Hà Giang – Những thứ có, khó và vượt khó để giàu có
Chia sẻ với Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, KTS Nguyễn Phú Đức, người đam mê tìm hiểu, khám phá về vùng đất này sẽ đưa ra những ý kiến về những lợi thế và khó khăn và cách vượt khó để thực hiện khát vọng “biến điều không thể – thành có thể” ở Hà Giang.
PV: Thưa KTS Nguyễn Phú Đức, mỗi tỉnh thành đều có những điểm đặc biệt riêng về vị trí địa lý cũng như cảnh quan, kiến trúc và văn hóa… Vậy theo Ông, Hà Giang có những điểm gì đặc biệt để làm điểm tựa đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn mới?
Theo hướng Đông – Tây từ thị xã Tân Quang theo tỉnh lộ 177 về phía Tây đi các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần. Theo hướng Đông Bắc theo quốc lộ 34 lên Bắc Mê, Du Già. Việc giao thông chia nhánh, không liên hệ này cũng tạo ra các hướng du lịch khác nhau, khám phá nhiều cung bậc cảm xúc.
Về cảnh quan, do địa hình trải dài và từ thấp đến cao tạo nên tính đa dạng, lại có cao nguyên đá Đồng Văn là cảnh quan đặc biệt, chưa kể đến các rừng Phong Quang (Vị Xuyên), rừng thông Yên Minh… và đường giao thông trên cao (con đường Hạnh phúc)… tất cả tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, bao la khó nơi nào có được, trở thành điểm đặc biệt. Hà Giang không chỉ đẹp ở các điểm đến mà đẹp và thay đổi trên cả tuyến hành trình giao thông, đây là điểm nổi trội, khác biệt.
Về cảnh sắc: Hà Giang thay đổi theo mùa, đặc biệt là hoa và lúa. Riêng về hoa thì có cả loại đào nở sớm vào Tết dương lịch tháng 1,2 và đào nở muộn sau Tết âm lịch, kéo dài thời gian đến cả 2 tháng, có khi sang cả tháng 3. Mùa xuân còn là mùa của các loài hoa mận, hoa lê trắng khoe sắc. Nối tiếp tháng 3 hoa gạo và đặc biệt là cảnh sắc các ruộng bậc thang (trong đó, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là Di sản danh thắng quốc gia) với hai mùa đẹp là mùa nước đổ tràn các thửa ruộng bậc thang cuối tháng 4 đầu tháng 5 và mùa lúa chín cuối tháng 9, đầu tháng 10. Tiếp đó là mùa hoa tam giác mạch tháng 11, mùa hoa cải tháng 12, tháng 1. Bên cạnh đó với địa hình cao và ẩm, mát nên mây nhiều, nhất là cuối đông, tạo nên những cảnh sắc huyền ảo, thay đổi bất ngờ. Vì vậy, du lịch Hà Giang quanh năm mà vẫn không biết chán.
PV: Ngoài những lợi thế và điểm đặc biệt của Hà Giang như trên, theo Ông đâu là “điểm nghẽn” của Hà Giang trong phát triển kinh tế, du lịch và đầu tư hiện nay?
Theo tôi, điểm nghẽn thứ nhất là: Giao thông trở ngại (cả giao thông nội và liên tỉnh). Các tỉnh thành lớn đến Hà Giang không có đường hàng không và chưa có tuyến cao tốc nên thời gian di chuyển đến được Hà Giang là quá lâu. Ví dụ: Từ Hà Nội đi khoảng 400km đến dốc Thẩm Mã – nơi rẽ đi các ngả: Cột cờ Lũng Cú (theo hướng Bắc) hoặc Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc (hướng Đông Bắc) nhưng phải mất gần 10 giờ đồng hồ để di chuyển là quá nhiều, không phù hợp với loại hình du lịch cuối tuần khi thời gian 2 ngày chỉ để dành cho giao thông, không đủ thời gian tái tạo, phục hồi sức khỏe.
Cùng với đó, giao thông giữa các huyện trong tỉnh bị chia cắt thành các tuyến riêng biệt: Nam – Bắc – Đông Bắc và Đông – Tây theo địa hình mạch núi, phân nhánh không liên kết. Địa hình quá dốc, khó khăn trong việc mở rộng tuyến và tình trạng dễ sạt lở vào mùa mưa lũ ở các vùng núi đất… làm cho việc liên kết các điểm du lịch là khó khăn và tốn mất nhiều thời gian di chuyển.
Địa hình vùng núi, nhất là khu vực núi đá không đủ đất và nước để canh tác nên nông nghiệp các huyện vùng núi cao gặp khó khăn về lương thực. Điểm dân cư nhỏ lẻ, định cư trên địa hình cao dốc, cách nhau hàng chục km cũng làm khó khăn trong kinh phí đầu tư và thi công xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước…) khi thực hiện Nông thôn mới.
Khu vực núi thấp Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần hay Hoàng Su Phì tuy đất rộng, bản làng trù phú nhưng các địa danh, di tích, danh thắng không liên tục thành tuyến, bố trí phân tán… không tạo được các khu vực thu hút các nhà đầu tư lớn. Nhưng những nơi này lại là khu vực đậm đà bản sắc dân tộc và đất đai phì nhiêu phù hợp việc khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp chất lượng cao, du lịch cộng đồng.
Thứ hai là về di sản, sự đa dạng và phong phú về cảnh quan, đặc biệt là Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu cũng dẫn đến việc đầu tư xây dựng những công trình quy mô lớn tại khu vực rộng liên quan đến 4 huyện thì hầu hết nằm trong vùng bảo vệ theo Luật Di sản. Đây là xung đột lớn giữa bảo tồn và phát triển mà điểm ngắm cảnh Panorama hiện đang ồn ào tranh luận là một ví dụ.
Thứ ba, về văn hóa, những lễ hội như chợ tình Khâu Vai, lễ cấp sắc, lễ rừng, nhảy lửa… tuy đặc sắc nhưng diễn ra không thường xuyên và không phổ biến trên thông tin đại chúng nên cũng là mất đi một loại hình du lịch lễ hội, văn hóa hấp dẫn du khách.
PV: Được biết, thời gian gần đây, Hà Giang đang thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nhằm giúp địa phương phát triển nhanh và hiệu quả. Theo góc quan sát của mình, Ông cảm nhận về kết quả này như thế nào?
Trong thời gian gần đây, Hà Giang đã phát triển nhanh chóng. Bộ mặt các thành phố, thị trấn phát triển nhanh mạnh như Yên Minh, Mèo Vạc và đặc biệt là Đồng Văn. Tuy nhiên, Hà Giang cần lưu tâm tới các công trình xây mới tại các đô thị còn mang phong cách kiến trúc không đại diện, đặc trưng của miền núi, vật liệu và hình thức không gợi nhớ hình ảnh văn hóa của nơi chốn nên các đô thị nhạt nhòa, không đặc sắc và không khác biệt với kiến trúc miền xuôi.
Nhiều nguồn lực đã được cùng đồng loạt triển khai, tạo nên một không khí phát triển chung cho Hà Giang. Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường mới như đường vào trung tâm Lũng Cú hoặc khôi phục các tuyến đường cũ như Cán Tỷ – Yên Minh. Đặc biệt, thực hiện chương trình nông thôn mới, xây dựng cơ sở văn hóa như nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở hạ tầng bản làng cũng biến chuyển nhanh chóng: đường được trải nhựa hoặc bê tông, điện, nước được đầu tư xây dựng.
Chính quyền các cấp cũng tích cực thông tin tuyên truyền để từng hộ dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình Homestay, phát triển du lịch cộng đồng tại bản làng, trải nghiệm đa dạng sắc màu.
Nhiều nhà đầu tư đã đến và đã dần góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, làm thay đổi bộ mặt nhiều khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Có những nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực phát triển công nghiệp nông nghiệp, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Mô hình này đặc biệt cần được phát huy tại các huyện có quỹ đất nông nghiệp, cây trồng đặc sản như Quang Bình, Vị Xuyên.
Bên cạnh đó, các mô hình về các Homestay, khách sạn, trung tâm cộng đồng được tập trung xây dựng, các bảo tàng chuyên ngành được xây dựng: Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông (thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, Mèo Vạc), Khu sinh thái nghỉ dưỡng H’Mông Village, Nhà cộng đồng và Homestay Nậm Đăm (Quản Bạ), bảo tàng Mèo Vạc… được đầu tư xây dựng cũng đã tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ cần thiết cho du khách, tạo các điểm nhấn kích thích phát triển cả khu vực.
Một số tuyến, sản phẩm mới đã được khảo sát và quảng bá như du lịch thuyền trên sông Nho Quế qua hẻm Tu Sản, cuộc thi marathon trên con đường Hạnh phúc, bay dù lượn trên mùa vàng, trên cánh đồng tam giác mạch, khám phá hệ thống hang động, du lịch tâm linh điểm nhấn 1509 và các sản phẩm lân cận ở Vị Xuyên, trải nhiệm khám phá các huyện núi thấp như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên như : Khu di tích lịch sử Trọng Con; Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Xuân Giang; Trải nghiệm vườn Cam sành xã Trung Thành; Nghỉ dưỡng gắn liền với thiên nhiên ở nguồn suối khoáng nóng Thanh Hà (Vị Xuyên), suối khoáng Nặm Choong – Quảng Ngần (Xín Mần); Bài thuốc cổ truyền của Dân tộc Dao đỏ…
Tuy còn những điều cần bàn luận về đôi chỗ loại hình kiến trúc mới xuất hiện không hài hòa, phá vỡ cấu trúc, hình thái, văn hóa chung nhưng những kết quả trên là những dấu hiệu đáng mừng và hiệu quả lớn nhất là tạo điểm đến mới với sự tham gia của cộng đồng, tạo công ăn việc làm và thu hút người dân tham gia.
PV: Bên cạnh những tiềm năng, Hà Giang vẫn còn nhiều những khó khăn. Vậy theo Ông, để khắc phục những khó khăn này, Hà Giang cần hoạch định như thế nào để vừa phát triển nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bền vững không làm mất đi cảnh quan thiên nhiên bản địa?
Hà Giang là một trong những tỉnh có những huyện, xã trong diện nghèo nhất Việt Nam. Để phát triển thành giàu có thì không phải chuyện một sớm một chiều nhưng để lựa cách làm giàu thì lại là việc của ngay ngày hôm nay.
Dựa trên những “sản vật” duy nhất về nguồn tài nguyên vô hạn – là cảnh quan thiên nhiên, cảnh sắc 4 mùa và đặc biệt là địa chính trị – cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang ngày càng thu hút nhiều du khách và nhà đầu tư. Kể cả trong dịch COVID-19 (cuối 2019 đến nay), du lịch Hà Giang vẫn phát triển và tăng trưởng không ngừng. Đặc biệt là khi nguồn khách quốc tế chưa thể quay trở lại thì khách từ mọi miền Tổ quốc, nhất là từ miền Nam, miền Trung đều hướng và đặt chân đến với tỉnh có điểm cực Bắc này. Chính thế, du lịch là một trong những đột phá trong phát triển kinh tế của Hà Giang trong tương lai trước mắt cũng như lâu dài.
Tuy nhiên, nhìn vào cái khó, cản trở giao thông là lớn nhất, nếu không có sân bay hay tuyến cao tốc kết nối các điểm thành phố lớn thì không thể đáp ứng loại hình du lịch cuối tuần, ngắn ngày, khách chủ yếu sẽ là du lịch bụi (phượt). Loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng này có thể không đem lại lợi nhuận cho tỉnh nhưng lại đem đến lợi ích cho cộng đồng dân cư. Các mô hình Homestay mọc lên hiện nay cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách này. Loại du lịch “lướt” check-in, đánh dấu các địa danh, cảnh quan là xu thế cũng cần được quan tâm trong giai đoạn giao thông liên tỉnh vẫn ở tình trạng hiện nay.
Chỉ có nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc kết nối thì việc giao thương hàng hóa, kêu gọi đầu tư cũng như lượng khách du lịch mới liên tục tăng trưởng. Ví dụ: sau khi có tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai thì Sa Pa mới thành địa điểm nghỉ cuối tuần của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và khi có cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng thì Lào Cai trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước và đủ mọi lứa tuổi đều thực hiện được giấc mơ của mình. Sự liên kết với Lào Cai để tiếp nối tuyến đường cao tốc hiện có hay liên kết với Cao Bằng, Bắc Kạn để tạo nên tour “du lịch các danh thắng liên tỉnh”, “du lịch nhiếp ảnh phong cảnh” mới đủ thời gian nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng và chi tiêu của du khách trong 5-7 ngày, phù hợp cho đối tượng khách lớn tuổi (sau nghỉ hưu có thời gian) tham gia khám phá Hà Giang. Đây cũng chính là nguồn khách lớn và có khả năng chi tiêu mua sắm và sử dụng cơ sở dịch vụ đẳng cấp, chất lượng cao.
Nếu kết hợp với các tỉnh Lào Cai (đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Đông Dương) và Điện Biên trong tour “khám phá 2 cực 1 đỉnh”, thậm chí bổ sung “hẻm Tu Sản trên sông Nho Quế” sẽ tạo thành một tour thú vị và chắc chắn nếu là công dân Việt Nam đều mong muốn đặt chân đến các điểm này. Có thể nghiên cứu thêm mô hình của 3 tỉnh Phú Thọ – Tuyên Quang – Yên Bái với chương trình “Du lịch cội nguồn”.
Việc đầu tư xây dựng cần cân nhắc để đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế sự khai thác và ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên chủ đạo, nhất là khu vực được công nhận là di sản thiên nhiên thì phải có sự liên kết của 4 nhà: Nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà dân và nhà thiết kế.
Nhà quản lý nhanh chóng hoạch định mục tiêu phát triển với quy hoạch chi tiết phân khu chức năng và phân khúc đầu tư phát triển các khu vực trọng điểm, sự tham gia của từng Nhà, đặc biệt chú trọng sự tham gia, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng để lực lượng lao động chính “hiện diện”, trực tiếp với công việc tại quê hương, nơi chốn họ sinh ra, giảm được hiện tượng “ly hương”, con cái được sự chăm sóc từ bố mẹ không phải từ ông bà như hiện nay. Có công ăn việc làm cũng sẽ đẩy lùi được các tệ nạn xã hội. Phát triển kinh tế mới giữ gìn được bản sắc văn hóa, tộc người – điểm đặc sắc để thu hút khách và nhà đầu tư.
Trong quy hoạch, các khu vực có điểm nhìn bao quát lớn, đẹp như khu vực đèo Mã Pì Lèng, các đỉnh cao của cổng trời Quản Bạ hay Cán Tỷ (Yên Minh), Mèo Vạc… sẽ hoạch định phân khúc thị trường cho những nhà đầu tư lớn, đẳng cấp như cách làm của Ninh Thuận với dự án Khu nghỉ dưỡng Amanoi Ninh Thuận 6 sao ở vịnh Vĩnh Hy, Ninh Hải cũng đã đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Kêu gọi và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh trong việc xây dựng dự án có nhiều sự tham gia và tạo được công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư, nhất là về ẩm thực, sản vật, ngành nghề thủ công truyền thống, tiếp cận công nghiệp nông nghiệp và chất lượng dịch vụ cao.
Về kiến trúc, cần có quy chế quản lý kèm theo là các chế tài cụ thể cho từng đô thị, nhất là các khu phố cổ, làng truyền thống, để kiểm soát và hỗ trợ, khuyến khích công trình xây dựng theo hướng kiến trúc xanh, bền vững, sử dụng vật liệu địa phương, kiểu dáng truyền thống để phát huy các giá trị khác biệt, tạo thương hiệu cho mỗi vùng của Hà Giang. Cách làm của tỉnh đối với dãy nhà dân ở tuyến Phố Cổ – Đồng Văn là đáng khuyến khích và nhân rộng ra các khu phố xung quanh để có được hình ảnh lớn hơn, dù chỉ là cách nhắc lại bằng mái kết thúc, chi tiết hay màu sắc, vật liệu.
Lãnh đạo ngừng lại một chút để xem xét và có cái nhìn tương quan, cộng thêm những chuyên gia thực sự tâm huyết để không phải cộng dồn các mong muốn mà tìm ra hướng phát triển bền vững trên cơ sở tiềm năng vô hạn, sự liên kết trong phát triển cơ sở hạ tầng cũng như nội dung đột phá theo hướng tiết kiệm nguồn tài nguyên cảnh quan và phát huy những điểm mạnh duy nhất, thì chắc chắn Hà Giang sẽ nhanh chóng vượt khó để “biến cái không thể thành có thể”.
Trân trọng cảm ơn Kiến trúc sư về những chia sẻ hữu ích!
Ý kiến của bạn