, thiếu nhân lực chuyên môn trong lập kế hoạch phát triển ĐSĐT… nhưng có thế mạnh là những bài học thành công hay thất bại trong phát triển ĐSĐT tại Hà Nội cũng như các thành phố ASEAN trong hơn 40 năm qua. Hà Nội ta có thế mạnh là năng lực công nghệ xây dựng mặt đất và đường trên cao đã phát triển mạnh trong 20 năm qua. Trong 10 năm qua, năng lực sản xuất phương tiện vận tải công cộng chạy bằng năng lượng sạch phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp sản xuất thép (sản xuất đường ray và kết cầu thép), công nghệ thông tin, tự động hóa đã bắt đầu với những kế hoạch tự tin và khả thi. Bên cạnh đó, Hà Nội đã có sẵn mặt bằng sạch cho phát triển hàng trăm km ĐSĐT.
Hệ thống giao thông công cộng không phải chỉ có ĐSĐT mà có nhiều loại hình. Ngay ĐSĐT cũng có loại chạy tốc độ cao >60km/h dưới ngầm, loại tốc độ 35km/h trên cao và loại chậm <20km/h trên mặt đất. Ngoài ĐSĐT còn có xe Bus nhanh/ nhậm; xe lớn/nhỏ cho đến xe điện rất nhỏ gọn để gom khách, xe đạp công cộng đến hành lang an toàn cho người đi bộ tiếp cận ga trạm. Các loại hình vận chuyển công cộng có công suất vận chuyển từ 10.000 người/giờ đến 80.000 người/giờ và có giá thành đầu tư từ 5 triệu USD/km lên đến 180 triệu USD/km… Tùy theo nhu cầu đi lại và khả năng tài chính mà các thành phố lựa chọn đầu tư loại hình phù hợp. Ngoài loại hình tàu điện ngầm đắt đỏ và phức tạp đối với Việt Nam, tất cả các loại hình còn lại… các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia thiết kế, chế tạo, đầu tư và vận hành.
Nếu Hà Nội lập trình phát triển giao thông công cộng bằng cách vay tiền nhập khẩu hệ thống ĐSĐT đắt tiền thì thất bại đã được báo trước, Nhưng nếu huy động nguồn lực tiền bạc, công kỹ nghệ trong nước thì có thể hoàn thành cơ bản hệ thống giao thông công cộng trước năm 2035.
Ý kiến của bạn