
Tính “MỞ”- Nét độc đáo của Kiến trúc đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh
Quá trình hình thành đô thị Sài Gòn cũng là quá trình hội nhập và tiếp nhận văn hóa đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, mà nuôi dưỡng tất cả với sự cởi mở, bao dung, làm nên một văn hóa Sài Gòn phong phú và đa dạng. Chính sự chấp nhận, bao dung ấy là “Tính Mở” - một thứ ADN tạo nên bản sắc kiến trúc đô thị Sài Gòn trước đây và TPHCM ngày nay.
Nửa thế kỷ sau ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất đã đi qua. Kho tàng kiến trúc đô thị của TPHCM đã giàu thêm, phong phú thêm rất nhiều bởi hàng trăm công trình kiến trúc hiện đại bản địa mới do đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam thiết kế được xây dựng, mà trong đó có rất nhiều người trẻ ở độ tuổi 7X-8X, trong quá trình đô thị hóa và mở rộng, tái thiết Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, bản sắc, nghĩa tình.
I.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời cuộc, Sài Gòn - TPHCM vẫn giữ được cấu trúc cơ bản của quy hoạch đô thị phương Tây mà người Pháp đã lập vào cuối thế kỷ XIX. Bản quy hoạch này không chỉ định hình rõ nét đặc trưng của kiến trúc đô thị Sài Gòn là đô thị sông nước, mà hướng rộng hơn là phát triển thành phố thành một trung tâm giao thương và kết nối khu vực. Dựa vào sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch, người ta cấu trúc đô thị Sài Gòn thành những ô phố, xây dựng đường phố, nhà phố, công sở, biệt thự, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng khác. Ngày nay, những công trình kiến trúc đó hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Cảnh quan khu vực trung tâm thành phố với những con đường rộng rãi, khang trang rợp bóng mát xum xuê của những hàng cổ thụ cao vút. Những biệt thự vườn mang vẻ đẹp kiêu sa của kiến trúc cổ điển phương Tây hay kiến trúc Đông Dương, kiến trúc hiện đại Bắc Mỹ… nhưng đã có phần biến đổi về hình thức mặt ngoài mang tính bản địa… Tất cả đã trở nên quen thuộc, là một phần không thể thiếu của thành phố này, là “nỗi nhớ Sài Gòn” đối với người đi xa và cả người mới đến! Đó là những Nhà thờ Đức bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Trụ sở UBND-HĐND Thành phố, Chợ Bến Thành, thương xá TAX, … là khu vực Nguyễn Huệ-Lê Lợi-Hàm Nghi, nơi thấm đậm hồn cốt đô thị Sài Gòn. Chính sự cởi mở và bao dung với người nhập cư, tiếp nhận văn hóa mới đã giúp Sài Gòn sớm trở thành một đô thị sầm uất và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Kiến trúc và không gian đô thị Sài Gòn - TPHCM mang đậm tính mở qua các giai đoạn phát triển. Sự giao thoa kiến trúc giữa Đông và Tây thể hiện rõ nhất ở trung tâm thành phố, giữa những công trình mang phong cách kiến trúc Gothic, Romanesque, Đông Dương, Art deco… và kiến trúc hiện đại thì xen kẽ đây đó là những ngôi chùa, đình của người Việt, hội quán người Hoa như chùa Bà Thiên Hậu, đình Phước Kiến mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa bản địa và văn hóa nhập cư. Sài Gòn - TPHCM luôn phát triển theo hướng mở rộng không gian, kết nối giữa các khu vực. Các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm thể hiện sự hướng ngoại, kết nối với dòng chảy đầu tư quốc tế, đồng thời mở ra những không gian sống hiện đại nhưng vẫn giữ mối liên hệ với thiên nhiên qua các mảng xanh và hệ thống sông ngòi. Các không gian xanh, không gian công cộng như công viên, Thảo Cầm viên, phố đi bộ Nguyễn Huệ, hay chợ truyền thống Bến Thành đều tạo điều kiện cho sự giao lưu và hòa nhập. Đây là những nơi thể hiện rõ tính “mở” không chỉ trong cấu trúc không gian, mà còn trong cách con người kết nối, tương tác với nhau và tương tác với thiên nhiên.

Kiến trúc Sài Gòn - TPHCM đa phong cách, nhưng cơ bản vẫn là hai dòng lớn: kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại bản địa hay kiến trúc hiện đại nhiệt đới… Nhưng có một điều rất thú vị, là kiến trúc hiện đại châu Âu hay Bắc Mỹ du nhập vào đây đều được người Sài Gòn tiếp nhận để rồi chọn lọc và tiếp biến nó, biến đổi nó cho phù hợp với khí hậu và lối sống của văn hóa phương Nam. Trên nền tảng khai thác giá trị của văn hoá truyền thống, rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng trước 30/4/1975 như: Dinh Độc Lập, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Hồ Con Rùa, Bệnh viện Vì dân v.v. do các kiến trúc sư Việt Nam tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm 30 - 40 thiết kế (với sự ủng hộ, đầu tư của chính quyền đương thời), mang đến một hình thức kiến trúc mới mẻ, khác biệt so với kiến trúc hiện đại thế giới, đó là “kiến trúc hiện đại bản địa” phù hợp với địa khí hậu phương Nam, mà các kiến trúc sư (KTS) tiên phong, là Trần Văn Tải, Lê Văn Lắm, Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng, Bùi Quang Hạnh, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Quang Nhạc, Ngô Viết Thụ.v.v… Thiết kế của họ chối bỏ mọi trang trí phù phiếm, tốn kém để hướng đến một thứ kiến trúc mới đơn giản, hiệu quả, tiện nghi, sinh ra từ tiến bộ của công nghệ, sử dụng vật liệu bê tông, thép và kính phù hợp với điều kiện nhiệt đới, văn hóa phương Nam để tạo nên thẩm mỹ kiến trúc hiện đại mới. Họ đã sáng tạo ra những tường hoa bê tông hay hệ lam che nắng, thông gió tự nhiên theo motip truyền thống ở mặt đứng công trình một cách tinh tế, làm giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực của khí hậu nhiệt đới nắng gắt-mưa nhiều. Những công trình kiến trúc hiện đại xây dựng trong giai đoạn này là những bước đi đầu tiên của kiến trúc hiện đại nhiệt đới mang bản sắc địa phương, một nền kiến trúc tự chủ, được tạo nên bởi các kiến trúc sư người Việt tài hoa.

Từ sau 1975, đặc biệt là giai đoạn đất nước Đổi mới chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của Thành phố, các thế hệ KTS tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc Sài Gòn, Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh hay từ Hà Nội vào, từ nước ngoài về như Khương Văn Mười, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Trường Lưu, Nguyễn Khởi, Võ Thành Lân, Lưu Hướng Dương, Ngô Viết Nam Sơn, Phạm Phú Cường, Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Hoàng Mạnh… và rất nhiều người khác nữa mà tôi không thể nhớ hết đã rất thành công trong sáng tác đưa kiến trúc hiện đại bản địa Sài Gòn hôm nay hòa nhập với kiến trúc thế giới-kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc thích ứng biến đổi khí hậu. Đó là các công trình Nhà hát Hòa Bình - Quận 10 (KTS Huỳnh Tấn Phát và KTS Nguyễn Thành Thế); Đền Tưởng niệm Bến Dược-Củ Chi (KTS Khương Văn Mười); Đền Tưởng niệm Vua Hùng, Đài Truyền hình TP; Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP, Kho Bạc TP (KTS Nguyễn Trường Lưu); Trung tâm hành chính Q.10 (KTS Nguyễn Văn Tất)… Nói đến kiến trúc đô thị Sài Gòn, không thể không nhắc đến thể loại nhà phố, chiếm một lượng khổng lồ trong Thành phố. Những dãy nhà phố có kiến trúc hiện đại được xây cất bằng vật liệu công nghiệp sắt thép bê tông, kính… đã hình thành tại Sài Gòn từ những năm 40 đến những năm 70 và sau này. Gọi là kiến trúc hiện đại, nhưng lại không theo nguyên tắc của chủ nghĩa hiện đại vốn là sự hợp lý, mà chúng được tạo ra dựa trên những quyết định đầy cảm tính của người dân. Vì thế, các căn nhà phố này là một tổ hợp thẩm mỹ vô cùng đậm đà, dày đặc và cả lộn xộn nhưng lại rất duyên dáng. Trên mỗi mặt tiền giới hạn của ngôi nhà phố, người dân đã tạo nên dấu ấn thẩm mỹ riêng của mình. Bồn hoa, lam che nắng, hoa gió, khung cửa sắt, giàn leo, v.v. tất cả đều được tạo ra không theo một khuôn mẫu cứng nhắc nào cả. Nó được sắp đặt, được chăm chút cho tới khi người chủ nhà thấy thoả mãn. Có một điều thật thú vị là hầu như các công trình kiến trúc hiện đại nổi tiếng, mang đậm bản sắc Việt được xây dựng tại thành phố, ngoài việc sử dụng hiệu quả tính thẩm mỹ của vật liệu như đá rửa, gạch mosaic… thì các KTS với tài năng của mình còn khéo léo sử dụng “bóng đổ”-một cuộc chơi của tạo hình kiến trúc với ánh sáng, đem đến cho ta một cảm xúc mới lạ và sâu sắc. Theo biểu đồ chiếu sáng của mặt trời, mà những vật thể khô cứng như có hồn. Kiến trúc mặt tiền với các khối nhô ra -lùi vào, hay bao che bởi các bức mành bằng hoa bê tông, lam chắn nắng mang đậm văn hóa truyền thống…qua thẩm thấu ánh sáng nhiệt đới đã tạo nên những khoảng sáng-tối, đặc-rỗng, âm-dương làm cho công trình trở nên gần gũi, mềm mại, có hồn. Các tuyệt phẩm kiến trúc Dinh Độc Lập của KTS Ngô Viết Thụ; Thư viện Tổng hợp Sài Gòn của KTS Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện là ví dụ điển hình như thế, là bài học kinh điển cho sinh viên các Trường đào tạo kiến trúc sư hôm nay.

II.
Nét đặc sắc của kiến trúc Sài Gòn - TPHCM không chỉ là đề tài hấp dẫn để nghiên cứu, mà theo tôi, trong sâu thẳm ở đó là bản sắc của mạch nguồn văn hoá chảy tận cùng không ngơi nghỉ trong suốt quá trình biến thiên của lịch sử đô thị Sài Gòn nói riêng và của dân tộc nói chung. Trào lưu, hay xu hướng kiến trúc hiện đại bản địa mới khởi nguồn từ Sài Gòn hôm qua đã nhanh chóng lan tỏa đến các đô thị, các quần cư, nhà vườn nông thôn dọc bờ biển miền Trung và khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Người dân đã dần coi nhà gạch cốt thép bê tông là kiến trúc của họ thay vì nhà tạm bằng tranh tre vách nứa, nhà đạp… Vậy là, trào lưu kiến trúc hiện đại thế giới được khởi xướng từ đầu thế kỷ XX bởi những kiến trúc sư tiên phong bậc thầy như Walter Gropius với phong trào Bauhaus, hay Le Corbusier với quan niệm đầy chất công nghiệp “nhà là cỗ máy để ở” khi du nhập vào Sài Gòn đã được các KTS tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm 30-40 tiếp nhận và tiếp biến đầy sáng tạo để trở thành kiến trúc hiện đại bản địa của người Việt Nam, mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Cùng với kho tàng kiến trúc cổ và hiện đại bản địa, thì hệ thống các công viên, không gian công cộng (KGCC) của Sài Gòn - TPHCM cũng đã và đang mang đến cho đô thị này một vóc dáng mới, thể hiện tính “Mở”, tính dân chủ, tính cộng đồng thấm đậm triết lý “Thành phố nghĩa tình” mà chính quyền Thành phố đưa ra. Những năm qua, đặc biệt là từ những năm 2000 đến nay, với tư duy đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đô thị Việt Nam đã khởi sắc rõ rệt, phát triển mạnh về quy mô, về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa-xã hội. Trong đó, công viên, vườn hoa, KGCC được quan tâm như hình ảnh của văn hóa đô thị và đổi mới trong xã hội, vượt qua mọi khuôn khổ cứng nhắc, trì trệ của những quy định trong Quy chuẩn xây dựng hiện hành. Và mở đầu cho sự tươi mới các KGCC trong đô thị ở nước ta, là TPHCM và Hà Nội. Tết nguyên đán Giáp Thân 2004, TPHCM khai trương Đường hoa Nguyễn Huệ, trên cơ sở chợ Hoa Nguyễn Huệ truyền thống. Đường hoa được thiết kế bởi tài năng sáng tạo của các KTS và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, đã trở thành một tác phẩm sắp đặt - trang trí đường phố độc đáo, hấp dẫn đầy màu sắc. Đường hoa Nguyễn Huệ khởi đầu cho một loại hình KGCC đa năng của nghệ thuật sáng tạo, mang lại hiệu ứng không ngờ, biến một trong những con đường đẹp nhất Thành phố, dài chỉ hơn 700m từ nơi đặt tượng đài Bác Hồ, trước Trụ sở UBND TP đến bến Bạch Đằng và ra bờ sông Sài Gòn, hai bên có nhiều kiến trúc hiện đại cao tầng và trung tâm thương mại mua bán sầm uất, thành một đường hoa rực rỡ với rất nhiều hoạt động nghệ thuật cộng đồng hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt người đến thăm, thưởng ngoạn, trở thành một sự kiện văn hóa hàng năm của Thành phố cứ mỗi dịp Tết nguyên đán. Mô hình Đường hoa Nguyễn Huệ đã lan tỏa và có sức lay động đến chính quyền đô thị nhiều địa phương trong cả nước. Để rồi, khoảng mươi năm trở lại đây, ở phía Bắc, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về là nhiều nhóm KTS ở Hà Nội được mời đi thiết kế-thi công các loại Đường hoa với quy mô khác nhau và với bản sắc địa phương khác nhau.

Là hai thành phố lớn nhất, có vị trí chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng nhất nước, nhưng ở hai đầu đất nước nên KGCC ở Sài Gòn có nhiều đặc điểm khác Hà Nội. KGCC ở TPHCM dù diện tích lớn nhỏ khác nhau, nằm ở các khu vực dân cư khác nhau, thì ấn tượng đầu tiên là sự thân thiện, gần gũi, bởi các vườn hoa, công viên là không gian “mở” không có tường rào ngăn cách (trừ Thảo Cầm Viên có tường bao vì nuôi thú), lại nằm ở những vị trí giao thông thuận tiện, mọi người dễ dàng tiếp cận, khác hẳn với tính “đóng” (giờ đã bắt đầu mở!) của nhiều công viên ở Hà Nội. Công viên, vườn hoa luôn rợp mát bóng cây cho dù ngoài đường phố nắng nóng chang chang, bởi có rất nhiều cây xanh, cổ thụ, thảm cỏ rực rỡ sắc hoa và ríu rít tiếng chim. Người vào công viên đủ mọi thân phận, từ các cháu học sinh, sinh viên, người cao tuổi, trí thức, bình dân hay người bán dạo, bán vé số…nhưng ai nấy đều thân thiện, vui vẻ và sẵn lòng trả lời tôi khi hỏi một điều gì đó về công viên này, về thành phố này. Với những người lần đầu đến từ nơi xa, cảm nhận đó thật dễ chịu. Có thể kể ra, xây dựng từ trước 1975 như Thảo Cầm Viên với lịch sử hơn 150 năm. Công viên 30-4 đối diện Dinh Độc Lập, Công viên Tao Đàn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận I) rộng hơn 10 ha với hơn 1000 cây xanh cổ thụ, được ví như lá phổi xanh của Thành phố… hay xây dựng sau 1975, như Công viên Lê Văn Tám (trước giải phóng là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi). Công viên 23-9 nằm ở đường Lê Lai (Quận 1), trải dài từ công trường Quách Thị Trang đến chợ Nguyễn Thái Bình trên đường Nguyễn Trãi, được xây dựng từ 1985, vốn là địa điểm của một Nhà ga xe lửa đã đi dời về vùng Hòa Hưng (Quận 3). Xa hơn nữa cách trung tâm Thành phố khoảng 20 Km là Công viên- văn hóa Suối Tiên, Công viên nước Củ Chi với giao thông thuận tiện (giờ lại có Metro Bến Thành-Suối Tiên có chiều dài toàn tuyến gần 20 Km, mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024) một không gian xanh, sạch đẹp, nhiều hạng mục vui chơi kỳ thú, đầy hấp dẫn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của mọi lứa tuổi đã và đang là điểm vui chơi công cộng nổi tiếng của Sài Gòn và cả phía Nam. Rồi cách đây vài năm, xuất hiện Công viên Vinhomes Central Park tọa lạc ngay bên bờ sông Sài Gòn có diện tích khoảng 14 ha trong quần thể Khu đô thị mới cao cấp (rộng hơn 40 ha) vào loại sang chảnh bậc nhất Sài thành do Tập đoàn Vingroup xây dựng trên cung đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh, ven bờ sông Sài Gòn. Với nhiều kiến trúc độc đáo, hiện đại và hấp dẫn mang phong cách văn hóa của nhiều nước trên thế giới như Mỹ với đài phun nước hoành tráng, hay Nhật Bản với vườn cây bonsai đặc trưng của xứ sở hoa anh đào… Vinhomes Central Park đang trở thành một sự lựa chọn lý tưởng không chỉ cho cư dân sống trong Khu đô thị có tòa nhà Landmark 81, cao 461,3 mét ( là tòa nhà cao nhất Việt Nam, và cũng là tòa nhà cao thứ 15 trên thế giới) nổi tiếng này mà còn là nơi để nhiều gia đình và giới trẻ trong thành phố đến thư giãn, vui chơi, giải trí và cuối cùng là làm tăng giá trị bất động sản khu đô thị mới này cho nhà đầu tư!

Khi nói đến các KGCC ở TPHCM, không thể không nhắc đến một KGCC đặc biệt và có ý nghĩa chính trị-xã hội-văn hóa đặc biệt, có tác dụng làm biến đổi một phần bộ mặt đô thị của Thành phố, đem lại sự hưởng thụ cho nhiều triệu người, đó là Dự án cải tạo làm hồi sinh Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Dẫu chỉ dài chưa đến 10mm, khởi nguồn từ Q. Gò Vấp, chảy qua Q. Tân Bình, Phú Nhuận rồi Q.10, Q.3, Q.1 rồi đổ ra sông Sài Gòn, vậy mà con kênh này lại chứa đựng trong nó một phần bi kịch của lịch sử và cuộc đời lam lũ của biết bao phận người nghèo khổ của Thành phố. Từ một dòng kênh trong xanh, vậy mà sau 1960 trước những biến động của thời cuộc, nơi đây trở thành nơi trú ngụ của hàng vạn người nghèo tứ xứ trốn chạy chiến tranh tìm về. Nước kênh trong xanh dần trở thành màu nước đen và bốc mùi hôi thối bởi ô nhiễm do chất thải, nước thải và rác thải của hàng chục vạn cư dân những xóm nghèo mưu sinh hai bờ kênh thải ra suốt mấy chục năm trời, và đây cũng là nơi phát sinh những tệ nạn xã hội. Nếu tính từ thời điểm (năm 1988 của thế kỷ trước) Lãnh đạo Thành phố lúc bấy giờ lên chương trình cải tạo dòng kênh cho đến khi di dời hơn 7.000 hộ dân để khởi công dự án cho đến khi hoàn thành Giai đoạn I vào tháng 8-2012 cũng phải mất đến 34 năm. Nhắc lại để thấy, không một thành công nào không phải trả giá bằng sự nỗ lực, bền bỉ và tâm huyết của Chính quyền và nhân dân Thành phố. Sự hồi sinh kênh Nhiêu Lộc đã đem đến những lợi ích kép về kinh tế, về môi trường, về văn hóa, về an sinh xã hội. Hai tuyến đường Hoàng Sa-Trường Sa hai bên bờ kênh cùng các công viên, vườn hoa, hàng cây xanh mát, đường đi bộ, vỉa hè khang trang được xây dựng trở thành nơi vui chơi giải trí, tập thể dục thể thao cho người dân. Việc xóa hàng ngàn nhà chồ, nhà tạm hai bên bờ kênh và chuyển người dân xóm nước đen nơi đây đến những khu tái định cư mới khang trang, an toàn, tiện nghi và bền vững với chính sách ưu đãi, là một thành công lớn của Thành phố. Trong khi đó ở Hà Nội, việc hồi sinh sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét những dòng sông gắn với sự hình thành và phát triển 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đã qua vài đời Chủ tịch, vài lần cải tạo (không đến nơi đến chốn?!) tiêu tốn ngân sách của Nhà nước, tiền thuế của người dân Thủ đô nhiều ngàn tỷ đồng cùng không ít cuộc hội thảo tranh luận, phản biện của các nhà khoa học, KTS, chuyên gia đô thị… nhưng đến thời điểm này, vẫn đang trong giai đoạn cải tạo, nhưng liệu đấy đã là giải pháp đồng bộ thực sự khả thi, bền vững (và cả nguồn lực) để hồi sinh các dòng sông này?!. Một sự so sánh không hề khập khiễng. Và người viết bài này rất ngạc nhiên là tại sao, đến bây giờ, Dự án cải tạo Kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè, một dự án xã hội quan trọng, một thành công của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan đô thị, một KGCC mang đậm tính văn hóa, tính chính trị và nhân văn, một tác phẩm kiến trúc đô thị được tạo nên bởi quyết tâm chính trị của các nhà Lãnh đạo, tài năng của các KTS quy hoạch, sự đồng thuận của nhân dân Thành phố, lại chưa được tôn vinh, được nhận bất kỳ một Giải thưởng nào của Nhà nước về KHCN hay về Kiến trúc-Quy hoạch ?!

Thay lời kết
Tôi là người sống gần hết cuộc đời ở Hà Nội, nhưng có may mắn là được đến Thành phố với sông Sài Gòn đầy nắng và gió này khá nhiều lần, đã chứng kiến bao đổi thay của Thành phố, trong đó có kiến trúc. Nhưng dường như, mọi sự đổi thay về kiến trúc ở đây không gây sốc đến độ dư luận phải phải tốn thời gian để tranh cãi (như kiểu Hàm Cá Mập ở Hà Nội) mà nó dễ được chấp nhận. Sự chấp nhận này không phải là dễ dãi, thờ ơ mà nó được chấp nhận, tiếp biến để trở thành “một thành phần kiến trúc mới” của Thành phố. Phải chăng đó thể hiện tính mở, tính bao dung và chấp nhận đầy phóng khoáng và hào sảng của người Sài Gòn và cũng là bản sắc rất riêng của kiến trúc và văn hóa Sài Gòn.
Và vì thế mà tôi đã đến đây-Sài Gòn - TPHCM với đong đầy tình yêu thương và nỗi nhớ, để rồi từ lúc nào đó “tôi đã thuộc về…” ./.
Ý kiến của bạn