Công trình xanh - Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Công trình xanh - Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững

(Vietnamarchi) - Phát triển công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng đang là xu hướng tất yếu, không chỉ tạo ra những công trình đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, mà còn là giải pháp đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
09:00, 12/02/2024

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bền vững, Ths.KS Nguyễn Xuân Hải - Viện Quản lý Dự án Hoa Kỳ (PMI), chuyên gia dự án Data Center lớn nhất Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn. Dưới đây là phân tích, đánh giá của Ths.KS Nguyễn Xuân Hải về thực trạng phát triển công trình xanh ở nước ta hiện nay và xu hướng phát triển của lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch, vật liệu - nội thất khi công trình xanh được triển khai, nhân rộng trong tương lai.

Ths.KS Nguyễn Xuân Hải - Viện Quản lý Dự án Hoa Kỳ (PMI), chuyên gia dự án Data Center lớn nhất Việt Nam

PV: Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình, con số này còn quá khiêm tốn! Theo Ths.KS Nguyễn Xuân Hải, đâu là thách thức phát triển công trình xanh tại Việt Nam?

Ths.KS Nguyễn Xuân Hải: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến số lượng công trình xanh hiện nay còn quá khiêm tốn so với tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng. Trong đó, thực tiễn đang còn tồn tại những thách thức cơ bản sau:

Thứ nhất, ít người biết đến công trình xanh và lợi ích lâu dài của loại công trình này. 

Theo khảo sát vi mô nhỏ với 350 người với vai trò là chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và những người có liên quan khác, hiện đang công tác trong lĩnh vực xây dựng tại TPHCM. Kết quả phản hồi cho thấy, có đến gần 49% người chưa từng nghe và nghe đâu đó về công trình xanh. Số lượng người biết sơ sơ về công trình này cũng chiếm tỉ lệ cao là 41%. 

Như vậy, công trình xanh vẫn chưa thực sự được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng nói chung và trong giới xây dựng nói riêng. Trong khi các bên tham gia dự án, đặc biệt là đơn vị tư vấn sẽ là cánh tay nối dài, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng, tư vấn và thuyết phục về những lợi ích lâu dài của loại hình công trình này. Vì vậy, đây sẽ là một rào cản vô cùng lớn nếu đơn vị tư vấn không hiểu rõ hoặc còn mơ hồ về công trình xanh. Hơn thế rào cản còn là tâm lý ngại thay đổi từ phía chủ đầu tư.

Thứ hai, mức đầu tư cho công trình xanh thường cao hơn so với công trình truyền thống.

Hiện nay, có nhiều loại tiêu chuẩn Chứng nhận xanh phổ biến tại Việt Nam như LOTUS (VGBC - Việt Nam), EDGE (IFC - Ngân Hàng Thế Giới, World Bank), LEED (Hoa Kỳ) và GREEN MARK (Singapore). Vì vậy, chi phí tăng thêm này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu là loại tiêu chuẩn chứng nhận xanh, mức chứng chỉ mong muốn đạt được và mức độ “chịu chi” của chủ đầu tư. Khi đó dự án công trình xanh hầu hết có chi phí xây dựng trung bình cao hơn khoảng 5-20% trên tổng mức đầu tư so với loại dự án xây dựng truyền thống. 
Chi phí tăng thêm này được phân bổ cho tất cả các giai đoạn từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc dự án xây dựng. Tuy nhiên, giá trị phát sinh phần lớn đến từ vật liệu xây dựng và trang thiết bị phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh, công trường thi công phải đạt tiêu chuẩn, chi phí tăng thêm liên quan đến đơn vị tư vấn và thủ tục liên quan khác. 

Thứ ba, chưa có những chính sách cụ thể mang tính khả thi và hiệu quả từ phía Nhà nước đối với dự án công trình xanh.

Theo Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng thì tại Điều 10, Khoản 4 có bổ sung thêm nội dung về khuyến khích hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững… từ đó thấy được Nhà nước đang rất quyết tâm và có những giải pháp căn cơ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dự án công trình xanh.

Tuy nhiên, thực tiễn chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền thông qua những hội nghị, hội thảo và sự kiện thường niên. Các sự kiện về công trình xanh đến nay vẫn mang tính tự phát, lẻ tẻ và thiếu liên kết. 

Một công trình xanh được Chứng nhận LEED Silver

PV: Đối với Việt Nam, loại hình công trình xanh nào sẽ là xu thế phát triển trong thời gian tới, thưa Ths.KS Nguyễn Xuân Hải!

Ths.KS Nguyễn Xuân Hải: Theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có thêm 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này sẽ là 150 công trình. Bởi vậy, tôi cho rằng, trong thời gian sắp tới, lĩnh vực xây dựng xanh nói chung sẽ có những bứt phá mạnh mẽ và có sự chuyển dịch lớn trong ngành xây dựng, đặc biệt là đối với những dự án xây dựng dân dụng lẫn công nghiệp có quy mô lớn.

Ngoài ra, thị trường công trình xây dựng bền vững sẽ hình thành hai xu thế phát triển rõ rệt. Đầu tiên là đối với các dự án xây dựng có quy mô lớn (khu đô thị, nhà cao tầng, nhà xưởng công nghiệp, …), nhà phát triển dự án sẽ tập trung nhiều hơn vào dạng công trình xanh với các chứng nhận phổ biến là LEED, EDGE và GREEN MARK - ưu tiên lựa chọn hàng đầu đối với chủ đầu tư. Ngoài những chứng nhận tiêu chuẩn đã quen thuộc trên, LOTUS - bộ công cụ đánh giá công trình xanh đầu tiên của Việt Nam cũng sẽ trở nên thông dụng hơn trong thời gian sắp tới. 

Riêng đối với những dự án có quy mô vừa và nhỏ hoặc nhà ở riêng lẻ, chủ sở hữu sẽ nhận thức rõ ràng hơn về lợi ích lâu dài của công trình xanh, sẽ có những giải pháp nhằm tối ưu năng lượng sử dụng. Do đó, theo tôi, công trình tiết kiệm năng lượng sẽ trở thành xu hướng trong thời gian sắp tới.

Hệ thống các chứng nhận xanh phổ biến tại Việt Nam

PV: Riêng đối với lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch, vật liệu - nội thất sẽ có xu hướng phát triển ra sao khi các loại hình công trình xanh đã mở rộng (từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp), thưa Ông?

Ths.KS Nguyễn Xuân Hải: Trong kiến trúc - quy hoạch, những thiết kế cổ điển không thân thiện môi trường hoặc chưa tận dụng tối đa hiệu quả năng lượng sẽ dần được thay thế với những ý tưởng đột phá hơn theo định hướng xanh. Bắt đầu từ bước nghiên cứu hiện trạng, lập quy hoạch tổng thể bền vững cho dự án. Trên cơ sở các quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ có những áp dụng thiết kế kiến trúc mang tính thích ứng cao, kiến trúc xanh góp phần tạo lập môi trường sống bền vững, cùng với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng. 
Vật liệu - nội thất xanh cũng sẽ là xu hướng tất yếu để đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Vật liệu xanh sẽ dần thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống, nhằm hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người, trở thành yếu tố cốt lõi trong việc phát triển xây dựng bền vững. Đây là cơ hội lớn, mở ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh xây dựng, từ đơn vị thiết kế, tư vấn, cung cấp vật tư đến các nhà sản xuất. Vì vậy, những doanh nghiệp này cần nắm bắt thời cơ, xu hướng phát triển tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường xây dựng trong thời gian tới.

PV: Với những rào cản được nêu ở trên, đâu là giải pháp thúc đẩy số lượng công trình xanh tại Việt Nam, thưa Ông?

Ths.KS Nguyễn Xuân Hải: Với những thách thức được đặt ra trong quá trình phát triển số lượng công trình xanh được nêu trên, tôi đề xuất hai nhóm khuyến nghị lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển công trình xanh trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế thì cần xem xét đến tính hiệu quả và mức độ khả thi cao cho từng giải pháp cụ thể:

Thứ nhất: Nhóm giải pháp từ những chính sách Nhà nước

Cần phải có quỹ tài chính hỗ trợ dành cho các dự án xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm nguồn tài nguyên hoặc các dạng công trình tương tự khác; Nhà nước phối hợp với ngân hàng để cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dạng dự án này. 

Mặc khác, sử dụng công cụ thuế như là một phương thức hiệu quả nhằm thay đổi hành vi của chủ đầu tư, thúc đẩy đầu tư xanh, bảo đảm tài chính cho quá trình chuyển đổi sang lĩnh vực xây dựng xanh; doanh nghiệp đi đầu trong các dự án chuyển đổi xanh sẽ nhận được hỗ trợ nhiều về tài chính cũng như các cơ hội phát triển khác. 

Bên cạnh đó, cần xem xét tạo điều kiện và ưu tiên ở giai đoạn cấp phép xây dựng cũng như các thủ tục pháp lý khác và các ban ngành, hỗ trợ về chuyên môn đối với các dự án công trình xanh. Đối với những công trình hoặc tòa nhà hiện hữu có tiêu thụ năng lượng nhiều và có lượng phát thải lớn, cần ban hành quy định bắt buộc, phải đánh giá hiện trạng hiệu suất sử dụng năng lượng. Trường hợp sử dụng thiết bị có hiệu quả năng lượng cao hoặc thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, người chủ đầu tư sẽ được khấu trừ thuế ở mức phù hợp với chi phí đầu tư các thiết bị đó.

Thứ hai: Nhóm giải pháp thúc đẩy sự nhận thức từ phía xã hội và vai trò các đơn vị tư vấn 

Cần xây dựng nhận thức và phong cách sống biết sử dụng hiệu quả năng lượng thân thiện với môi trường thông qua tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong các ban ngành, các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng. 

Ngoài ra, cần kêu gọi, khuyến khích cá nhân, tập thể thay đổi hành vi sống vì một môi trường xanh và đề cao tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua truyền thông để công trình xanh thực sự đi vào cuộc sống. Trong đó, hoạt động này phải được diễn ra trong thời gian dài với việc sử dụng nhiều công cụ truyền thông có giá trị tác động lớn. 

Mặc khác, cần phải đưa kiến thức về công trình xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng vào các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo chuyên môn, các chương trình giảng dạy và các giải pháp thiết kế ảnh hưởng tích cực đến việc sử dụng hiệu quả năng lượng. Đơn vị thiết kế cần khéo léo lồng ghép các ý tưởng thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng vào công trình. Bằng kiến thức chuyên sâu, trao đổi và thuyết phục chủ đầu tư về những lợi ích lâu dài của công trình xanh, để họ có cái nhìn rõ ràng hơn và có được quyết định đầu tư một cách đúng đắn. 

Đơn vị tư vấn cũng cần nâng cao kiến thức về công trình xanh, và vấn đề đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ trong phát triển bền vững cho các bên tham gia dự án nói chung và đơn vị tư vấn nói riêng. Đây là một trong những ưu tiên vô cùng quan trọng.

PV: Như Ông vừa chia sẻ, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong tương lai số lượng công trình xanh tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, việc này có đóng góp ra sao trong phát triển đô thị bền vững theo đúng tinh thần Nghị Quyết 06 của Chính phủ cũng như cam kết của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng “0” tại COP26?

Ths.KS Nguyễn Xuân Hải: Theo tôi, nếu các khuyến nghị nêu trên được áp dụng đồng bộ dựa trên mức độ khả thi lẫn tính hiệu quả của từng giải pháp, và có những bước triển khai cụ thể, kế hoạch thực hiện rõ ràng trong trung và dài hạn thì số lượng công trình xanh sẽ tăng trưởng một cách vượt bậc trong thời gian sắp tới.

Điều này đồng nghĩa với ngành xây dựng sẽ đóng góp đáng kể vào việc cắt giảm hiệu ứng nhà kính, hạn chế phát thải khí độc hại, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Do đó, tôi có cơ sở vững chắc tin rằng Việt Nam sẽ thành công như tuyên bố tại Hội nghị COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào 2050.

Còn đối với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi thiết nghĩ, ngoài những khuyến nghị nêu trên, cần phải có thêm những giải pháp đột phá, mang tính chiến lược dài hạn và nhiều chính sách phát triển vĩ mô hơn nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo xu hướng xanh, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ hữu ích!

Pháp lý xây dựng

Kiến trúc Việt Nam hướng tới Net Zero

Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Hậu quả do siêu bão Yagi để lại nhắc nhở cho ta nhiều điều về Xây dựng và Kiến trúc đô thị...

“Xanh hóa” khu công nghiệp, xu thế đang trở thành bắt buộc

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ ngành sớm nghiên cứu và xây dựng Luật Khu công nghiệp…

KTS. Chu Kim Đức - Người mang niềm vui cho trẻ em Hội An

Công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại có chủ đề “Chim hoang dã” vừa được trao tặng cho người dân phường Cửa Đại, TP. Hội An vào tháng 6/2024. Dự án này do MBBank và GIZ tài trợ chính, KTS. Chu Kim Đức và các cộng sự trong nhóm Think Playgrounds thực hiện.

Cần quy hoạch tổng thể và xây dựng tiêu chí phân loại cây xanh đô thị Hà Nội

Để xây dựng mạng lưới cây xanh Hà Nội hoàn chỉnh phát huy được hiệu quả, các đơn vị chức năng cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; xây dựng tiêu chí để phân loại, ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị.

Công bố tên chủ đề ngày Kiến trúc Thế giới năm 2024

Mới đây, Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) đã công bố chủ đề “Trao quyền cho thế hệ kế tiếp trong Thiết kế đô thị có sự tham gia” cho ngày Kiến trúc Thế giới năm 2024, nhằm khuyến khích sự tham gia của các kiến trúc sư trẻ trong hoạt động thiết kế và quy hoạch đô thị...

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi