
Kiến trúc Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực
Kiến trúc Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững

Theo đó, Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam - 50 năm thống nhất đất nước” được tổ chức là diễn đàn chia sẻ những góc nhìn đa chiều về thành tựu, thách thức, đồng thời đề xuất giải pháp và định hướng cho sự phát triển bền vững, hiện đại và giàu bản sắc của kiến trúc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, KTS Đặng Kim Khôi – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, trong những ngày vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các kiến trúc sư trong cả nước đang sống trong những ngày kỷ niệm lớn: 50 năm đất nước thống nhất, 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội thảo được tổ chức là dịp để giới kiến trúc sư và cộng đồng cùng nhìn và suy ngẫm, xem xét và nghiên cứu các vấn đề phân tích, từ đó tìm những ưu khuyết nhằm hướng tới một nền kiến trúc nước nhà ngày càng nở hoa kết trái giàu tính bản sắc, đậm chất hiện đại, hội nhập.
Tham dự Hội thảo, TS. KTS Dương Đức Tuấn – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao sự đồng hành, đóng góp tích cực của Hội KTS Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong nửa thế kỷ vừa qua đã cho biết, việc định hướng cho một nền kiến trúc Hà Nội vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, hài hòa với môi trường tự nhiên vẫn là một nhiệm vụ quan trọng trong tương lai.
Tại Hà Nội, kiến trúc đóng vai trò nòng cốt nhằm hiện thực hóa những quy hoạch, chú trọng bảo tồn phát triển không gian đô thị, không gian công cộng…
“Chặng đường phía trước của ngành kiến trúc còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng tôi tin tưởng rằng kiến trúc Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới, Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tạo điều kiện để Hội phát huy vai trò của mình”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Nền Kiến trúc Việt chưa thực sự khẳng định được bản sắc riêng
Tại hội thảo, GS,TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Hội KTS Việt Nam đã điểm lại thành tựu phát triển "Kiến trúc Việt Nam - 50 năm Đất nước thống nhất".
Cụ thể, sau 50 năm thống nhất đất nước, với gần 40 năm mở cửa, hội nhập quốc tế, bộ mặt kiến trúc đô thị và nông thôn ở nước ta thay đổi nhanh với nhiều thành công tuy nhiên vẫn còn hạn chế…

Trước năm 1975, KTS ở hai miền đều ý thức sâu sắc về văn hóa truyền thống, nên đã sáng tạo nhiều công trình kiến trúc mới mang tinh thần văn hóa dân tộc. Ở miền Bắc là xu hướng Hiện đại xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam là xu hướng Hiện đại quốc tế, Hiện đại nhiệt đới và Hiện đại dân tộc.
Từ năm 1986, trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, theo đó nhu cầu xây dựng tăng cao, giới KTS có nhiều cơ hội hành nghề cùng với sự tham gia của KTS nước ngoài.
Năm 2019, Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho kiến trúc phát triển. Kế thừa thành tựu của giai đoạn trước, kiến trúc hiện đại Việt Nam đang từng bước định hình theo hướng tiệm cận với thế giới. Tuy vậy, kiến trúc vẫn chưa thực sự khẳng định được bản sắc riêng. "Do đó, không chỉ say nghề mà còn vì danh dự quốc gia, các KTS vẫn miệt mài sáng tạo cho tương lai của kiến trúc Việt Nam để có thể sánh cùng với kiến trúc thế giới", GS,TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nhận định.
Hiện tại, trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn đã có những bước tiến vượt bậc. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt. Đến đầu tháng 3/2025, cả nước có 916 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa hơn 44%. Kinh tế đô thị thời kỳ đầu chiếm 30% và hiện nay đóng góp 70% GDP cả nước. Chất lượng và môi trường đô thị không ngừng được cải thiện.
Phương pháp luận quy hoạch đã có những thay đổi tích cực, từ quy hoạch xã hội chủ nghĩa phù hợp kinh tế kế hoạch hóa sang quy hoạch đáp ứng nhu cầu của kinh tế nhiều thành phần… Quy trình và nội dung quy hoạch được đổi mới theo hướng tích hợp, rút gọn và linh hoạt để phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nhận diện kiến trúc Việt Nam 50 năm, GS,TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cho biết, có 4 xu hướng và phong cách kiến trúc chính.
Một là, xu hướng kiến trúc hiện đại quốc tế với đại diện là kiến trúc cao tầng như tòa tháp Bitexco, Lanmark 81; hai là, xu hướng kiến trúc hiện đại nhiệt đới thích ứng với môi trường khí hậu và văn hóa địa phương như công trình Cung thiếu nhi Hà Nội, Nhà hát Hòa Bình, Bảo tàng lịch sử quốc gia...; ba là, xu hướng kiến trúc hiện đại dân tộc kết hợp hiện đại với truyền thống với đại diện là công trình Đài tưởng niệm đôi bờ Hiền Lương, Bảo tàng thế giới cà phê, Yên tử Legacy....; bốn là, xu hướng kiến trúc hiện đại bản địa và kiến trúc xanh như công trình cải tạo chợ Đồng Xuân, Flamingo...
"Đây là những xu hướng tiến bộ, được ưa chuộng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tất cả góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc trưng của kiến trúc đương đại Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa", GS,TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.
Với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, đô thị, GS,TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, trong nửa thập kỷ qua, lĩnh vực này đã có được nhiều dấu ấn. Hệ thống di sản kiến trúc, đô thị trên cả nước đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị có hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa có giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Di sản Thiên nhiên - Văn hóa thế giới Tràng An, Ninh Bình, Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn...
Một số định hướng kiến trúc trong tương lai

Điểm nhấn của Hội thảo là phần thảo luận giữa các diễn giả, chuyên gia, kiến trúc sư và khách mời, với những ý kiến đa dạng, bao quát hơn về những thành tựu, xu hướng, kết quả, hạn chế, tồn tại của kiến trúc Việt Nam trong 50 năm vừa qua, từ đó đưa ra những định hướng kiến trúc trong tương lai.
Theo KTS Lê Thành Vinh: “Truyền thống là sự gìn giữ, chọn lọc, lưu truyền, kết hợp với nhau. Mỗi một giai đoạn, lại tạo ra một truyền thống mới, và việc KTS là kết hợp, kế thừa những giá trị truyền thống để tạo ra những giá trị mới.”
Về lý luận phê bình kiến trúc, KTS Nguyễn Tất Thắng cho rằng: “Lý luận kiến trúc Việt Nam chúng ra chưa đặt ra nền tảng, định hướng cho nó vì chúng ta chưa quan tâm đến nó. Vì vậy, chúng ta cần phát triển lý luận phê bình cần, đặc biệt là lý luận khoa học kiến trúc Việt Nam, đưa nội dung này vào luật kiến trúc; Hội KTS Việt Nam nên xây dựng luận cứ lý luận phê bình; Xây dựng được khung tiêu chí cho lý luận, phê bình, để mọi người đều có thể tham gia.”
Theo KTS Đoàn Thanh Hà chia sẻ: “Tôi nghĩ, vì đặc điểm từng vùng miền, tính bản địa và nhu cầu, chúng ta cần có sự đa dạng về văn hoá. Và trong tương lai, chúng ta với những sự thay đổi thích ứng, chúng ta sẽ tìm ra những bản sắc, xu hướng mới, chứ không nên bị bó hẹp trong phạm vi nào cả.”
Về phát triển cảnh quan, KTS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Theo sự chuyển tiếp của từng giai đoạn, sự thay đổi của Luật, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, Kiến trúc cảnh quan đã có những thay đổi rất lớn. Với cách tiếp cận nhanh chóng, KTS cảnh quan Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, bắt nhịp kịp với các xu hướng quốc tế. Và bây giờ, chúng ta cũng có những hạ tầng cảnh quan, cảnh quan bản địa… từ đó tạo ra những cảnh quan đặc trưng tại Việt Nam.”
Dưới góc độ về định hướng đào tạo, KTS Nguyễn Việt Huy đưa ra kiến nghị: “Thông qua quá trình đào tạo, ứng dụng các phương pháp đào tạo trên thế giới, trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi cho sinh viên và không giới hạn chỉ sinh viên Xây dựng Hà Nội, để tạo ra những cơ hội tốt cho sinh viên thử thách, so tài, tiếp cận các xu hướng kiến trúc trong nước và thế giới. Kiến trúc là một nghề rất cần thực tiễn, vì vậy, chúng ta cần tạo môi trường tiếp cận cho sinh viên. Đồng thời, nên có thêm những hỗ trợ từ các hội, tổ chức để khuyến khích để sinh viên có thêm cơ hội hội nhập quốc tế trong thời gian sắp tới”...
Tại hội thảo các chuyên gia, KTS đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng với mục tiêu xuyên suốt là đóng góp giúp nền Kiến trúc Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.
Kết thúc hội thảo, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam một lần nữa khẳng định những đóng góp của giới nghề trong quá trình phát triển đất nước thời gian qua; đồng thời chia sẻ thông điệp của giới nghề, của Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Nhìn lại chặng đường 50 năm để giới KTS tự hào và cùng suy nghĩ về những khoảng trống mà lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc còn thiếu vắng, để từ đó có một tư duy mới, tầm nhìn mới, sáng tạo mới phấn đấu đưa nền kiến trúc nước nhà phát triển bền vững, hiện đại văn minh và bản sắc, lấy con người làm trung tâm, trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.
Ý kiến của bạn