11:49 19/04/2024 GMT+7

Với khát vọng đưa Việt Nam trở thành thủ phủ hoa Lan của thế giới và trồng hơn 300 ha rừng làm môi trường sinh sống cho Lan đồng thời tạo lá phổi xanh cho Thủ đô Hà Nội, doanh nhân Nguyễn Văn Kính không ngừng cải tiến, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao để cho ra thị trường loài hoa có vẻ đẹp vạn người mê.

 

Một huấn luyện viên bóng bầu dục của Mỹ đã từng nói “Kẻ chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc, kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng”. Và, để trở thành ông chủ lớn nức tiếng về hoa, đặc biệt là hoa Lan Hồ Điệp, gắn với tên khởi nghiệp ban đầu - “Siêu thị hoa Anh Trí” toạ lạc tại khu vực chợ hoa Quảng An (Tây Hồ), hay chủ sở hữu công ty về hoa Lan có quy mô 32 ha nằm ngay bên triền sông Đáy mang thương hiệu “Công ty Lan Toàn Cầu”, doanh nhân Nguyễn Văn Kính đã không ít lần “nếm” những trái đắng, có khi mất cả triệu đô, thậm chí có thời điểm hơn 4 ha hoa hồng được ông đầu tư nhưng giá thành lại không cạnh tranh được với thị trường nên đành thua thiệt.Tuy nhiên, bằng sự kiên định, vững vàng, cùng tình yêu và nhiệt huyết với hoa đặc biệt là giống Lan, doanh nhân Nguyễn Văn Kính đã quyết định đầu tư nuôi cấy Lan để sản xuất và xuất khẩu. 

Ông Kính chia sẻ, hiện nay, trên thế giới có 3 dòng hoa Lan gồm: Lan nhiệt đới (đại diện là Lan Thái), loài hoa này có nhược điểm là không thể để cả cây được mà phải sản xuất cắt cành, đơn điệu, ít màu nên không được nhiều người yêu thích; Lan ở vùng ôn đới xứ lạnh, trong đó đứng đầu hiện nay là Địa Lan của Hàn Quốc, tuy nhiên, hoa chỉ nở trong vòng một tháng và nhanh tàn; Lan cận nhiệt đới đại diện là Lan Hồ Điệp - giống hoa được săn đón bởi vẻ đẹp động lòng người.

Hiện nay, Đài Loan đang thống trị về số lượng và chủng loại loài hoa này. Trong đó, người Đài Loan 01 năm có thể tạo ra được khoảng 300 giống mới, tuy nhiên chỉ có 10% là tồn tại được 5 năm trở lên. 

Việc đầu tư khoa học và định hướng tập trung phát triển hoa Lan thương phẩm và cây giống được ông Kính đặc biệt quan tâm. Ông Kính cho biết, trang trại của công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) của ông sở hữu với quy mô 32 ha đã trở thành nơi sản xuất hoa, cây giống Lan Hồ Điệp lớn nhất Việt Nam và vươn tầm Châu Á. Trên thực tế, Lan Hồ Điệp là loài hoa rất “khó tính”, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện tự nhiên và quy trình chăm sóc, do đó việc cung ứng ra thị trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ công nghệ kiểm soát nhiệt độ doanh nghiệp  có thể “điều khiển” cho Lan Hồ Điệp nở theo thị hiếu của người “chơi hoa” và cung ứng tốt cho thị trường. Hiện vườn Lan của ông Kính có khoảng 130 giống cây, đây cũng là “ngôi nhà chung” của nhiều giống Lan quý hiếm, được ươm trồng tỉ mỉ, với nhiều giống hoa đẹp nao lòng.

Được biết trước đó, Việt Nam chỉ mới sản xuất Lan được 30% so với nhu cầu, còn 70% là nhập từ các nước khác. Để không phụ thuộc vào thị trường Lan của nước ngoài, ông Kính là người tiên phong trong việc đưa giống Lan của Đài Loan về thị trường trong nước và đầu tư hơn một nghìn tỷ để mua công nghệ làm giống, công nghệ chăm sóc, xây nhà nuôi cấy tiến bộ để trồng Lan với quy mô lớn. Theo đó, với số lượng Lan được trồng rộng rãi như hiện nay, chỉ 3 - 5 năm nữa, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu Lan trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Kính, nhà mô Đài Loan lớn nhất chỉ có 2.000 m2, tuy nhiên nhà mô của công ty Lan Toàn Cầu lên tới 6.000 m2. Vì vậy, đây cũng là một trong những cơ sở nuôi cấy mô hiện đại nhất hiện nay, hơn các cơ sở nuôi cấy tốt nhất của Đài Loan. Để làm được điều đó, ông đã mạnh tay đầu tư  xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, khu nuôi cấy phôi Lan giống rộng 6.000 m2 lắp đặt các hệ thống máy móc cực kỳ hiện đại với những tiêu chuẩn khắt khe nhất về vệ sinh. Do đó, tổng chi phí cho dự án trồng Lan của ông đến giờ lên tới 7.000 tỷ.

Cũng theo ông Kính, nhà mô phải tiệt trùng tuyệt đối và để đảm bảo độ ẩm cần thiết phải có máy lạnh trung tâm thật tốt và một hệ thống áp suất dương (áp suất trong cao hơn bên ngoài) để có khe hở nhưng không để côn trùng xâm nhập. 

Ngoài nhà mô là những khu nhà kính ươm hoa theo các giai đoạn phát triển. Hiện tại công ty có 50.000 m2 (bao gồm 4 nhà kính), 2 nhà mô mới (10.000 m2) đang xây dựng sẽ đi vào sử dụng tới đây.

Cùng với những trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố tiên quyết giúp cho công ty Lan Toàn Cầu  ngày một phát triển. Vì vậy, ông Kính luôn chú trọng trong việc đào tạo đội ngũ kỹ sư trẻ, đặc biệt là đưa họ sang Đài Loan đào tạo trong thời gian 3 năm.

Bên cạnh việc cung ứng hoa cho toàn quốc, công ty Lan Toàn Cầu đang tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng cho hàng trăm lao động của địa phương.

Được biết, thu nhập từ 01 ha lúa hiện nay khoảng 200 - 300 triệu đồng, tuy nhiên thu nhập từ 01 ha Lan được 25 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy được tiềm năng to lớn của việc sản xuất lan công nghệ cao. Từ đó, đặt nền tảng cho ngành hoa Việt Nam phát triển không chỉ trong nước mà hướng tới xuất khẩu trên khắp thế giới.

 

Nhằm mở rộng và phát triển hơn nữa quy mô trồng Lan, ông Kính đang triển khai dự án trồng rừng tạo môi sinh cho Lan, từ đó hình thành “khu vườn địa đàng” ngay giữa lòng Thủ đô. Mục tiêu của ông là làm cánh rừng, ngọn núi, tạo suối để tạo môi trường ẩm, đưa giống Lan của rừng Trường Sơn về nuôi cấy, nhân giống giúp loài hoa đặc biệt này của Việt Nam đến với các nước trên thế giới. 

Cách đây 25 năm, người Nhật đã thành lập một công ty ở Việt Nam và đầu tư nhiều triệu đô chỉ để lấy một giống Lan từ rừng Việt Nam, hiện nay đã nổi tiếng khắp thế giới. Theo nhiều chuyên gia, những giống Lan đẹp và hấp dẫn nhất hiện nay đang sống trên những cánh rừng Trường Sơn. Do đó, những con suối, cánh rừng, dòng sông mà ông Kính hướng tới xây dựng tại Hà Nội nhằm tạo môi sinh giúp giống Lan bản địa phát triển. Ngoài ra, với việc nhân giống Lan bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, công ty Lan Toàn Cầu có thể chủ động nguồn giống và mở ra triển vọng sản xuất Lan Việt Nam với quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.

Nếu giống Lan bản địa được nhân rộng thành công, thời gian tới, Việt Nam sẽ là điểm đến của các nhà kinh doanh hoa trên thế giới.

Việc nhân giống Lan bản địa được phát triển sẽ cải tạo cơ cấu vật nuôi cây trồng, đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đó, khi dự án đi vào hoạt động sẽ là điểm đến hút khách du lịch đến với thủ đô Hà Nội. Từ xưa, Hà Nội nổi tiếng và thu hút khách du lịch bởi những con phố tràn ngập cây xanh cùng nhiều hồ nước tự nhiên nằm rải rác khắp nội đô - những nét đẹp đặc trưng mà không phải thành phố lớn nào cũng có được. Tuy nhiên, trong những năm gần đây với tốc độ đô thị hóa cũng như nhiều dự án triển khai đã khiến số lượng cây xanh tại Hà Nội giảm đáng kể chính là nguyên nhân hình thành ý tưởng tạo rừng trong lòng thành phố của doanh nhân Nguyễn Văn Kính. Dự án sẽ đánh dấu bước ngoặt trong cải thiện thực trạng thiếu diện tích che phủ cây xanh tại Hà Nội.

Theo ông Kính, để làm một cánh rừng không phải chỉ cần trồng các loại cây san sát nhau, mà phải có nhiều tầng lớp cây, có suối, có sông, có núi như trong tự nhiên để tạo độ ẩm, môi sinh cho cây phát triển.

Bên cạnh việc trồng Lan, nơi đây còn được tích hợp tham quan, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Nhưng mục đích lớn nhất của dự án là tạo ra lá phổi xanh cho Thủ đô Hà Nội, đưa rừng vào thành phố. 

Chia sẻ những kinh nghiệm học hỏi từ nước ngoài, ông Kính cho biết, tôi rất thích các cánh rừng tự nhiên ở thành phố Kuala Lumpur (Malaysia), tại đây có thể bắt gặp các cánh rừng ngay trong lòng thành phố hay khu vườn nổi tiếng ở Singapore, mặc dù chỉ có mấy chục ha rừng nhưng nơi đây lại thu hút đặc biệt nhiều khách du lịch tham quan.

Như vậy, nếu khu rừng tự nhiên hơn 300 ha được hình thành cùng với giống hoa bản địa tuyệt đẹp của núi rừng Trường Sơn được sinh trưởng sẽ là điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế, đồng thời khẳng định về ngành hoa cũng như du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó với những giá trị đặc biệt về vị trí địa lý - điểm giao thoa giữa đền Hát Môn, chùa Thầy, núi Ba Vì và sông Đáy, dự án đưa rừng vào thủ đô” sẽ tạo thành một vùng sinh thái hoàn hảo, hứa hẹn trở thành công viên sinh thái di sản của Việt Nam.

Bích Hợp

04/19/2024 15:42
TỪ KHÓA #tạp chí kiến trúc việt nam #tạp chí điện tử kiến trúc việt nam #vietnamarchi.vn #công ty lan toàn cầu
Tin cùng chuyên mục