Khám phá vẻ đẹp của Bảo tàng Đăk Lăk
Kiến trúc độc đáo
Được xây dựng trên khuôn viên của Biệt điện Bảo Đại - một di tích lịch sử cấp quốc gia, Bảo tàng Đắk Lắk là thành quả của sự hợp tác đặc biệt giữa Cộng hòa Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bảo tàng là sự pha trộn giữa hiện đại và truyền thống, giữa bàn tay con người và tự nhiên tạo nên không gian hài hòa và mang đậm tính địa phương của đồng bào các dân tộc.
Với diện tích 9.200m2, chiều dài 130m, chiều rộng 65m, Bảo tàng Đăk Lăk là công trình kiến trúc độc đáo, được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê-đê, bố cục theo kiểu tập trung bao gồm hai khối giao nhau: khối ngang là nhà dài vuông góc với khu đất. Khối thứ hai ngắn hơn, là sảnh chính đón khách vào trung tâm bảo tàng.
Kiến trúc nhà dài truyền thống kết hợp với các yếu tố hiện đại như kính, hợp kim, tạo nên không gian vừa truyền thống vừa hiện đại, là nét đặc trưng độc đáo của Bảo tàng. Hình tượng nhà dài chính là một đặc thù riêng của người dân nơi đây, các kết cấu bên trong bảo tàng được thiết kế theo các tuyến dài của khu nhà ở truyền thống, không gian đơn giản nhưng đầy ấn tượng.
Bảo tàng Đắk Lắk là sự kết hợp hoàn hảo giữa nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên và sự pha trộn hài hòa với màu sắc hiện đại được thể hiện trong lối kiến trúc. Với 3 màu sắc chủ đạo: xanh lá cây, nâu đỏ, xanh da trời đan xen với nền trắng trong không gian các phần trưng bày, đã làm nổi bật lên những nội dung trưng bày của bảo tàng.
Bức tranh đại ngàn thu nhỏ
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đăk Lăk được ví như một Tây Nguyên thu nhỏ trong khuôn viên cây xanh mát mẻ giữa lòng phố thị. Bảo tàng là một trong những công trình văn hoá tiêu biểu của Đăk Lăk, nơi lưu giữ những giá trị văn hoá của hơn 40 dân tộc đang sinh sống tại đây. Đây là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng bốn ngôn ngữ phục vụ cho việc chú giải các hiện vật, bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ê đê - ngôn ngữ truyền thống của người Ê đê bản địa.
Không gian của bảo tàng được chia thành ba phần gồm không gian văn hóa dân tộc, không gian lịch sử và đa dạng sinh học. Mỗi không gian đều mang những giá trị riêng giúp du khách hiểu hơn về vùng đất bình yên này với những vật dụng cổ xưa của các dân tộc.
Khu văn hóa Dân tộc nằm ở bên trái là điểm bắt đầu cho một hành trình khám phá bảo tàng. Nơi đây trưng bày các cổ vật làm nông, săn bắt, như: gùi, cuốc, giỏ mây, hay những bộ đồ dệt thổ cẩm, những chum rượu cần. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày các món trang sức, các bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo.
Khu đa dạng Sinh học ở giữa Bảo tàng thể hiện hình ảnh thực tế về thổ nhưỡng và hệ sinh thái Tây Nguyên, với đa dạng loại cây rừng và động vật đặc trưng. Trong diện tích khoảng 350m2, với hơn 200 hiện vật và các hình ảnh hấp dẫn, khu đa dạng sinh học tại trung tâm của Bảo tàng Đắk Lắk như một không gian thu nhỏ của núi rừng Tây nguyên hùng vĩ với hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú.
Đặt chân đến khu Lịch sử như đưa ta quay ngược thời gian, khám phá Tây Nguyên qua các di chỉ khảo cổ và vật dụng cổ đại.
Các hiện vật trưng bày trong bảo tàng phần nào tái hiện, cung cấp cho khách tham quan toàn cảnh lịch sử phát triển, những giá trị văn hóa độc đáo của con người, thiên nhiên vùng cao nguyên hoang dã từ thời kỳ đồ đá cho đến nay.
Với gần 13.000 hiện vật quý hiếm đang được lưu giữ tại Bảo tàng hiện nay, trong đó hơn 2.000 hiện vật văn hóa dân tộc, 4.000 phim, ảnh tư liệu và trên 6.000 hiện vật thuộc lĩnh vực khảo cổ học và lịch sử, có thể nói Bảo tàng Đăk Lăk là không gian thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Khám phá Bảo tàng Đắk Lắk trong sự hòa quyện giữa giá trị văn hóa và kiến trúc độc đáo là hành trình đưa ta đến với một không gian đậm chất văn hóa và lịch sử của Đăk Lăk. Nơi đây không chỉ là điểm đến thu hút với khả năng lưu giữ văn hóa và lịch sử lớn nhất mà còn là biểu tượng hiện đại của Buôn Ma Thuột, là điểm đến không thể bỏ qua khi có dịp đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió này.
Ý kiến của bạn