Ga Huế - hồn xưa giữa phố
Không chỉ chứng kiến những cuộc hội ngộ - chia xa, Ga Huế giờ đây còn là điểm nhấn trên bản đồ du lịch Huế khi đã trở thành một địa điểm thu hút những người yêu văn hóa, mê di sản, đặc biệt là những công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp.
“Mình đã từng dừng chân ở nhiều ga đường sắt ở Việt Nam, và Ga Huế là một trong những công trình khiến mình ấn tượng. Nó không chỉ nằm ngay trung tâm đô thị di sản mà còn giữ được kiến trúc xưa cổ, không phải thành phố nào cũng giữ được”, Nguyễn Hoài Ân, du khách đến từ TP. Đà Nẵng trầm trồ.
Không chỉ ấn tượng với công trình này ở mặt kiến trúc, Ân bảo rằng nơi đây còn là điểm du lịch thu hút du khách, đặc biệt là du khách trẻ khi đêm về. Đúng như thế, kiến trúc Ga Huế như toát lên vẻ sang trọng nhưng ấm áp vào ban đêm. Nhiều người vì ấn tượng và mê mẩn công trình này nên thường tìm đến đây để ngắm nghía, tạo dáng chụp hình.
Theo kỷ yếu “100 năm Ga Huế”, trong gần một thế kỷ chiếm đóng Ðông Dương làm thuộc địa (1862 - 1954), một trong những công trình “mang dấu ấn kiến trúc kỹ thuật Pháp” đậm nét nhất đó là “Hệ thống tuyến đường sắt Ðông Dương và tuyến đường sắt thâm nhập vào Trung Quốc”.
Riêng tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn đoạn Ðông Hà - Ðà Nẵng dài 171km được nghiên cứu khảo sát kỹ lưỡng từ năm 1899 đến 3/1902 khởi công và hoàn thành vào tháng 12/1908. Ðoạn này được chia làm hai công đoạn: công đoạn thứ nhất khởi công từ tháng 3/1902 lấy Ðà Nẵng làm điểm xuất phát thi công tiến dần ra Huế và công đoạn thứ hai lấy Huế làm điểm xuất phát thi công tiến dần ra Ðông Hà. Tháng 11/1906 hoàn thành việc lắp đặt 103km đường sắt nối Ðà Nẵng với Huế và đến tháng 12/1908 hoàn thành việc nối Huế với Ðông Hà dài 68km. Bình quân chi phí 1km hết 161.000 frăng.
Ði đôi với việc xây dựng tuyến đường sắt, các nhà ga cũng được xây dựng nhằm đảm bảo điều hành vận chuyển hành khách, hàng hóa và chạy tàu. Toàn tuyến Ðà Nẵng - Huế - Ðông Hà không kể 2 ga gốc (Ðà Nẵng và Ðông Hà) có 24 điểm đỗ, gồm 1 ga chính đó là Ga Huế, 15 ga xép và 8 điểm đỗ. Ðường sắt làm xong đến đâu được đưa vào khai thác đến đó. Ngày 15/12/1906 tuyến đường sắt Ðà Nẵng - Huế chính thức mở cửa khai thác.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, địa phận Ga Huế ngày nay vốn là đất Trường Súng ngày xưa. Theo Léopold Cadiere trong công trình khảo cứu của ông về các địa danh ở Kinh thành Huế, địa danh Trường Súng đã có từ thế kỷ VIII dưới thời các chúa Nguyễn. Bấy giờ, ở gần đó cũng có các chuồng nuôi voi của triều đình nhà chúa, gọi là Tàu Voi hoặc Tàu Tượng.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, dưới thời Pháp thuộc, Ga Huế đã được thiết lập để nối tuyến đường sắt vô phía Nam và ra phía Bắc. Ga Huế được xây dựng xong vào cuối năm 1906. Qua đầu năm 1907, tuyến tàu hỏa Huế - Ðà Nẵng bắt đầu hoạt động. Rồi vào năm 1908, tuyến tàu hỏa nối Ga Huế với ga Quảng Trị cũng được khai trương. Và để phục vụ cho lữ khách đi tàu hỏa ghé lưu trú một thời gian ngắn tại Huế, bấy giờ người ta cũng xây dựng một khách sạn ngay trước mặt nhà ga gọi là khách sạn Ga (Hotel de la gare).
Nhà ga tuy cũng đã được nâng cấp và mở rộng, nhưng vẫn không thay đổi mấy về phong cách kiến trúc so với một thế kỷ trước. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, tàu hỏa (chạy bằng than) là một loại phương tiện giao thông vận tải hiện đại và thuận lợi. Ngoài ra, nó cũng là phương tiện rất thú vị dùng để đi du lịch đường dài. Tuyến du lịch từ Ðà Nẵng ra Huế đã được tổ chức khá sớm, từ những năm sau khi tuyến đường sắt vừa xây dựng xong. Bấy giờ, từ Ðà Nẵng ra Huế, mỗi ngày có hai chuyến tàu, du khách tùy ý lựa chọn. Chuyến buổi sáng khởi hành vào lúc 6 giờ 10 phút. Còn chuyến buổi chiều thì khởi hành lúc 1 giờ 8 phút vào những ngày mùa đông và lúc 2 giờ 30 phút vào những ngày mùa hè.
Chính vua Khải Ðịnh và đoàn tùy tùng đã dùng tàu hỏa từ Ga Huế vào Ðà Nẵng để đáp tàu thủy đi Pháp năm 1922. Mười năm sau (1932), vua Bảo Ðại trên đường “hồi loan” từ Pháp về cũng đã đáp một chuyến tàu hỏa từ Ga Ðà Nẵng ra đến Ga Huế.
Cũng theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Ga Huế là một trong những nhà ga tàu hỏa cổ nhất tại Việt Nam. Nếu bảo tồn được dáng vẻ vốn có của Ga Huế là điều tốt và quý, vì nhà ga này còn mang những giá trị kiến trúc và lịch sử.
báo Thừa Thiên Huế
Ý kiến của bạn