08:00 07/03/2024 GMT+7

Chia sẻ về phong cách nội thất Việt Nam, PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương – Trưởng khoa Nội thất (Đại học Kiến trúc Hà Nội) kiêm Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam cho biết, phong cách nội thất thường có ở nước phát triển, khi mà nền nội thất đã được định hình trong khi nội thất Việt Nam còn đang tìm kiếm phong cách cho riêng mình.

Khi đời sống, kinh tế, xã hội ngày một phát triển khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng được nâng cao. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến tư duy mua sắm và xu hướng thiết kế nội thất của người tiêu dùng Việt. Hiện nay, thay vì tìm kiếm các sản phẩm, thiết kế nội thất mang văn hóa, phong cách Việt thì người tiêu dùng lại đang có xu hướng "ưa chuộng" các phong cách thiết kế nội thất nước ngoài. 

Vì vậy, việc bê nguyên các thiết kế nội thất ở nước ngoài vào Việt Nam đã không còn là hiện tượng hiếm trong các công trình hiện nay. Những thiết kế rườm rà xa hoa xuất hiện ở hầu hết các địa phương và chưa hề có dấu hiệu dừng lại… Một số kiến trúc nội thất hiện đại với các trang bị nội thất nhập khẩu đắt tiền vẫn đang được bộ phận lớn người ở có điều kiện kinh tế coi là hình mẫu hướng tới.

Đoàn công tác của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương (ngoài cùng bên phải) khảo sát một cơ sở sản xuất và thi công nội thất tại Hà Nội.
Đoàn công tác của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương khảo sát một cơ sở sản xuất và thi công nội thất tại Hà Nội.

Mặc dù ngành nội thất tại Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong những năm qua. Trong đó, nhiều xu hướng được các kiến trúc sư và nhà thiết kế sáng tạo, mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho ngành nội thất Việt. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách khách quan, nội thất ở Việt Nam vẫn chưa tạo dựng được phong cách riêng cho mình. Trong khi, các công trình nội thất Việt thường lấy cảm hứng từ nước ngoài thì các thiết kế mang phong cách kiến trúc Việt Nam – Vietnamese style lại mới chỉ manh nha hình thành.

Bên cạnh đó, sự xung đột giữa yếu tố truyền thống trong nước và hiện đại của phong cách phương Tây đã dẫn đến sự thiếu gắn kết và thống nhất trong phong cách thiết kế sản phẩm nội thất tổng thể ở Việt Nam. Mặc dù, người Việt có khả năng tuyệt vời trong các khâu kỹ thuật, sản xuất và thiết kế nội thất nhưng để định hình phong cách, xây dựng khả năng nhận diện thì chúng ta vẫn chưa làm được. Bởi nó đã và đang phải vật lộn để thiết lập một bản sắc riêng biệt khi đối mặt với xu hướng nội thất theo phong cách kiểu Tây. 

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến người tiêu dùng có xu hướng sử dụng nội thất “sính ngoại” hiện nay, PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương cho biết: Với tâm lý “đi tắt đón đầu”, sao cho “bằng bạn bằng bè” cùng điều kiện kinh tế và thông tin hội nhập sâu rộng, người tiêu dùng có đủ điều kiện đầu tư, xây dựng cho ngôi nhà của mình giống với các thiết kế ở châu Âu, Mỹ… và bỏ qua, lãng quên những mô hình nội thất truyền thống. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế hiện nay vẫn chưa đủ bản lĩnh nghề để dẫn dắt thị trường. Họ luôn đặt lợi ích kinh tế lên trước nên luôn sẵn sàng thay đổi, thỏa hiệp với các yêu cầu của khách hàng.  

Dù tiếp thu các xu hướng, phong cách nước ngoài, nhưng các kiến trúc sư cần phải chọn lọc các yếu tố thích hợp về văn hóa, thời tiết… để áp dụng vào thiết kế của mình. Điển hình như, khi áp dụng các xu hướng của các nước phương Tây, vì điều kiện khí hậu của nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có gió mùa, lượng mưa dồi dào và độ ẩm cao, rất khác với các nước trên, nên một số thiết kế không phù hợp với tình hình thời tiết ở Việt Nam nhất là giai đoạn trời nồm, ẩm. 

Như vậy, để thiết kế các công trình nội thất vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng cũng phải mang nét đặc trưng của văn hóa Việt cũng là một bài toán nan giải hiện nay. 

Người Việt phải có thiết kế kiến trúc, nội thất theo phong cách của dân tộc mình đề tạo bản sắc, sự khác biệt riêng, không thể cứ bắt chước hoặc bê nguyên các thiết kế của nước ngoài được. Do đó, các kiến trúc sư dù thiết kế nội thất phong cách nước ngoài nhưng cũng phải tập trung vào nghiên cứu, thiết kế phát triển nội thất mang đặc trưng của người Việt. 

Đồng thời, tư vấn, thuyết phục được người tiêu dùng thấy được giá trị, vẻ đẹp của các thiết kế phong cách Việt Nam. Từ đó, ngày một nhiều người Việt có nhu cầu nội thất thiết kế Việt. Bởi, không có sản phẩm nào đẹp bằng chính sản phẩm mang hồn sắc văn hóa của chính dân tộc mình.

Để định hình phong cách nội thất Việt, theo PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương cần phải có sự tham gia, vào cuộc của nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó, dẫn đầu phải là nhà lý luận, nghiên cứu – những người có nền tảng lý luận về nội thất. Ngoài ra, các kiến trúc sư cũng phải mạnh dạn, dám tiên phong nghiên cứu và phát triển các kiến trúc mang hơi thở, văn hóa Việt. 

Đặc biệt, các cơ quan Nhà nước cũng cần tạo điều kiện phát triển ngành nội thất để kiến trúc sư có không gian cũng như điều kiện để sáng tạo nên các thiết kế nội thất độc đáo, bền vững. 

Hiện nay, gần như không có đơn giá thiết kế nội thất trong các dự án Nhà nước thuộc vốn ngân sách. Bởi vậy, để lấy phí thiết kế nội thất là rất khó, đây là nguyên nhân chính dẫn đến các thiết kế nội thất không được quan tâm, các kiến trúc sư chuyên về nội thất không có động lực để phát huy tính sáng tạo của mình. 

Bên cạnh đó, luật pháp và chính sách cũng chưa theo kịp sự phát triển của ngành nội thất. Bởi vậy, các thiết kế nội thất hiện đang tàng hình trong các văn bản pháp luật. Đa phần các thiết kế nội thất không phải là nguyên nhân chính gây cháy chết người hoặc không lộ liễu, không đến mức báo động. Nên vẫn chưa có các tiêu chí, quy định chung, cụ thể trong thiết kế nội thất. 

Vì vậy, để định hình phong cách nội thất Việt cần phải có tư duy thiết kế một cách hệ thống, lý luận đưa ra với vai trò định hướng, là kim chỉ nam dẫn đường hướng tới sự phát triển bền vững ngành kiến trúc của nước ta. Trong cuộc cách mạng  này, rất cần những thủ lĩnh tiên phong trong việc đổi mới tư duy và định hướng lại thẩm mỹ của người dùng.

Bách Hợp

TỪ KHÓA #tạp chí kiến trúc việt nam #tạp chí điện tử kiến trúc việt nam #vietnamarchi.vn #định hình xu thế kiến trúc nội thất mang phong cách việt #pgs.ts.kts vũ hồng cương
Tin cùng chuyên mục