
Hạ tầng giao thông nông thôn Bắc Giang: Kết nối thông suốt, mở đường cho đô thị hóa và giao thương
Từ "đường đất" đến "đường nhựa" liên hoàn
Chương trình xây dựng NTM đã trở thành "đòn bẩy" quan trọng nhất thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các địa phương và người dân cùng tham gia. Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương), cùng với nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và đặc biệt là sự đóng góp ngày càng lớn của người dân (hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công) đã được đầu tư cho lĩnh vực này.

Theo số liệu thống kê gần nhất từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang, đến cuối năm 2024, tỷ lệ km đường giao thông nông thôn được cứng hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt một con số rất ấn tượng, vượt xa mục tiêu ban đầu của nhiều giai đoạn. Các tuyến đường trục xã, liên xã hầu hết đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa với mặt đường rộng rãi, đảm bảo ô tô tải trọng lớn có thể lưu thông. Đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông hóa, sạch đẹp. Ngay cả hệ thống đường nội đồng cũng dần được cứng hóa, tạo thuận lợi tối đa cho cơ giới hóa nông nghiệp và vận chuyển vật tư, nông sản.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Xác định hạ tầng giao thông là mạch máu của nền kinh tế, tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, dành nguồn lực ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực này, nhất là giao thông nông thôn. Chúng tôi đã tập trung vào việc quy hoạch đồng bộ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các tuyến kết nối liên vùng, kết nối khu dân cư tập trung với các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp. Quan trọng là không chỉ làm đường, chúng tôi còn chú trọng đầu tư cầu cống, hệ thống thoát nước để đảm bảo tính bền vững của công trình. Đến nay, có thể khẳng định mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn của Bắc Giang đã cơ bản được kết nối thông suốt, tạo thành bộ khung vững chắc cho sự phát triển."
Điều dễ nhận thấy nhất là việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện, an toàn và nhanh chóng hơn rất nhiều. Anh Vi Văn Thuận (dân tộc Nùng, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn) chia sẻ: “Những năm trước giao thông đi lại khó khăn do mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ngầm, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, nhất là mỗi khi mưa lũ. Nhưng giờ đây, nhờ chương trình xây dựng NTM, hệ thống giao thông trong nông thôn trên địa bàn xã đã đổ bê tông xong, mặt đường rộng hơn giúp người dân đi lại và tiêu thụ nông sản thuận lợi”.

Đường sá thông thoáng đã "mở đường" cho giao thương phát triển mạnh mẽ. Nông sản đặc trưng của Bắc Giang như vải thiều, cam, bưởi, gà đồi, rau sạch... giờ đây có thể nhanh chóng tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn ở Hà Nội, các tỉnh lân cận và xuất khẩu. Các doanh nghiệp, thương lái dễ dàng về tận vùng sản xuất để thu mua, tạo ra chuỗi liên kết giá trị chặt chẽ hơn. Điều này không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn cải thiện đáng kể thu nhập cho người nông dân.
Sự thay đổi của hạ tầng giao thông nông thôn không chỉ dừng lại ở những con số về chiều dài, diện tích mặt đường được cứng hóa. Tác động của nó đã len lỏi vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của người dân Bắc Giang, đặc biệt là vùng nông thôn.
Mạng lưới giao thông xương sống
Trong bản đồ phát triển sôi động của miền Bắc, Bắc Giang nổi lên như một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Sự bứt phá này không chỉ đến từ lợi thế vị trí địa lý, chính sách thu hút đầu tư hiệu quả mà còn được kiến tạo từ nền tảng hạ tầng vững chắc, đặc biệt là hệ thống giao thông.
Đối với một tỉnh có diện tích nông thôn rộng lớn và đang đẩy mạnh mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn không chỉ là yêu cầu cấp thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mà còn là đòn bẩy chiến lược, mở toang cánh cửa kết nối, giao thương, và quan trọng hơn, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình đô thị hóa “từ gốc”.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2020-2025, Bắc Giang đã dành nguồn lực lớn và có những bước đi đột phá trong đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Từ những con đường đất lầy lội, chật hẹp, nhiều vùng quê Bắc Giang giờ đây đã được phủ kín bởi mạng lưới đường nhựa, đường bê tông rộng rãi, kiên cố, liên hoàn từ trung tâm xã đến từng thôn xóm, thậm chí vươn ra tận đồng ruộng, vườn cây.
Là huyện miền núi với phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, hiện có hơn 1,2 nghìn km đường giao thông nông thôn (đường huyện 78 km, đường xã 268 km, đường thôn 862 km). Những năm gần đây huyện Lục Ngạn đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn thiện. Qua đó dần khắc phục được nhiều khó khăn, hạn chế và tạo ra không gian mới cho kết nối giao thương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo ông Vũ Văn Thùy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, xác định xây dựng hạ tầng giao thông đi trước để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, những năm gần đây huyện tập trung huy động các nguồn lực từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách cấp trên, đóng góp đối ứng của Nhân dân… để đầu tư phát triển mạng lưới giao thông kết nối với các vùng lân cận. Trong quá trình triển khai, địa phương nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của Nhân dân. Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn, 100% do Nhân dân hiến đất để giải phóng mặt bằng.
Sự thay đổi ngoạn mục này không chỉ làm đẹp thêm bức tranh nông thôn mới mà còn mang lại những giá trị kinh tế - xã hội to lớn, định hình lại cách thức người dân đi lại, sản xuất, buôn bán và kết nối với thế giới bên ngoài.
Ý kiến của bạn