Con đường di tích cố đô
Khám phá vẻ đẹp Chùa Lạc Khoái (Gia Viễn, Ninh Bình)
Di sản kiến trúc cổ
Chùa Lạc Khoái được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, phong cách kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ 19, tuy nhiên nhiều hạng mục đã được trùng tu và xây mới.
Nằm trong một khuôn viên rộng, mang giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt, Chùa Lạc Khoái gồm có chùa Hạ và chùa Thượng.
Chùa Hạ nằm dưới chân núi, được xây dựng năm 1859 và trùng tu năm 2014. Chùa là một tòa kiến trúc 3 gian, xây theo kiểu chữ Đinh, mái chồng diêm, đầu hồi bít đốc, vì kèo kiểu mê cuốn, dáng cao, hoành vuông, lợp ngói vảy. Trên cổ mái chùa Hạ có đắp phù điêu hoạt cảnh người, rồng. Chùa Hạ thờ Phật và Tam vị thánh mẫu, cạnh chùa Hạ là 3 gian nhà Tổ.
Từ chùa Hạ lên chùa Thượng có 99 bậc đá, có nhà bia dựng năm Ất Mùi niên hiệu Thành Thái (1897). Văn bia có đoạn mô tả “nơi đây là danh thắng bậc nhất vùng động Hoa Lư”.
Chùa Thượng nằm ở lưng chừng núi, là nơi đặt tượng cổ, được xây theo kiểu chữ Nhị, gồm Tiền Bái 5 gian và Thượng Điện 3 gian, đầu hồi bít đốc. Vì kèo kiểu thượng rường hạ kẻ. Hàng cột hiên bằng đá, các mặt cột đá được chạm khắc thơ văn chữ Hán ca ngợi cảnh chùa, cảnh núi và một số cột phía trong làm bằng gỗ, hình trụ. Chùa Thượng còn giữ được nhiều dấu tích kiến trúc cổ như hàng cột đá và một số chạm khắc trên kiến trúc. Cả hai ngôi chùa đều có hệ thống tượng pháp đa dạng và phong phú.
Hiện nay, chùa Lạc Khoái vẫn còn giữ được nhiều hiện vật quý như: tượng thờ (chùa Thượng 11 pho tượng gỗ, chùa hạ 9 pho tượng gỗ), bia đá, cột đá, chuông đồng, bát hương đá…
Chùa Lạc Khoái không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn mang trong mình những giá trị lịch sử, tôn giáo, và văn hóa quan trọng cho cộng đồng và quốc gia.
Nơi gắn kết lịch sử
Chùa Lạc Khoái có tên gọi như vậy vì chùa ở làng Lạc Khoái, tên gọi mang ý nghĩa chỉ đây là vùng đất của sự vui vẻ và sung sướng. Chùa còn có tên chữ là Hưng Khánh tự có nghĩa là vui mừng hưng thịnh.
Ngoài thờ Phật, Chùa còn thờ một số nhân vật lịch sử có truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền sư Nguyễn Minh Không.
Chùa từng là cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Lạc Khoái, nơi thành lập Mặt trận Việt Minh của xã đồng thời cũng là nơi họp bàn tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) chùa là trạm trung chuyển thương binh, nơi làm việc của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình. Tỉnh đội Ninh Bình, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Hà Nam, tỉnh đội Hà Nam…
Lễ hội chính chùa Lạc Khoái được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 8 hàng năm với nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa như các nghi thức rước liệu, cầu nguyện, tế lễ nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng.
Với các giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa, chùa Lạc Khoái đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1999. Chùa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa ở Ninh Bình, đồng thời, góp phần giáo dục về lịch sử, văn hóa và tôn giáo cho người dân và thế hệ trẻ.
Ý kiến của bạn