KTS. Chu Kim Đức - Người mang niềm vui cho trẻ em Hội An

KTS. Chu Kim Đức - Người mang niềm vui cho trẻ em Hội An

Công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại có chủ đề “Chim hoang dã” vừa được trao tặng cho người dân phường Cửa Đại, TP. Hội An vào tháng 6/2024. Dự án này do MBBank và GIZ tài trợ chính, KTS. Chu Kim Đức và các cộng sự trong nhóm Think Playgrounds thực hiện.
17:20, 22/08/2024
 KTS. Chu Kim Đức.
 KTS. Chu Kim Đức.

Học thạc sĩ tại Pháp, và là người đồng sáng lập Think Playgrounds (TPG) từ năm 2014, KTS. Chu Kim Đức luôn ước mơ trẻ em Việt Nam có nhiều sân chơi, có quyền được chơi, được lưu giữ tuổi thơ của mình một cách đẹp nhất.

Công viên biểu tượng “chim hoang dã”

Chị Chu Kim Đức cho rằng, khó khăn lớn nhất là nhận thức của đa số người dân về quyền được chơi của trẻ em. Nếu trẻ em không có quyền được chơi, thì các em sẽ không thể phát triển một cách lành mạnh được.

Quyền được chơi phải hiểu ở nghĩa: Không phân biệt giàu nghèo, vùng miền, các em đều cần phải có không gian chơi – tự do - ngoài trời mỗi ngày. Không gian này phải gần với nơi ở để các em có thể tự đi đến.

Vì sao TPG lại quyết định xây dựng thật nhiều sân chơi tại Hội An? KTS. Chu Kim Đức chia sẻ, Hội An là thành phố đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và hiện nay đã tác động đến du lịch cũng như đời sống người dân.

Công viên chim.
Công viên chim.

Để thí điểm một mô hình cải tạo không gian công cộng vừa bền vững về sinh thái vừa thân thiện cho sinh hoạt cộng đồng, cũng là hai khía cạnh về môi trường và xã hội quan trọng nhất trong hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, TPG đã hợp tác với Viện Kinh tế Xây dựng ICUE, chương trình Higreen - Bình Minh Xanh (Ngân hàng Quân đội MBBank); GIZ - Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức, Chi hội Bảo tồn chim hoang dã miền Trung và UBND TP.Hội An cùng phường Cửa Đại và cộng đồng địa phương, chung tay cải tạo hành lang xanh biển Cửa Đại và hình thành một công viên dành cho cộng đồng.

Hội An còn rất nhiều tiềm năng để bảo vệ đa dạng sinh thái và phát triển du lịch sinh thái chuyên sâu. Khi khảo sát cùng Chi hội Bảo tồn chim hoang dã miền Trung, có hơn 100 loài chim hoang dã đã được phát hiện ở Cồn cát Cửa Đại, trong đó có 10 loài ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đây là một tài nguyên thiên nhiên bản địa quý giá mà thành phố cần hỗ trợ để bảo vệ, gìn giữ và phục hồi.

Từ khi phát hiện thú vị về loài chim hoang dã, nhóm của chị Đức đã quyết định các công viên cộng đồng tại Hội An sẽ được thiết kế và xây dựng theo chủ đề các loài chim.

Hai loài để nhóm chị Đức chọn làm hình tượng cho sân chơi là loài chim rẽ cổ hung và chim nhàn Sumatra - là các loài quý hiếm đã dừng chân ở Cửa Đại, hai nhóm này đều trong danh sách cần được bảo vệ.

Để nâng cao nhận thức về sinh thái và xã hội, nhóm TPG đã thiết kế một số bảng biển thông tin về các loài thực vật bản địa, các loài chim, cách thức để quản lý không gian xanh thuận tự nhiên ngay ở Cửa Đại.

Từ thiết kế đến xây dựng, nhóm TPG đều thực hiện với cộng đồng nhằm đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của người dân và trẻ em.

Trẻ em thích thú với khu vui chơi Công viên chim hoang dã (Ảnh: Tuổi trẻ Cửa Đại.
Trẻ em thích thú với khu vui chơi Công viên chim hoang dã (Ảnh: Tuổi trẻ Cửa Đại).

Ngoài ra, một số chi tiết trong công viên cũng giúp dễ tiếp cận hơn và nâng cao tính hòa nhập như có đường dốc cho người đi xe lăn lên vỉa hè, các chỗ đỗ xe đạp, kẻ vạch cho người đi bộ qua đường. Vật liệu sử dụng là i-nox kết hợp với tấm nhựa tái chế từ vỏ hộp sữa - được xem là vật liệu bền vững chống chịu tốt với gió bão và nước biển mặn.

“Với các chú chim đứng và nằm, chúng tôi kết hợp các trò chơi như leo trèo, xích đu, trượt, chui trốn… Bảng thông tin sân chơi cũng được thiết kế đẹp mắt và nhiều thông tin về loài chim, có cả QR code để nghe tiếng hót của chúng.

Để phản chiếu văn hóa Hội An, chúng tôi kết hợp bài chòi với các hình vẽ trên nền kết hợp các trò chơi như lò cò, đuổi bắt… Như vậy qua sân chơi các em vừa được chơi tự do, vừa có cơ hội tiếp xúc thêm với các thông tin, hình ảnh giáo dục về sinh thái, môi trường, thiên nhiên và văn hóa” - Chu Kim Đức chia sẻ.

Từ năm 2018 đến 2024, Chu Kim Đức cùng đồng đội TPG đã thực hiện nhiều dự án sân chơi cho trẻ em tại Trảng Kèo, công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại, sân chơi trường Thuận Nhiên, Travelling Ring Công viên Hạnh phúc xanh phường Cửa Đại, 3 sân trường tiểu học Cẩm An, Lê Độ, Lương Thế Vinh…

Sân chơi cảm xúc

Công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại mang biểu tượng các loài chim quý hiếm trở thành một không gian cảm xúc. Khi được Hội An chỉ định làm công viên trên phần nền bê tông kè biển trải dài, Chu Kim Đức nói, nhóm đã rất khó để nghĩ ra các ý tưởng hài hòa.

Nhưng cuối cùng, từ sự chung tay và đồng cảm, công viên đã hình thành với nhiều ý nghĩa, góp phần đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của cộng đồng lẫn du khách.

Chu Kim Đức (ngoài cùng bên phải) trong một sự kiện tại TP.Hội An.
Chu Kim Đức (ngoài cùng bên phải) trong một sự kiện tại TP.Hội An.

Hội An là thành phố di sản nhưng đang đối mặt với tăng trưởng nóng. Giá đất đai tăng nhanh, các quỹ đất nông nghiệp đang dần chuyển đổi, các dự án bất động sản khắp nơi, nên các sân chơi sẽ còn cần nhiều hơn.

“Cộng đồng cần nhận thức rằng trẻ em phải có không gian chơi gần nhà vì trong sân chơi trẻ học được rất nhiều điều mà không trường lớp nào dạy được, nhất là các trải nghiệm thể chất, tâm lý và xã hội cũng như cách tự giải tỏa căng thẳng do áp lực. Điều này rất cần thiết cho cuộc sống sau này” - KTS. Chu Kim Đức nói.

Là một người khá nhẹ nhàng, nhưng tính cách lại mạnh mẽ, quyết theo đuổi những gì mình làm, và phải thành công, Chu Kim Đức là người ít bị chi phối bởi ngoại cảnh. Chị luôn giáo dục con cái nhận thức về môi trường và các con luôn là những người thử nghiệm đồ chơi mới nhất mà nhóm làm ra.

Năm 2020, Chu Kim Đức nhận giải thưởng là một trong số 100 phụ nữ có sức ảnh hưởng, truyền cảm hứng nhất thế giới do BBC bình chọn. Giải thưởng này mang rất nhiều ý nghĩa với chị và nhóm TPG.

Bởi đây chính là ghi nhận cho việc vượt ra ngoài giới hạn của lĩnh vực nhóm hoạt động, đồng thời giúp cho quyền trẻ em được nhấn mạnh. Cho tới nay, Chu Kim Đức và các bạn đồng nghiệp vẫn miệt mài thực hiện các dự án sân chơi miễn phí cho trẻ em.

Nhóm TPG đã từng làm 1 sân chơi cho trẻ em tại xã Gari, huyện Tây Giang. Hiện cả nhóm chuẩn bị bước vào dự án lớn với Trung tâm Live and Learn - hỗ trợ thanh thiếu niên 2 thành phố Tam Kỳ và Hội An tham gia vào việc cải tạo không gian công cộng xanh và hòa nhập.

Điều thú vị trong các dự án sân chơi của TPG là tất cả đồ chơi đều được làm từ nguyên liệu tái chế, nhưng an toàn khi sử dụng và có độ bền cao. Những đồ chơi như xích đu, cầu trượt, cầu bập bênh, thú nhún bằng lốp xe… được thiết kế khá ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi và lại không quá tốn kém khi đầu tư.

“Tôi nghĩ rằng trẻ em chỉ có thể học được điều gì đó qua chơi tự do, thế nên tôi vẫn tin rằng mỗi người có thể cùng chung tay góp sức theo cách của mình hỗ trợ cho các không gian công cộng xanh bền vững và thân thiện hơn, để cho các thành phố lành mạnh hơn và hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của các công dân tương lai” - đó là niềm tin của Chu Kim Đức - người phụ nữ luôn tìm cách phát triển các công trình cộng đồng, đấu tranh cho quyền được chơi của trẻ em trong tình cảnh tấc đất tấc vàng, có một nơi chốn cho trẻ được chơi cũng là điều khó khăn.

Hy vọng trẻ em khắp nơi sẽ được thỏa thích với mô hình trò chơi mà TPG mang lại, để Chu Kim Đức được nở nụ cười giản dị lành hiền với những gì chị muốn mang tới cho trẻ em Việt Nam.

 

https://baoquangnam.vn/chu-kim-duc-nguoi-mang-niem-vui-cho-tre-em-hoi-an-3139709.html?fbclid=IwY2xjawEz2tBleHRuA2FlbQIxMQABHbiKPIcHuvKQ3xOujBu6Ewa7-gZp-OeMxCEx0s00NRPI7PxDLSl8Kxy0Hg_aem_VgBa0DRyZpY7H0OspiQ4FA&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

Pháp lý xây dựng

“Xanh hóa” khu công nghiệp, xu thế đang trở thành bắt buộc

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ ngành sớm nghiên cứu và xây dựng Luật Khu công nghiệp…

Cần quy hoạch tổng thể và xây dựng tiêu chí phân loại cây xanh đô thị Hà Nội

Để xây dựng mạng lưới cây xanh Hà Nội hoàn chỉnh phát huy được hiệu quả, các đơn vị chức năng cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; xây dựng tiêu chí để phân loại, ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị.

Công bố tên chủ đề ngày Kiến trúc Thế giới năm 2024

Mới đây, Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) đã công bố chủ đề “Trao quyền cho thế hệ kế tiếp trong Thiết kế đô thị có sự tham gia” cho ngày Kiến trúc Thế giới năm 2024, nhằm khuyến khích sự tham gia của các kiến trúc sư trẻ trong hoạt động thiết kế và quy hoạch đô thị...

Quản lý hệ thống không gian xanh và một số gợi ý về tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước theo hướng thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định mục tiêu tổng quát: đến năm 2025 - phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030 - trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; đến năm 2045 - thành phố phát triển toàn diện bền vững. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững”. Như vậy, Nghị quyết này đã xác định: “đô thị xanh” mới là bước khởi đầu để Hà Nội hướng tới trở thành “thành phố xanh” và “thành phố phát triển toàn diện bền vững”.

Giải pháp thiết kế kiến trúc thích ứng biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp bách mà hiện nay các nước trên toàn cầu phải đối mặt. Trong đó, sự gia tăng về nhiệt độ của bề mặt trái đấy, sự dâng lên của nước biển cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan đã đặt ra nhiều thách thức đối với các công trình kiến trúc.

Ý kiến của bạn

PHÁP LUẬT KIẾN TRÚC XÂY DỰNG – TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
SunGroup
VINGROUP
Rạng Đông
Nam Group
Hưng Thịnh Land
Lumi